Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ năm, 2 Tháng 5, 2024 - 07:41

Chống “Viurus số” thông tin giả trên không gian mạng góp phần chiến thắng đại dịch Covid-19

CN. Nguyễn Ngọc Diễm
Viên chức Khoa Xây dựng Đảng
 

Mạng xã hội trong thời đại ngày nay được xem là công cụ hiệu quả để tuyên truyền thông tin, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên đây cũng lại là công cụ để những đối tượng xấu lợi dụng nhằm tuyên truyền, đưa tin sai sự thật. Với rất nhiều tính năng được tích hợp bên trong, mạng xã hội đang trở thành nơi chia sẻ thông tin của người sử dụng một cách dễ dàng và nhanh chóng. Có thể nói mạng xã hội là môi trường để “virus số” thông tin giả ngày càng phát triển.

Theo thống kê từ Cục An ninh Chính trị nội bộ (Bộ Công an), từ đầu tháng 7/2021 đến nay trên các trang đài báo nước ngoài (như BBC, RFA, Việt Nam thời báo...) đã có hơn 100 bài viết có nội dung liên quan đến dịch Covid-19. Chủ yếu các bài viết này xuyên tạc về công cuộc phòng chống dịch của Việt Nam, kích động để gây chia rẽ giữa người dân và chính quyền. Một số tài khoản mạng xã hội của các tổ chức phản động bên ngoài (như Việt Tân, nhật ký yêu nước...) và các tài khoản có âm mưu xấu đã đăng tải những luồng thông tin sai sự thật làm hoang mang dư luận trong nước.

Điển hình như những tin giả: “Từ 0h ngày 15/7, TP.HCM sẽ giới nghiêm người dân, ngưng tất cả các ngành nghề, cấm người dân di chuyển ra ngoài”, “lãnh đạo TP.HCM đã nhiễm Covid-19”, hay bức ảnh nhiều thi thể nạn nhân trong bệnh viện, được chụp ở Indonesia thì lại bị các đối tượng gán là “chụp ở bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM” (1)... Việc xuất hiện, lan truyền các tin giả có thể tác động đến tâm lý, đời sống của cộng đồng, dễ dẫn đến người dân lo sợ thái quá, hoảng hốt, phản ứng dây chuyền, nguy cơ gây mất kiểm soát, ảnh hưởng đến hoạt động của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Hoặc đôi khi những thông tin sai sự thật lại khiến người dân lơ là, thiếu cảnh giác, chủ quan với tình hinh dịch bệnh dẫn đến hậu quả nặng nề.

Riêng tỉnh Bến Tre, từ khi dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện hơn 30 vụ đăng tin sai sự thật và xuyên tạc công tác phòng chống dịch bệnh(2). Các thông tin xoay quanh vấn đề xuyên tạc công tác phòng, chống dịch; bôi nhọ, xúc phạm các lực lượng làm công tác phòng chống dịch; đăng tải thông tin cá nhân của người mắc bệnh; cùng một số thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh…

Cụ thể có thể nêu một số vụ việc đã được lực lượng chức năng đấu tranh, làm rõ:

- Vào ngày 19-6-2021, trên tài khoản Facebook cá nhân, Trần Thanh Vệ (sinh năm 1989, ngụ thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri) đã đăng dòng trạng thái có nội dung: “Nếu dịch bùng phát thì người dân chết thôi chứ... cán bộ và con ông cháu cha chích ngừa hết rồi...”. Hành vi của Trần Thanh Vệ đã bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 7,5 triệu đồng theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Trong buổi làm việc với cơ quan công an, Vệ đã thừa nhận hành vi sai trái của mình và cam kết không tái phạm(3).

- Ngày 26/7/2021, T.L.L.N sinh năm 1999 (ngụ Thị trấn Giồng Trôm) đã sử dụng facebook cá nhân đăng tải nội dung về việc các chốt kiểm soát dịch không cho gia đình đối tượng đi ra ngoài mua thuốc, đi chợ, phải đóng 10.000 đồng để gửi cho lực lượng xung kích xã đi chợ mua đồ và có một số ngôn ngữ xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch. Qua xác minh các nội dung đối tượng phản ánh trên mạng xã hội là không đúng sự thật và đã được Công an huyện Giồng Trôm xử lý theo quy định(4).

- Cùng một số vụ việc khác như việc đăng tải về thông tin cá nhân của người nhiễm Covid-19 làm hoang mang dư luận, gây ảnh hưởng đến tâm lý, hoạt động, sinh hoạt và bức xúc cho gia đình người bị công khai thông tin…

  Nguyên nhân chính của tình trạng nêu trên là do hiểu biết cũng như ý thức chấp hành pháp luật của nhiều người dùng mạng xã hội chưa cao hay đơn giản chỉ muốn “câu view”, “câu like” để tăng sự chú ý, bất chấp hiểm họa của tin giả gây ra cho xã hội cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Từ đó, tạo điều kiện cho các đối tượng thù địch đăng tải những thông tin xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân về những nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch bệnh của Đảng và Nhà nước.

  Trước tình hình đó, để tăng cường phòng, chống “virus số” thông tin giả, thông tin xấu độc trên mạng xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã ban hành một số công văn như: Công văn số 1347/UBND-KGVX ngày 24/3/2020 của UBND tỉnh về việc đưa thông tin tình hình dịch Covid-19 trên mạng xã hội; Công văn số 4298/UBNND-KGVX ngày 25/7/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ và tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19.

  Để góp phần đấu tranh phòng, chống “virus số” thông tin giả, xấu, độc trên mạng xã hội, với góc độ cá nhân thiết nghĩ các tổ chức, cá nhân cần thực hiện các một số nội dung sau:

*Đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị

Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền các cấp chủ động quán triệt, thực hiện nghiêm túc quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí… đảm bảo thông tin được cung cấp chính xác, nhanh nhất, không bị động, tránh gây bất ngờ.

Thứ hai, cấp ủy, chính quyền, các lực lượng chức năng thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, nhất là thông tin trên không gian mạng về công tác phòng, chống dịch để xử lý, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của người dân.

Thứ ba, các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc cung cấp kịp thời thông tin chính thống, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức về dịch Covid-19 cho Nhân dân. Khi nhận thức đúng, có đủ kiến thức cần thiết người dân sẽ bình tĩnh, không nhẹ dạ, cả tin, hoang mang trước những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội. 

Thứ tư, thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục giúp cho người dân am hiểu hơn về pháp luật, nắm rõ về các chế tài xử lý đối với hành vi tung tin giả, tin thất thiệt như:

- Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19:

+ Xử lý hành chính: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với tổ chức (đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức) và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật” (Theo Điểm a Khoản 1 và Khoản 3 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử).

+ Xử lý hình sự: Trường hợp đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid- 19 có thể bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt cao nhất là phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. (Điểm 1.4 khoản 1 Công văn số 45/TANDTC-PC); Người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự (Điểm 1.5 khoản 1 Công văn số 45/TANDTC-PC).

- Hành vi đưa tin không chính xác về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm (dịch bệnh Covid-19) sau khi công bố dịch hoặc công bố hết dịch theo nội dung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cung cấp.

Mức phạt: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với cá nhân (đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân). Ngoài hình thức xử phạt chính, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: “Buộc cải chính thông tin sai sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn đã đưa tin trước đó liên tục trong 03 ngày theo quy định của pháp luật” (Theo Điểm a Khoản 3 và Điểm a Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).

* Đối với cán bộ, công chức, viên chức nói chung, viên chức Trường Chính trị nói riêng

- Nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, phải là một tuyên truyền viên trên không gian mạng về công tác phòng, chống dịch. Thể hiện trách nhiệm với chính bản thân mình và cộng đồng ở việc hình thành một “bộ lọc” chuẩn khi tiếp nhận và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

- Chủ động thực hiện tốt, đồng thời chia sẻ thông tin tuyên truyền nội dung Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch; các thông báo kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; các biện pháp phòng, chống dịch…

- Tích cực tham gia viết bài, “chia sẻ” những gương người tốt, việc làm hay trong phong trào thi đua phòng, chống dịch theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực”; kiên quyết đấu tranh, phê phán, phản bác mạnh mẽ với những bài viết có nội dung thông tin giả, tin đồn thất thiệt, thổi phồng, bóp méo, xuyên tạc sự thật trên địa bàn tỉnh Bến Tre nói riêng và cả nước nói chung.

* Đối với mỗi cá nhân khi tham gia mạng xã hội: Cần bình tĩnh, tỉnh táo, sàng lọc thông tin trước khi tiếp nhận, đăng tải lên mạng xã hội, tránh biến mình thành công cụ phát tán thông tin giả của những kẻ có ý đồ xấu, gây hoang mang dư luận; Chủ động chọn lựa tiếp cận những thông tin được cập nhật kịp thời, minh bạch, chính xác từ Bộ Y tế và các báo đài chính thống; Đồng thời tích cực áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân, cho gia đình và cộng đồng.

Mỗi cá nhân bên cạnh việc thực hiện theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tếKhẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Khai báo y tế - Không tụ tập”, khi tham gia mạng xã hội cũng cần thực hiện 5K trong phòng chống tin giảKhông tin ngay – Không vội bấm “Thích” – Không thêm thắt – Không kích động – Không vội chia sẻ”.

Trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” thì mỗi người dân chính là một chiến sĩ, không chỉ chiến đấu với giặc Covid-19 mà cần tỉnh táo, có trách nhiệm trước “virus số” tin giả để vừa có thể góp phần chiến thắng đại dịch, vừa xây dựng được một môi trường mạng văn minh, lành mạnh. Vắc-xin chính là ý thức trách nhiệm và cái đầu tỉnh táo của mỗi chúng ta./.

Ghi chú:

(1) Theo Thông tin từ Cổng thông tin Đài tiếng nói Việt Nam (https://vov.vn/)

(2), (3) Thông tin từ Báo Đồng Khởi

(4) Thông tin từ Fanpage “Đất Thép” – Công an huyện Giồng Trôm

Phòng, chống dịch Covid-19: 

Tin khác