Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ bảy, 20 Tháng 4, 2024 - 12:10

Phát huy sức mạnh của tinh thần đoàn kết trong công tác phòng chống dịch Covid-19

CN. Nguyễn Thị Hoài Thu
Viên chức Khoa Nhà nước và pháp luật
 

Đoàn kết toàn dân tộc là một giá trị tinh thần to lớn, một truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc trong suốt mấy ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đoàn kết đã trở thành một động lực to lớn, một triết lý nhân sinh và hành động để dân tộc ta vượt qua bao biến cố, thăng trầm của thiên tai, địch họa, để tồn tại và phát triển bền vững. Trong công cuộc dựng nước và giữ nước lâu dài của dân tộc Việt Nam, việc tập hợp, đoàn kết và huy động được sức mạnh của Nhân dân tham gia là chìa khóa chủ yếu dẫn tới thắng lợi. Toàn dân đoàn kết trở thành truyền thống nổi bật và cực kỳ quý báu của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Đây là quan hệ nhân quả: đoàn kết tạo nên sức mạnh, sức mạnh được thống nhất sẽ đưa tới thành công.

Đại dịch (COVID-19) đã bùng phát tại nước ta vào đầu năm 2020, tính đến đợt bùng phát dịch lần thứ 4 nước ta đã ghi nhận hơn 200.000 ca bệnh. Trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã và đang tác động sâu rộng tới đời sống Nhân dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và Nhân dân cần tập trung mọi nguồn lực, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta chúng ta có thể thấy rằng tinh thần đoàn kết toàn dân tộc đó là truyền thống quý báu, nguồn sức mạnh, động lực quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Đăc biệt từ khi có Đảng lãnh đạo, toàn dân tộc Việt Nam luôn đoàn kết một lòng theo Đảng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng toàn dân tộc. Trong thời gian qua, trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch, một lần nữa truyền thống đoàn kết toàn dân tộc lại kết thành làn sóng mạnh mẽ vượt qua khó khăn, chung tay cùng với Đảng, Nhà nước quyết tâm chống lại dịch bệnh.

Dịch bệnh đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nước nhà, làm cho đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, càng trong khó khăn gian khổ chúng ta càng cảm thấy thật đáng tự hào khi tình thương yêu đồng bào, đồng chí, trách nhiệm, sự cống hiến cho cộng đồng, quốc gia, dân tộc càng được nhân lên và lan tỏa mạnh. Với quan niệm coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, Đảng, Nhà nước không để ai bị bỏ lại phía sau, không ai bị bỏ ngoài xã hội. Chính phủ đã tổ chức các chuyến bay đến những nước đang có tâm dịch, đón những người con đất Việt về nước, những người con xa quê hương, xa đất nước được trở về và được đón tiếp chu đáo trong khu cách ly, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa vị, giai tầng xã hội.

Bên cạnh đó, Chính phủ sử dụng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng góp phần giúp người dân thuộc các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không bảo đảm mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19[1]. Để giúp người lao động và người sử dụng lao động vượt qua khó khăn do đại dịch, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ như: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, ngừng việc…[2]. Tất cả hoạt động Chính phủ đều vì lợi ích của Nhân dân của toàn dân tộc, tạo niềm tin vững chắc của Nhân dân về khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cùng với Chính phủ giải quyết khó khăn cho người dân, Nhân dân cả nước với tinh thần giúp đỡ đùm bọc lẫn nhau đã tổ chức những phiên chợ, cửa hàng 0 đồng; những chuyến xe, bữa cơm miễn phí… Đây là tấm lòng của Nhân dân, nguồn lực lớn nhất của đất nước trong phòng, chống dịch bệnh. Tất cả vì sức khỏe của Nhân dân, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, toàn hệ thống chính trị đã đồng lòng phát huy sức mạnh đoàn kết để chống dịch. Tất cả các ngành, các cấp đều nhiệt tình hưởng ứng tham gia, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã tích cực ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19. Sự tự nguyện của đội ngũ y, bác sĩ đã nghỉ hưu, của sinh viên các trường Y, các trường Công an nhân dân, Quân đội nhân dân xung phong ra tuyến đầu chống dịch; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trên tuyến đầu và cả ở hậu phương trong chiến dịch phòng, chống COVID-19; sự đoàn kết của những chiến binh áo trắng các tỉnh, thành nơi không có dịch đã không quản ngại hiểm nguy xung phong lên đường hỗ trợ tăng cường lực lượng đến những nơi dịch đang bùng phát mạnh để tiến hành tổ chức xét nghiệm, cách ly, chăm sóc, cứu chữa cho các bệnh nhân.

Hiện nay đại dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, các biến thể mới của loại virus này không ngừng tiến hóa đe dọa đến tính mạng sức khỏe của người dân. Trước tình hình đó, sức mạnh của tinh thần đoàn kết cũng đã hun đúc thành năng lượng trí tuệ, sáng tạo. Để phòng ngừa COVID-19, Việt Nam đã sản xuất và thử nghiệm thành công vaccine Nanocovax và được nhiều nước trên thế giới đề nghị chuyển giao công nghệ. Thành quả đó là kết quả của tinh thần đoàn kết dân tộc, luôn đồng lòng chung sức trong cuộc chiến chống đại dịch trên mọi lĩnh vực.

Tại tỉnh Bến Tre, tình hình dịch bệnh diễn ra ngày càng căng thẳng và phức tạp. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bến Tre đã đoàn kết chung sức đồng lòng, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Đầu tiên, là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trên tuyến đầu với hậu phương trong chiến dịch phòng, chống COVID-19. Đó là sự đoàn kết của đội ngũ y, bác sĩ không quản ngại hiểm nguy, có thể lây nhiễm bất cứ lúc nào để chăm sóc, cứu chữa cho các bệnh nhân, tổ chức xét nghiệm và cách ly những người nghi nhiễm. Sự phối hợp của lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, các cơ quan thông tin truyền thông, các ban, ngành, đoàn thể quần chúng và các lực lượng khác có liên quan đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ tại các chốt gác, khu vực cách ly ở khắp các tuyến, địa bàn trong toàn tỉnh. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người Đảng, Chính quyền, Nhân dân tỉnh Bến Tre đã kịp thời phát hiện, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đối với những người đi, đến từ vùng dịch, ổ dịch, những người tiếp xúc gần với các ca bệnh. Để hỗ trợ người dân Bến Tre đang làm việc, học tập, sinh sống ở vùng dịch về địa phương, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh đã phối hợp với Ban Liên lạc Đồng hương tỉnh Bến Tre tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức những chuyến xe đón công dân của tỉnh có hoàn cảnh khó khăn, hiện đang sinh sống, làm việc, học tập ở Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh có nguyện vọng trở về Bến Tre.

Nói đến sự tình nguyện, xung kích là nói đến các chiến sĩ, đoàn viên thanh niên. Với tinh thần “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên” đã không ngại gian khó, lấy sức trẻ, lòng nhiệt huyết góp một phần công sức trong phòng, chống dịch như: giúp đỡ bà con mua những vật dụng cần thiết và các nhu yếu phẩm tại khu vực phong tỏa, thành lập các bếp ăn thiện nguyện tại các chốt gác, vận hành siêu thị 0 đồng, đội hình “shipper xanh” đi chợ hộ mua lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc trị bệnh cho hộ dân neo đơn, gặp điều kiện khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội. Tinh thần đoàn kết còn thể hiện qua truyền thống “thương người như thể thương thân” của những người con quê hương Đồng Khởi, để góp phần nào chia sẻ khó khăn với người dân tại khu vực bị phong tỏa, các nhà hảo tâm đã tích cực vận động ủng hộ nguyên góp những mặt hàng thiết yếu, lương thực thực phẩm để hỗ trợ cho người dân vùng dịch trên địa bàn tỉnh.

Tiếp đến, là sự đồng lòng của toàn dân trong cuộc chiến chống dịch. Hưởng ứng Lời kêu gọi “Toàn dân đoàn kết, ra sức chống dịch bệnh COVID-19” của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bến Tre đã thành lập Quỹ vacxin phòng chống COVID-19 và được sự ủng hộ nhiệt tình của các tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Với truyền thống “thương người như thể thương thân”, tập thể, cá nhân trong tỉnh đã đóng góp sức người, sức của, cả về vật chất và tinh thần cho cuộc chiến chống dịch. Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre đã làm đầu mối hỗ trợ tiêu thụ hơn 100 tấn vải thiểu Bắc Giang, 08 tấn khoai lang Vĩnh Long … góp phần tháo gỡ khó khăn trong lưu thông và tiêu thụ nông sản của những địa phương có sản lượng nông sản lớn, sản xuất tập trung trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân trong tỉnh còn nhiệt tình, tích cực tham gia, các hoạt động thiết thực như: hiến máu nhân đạo đảm bảo lượng máu cung cấp kịp thời cho ngành y cấp cứu và điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19; hỗ trợ hàng thiết yếu cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và những người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.

 Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, ngày 15/8/2021 Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre đã ra lời kêu gọi toàn đảng bộ, toàn dân và toàn thể Nhân dân trong tỉnh đoàn kết quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi sự lây lan dịch bệnh trong thời gian sớm nhất “tăng cường đoàn kết, phát huy tinh thần Đồng Khởi anh hùng, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19 trong thời gian sớm nhất, đưa Bến Tre thành “vùng xanh” để tập trung vào nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống người dân trong giai đoạn mới”. Lời kêu gọi ấy đã được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Qua đây, chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn từ truyền thống đại đoàn kết của toàn dân tỉnh Bến Tre nói riêng và toàn dân tộc Việt Nam nói chung. Hơn bao giờ hết, càng khó khăn, thử thách, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, sống có nghĩa, có tình, mang đậm bản sắc văn hóa Việt lại càng tỏa sáng; cả dân tộc kết thành một khối thống nhất về ý chí và hành động, tạo nên sức mạnh to lớn để phòng, chống dịch.

Dịch bệnh đang diễn biến ngày càng căng thẳng và phức tạp với tinh thần “mỗi người dân là chiến sĩ, mỗi gia đình là pháo đài chống dịch COVID-19”, sự đoàn kết toàn dân không chỉ là động lực quan trọng để vượt qua dịch bệnh mà còn là cơ hội để khẳng định sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Lịch sử đã chứng minh rằng, trong bất kỳ cuộc chiến hay khó khăn, thách thức nào, đất nước ta, dân tộc ta cũng sẽ giành được thắng lợi nếu toàn dân đoàn kết một lòng. Do đó, hơn bao giờ hết, mỗi người trong chúng ta cùng nhau lan tỏa hơn nữa tinh thần “lá lành đùm lá rách” trong giai đoạn khó khăn này. Người có công góp công, người có của góp của, người chưa có điều kiện thì cố gắng thực hiện tốt các quy định để phòng, chống dịch, khi người dân cả nước chung vai gắng sức thì sẽ tạo nên sức mạnh dân tộc tổng hợp để giúp đất nước ta ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh./.

 

[1]  Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

[2] Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do đại dịch Covid-19

Phòng, chống dịch Covid-19: 

Tin khác