Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ bảy, 27 Tháng 4, 2024 - 12:36

Mùa hè năm ấy – mùa hè rực lửa năm 1972

CN. Trương Thị Bích Tuyền
Viên chức Khoa Xây dựng Đảng
 

Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc có thể nói cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước là một trong những cuộc kháng chiến gay go, quyết liệt nhất. Để thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến Đảng ta phải thực hiện nhiều chiến dịch để từng bước giành thắng lợi từ đó giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, trong đó chiến dịch Thành cổ Quảng Trị là một trong những chiến dịch khốc liệt nhất, là bản hùng ca bất tử trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ.

Thành cổ Quảng Trị nằm ngay tại trung tâm thị xã Quảng Trị anh hùng chỉ cách Quốc lộ 1A 2km về phía Bắc, cách bờ sông Thạch Hãn 500m về phía Đông. Thành cổ Quảng Trị là công trình thành lũy quân sự dưới thời nhà Nguyễn. Khi thực dân Pháp, về sau là đế quốc Mỹ xâm lược nước ta đã xây thêm tại Thành cổ nhà lao để giam giữ những người yêu nước, chiến sĩ Cộng sản. Đặc biệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1972, Thành cổ là nơi cả thế giới biết đến và khâm phục bởi chiến công hiển hách, những tấm gương anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ của quân và dân ta.

Chiến trường Quảng Trị là chiến trường khốc liệt nhất, bởi lẽ:

Thứ nhất, là vị trí. Thành cổ Quảng Trị có một vị trí hết sức đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, là nơi ngăn chia hai miền Nam Bắc, chia cắt đất nước từ sau Hiệp định Gienevơ. Về phía Mỹ, là bàn đạp để Mỹ “Bắc tiến” và vừa là lá chắn bảo vệ “biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17”. Về phía ta, là một chốt chặn quan trọng nhất phục vụ cho ý định phản công của địch, giữ được thị xã và Thành cổ Quảng Trị sẽ giúp ta phòng ngự tốt hơn.

Thứ hai, là thời gian. Thời gian này diễn ra cuộc đàm phán Hiệp định Paris tại Paris, sự thắng bại trên chiến trường trực tiếp tác động đến vị thế của từng bên. Về phía Mỹ, nếu thắng sẽ lấy lại danh dự sau khi thất bại hàng loạt trong chiến dịch xuân hè năm 1972. Bên cạnh đó năm 1972 là năm bầu cử tổng thống Mỹ, Ních - xơn muốn giành được chiến thắng để có được lợi thế trong bầu cử tổng thống diễn ra vài tháng sau đó. Về phía ta, giành thắng lợi bảo vệ Thành cổ Quảng Trị góp phần quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao. Sau đó Mỹ ký kết Hiệp định Paris góp phần đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Như vậy, thắng bại tại Thành cổ Quảng Trị, sẽ quyết định việc đàm phán tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Do đó về phía Mỹ quyết tâm chiếm lấy Thành cổ Quảng Trị, về phía ta quyết tâm giữ Thành cổ Quảng Trị.

Vì vậy, chiến dịch này là một trận chiến gay go, quyết liệt, diễn ra trong 81 ngày đêm từ ngày 28/6/1972 đến ngày 16/9/1972 chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị là sự chiến đấu hi sinh của hàng nghìn chiến sĩ trong độ tuổi đẹp nhất của đời mình. Họ đã hi sinh tuổi trẻ của mình, hi sinh quãng đời đẹp nhất, rời bỏ ghế nhà trường để vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị với lòng yêu nước thiết tha “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “trung bình một chiến sĩ ở đây phải hứng chịu trên 100 quả bom và 200 quả đạn pháo”[1]. Qua đó chúng ta thấy được sự khốc liệt của chiến trường Quảng Trị, mỗi tấc đất trong Thành cổ Quảng Trị đều thấm đẫm xương máu của các chiến sĩ. Trong bài thơ “Tấc đất Thành cổ” của tác giả Phạm Đình Lân được viết tháng 7/2002 có một đoạn thơ rất hay đem lại xúc động đối với người đọc - những thế hệ sau này:

“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành cổ rộng sau đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào”
“Tấc đất Thành cổ” - Phạm Đình Lân
 

Trong giai đoạn lịch sử quan trọng này miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam thực hiện cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Hàng nghìn thanh niên ở miền Bắc đang học Đại học - là thế hệ vàng xây dựng đất nước trong tương lai nhưng vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước họ đã đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, sẵn sàng ra chiến trường chiến đấu. Mùa hè rực lửa năm ấy - năm 1972 máu của các chiến sĩ đã nhuộm đỏ dòng sông Thạch Hãn.

“Đò xuôi Thạch Hãn ơi … chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm…”
“Đò xuôi Thạch Hãn” - Lê Bá Dương
 

“Hơn 4.000 anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu và nằm lại nơi Thành cổ, tinh thần kiên cường chiến đấu và niềm tin quyết thắng của những người lính khi tuổi còn đôi mươi đã khẳng định ý chí sắt đá của con người trước bom đạn và điều kiện sống khắc nghiệt nhất của chiến tranh”[2]. Như vậy chúng ta có thể thấy sau chiến tranh đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn cả về kinh tế và nhân lực để phát triển đất nước. Để xây dựng đất nước có một vị thế, cơ đồ, tiềm lực như ngày hôm nay chúng ta thấy được tư duy, tầm nhìn lãnh đạo của Đảng ta trong việc đề ra những chủ trương, đường lối, phù hợp để phát triển nước nhà. Với vai trò là thế hệ trẻ, thế hệ thanh niên tương lai, người quyết định vận mệnh tương lai đất nước, tiếp nối sự nghiệp còn dang dở của thế hệ đi trước đã ngã xuống vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước, thế hệ thanh niên hiện nay cần thực hiện tốt những nội dung sau:

Thứ nhất, cần tập trung trau dồi phẩm chất chính trị, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội qui, quy chế tại cơ quan, đơn vị; tự học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, tự giác học tập, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng với tinh thần cầu thị, khiêm tốn học hỏi, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, rèn luyện tâm trong, trí sáng, xây dựng hoài bão lớn, sẵn sàng kế thừa truyền thống hào hùng cách mạng của cha ông với tinh thần tự lực, tự cường, tự phấn đấu vươn lên góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

Thứ ba, phải tiên phong trong học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực tổng kết thực tiễn từ đó vận dụng trong công tác cũng như trong học tập góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương vững mạnh.

Thứ tư, năng động, tích cực trong lao động sản xuất, đổi mới sáng tạo, học tập kinh nghiệm, tích lũy kiến thức vận dụng trong canh tác, sản xuất; vận dụng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực sản xuất của mình nhằm tạo ra những sản phẩm uy tín, đảm bảo chất lượng nhằm thúc đẩy thương mại phát triển, từ đó góp phần đưa những sản phẩm của Việt Nam vươn tầm quốc tế.

Thứ năm, xung kích, tình nguyện tham gia công tác thiện nguyện, chia sẻ cộng đồng ở những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, những hoàn cảnh khó khăn, sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm những việc Tổ quốc cần với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, thể hiện vai trò xung kích của tuổi trẻ đối với sự phát triển của đất nước, chung tay xây dựng phát triển kinh tế - xã hội những vùng xung yếu của Tổ quốc, từ đó tạo ra thế trận quốc phòng toàn dân nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ quốc gia.

Thứ sáu, tiên phong trong công cuộc bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, tham gia vào công cuộc giữ gìn biển đảo quê hương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đối với đoàn viên Trường Chính trị Bến Tre nói riêng, những viên chức trẻ đang phấn đấu trở thành giảng viên, học tập bài học quý giá từ sự kiện lịch sử Thành cổ Quảng Trị năm 1972, trong thời gian tới để góp phần xây dựng Trường Chính trị chuẩn trong tương lai cần phấn đấu thực hiện tốt những việc sau:

Một là, chấp hành tốt nội quy, quy chế của cơ quan, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hai là, tự giác học tập tích lũy kiến thức nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, biết cách chọn lọc kiến thức vận dụng làm phong phú bài giảng, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học.

Ba là, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học. Mỗi viên chức trẻ cần tích cực, chủ động nghiên cứu khoa học thông qua các bài viết sẽ góp phần giúp viên chức tích lũy kiến thức vận dụng trong bài giảng từ đó góp phần vừa nâng cao chất lượng giảng dạy đồng thời nâng tầm trong công tác nghiên cứu khoa học.

Bốn là, tích cực nghiên cứu thực tế. Nghiên cứu thực tế sẽ giúp viên chức trẻ tích lũy kiến thức thực tiễn từ đó vận dụng làm rõ vấn đề lý luận đặt ra, góp phần xây dựng bài giảng sinh động thu hút người nghe, nâng cao chất lượng bài giảng.

Năm là, tu dưỡng phẩm chất đạo đức. Viên chức trẻ cần rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, luôn học hỏi với tinh thần cầu thị, khiêm tốn, luôn giúp đỡ lẫn nhau cùng nhau phát triển.

Sáu là, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí để được đứng lớp góp phần xây dựng trường đạt chuẩn mức 1 vào năm 2025.

Từ sự kiện lịch sử Thành cổ Quảng Trị năm 1972, chúng ta thấy được sự hi sinh, tấm lòng yêu nước vô hạn của các chiến sĩ tham gia trên chiến trường với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, thế hệ thanh niên hôm nay cần trân quý, tưởng nhớ công lao của thế hệ đi trước đã hi sinh thân mình vì độc lập, tự do, thống nhất nước nhà, chính sự hi sinh, dũng cảm của các chiến sĩ ngày hôm ấy mới có được hòa bình, độc lập như ngày hôm nay. Do đó thế hệ thanh niên cả nước nói chung và đoàn viên Trường Chính trị Bến Tre nói riêng cần không ngừng học tập nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tu dưỡng phẩm chất đạo đức tạo nên thế hệ thanh niên vừa hồng, vừa chuyên, xứng đáng với vai trò là người chủ tương lai của nước nhà, xây dựng đất nước ngày càng phát triển, tự lực, tự cường, vững mạnh, nâng tầm vị thế trong khu vực và thế giới./.

 

[1] Trung tâm Bảo tồn Di tích và Danh thắng Quảng Trị: Thành Cổ Quảng Trị, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2010.

Tin khác