Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ bảy, 27 Tháng 4, 2024 - 21:45

Xuân về, Tết đến, đọc và suy ngẫm bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác Hồ

ThS Phan Văn Thuận
                                       Trưởng Khoa Xây dựng Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh được Ðại Hội đồng UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc) tôn vinh là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và là nhà văn hóa kiệt xuất”, bởi vì Người là “một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”. Những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Người “trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”.

Đối với dân tộc Việt Nam, hơn cả sự tôn vinh ấy, đã xem Người là hiện thân của ý chí, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam, “Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”. Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp “giải phóng dân tộc”, “phát triển dân tộc” Việt Nam. Chính trong quá trình đấu tranh ấy, Người đã tạo ra một giá trị văn hóa - nhân văn làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc và nhân loại. Trong Bác, chúng ta không thể phân biệt được đâu là lãnh tụ cách mạng - “anh hùng giải phóng dân tộc”, đâu là nhà thơ - “nhà văn hóa”. Tuy nhiên, với tính khiêm nhường của mình, Bác Hồ chỉ thừa nhận một “danh hiệu” duy nhất là “nhà chính trị chuyên nghiệp” (chính trị là đấu tranh độc lập cho Tổ quốc, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho đồng bào).

Ngoài là một “nhà chính trị chuyên nghiệp” như Bác tự nhận, các nhà nghiên cứu cho rằng Người còn là nhà quân sự thiên tài, nhà ngoại giao kỳ cựu, danh nhân văn hóa, một nhà báo, nhà thơ, nhà nhiếp ảnh, nhà viết kịch và là họa sĩ, nhạc sĩ… Trong chiều sâu tư tưởng của Người, “văn hóa là một mặt trận”, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, vì vậy, theo Người, “trong thơ nên có thép” và “nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Làm thơ là công việc vốn Người “không ham” như Người từng nhận trong bài mở đầu của tập thơ bất hủ - “Nhật kí trong tù”. Nhưng để thực hiện nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ kháng chiến, Bác đã làm thơ và sử dụng thơ. Vì vậy, Người đã có một “sự nghiệp” sáng tạo nghệ thuật lớn lao với những giá trị tư tưởng cao đẹp và phong cách nghệ thuật hấp dẫn, độc đáo, nhất là thơ ca. Bác Hồ rất uyên thâm trong việc sử dụng các thủ pháp nghệ thuật đặc trưng của thơ ca về ngôn từ, hình ảnh, âm hưởng, giọng điệu, đặc biệt là thơ mừng xuân, chúc tết.

Xuân trong thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là mùa xuân hiện hữu của đất trời mà còn là mùa xuân chất chứa bao nỗi niềm dân tộc, xuân bởi lòng người, xuân của lịch sử và của mong ước tương lai. Thơ Xuân có một vị trí “đặc biệt” trong thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng, “nhà văn hóa” Hồ Chí Minh nói chung. Đặc biệt, bởi lời thơ ngắn gọn, ngôn từ và cách diễn đạt mộc mạc dễ hiểu đối với các tầng lớp nhân dân. Hơn nữa, bên cạnh những cảm xúc đẹp về mùa xuân, Người còn làm thơ để mừng tuổi đồng bào. Đã gần 72 năm, kể từ mùa xuân Nhâm Ngọ 1942, cứ mỗi khi xuân về tết đến là đồng bào cả nước lại mong chờ những vần thơ chúc tết của Bác như một món quà ý nghĩa. Món quà ấy là nguồn động viên, cổ vũ toàn dân tộc cùng nhau đoàn kết một lòng, vững bước tiến lên trong đấu tranh cách mạng, trong lao động và sáng tạo để dựng xây quê hương, đất nước... Hơn thế, đằng sau thi hứng từ mùa xuân, đằng sau nỗi niềm dân tộc, tấm lòng với đồng bào, mỗi bài thơ của Người còn là những vấn đề chiến lược và sách lược của cách mạng, là những bài học lớn khiến chúng ta phải suy ngẫm, noi theo.

Sinh thời, Bác Hồ có 22 bài thơ chúc tết đồng bào ta. Trừ bài thơ chúc tết đầu tiên viết năm 1942 dưới Mặt trận Việt Minh, còn 21 bài thơ chúc tết còn lại, Bác viết với cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để gửi đồng bào cả nước. Nội dung bài thơ chúc tết của Bác thường có các phần: Tổng kết tình hình năm qua, nhận định tình hình sắp tới, chúc mừng đồng bào nhân dịp xuân về và kêu gọi đoàn kết, thi đua để hoàn thành tốt nhiệm vụ... Lời thơ giản dị dễ hiểu là mục đích của Bác, ý thơ giản dị, tự nhiên như hai câu kết trong thơ mừng xuân năm 1964, Bác viết:

Mấy lời thân ái, nôm na
Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân.

Bốn mươi lăm mùa Xuân - Bốn mươi lăm năm đã đi qua (từ Xuân Kỷ Dậu - 1969) và bảy mươi hai mùa Xuân - Bảy mươi hai năm đã đi qua (từ Tết Nhâm Ngọ - 1942, khi Bác viết bài thơ chúc Tết đầu tiên), đọc lại thơ chúc Tết Kỷ Dậu - 1969  của Người, chúng ta không khỏi bồi hồi xúc động tưởng nhớ Bác - Người cha già kính yêu.

Nǎm qua thắng lợi vẻ vang,
Nǎm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc-Nam sum họp, xuân nào vui hơn!

Năm qua thắng lợi vẻ vang” là Bác nhắc đến Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, theo chủ trương “Tổng công kích, tổng khởi nghĩa” theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 14 (khóa III). Quân và dân ta đã đánh vào các dinh luỹ kiên cố nhất của giặc ở các thành phố lớn và cả toà Đại sứ Mỹ ngay giữa Sài Gòn, đánh vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ”, làm cho đế quốc Mỹ và tay sai vô cùng hoang mang và lo sợ, buộc chúng phải tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc, chấp nhận ngồi đàm phán với ta ở Pari. Với cuộc “thử sức” và đà thắng lợi đó, Bác tin tương lai “chắc càng thắng to” để làm cho “Bắc - Nam sum họp” một nhà.

Đặc biệt, trong bài thơ chúc tết này, Bác còn khẳng định: “Đánh cho Mỹ cút” trước, để "ngụy nhào" sau. Đó là, một tư tưởng hết sức quan trọng thể hiện tầm nhìn chiến lược và chiến thuật tinh tế của nhà chính trị - quân sự lỗi lạc, tài ba.

Thực hiện “lời chúc xuân” của Bác, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã anh dũng “tiến lên” đánh bại một bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải ngồi đàm phán và k‎í‎ kết Hiệp định Pari (27/01/1973) chấm dứt chiến tranh, “tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam “rút lui hoàn toàn quân đội Mỹ và đồng minh cùng các nhân viên quân sự Mỹ ra khỏi Việt Nam”. Lúc 16 giờ ngày 29/3/1973, tại sân bay Tân Sơn Nhất, tướng Uây-en Tư lệnh quân Mỹ tại miền Nam cuốn cờ cùng 2.501 quân Mỹ và chư hầu đã “cút” khỏi nước ta.

Tuy nhiên, với chiến lược toàn cầu làm bá chủ thế giới, đế quốc Mỹ vẫn không từ bỏ âm mưu của chúng ở miền Nam Việt Nam, chỉ huy quân ngụy tiếp tục cuộc “chiến tranh Việt Nam hóa” với những âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt và thâm độc hơn.

Phát huy đà thắng lợi và thực hiện “lời kêu gọi” của Bác Hồ, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, với tinh thần “thần tốc” và sức mạnh của “ngàn năm”… đã làm nên cuộc “Đại thắng Mùa xuân” - 1975 lịch sử “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thời khắc ấy vỡ òa “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, thực hiện thắng lợi “lời chúc” cuối cùng thiêng liêng của Người. Từ đây, cả dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đẩy lùi nghèo nàn, lạc hậu, tạo lập cuộc sống ấm no, hạnh phúc, dân chủ, công bằng, văn minh và “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.

Gần bốn mươi lăm năm Bác đi xa, cùng với Di chúc, những tác phẩm thơ văn của Bác để lại là tài sản vô giá đối với dân tộc ta. Mỗi dịp xuân về, tết đến, nhất là tết năm nay, khi bài thơ chúc tết cuối cùng của Bác tròn bốn mươi lăm tuổi, chúng ta đọc lại từng câu, ngẫm nghĩ và cảm nhận bao điều lớn lao, sâu xa từ những con chữ bình thường giản dị ấy. Và vào dịp Tết Giáp Ngọ năm 2014 này, cũng như đã bốn mươi bốn năm qua, mỗi độ xuân về, tết đến chúng ta không còn được nghe lời thơ chúc tết ấm áp của Bác gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước cũng như kiều bào ở nước ngoài. Bởi vậy, suốt hơn bốn mươi năm qua, phút giao thừa chính là lúc chúng ta nhớ Bác hơn mọi thời khắc để được nghe, được đọc thơ chúc Tết của Bác Hồ để “lòng ta trong sáng hơn”, vững tin hơn. Đó là, những vần thơ vừa làm lòng người ấm áp, phấn khởi bởi tình cảm mênh mông trìu mến của Bác đem lại, vừa làm mọi người tăng thêm tinh thần, dũng khí, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ lớn lao, vẻ vang mà Đảng - Bác đã đề ra.

Mùa Xuân, với dân tộc ta qua thơ chúc Tết của Bác Hồ là mùa nắng ấm, là mùa vui, mùa hy vọng, mùa chiến thắng. Ngày nay, thế giới biết đến Việt Nam và coi nước ta là “ngôi sao đang lên” trên trường quốc tế, uy tín của Việt Nam lan tỏa cả năm châu, bốn biển. Bộ mặt đất nước đổi mới từng ngày. “Ai cũng có cơm ăn. Ai cũng có áo mặc. Ai cũng được học hành”, ham muốn tột bậc ấy của Bác Hồ đang dần trở thành hiện thực./.

Tin khác