Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 22:22

Phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong cuộc chiến chống Covid-19 dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh

CN. Nguyễn Thị Mai Trâm
Viên chức Khoa Lý luận cơ sở
 

Dân tộc Việt Nam có lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Trong quá trình đấu tranh chống kẻ thù hùng mạnh từ nhiều nơi đến, Nhân dân Việt Nam đã thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường, sự thông minh sáng tạo, ý thức độc lập tự chủ, tự lực, tự cường. Nhờ vậy mà Nhân dân Việt Nam liên tục đứng lên giành được độc lập dân tộc và giành thắng lợi hoàn toàn.

Vận dụng, phát triển những giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.

Tự lực, tự cường trong tư tưởng Hồ Chí Minh là không phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài; là tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính; có quan điểm độc lập trong quan hệ quốc tế; là phải nhận thức rõ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc với chủ nghĩa quốc tế trong sáng; là sự chủ động, chuẩn bị mọi mặt các điều kiện của cách mạng; là đặc biệt chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của Nhân dân; là quyết tâm bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc. Người luôn nêu cao khẩu hiệu: “Muốn người ta giúp cho, thì trước hết phải tự giúp lấy mình đã” [1], “đem sức ta mà giải phóng cho ta” [2], “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập” [3]. Thực tiễn cho thấy, từ những thắng lợi của cách mạng Việt Nam bên cạnh sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế là rất quan trọng, nhưng chính sự nổ lực, cố gắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã tạo nên nguồn sức mạnh nội lực to lớn, là nhân tố quyết định thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, tinh thần tự lực, tự cường đã được vận dụng, phát triển xuyên suốt qua các kỳ Đại hội, vừa qua Đại hội XIII của Đảng đã xác định các quan điểm chỉ đạo công cuộc đổi mới hiện nay, trong đó nhấn mạnh: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” [4].

Hiện nay, tình hình dịch bệnh rất phức tạp trên thế giới, nhất là biến chủng Delta bùng phát mạnh, lây lan nhanh và tử vong tại nhiều nước, kể cả các quốc gia đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao. Dịch bệnh này bùng phát vào tháng 12-2019, nay đã nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 hiện nay là cuộc chiến chống loại “giặc” vô hình. Trong khó khăn, thách thức, một lần nữa tinh thần tự lực, tự cường trong quan điểm Hồ Chí Minh được khẳng định cả về giá trị lý luận và thực tiễn tiếp tục tỏa sáng.

Những ngày đầu chống dịch, bằng chính tinh thần tự lực, tự cường, Việt Nam đã chủ động xây dựng chiến lược dự phòng với tình huống xấu nhất, xây dựng các kịch bản cách ly theo các mức độ. Tập huấn cho mạng lưới y tế từ tuyến xã đến tuyến trung ương, kết nối các cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo đủ nguồn cung các thiết bị y tế. Nhất quán với chiến thuật giám sát chặt, cách ly nhanh, khoanh vùng triệt để, nhà nước đã triển khai nhiều chính sách như khai báo y tế điện tử toàn dân và du khách nước ngoài, xét nghiệm và điều trị miễn phí, cách ly miễn phí và hỗ trợ tiền ăn, đảm bảo nguồn cung thực phẩm, kiểm soát nhập cảnh ngưng tiếp nhận người nước ngoài vào Việt Nam. Các chính sách ngăn chặn lây lan cũng đã được thực hiện kiên quyết như đóng cửa trường học, ngưng mọi hoạt động tập trung đông người, bắt buộc sử dụng khẩu trang nơi công cộng, yêu cầu các đơn vị kinh doanh tạm ngưng hoạt động, các doanh nghiệp thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, tích cực, tự giác tham gia các phong trào, chương trình ủng hộ việc phòng, chống dịch Covid-19.       

Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tỉnh phải chủ động lo cho tỉnh, huyện lo cho huyện, xã lo cho xã, thôn, bản, ấp, tổ dân phố cũng phải tự lo cho mình; từng người dân phải có trách nhiệm với chính mình, chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và vì sức khỏe của cộng đồng. Các địa phương đã chủ động ban hành các kế hoạch, kịch bản ứng phó về phòng chống dịch Covid-19 đến các Trạm y tế các xã, thị trấn; đến cán bộ y, bác sĩ, nhân viên và người lao động để thực hiện. Tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền qua loa truyền thanh cơ sở, tuyên truyền bằng xe lưu động.

Một số địa phương xảy ra dịch Covid-19 cũng đã chủ động “đi trước một bước” đó là “ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng và dập dịch”. Nhiều địa phương cũng đã rất thành công với bài học nhận diện, chủ động phòng, chống; chủ động chuẩn bị phương án, vật tư...

Trong công tác phòng, chống đại dịch, Việt Nam không trông chờ ỷ lại sự giúp đỡ của các quốc gia khác, nhằm phát huy sức mạnh nội sinh, Việt Nam chủ động đẩy mạnh nghiên cứu vaccine Covid-19. Việc sản xuất vaccine trong nước thể hiện tinh thần tự lực, tự cường, độc lập tự chủ trong đảm bảo an ninh y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi vaccine trên thế giới rất khan hiếm. Ngoài ra, chúng ta sản xuất nhiều chế phẩm đặc biệt nghiên cứu, thiết kế chế tạo hệ thống robot y tế vận chuyển trong khu cách ly bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao để thay thế con người vận chuyển đồ ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm từ ngoài khu cách ly vào trong khu vực cách ly, đến từng phòng để phục vụ người bệnh.

Đặc biệt, trong nước đã nhận được sự đồng thuận, đồng tình, hưởng ứng, chấp hành nghiêm túc, sự ủng hộ, động viên về vật chất và tinh thần của Nhân dân cả nước và cả đồng bào ta ở nước ngoài. Nhiều người đã sẵn lòng “nhường cơm sẻ áo”, các tổ chức và đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài tham gia đóng góp ủng hộ về vật chất lẫn tinh thần để cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp và nhiều bộ ngành đã tình nguyện đóng góp nguồn lực tài chính, thời gian, sức lực, kinh nghiệm và những sáng kiến thiết thực cho công tác phòng, chống dịch.

Riêng địa bàn tỉnh Bến Tre, từ khi dịch bùng phát, các cấp, các ngành đã linh động đề ra các phương án phòng, chống dịch: Lập chốt kiểm soát dịch và cho test nhanh toàn bộ người dân ngoài tỉnh đến địa phương; chủ động thực hiện khoanh vùng, phong tỏa, cách ly khu vực có ca nhiễm; đề nghị các doanh nghiệp, khu công nghiệp, thực hiện nghiêm theo nguyên tắc “4 tại chỗ” của Chính phủ; tỉnh Bến Tre đã thành lập 4 bệnh viện dã chiến với khoảng 1.500 giường bệnh; tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 theo Kế hoạch số 4189/KH-UBND ngày 20/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh, đặc biệt là nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của quần chúng nhân dân trong các chủ trương của Tỉnh.

Tại Trường Chính trị Bến Tre, khi tình hình dịch bệnh trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung diễn biến phức tạp. Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã chủ động chỉ đạo giảng viên, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch: Phân công Chi đoàn tham gia đo thân nhiệt, phân công giảng viên, viên chức, người lao động luân phiên trực cơ quan; thường xuyên nhắc nhở đến các đồng chí trong cơ quan không ngừng nâng cao ý thức phòng dịch, lan tỏa thông điệp “Một người lơ là, cả xã hội vất vả”.

Như vậy, bên cạnh những thành công bước đầu, chúng ta vẫn vướng những hạn chế, bất cập: Nhiều nơi, có lúc bị động, lúng túng trong phòng, chống dịch; công tác triển khai các biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 15, 16 ở một số địa phương còn chưa nghiêm, nhất là người dân còn tâm lý lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch; một số cán bộ chưa thật sự chủ động, trách nhiệm trong phòng, chống đại dịch…

Để giải quyết những khó khăn trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường đến từng cá nhân, tập thể, tổ chức như sau:

Một, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, tổ chức. Các cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành cần chủ động nắm bắt kịp thời, đầy đủ, kỹ lưỡng những nội dung chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của Tỉnh ủy; bám sát và nắm chắc thực tiễn tại cấp ủy, địa phương, đơn vị; dự báo tình hình để thực sự chủ động áp dụng, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức triển khai thực hiện phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh có kết quả.

Hai, tuyên truyền kết hợp với xử phạt nghiêm minh để lan tỏa, nâng cao ý thức nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh.

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân là vấn đề quan trọng và then chốt, cần tuyên truyền cho người dân hiểu và thực hiện, đặc biệt là đối với bộ phận người dân còn thờ ơ, lơ là, chấp hành chưa nghiêm. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú như trên hệ thống loa truyền thanh, tờ rơi, áp phích. Nội dung bài tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, tập trung vào các văn bản, chỉ thị của Chính phủ, Bộ Y tế … về phòng, chống dịch Covid-19 giúp người dân dễ dàng nắm bắt và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho chính bản thân, bảo vệ cộng đồng.

Bên cạnh đó, kết hợp tuyên truyền và tăng cường giám sát, xử phạt nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19 để nâng cao ý thức của người dân.

Ba, cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, tổ chức rà soát, cập nhật các kịch bản, phương án ứng phó với tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, bảo đảm luôn sẵn sàng, chủ động đáp ứng với các tình huống của dịch bệnh.

Bốn, mỗi người dân cần tự lực, tự cường, tự nâng cao ý thức thực hiện đầy đủ các khuyến cáo trong phòng, chống dịch. Phát huy tinh thần “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà, thôn bản, xóm, làng, khu phố là một pháo đài chống dịch” vì vậy mỗi người dân luôn nâng cao ý thức, trách nhiệm cá nhân chủ động, quyết liệt, tích cực, đoàn kết để đạt hiệu quả sớm nhất.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, bằng sự đoàn kết, đồng lòng, tinh thần tự lực, tự cường được phát huy chúng ta đã mạnh mẽ vượt qua ba đợt dịch lớn và trong đợt dịch thứ tư này nhất định chúng ta cũng sẽ chiến thắng./.

Chú thích:

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.2, tr.320.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.1, tr.17.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.7, tr.445.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.1, tr.34.

5. Trang Thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid – 19, Bộ Y tế.

6. Đề cương chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”

Phòng, chống dịch Covid-19: 

Tin khác