Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 15:27

Giải pháp hiện thực hóa khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc”

CN. Nguyễn Phước Bình
Viên chức Phòng QLĐT&NCKH
 

Ngày 11/3/2020, tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) là một đại dịch toàn cầu. Tại Việt Nam, dịch bệnh đã xảy ra ngày 23/01/2020 (thời gian xác định ca nhiễm đầu tiên), với việc nhìn nhận, đánh giá sự nguy hiểm của dịch bệnh, Đảng, Nhà nước ta xác định dịch này là một thứ “giặc”, nhanh chóng ra văn bản chỉ đạo, kích hoạt sự vào cuộc của hệ thống chính trị với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ, cùng với đó là việc ban hành các quyết sách, chính sách, chủ trương sáng suốt, kịp thời đã dẫn tới thành công trong công tác phòng, chống Covid-19 ở nước ta thời gian qua, được Nhân dân trong nước tin tưởng, bạn bè quốc tế cảm phục trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”. Hiện nay dịch bệnh đang bùng phát lần thứ tư với biến chủng Delta có tốc độ lây nhanh và nguy hiểm khôn lường. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục bước cuộc chiến đấu phòng, chống dịch Covid-19 với tư tưởng chỉ đạo và phương châm hành động là “chống dịch như chống giặc” để đưa đời sống Nhân dân trở lại trạng thái “bình thường mới”. Vậy, vì sao lại gọi “chống dịch như chống giặc”?

Chống dịch như chống giặc có thể hiểu theo phương diện sự nguy hiểm của dịch bệnh như giặc ngoại xâm. Trước hết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) là một đại dịch toàn cầu, cho thấy sự nguy hiểm bởi tốc độ lây lan nhanh và có nhiều biến thể (hiện nay là biến thể Delta). Nguy cơ tử vong rất cao khi nhiễm bệnh và đặc biệt nguy hiểm đối với người có bệnh nền, với đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư số ca nhiễm và tử vong tăng cao, đây là vấn đề cấp bách được quan tâm nhất hiện nay. Đồng thời dịch bệnh xảy ra và kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân.

Thứ hai, chống dịch như chống giặc ở Việt Nam có nghĩa trong dịch có giặc: giặc trong chống dịch tại Việt Nam là những cá nhân, phần tử cực đoan, tổ chức phản động xuyên tạc về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về chống dịch bệnh Covid-19; xuyên tạc về kết quả chống dịch của Việt Nam khi cho rằng sự thành công trong chống dịch là dựa vào “may mắn”. Vậy còn giặc nào nữa hay đã hết? Câu trả lời là vẫn còn giặc. Đó là những người tiếp tay cho giặc Covid-19 hoành hành với vũ khí mang tên “thiếu ý thức hoặc kém ý thức hoặc không có ý thức” khi không tuân thủ nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh, không khai báo y tế hoặc khai báo y tế gian dối, không thực hiện cách ly theo quy định, trốn khỏi khu cách ly hay vùng phong tỏa do có dịch bệnh, cố ý tụ tập đông người. Đó là những người vì “câu view, câu like” tạo chú ý trên mạng xã hội bằng việc đưa lên mạng xã hội những thông tin sai sự thật về dịch bệnh gây hoang mang dự luận; những người lợi dụng mạng xã hội với ngụy biện “quyền tự do ngôn luận” xúc phạm bôi nhọ lực lượng thực hiện nhiệm vụ chống dịch, phát ngôn gây chia rẽ hiểu lầm về lực lượng tình nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch. Đó là những cá nhân, tổ chức lợi dụng dịch bệnh để nâng giá các mặt hàng thiết yếu tìm lợi nhuận, nâng khống giá trang thiết bị y tế để bỏ túi riêng.

Tóm lại, đã gọi là giặc thì mức độ nguy hiểm không thể lường trước và luôn phức tạp, do đó cần phải triệt tiêu bằng mọi biện pháp. Trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm giành độc lập của dân tộc ta, giặc được ta nhận định rõ từ đối tượng, chiến lược, âm mưu, thủ đoạn, lực lượng tham chiến, vũ khí để từ đó Đảng ta đưa ra đường lối, sách lược phòng thủ, đối phó để giành thắng lợi. Đối với cuộc chiến chống dịch bệnh hiện tại, giặc Covid-19 là giặc vô hình, gọi là vô hình vì mắt thường con người không thể nhìn thấy, chỉ phát hiện khi có ca nhiễm, cùng với đó là các thế lực thù địch, phản động, lưu vong luôn chống phá bằng mọi luận điệu vô căn cứ để xuyên tạc. Vì vậy, đây là cuộc chiến đầy cam go, khắc nghiệt, do đó phải luôn phòng thủ và khoanh vùng nhanh chóng để tiêu diệt nhanh nhất. Câu hỏi đặt ra: Chống giặc Covid-19 như thế nào?

Một là, về mục tiêu trong cuộc chiến chống giặc Covid-19: Hiện nay, dịch bệnh đang diễn ra hết sức phức tạp và nguy hiểm, số ca nhiễm tăng nhanh, tỷ lệ tử vong khá cao. Do đó, hệ thống chính trị phải tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế” trong đó ưu tiên phòng, chống dịch để nhanh chóng đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để đạt miễn dịch trong cộng đồng, từ đó bảo vệ, mở rộng vùng xanh (vùng không có dịch), thu hẹp vùng đỏ (vùng có dịch) trong thời gian sớm nhất. Đồng thời tăng cường thông tin tuyên truyền và kêu gọi người dân tự giác thực hiện các quy định phòng, chống dịch; về lâu dài, nhanh chóng khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của dịch; đồng thời ra sức phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Hai là, về quan điểm chỉ đạo và phương châm: Quyết tâm phòng, chống, đẩy lùi dịch Covid-19, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc bảo vệ sức khỏe Nhân dân là trước hết, trên hết với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, phấn đấu đạt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.       

Ba là, về sức mạnh và lực lượng tham gia chống giặc Covid-19: Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị. Ngày từ đầu, Đảng và Nhà nước đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh. Tiếp đến, các cấp, các ngành, các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở cấp mình, trong đó lực lượng y tế, công an, quân đội là nòng cốt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bên cạnh việc tăng cường, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, Đảng  và Nhà nước ta cũng đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường hợp tác, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ, trao đổi và chia sẽ kinh nghiêm với các nước trong khu vực và thế giới vì dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu và là vấn đề toàn cầu.

Bốn là về “chiến thuật” chống giặc Covid-19: Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết toàn dân trong đó “mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch”. Trong Công điện của Thường trực Ban Bí thư ngày 21/7/2021 về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 gửi: Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; các tỉnh ủy, thành ủy; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương nêu rõ:

 1. Toàn hệ thống chính trị tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch. Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới, đặc biệt là Kết luận số 07-KL/TW, ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời các địa phương, tổ chức, cá nhân làm tốt; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.  

 2. Bí thư các tỉnh ủy, thành ủy, người đứng đầu cấp ủy tập trung chỉ đạo sát sao, phát huy vai trò của các cấp ủy, chính quyền, huy động cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch theo phương châm bốn tại chỗ với tinh thần chủ động, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo; thực hiện nghiêm các giải pháp giãn cách, cách ly, khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, điều trị, tiêm vaccine, đặc biệt là tại các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và các vùng, địa phương có nguy cơ cao, nhằm kiểm soát kịp thời và khống chế hiệu quả, không để dịch lan rộng; triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ cuộc sống của người dân; mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch; chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

3. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và ngành y tế cần tiếp tục chỉ đạo kịp thời các địa phương xây dựng kịch bản, giải pháp cụ thể phòng, chống dịch như: Phòng ngừa, xét nghiệm, điều trị... phù hợp với diễn biến mới của dịch bệnh; tập trung đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất, mua và tiêm vaccine. Các cấp, các ngành chủ động phối hợp, đề xuất các chính sách để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về huy động, sử dụng nguồn lực; bảo đảm đầy đủ hàng hóa thiết yếu; chủ động nguồn lực để mua sắm trang, thiết bị, vật tư y tế; các giải pháp, phương án hỗ trợ, chi viện hiệu quả cho các địa phương gặp khó khăn, địa bàn trọng điểm, các đô thị lớn, khu vực đông dân cư.

4. Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng phòng, chống dịch cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân; khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn; có giải pháp thiết thực chăm lo, hỗ trợ cho người dân, nhất là những đối tượng khó khăn, yếu thế.

5. Lực lượng vũ trang ngoài việc tham gia phòng, chống dịch hiệu quả, chủ động phối hợp với các cơ quan, địa phương có các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, không để bị động, bất ngờ, kiên quyết xử lý các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh xuyên tạc, kích động, chống phá làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cản trở công tác phòng, chống dịch.

6. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền định hướng dư luận xã hội, góp phần củng cố niềm tin, xây dựng quyết tâm, tạo sự thống nhất cao trong công tác phòng, chống dịch; tránh tâm lý chủ quan khi đã áp dụng các giải pháp phòng, chống dịch, nhất là sau khi tiêm vaccine; tránh khai thác đưa tin một chiều, thiếu kiểm chứng gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.

Dịch bệnh do giặc Covid-19 gây ra đang diễn biến rất phức tạp, khó lường do vậy, phải hết sức chủ động phòng, chống kịp thời và hiệu quả. Vì vậy toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải thực hiện tốt lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng. Tôi yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 từ Trung ương tới cơ sở phải quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung cao nhất công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực; chủ động nắm chắc và dự báo, kiểm soát tốt tình hình; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh; linh hoạt, sáng tạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công việc hệ trọng này”[1].

Tại Bến Tre, dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, 9/9 đơn vị huyện, thành phố thuộc tỉnh đều đã có ca nhiễm. Trong đó, “tính từ 18h ngày 05/8 đến 6h ngày 06/8/2021, tỉnh Bến Tre ghi nhận thêm 43 ca mắc mới, nâng tổng số ca trong toàn tỉnh cộng dồn 1.025 ca (Trong ngày số ra viện là 16 ca, cộng dồn ra viện: 262 ca, số ca tử vong cộng dồn 17 ca)”[2]. Hiện tại, tỉnh đang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ ngày 02/8 đến ngày 15 tháng 8 năm 2021. “Đây là thời điểm có ý nghĩa quyết định trong việc ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19; việc tiếp tục thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của các tổ chức, cá nhân, cũng như cuộc sống hàng ngày của nhân dân, nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vì mục tiêu “Bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết…”[3]. Sự quyết liệt trong lãnh chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, đoàn kết và thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đem lại kết quả bước đầu quan trọng trong thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ (lần 1) từ 0h ngày 19/7/2021 đến ngày 01/8/2021. Trên tinh thần phát huy những kết quả đạt được, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh Ban Thường vụ Tỉnh ủy  yêu cầu trong công tác phòng chống dịch bệnh phải đảm bảo:

“Rõ ràng, mạch lạc: phân công, quy định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của từng cá nhân, đơn vị.

Nghiêm: thực hiện nghiêm túc, triệt để, chặt chẽ yêu cầu giãn cách xã hội; đặc biệt, trong các khu vực phong tỏa, cách ly tập trung, cách ly tại nhà, doanh nghiệp, khu công nghiệp,... cần phải thực hiện chặt chẽ hơn, cao hơn, nhanh hơn mức nguy cơ; vừa làm, vừa thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn; không để “chặt ngoài, lỏng trong”.

Chắc: bảo đảm duy trì kết quả chắc chắn, bền vững; làm đến đâu chắc đến đó.

 Hiệu quả: phát hiện nhanh nguồn bệnh, truy vết hiệu quả, phong tỏa, cách ly chặt chẽ, nghiêm túc; kiềm chế, giảm thấp nhất và chấm dứt số ca nhiễm mới; tăng cường thể lực, điều trị tích cực bệnh nhân bị lây nhiễm, cố gắng không để bệnh nhân chuyển nặng, giảm đến mức thấp nhất ca tử vong.”[4]

Bên cạnh đó, phải thực hiện cao điểm thi đua “Đồng Khởi mới” trong phòng chống “giặc” Covid-19 với những mục tiêu cụ thể. Trong đó, phải luôn nêu gương, phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh, bình tĩnh, tin tưởng thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng, chống “giặc” Covid-19 với tinh thần “Mỗi đơn vị, tổ chức là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ”[5].

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam,  Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rất rõ: “Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng căn cứ vào tình hình trong nước và trên thế giới, đề ra những khẩu hiệu, mục đích và kế hoạch đấu tranh. Đảng quy định ở giai đoạn nào thì phải dựa vào lực lượng nào, đoàn kết lực lượng nào, cô lập và phân hóa lực lượng nào, để tiêu diệt kẻ thù của giai cấp, của nhân dân. Khẩu hiệu chính trị đúng, thì toàn dân thấy rõ phương hướng, nhận rõ ai là bạn, ai là thù, đoàn kết chặt chẽ xung quanh Đảng, để đánh thắng kẻ thù của cách mạng”[6]. Vì vậy, có thể khẳng định rằng: khẩu hiệu chống dịch như chống giặc là sự vận dụng linh hoạt, cụ thể hóa chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng, chống dịch bệnh. Với sự quyết tâm và quyết liệt trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại Bến Tre nói riêng và cả nước nói chung sẽ tiếp tục đánh thắng giặc Covid-19 và đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới” đúng như lời Bác đã dạy: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”[7]./.

 

[1] Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (ngày 29/7/2021).

[2] Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bến Tre, cập nhật trên cdcbentre.gov.vn

[3] Lời Kêu gọi của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tinh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bến Tre toàn đảng bộ, toàn quân, toàn dân tỉnh Bến Tre quyết tâm thực hiện nghiêm và có kết quả giai đoạn 2 Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

[4] Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 02 tháng 8 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre về việc tăng cường thực hiện một số giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

[5] Lời Kêu gọi của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tinh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bến Tre toàn đảng bộ, toàn quân, toàn dân tỉnh Bến Tre quyết tâm thực hiện nghiêm và có kết quả giai đoạn 2 Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị Quốc gia  tr.277-278.

[7] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 11, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2011, tr. 350.

Phòng, chống dịch Covid-19: 

Tin khác