Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ sáu, 26 Tháng 4, 2024 - 17:29

Tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế sự vận dụng sáng tạo kinh tế chính trị Mác-Lênin vào Việt Nam

Thạc sĩ Trần Văn Hòa
                                                                          Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng

Trong quá trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và học thuyết kinh tế chính trị Mác-Lênin đã thấm vào máu thịt của Người, trở thành cơ sở xuất phát của tư tưởng về chiến lược phát triển kinh tế lên CNXH ở Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định mục tiêu của cách mạng Việt Nam là: nhất định phải tiến lên CNXH, vì chỉ có CNXH mới thật sự có công bằng, được giải phóng, được mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân lao động. Và điều kiện để đạt tới mục tiêu đó là phải có sự lãnh đạo của một Đảng, biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của nước mình. Người nhấn mạnh: “Đảng Lao động Việt Nam khi định ra đường lối chính trị của mình, luôn luôn cố gắng kết hợp chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam” [1], “Vận dụng lý luận Mác-Lênin vào tình hình thực tế của nước ta và đề ra đường lối, chính sách đúng đắn”[2].

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, CNXH mà nhân dân ta xây dựng không phải là những lý tưởng cao siêu, trừu tượng mà là một xã hội hiện thực, được hình thành từng bước, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Người nói: CNXH trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no, sống một đời hạnh phúc, “CNXH là mọi người dân được áo ấm cơm no, nhà ở tử tế, được học hành” [3]. Và tư tưởng về chiến lược phát triển kinh tế ở nước ta của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm hướng tới mục tiêu đó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định đường lối kinh tế trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam phát triển và cải tạo nền kinh tế quốc dân theo CNXH, biến nền kinh tế lạc hậu thành một nền kinh tế XHCN với công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến. Đường lối kinh tế ấy được bắt đầu từ nông nghiệp, lấy nông nghiệp làm cơ sở xuất phát để đưa toàn bộ nền kinh tế tiến đến trạng thái “cất cánh”. Người chỉ rõ: “Nước ta là một nước nông nghiệp, giống như Trung Quốc, Triều Tiên. Muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy việc phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính” [4]. Nhưng nông nghiệp chỉ có thể phát triển mạnh khi có sự gắn bó, tác động thúc đẩy lẫn nhau, tiền đề và điều kiện cho nhau cùng phát triển với công nghiệp. Người cho rằng: Nông nghiệp là nguồn cung cấp lương thực và nguyên liệu, đồng thời là một nguồn xuất khẩu quan trọng, nông thôn là thị trường tiêu thụ to nhất hiện nay cho nên cần phải cải tạo và phát triển nông nghiệp thì mới có cơ sở để phát triển các ngành kinh tế khác. Mặt khác, phải cải tạo và phát triển nông nghiệp để tạo điều kiện cho việc công nghiệp hóa nước nhà; Phải có một nền nông nghiệp phát triển thì công nghiệp mới có thể phát triển mạnh. Đồng thời công nghiệp phát triển thì sẽ giúp nông thôn ta về thủy lợi, phân bón, nông cụ cải tiến, máy móc nông nghiệp, sức điện,…công nghiệp phát triển thì nông nghiệp mới phát triển.

Từ ý nghĩa trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng công nghiệp và nông nghiệp là hai chân của nền kinh tế…Cho nên, công nghiệp và nông nghiệp phải giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau phát triển như hai chân đi khỏe và đi đều thì tiến bước sẽ nhanh. Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề cốt lõi của quá trình đưa nền kinh tế nước ta tiến lên sản xuất lớn là thực hiện sự kết hợp nông nghiệp và công nghiệp trong một cơ cấu hợp lý, gắn bó hữu cơ và tác động biện chứng thúc đẩy nền sản xuất phát triển.

Thực hiện sự gắn bó, tác động qua lại giữa hai ngành kinh tế cơ bản như trên chính là việc mở rộng và phát triển trao đổi hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp. Lênin đã chỉ: “Không thiết lập việc trao đổi hàng hóa hay sản phẩm một cách có hệ thống giữa công nghiệp và nông nghiệp, thì không thể có được những mối quan hệ đúng đắn giữa giai cấp vô sản và nông dân và không thể tạo ra được một hình thức liên minh kinh tế, hoàn toàn vững chắc giữa hai giai cấp đó trong giai đoạn quá độ từ CNTB lên CNXH” [5]. Thời kỳ thực hiện chính sách kinh tế mới (NEP) Lênin đã đặc biệt chú trọng vai trò của lưu thông hàng hóa và thương nghiệp. Ông nói: “Ngày nay thương mại là hòn đá thử vàng của sinh hoạt kinh tế của chúng ta, là sự liên kết duy nhất có thể có giữa đội tiền phong của giai cấp vô sản với nông dân, là sự cố kết duy nhất có thể có để có thể bắt đầu thúc đẩy kinh tế phát triển một cách toàn diện” [6].

C.Mác cũng đã từng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của lưu thông hàng hóa và thương nghiệp trong việc tác động, thúc đẩy nền sản xuất nhỏ phát triển lên sản xuất lớn, hiện đại.

Thấm nhuần tư tưởng đó của các nhà kinh điển (Chủ nghĩa Mác-Lênin) và trên cơ sở phân tích hoàn cảnh cụ thể của nền kinh tế nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất xem trọng vai trò của lưu thông hàng hóa và thương nghiệp đối với việc thúc đẩy sản xuất phát triển, xem đây như một bộ phận cơ bản hợp thành cơ cấu vận động của nền kinh tế. Người nói: “Trong nền kinh tế quốc gia có ba mặt quan trọng: nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp. Ba mặt công tác quan hệ mật thiết với nhau. Thương nghiệp là cái khâu giữa nông nghiệp và công nghiệp. Thương nghiệp đưa hàng đến nông thôn phục vụ nông dân, thương nghiệp lại đưa nông sản, nguyên liệu cho thành thị tiêu dùng. Nếu khâu thương nghiệp bị đứt thì không liên kết được nông nghiệp với công nghiệp, không củng cố được công nông liên minh. Công tác thương nghiệp không chạy thì hoạt động nông nghiệp, công nghiệp sẽ bị rời rạc” [7]. Xem trọng vai trò của lưu thông hàng hóa và thương nghiệp chính là xem trọng việc mở rộng và phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao số lượng và tỷ suất sản phẩm hàng hóa, dựa trên cơ sở không ngừng mở rộng phân công xã hội, phát triển các ngành nghề. Trong hoàn cảnh cụ thể của nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương: trước hết phải nhằm vào việc phát triển nông nghiệp toàn diện. Người nói: “Kế hoạch Nhà nước nhằm tăng cường thêm nữa sản xuất lương thực, thật sự đẩy mạnh việc trồng cây công nghiệp, việc chăn nuôi gia súc; đồng thời coi trọng nghề rừng, nghề cá, nghề muối và những nghề phụ khác” [8].

Phát triển nông nghiệp toàn diện vừa tạo lập các điều kiện làm cơ sở về: vốn, lương thực, thực phẩm, nguyên liệu, sức lao động, thị trường,…cho công nghiệp phát triển, vừa nâng cao tỷ suất hàng nông phẩm để đổi vật tư, hàng công nghiệp nhằm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời công nghiệp muốn phát triển, phải dựa trên cơ sở là nông nghiệp, nên phải hướng vào phục vụ nông nghiệp thông qua việc sản xuất và trao đổi hàng hóa vật tư của mình phù hợp với nhu cầu của nông dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Công nghiệp phải phát triển mạnh để cung cấp đủ hàng tiêu dùng cần thiết cho nhân dân, trước hết là cho nông dân; cung cấp máy bơm nước, phân hóa học, thuốc trừ sâu,…để đẩy mạnh nông nghiệp” [9].

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh biện pháp thực hiện sự liên kết, tác động qua lại, thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển giữa nông nghiệp và công nghiệp, đó là không ngừng sản xuất hàng hóa và nâng cao chất lượng các mặt hàng. Người đã nhiều lần nhắc nhở rằng: “Những người sản xuất phải cố gắng sản xuất nhanh, nhiều, tốt và rẻ. Hàng làm ra nhanh và nhiều nhưng không tốt và rẻ thì không ai mua. Đồng bào ta nồng nàn yêu nước nên rất muốn dùng hàng của ta sản xuất. Nhưng trước hết người sản xuất phải làm hàng tốt và rẻ. Người sản xuất phải thật thà sản xuất hàng tốt cho đồng bào dùng, không nên làm hàng trưng bày thì tốt mà hàng bán thì xấu, giá cả phải chăng không lừa dối người mua. Sản xuất phải thiết thực và đúng hướng” [10].

Với tầm nhìn sâu rộng và phương pháp tư duy biện chứng về sự phát triển, trong khi nhấn mạnh nông nghiệp và mối quan hệ giữa nông nghiệp và công nghiệp thông qua việc phát triển sản xuất và lưu thông hàng hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt nó trong sự cân đối và phát triển hài hòa với các ngành khác của nền kinh tế. Người nói: “…lấy nông nghiệp làm chính, nhưng phải toàn diện, phải chú ý cả các mặt công nghiệp, thương nghiệp, tài chính, ngân hàng, giao thông, kiến trúc, văn hóa, giáo dục, y tế…” [11].

Tư tưởng về chiến lược phát triển nền kinh tế trong thời kỳ quá độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ta như trên còn được Người cụ thể hóa cho từng giai đoạn lịch sử với những trọng điểm xác định, đặc biệt là ở giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ ở nước ta.

Trong mỗi giai đoạn nhất định của lịch sử cần xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm của sự phát triển kinh tế phù hợp với yêu cầu bức thiết của giai đoạn đó và khả năng hiện có để thực hiện nó. Với hoàn cảnh cụ thể của nước ta trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ: đời sống nhân dân còn khó khăn, thiếu thốn, đói nghèo… nên nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là “diệt giặc đói”, Người chỉ rõ: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ” [12]. Theo Hồ Chí Minh, mục tiêu hiện thực của quá trình xây dựng CNXH phải được đặt ra và giải quyết từng bước do thực tiễn sản xuất và đời sống quy định. Nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của quá trình đó ở nước ta là chăm lo cải thiện bữa ăn hàng ngày của nhân dân, của người lao động. Người thường nói “Quan trọng nhất trong đời sống của nhân dân là vấn đề ăn” [13]…để nói lên tầm quan trọng của vấn đề này. Ăn uống quả thật là vấn đề cơ bản và thiết yếu bậc nhất đối với con người, mọi dân tộc, mọi thời đại. Chân lý giản đơn nhưng sâu sắc được C.Mác phát hiện là: Con người ta trước hết phải có ăn, mặc, ở…rồi mới nói tới làm chính trị, văn học, nghệ thuật…Với ý nghĩa đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh “Ăn là rất cần thiết, Người ta phải ăn để sống, để lao động, để xây dựng CNXH” [14], và Người khẳng định: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi…” [15]. Trong Di chúc Người dạy rằng: Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Nhằm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trên, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh phải tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Người giải thích rằng: “Muốn nâng cao đời sống của nhân dân thì trước hết phải giải quyết tốt vấn đề ăn (rồi đến vấn đề mặc và các vấn đề khác). Muốn giải quyết tốt vấn đề ăn thì phải làm thế nào cho có đầy đủ lương thực. Mà lương thực là do nông nghiệp sản xuất ra. Vì vậy, phát triển nông nghiệp là việc cực kỳ quan trọng” [16]. Phải tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, coi phát triển nông nghiệp là việc cực kỳ quan trọng. Bởi vì:

Thứ nhất, nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết về lương thực, thực phẩm cho đời sống hàng ngày của nhân dân, đồng thời tạo điều kiện cơ sở cho công nghiệp phát triển;

Thứ hai, những điều kiện và khả năng thực tế của nước ta như: tiềm năng dồi dào về đất đai, lực lượng lao động, các ngành nghề trong nông thôn,…cho phép đi ngay vào phát triển sản xuất nông nghiệp;

Thứ ba, yêu cầu về chính trị - xã hội của một nước nông nghiệp, phải bắt đầu từ nông dân, quan tâm đến lợi ích người nông dân, tăng cường liên minh công nông nền tảng của chuyên chính vô sản…

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đa số dân ta là nông dân, mỗi việc đều phải dựa vào nông dân” [17]. “Vai trò của nông dân là quân chủ lực của cách mạng, là bạn đồng minh chủ yếu và tin cậy nhất của giai cấp công nhân, là lực lượng cơ bản cùng giai cấp công nhân xây dựng CNXH, kinh nghiệm của Đảng ta trong quá trình cách mạng đã chỉ rõ là nơi nào, lúc nào cán bộ ta giải quyết tốt lợi ích thiết thân của nông dân, nắm vững nguyên tắc liên minh công – nông thì nơi đó, lúc đó cách mạng đều tiến mạnh” [18].

Tư tưởng về chiến lược phát triển kinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ không chỉ xác định trọng tâm là sản xuất nông nghiệp, mà còn đi sâu hơn, xác định trọng điểm của nó là vấn đề lương thực. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Sản xuất lương thực là việc cần thiết nhất cho đời sống của nhân dân, là bộ phận cực kỳ quan trọng trong kế hoạch kinh tế của Nhà nước” [19]. Đây là vấn đề có tính quy luật, nó phù hợp về logic cũng như lịch sử đối với những nước nông nghiệp, phổ biến là sản xuất nhỏ quá độ lên sản xuất lớn. Trong chính sách kinh tế mới (NEP) ở nước Nga Xô viết, V.I.Lênin đã xác định “Hiện nay vấn đề lương thực là một vấn đề cơ bản của công cuộc kiến thiết CNXH” [20]. Khi phân tích vị trí, tầm quan trọng của lương thực đối với sản xuất và đời sống ở một nước tiểu nông. Ông đi đến kết luận: “Cần phải lấy lương thực làm khởi điểm, vì gốc rễ của tất cả những khó khăn chính là ở chỗ đó” [21]. Trong rất nhiều bài nói và viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc tăng gia sản xuất lương thực, kể cả lúa và màu, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đồng thời Người cũng luôn lưu ý rằng: Việc phát triển sản xuất lương thực không tách rời mà phải gắn bó, tác động hỗ trợ lẫn nhau với các ngành sản xuất khác như thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu… tạo nên sự thống nhất, hài hòa cho toàn bộ nền kinh tế phát triển. Người nói: “Phải chú trọng cây lương thực, đồng thời phải đẩy mạnh chăn nuôi cho cân đối với trồng trọt… Cần phát triển cây công nghiệp, trồng cây, thả cá vừa để cải thiện đời sống nhân dân, vừa để phục vụ xuất khẩu” [22] “…phải làm ra nhiều lương thực, thực phẩm để nâng cao đời sống nhân dân và đáp ứng yêu cầu của Nhà nước… phải cung cấp nhiều hàng tiêu dùng tốt và rẻ cho nhân dân” [23].

Tư tưởng kinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện quan điểm xuyên suốt là: Tập trung phát triển nông nghiệp trong mối quan hệ tác động biện chứng với phát triển công nghiệp thông qua việc mở rộng sản xuất và lưu thông hàng hóa, hết sức chú trọng sản xuất lương thực và gắn bó hài hòa nó với sản xuất thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng và sản xuất hàng xuất khẩu nhằm tận dụng tiềm năng trong nước và tranh thủ các yếu tố ngoài nước để thúc đẩy nền kinh tế nước nhà phát triển.

Tư tưởng kinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đựng những quan điểm cơ bản, vô cùng súc tích và tinh tế về đường lối chiến lược phát triển nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam và là một phương pháp luận mẫu mực về tư duy kinh tế. Đó là sự vận dụng nhuần nhuyễn, sinh động và sáng tạo học thuyết kinh tế Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam. Nội dung cốt lõi về tư tưởng kinh tế của Người là phát triển nền kinh tế sản xuất nhỏ nước nhà nhanh chóng lên sản xuất lớn, hiện đại XHCN bằng cách bắt đầu từ nông nghiệp và nông dân. Tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trong mối quan hệ tác động biện chứng với sự phát triển công nghiệp thông qua việc mở rộng lưu thông hàng hóa và thương nghiệp, nâng cao số lượng và chất lượng hàng hóa. Trọng điểm của giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ là sản xuất lương thực (kể cả lúa và màu), gắn bó hài hòa với sản xuất các mặt hàng tiêu dùng và một số mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh.

Để đảm bảo cho đường lối chiến lược phát triển kinh tế thực hiện đạt kết quả trên thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đề ra một hệ thống các biện pháp cần thiết như: Xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ phẩm chất và năng lực tương ứng với yêu cầu nhiệm vụ, tăng cường và hoàn thiện chế độ quản lý trong đó chú trọng công cụ kế hoạch và đòn bẩy lợi ích đối với người lao động, đẩy mạnh sản xuất đi liền với thực hành tiết kiệm, chú trọng chiến lược con người và phát triển khoa học kỹ thuật đi đôi với chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu.

Đã hơn bốn thập kỷ trôi qua, tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn giữ nguyên giá trị, đó là một chỉ dẫn quý báu, sâu sắc và thiết thực, là nguồn tài liệu vô giá của Người để lại cho thế hệ hôm nay và cho cả ngày mai đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

_________________________________________________

Ghi chú:

[1]. Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại… vì độc lập tự do vì CNXH – Nxb ST. H. 1975, tr. 280.
[2]. Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia T10, tr. 17.
[3]. Hồ Chí Minh toàn tập . Nxb Chính trị quốc gia T10, tr. 72.
[4]. Hồ Chí Minh toàn tập . Nxb Chính trị quốc gia T10, tr. 180.
[5]. V.I.Lênin toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia Tập 43, tr. 400.
[6]. V.I.Lênin toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia Tập 44, tr. 396.
[7]. Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia Tập 8, tr. 174.
[8]. Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia Tập 8, tr. 293.
[9]. Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia Tập 10, tr. 544.
[10]. Lời kêu gọi của Hồ Chí Minh. H. 1960. Tập 5, tr. 59.
[11]. Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia Tập 11, tr. 396.
[12]. Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia Tập 4, tr. 152.
[13]. Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia Tập 11, tr. 352.
[14]. Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia Tập 10, tr. 369.
[15]. Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia Tập 7, tr. 572.
[16]. Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia Tập 10, tr. 544.
[17]. Lời kêu gọi của Hồ Chí Minh. ST. H. 1960. Tập 2, tr. 86.
[18]. Ba mươi năm hoạt động của Đảng. H. 1975, tr. 201.
[19]. Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia Tập 9, tr. 5.
[20]. V.I.Lênin toàn tập tiến bộ. Nxb Chính trị quốc gia Tập 39, tr. 192.
[21]. V.I.Lênin toàn tập tiến bộ. Nxb Chính trị quốc gia Tập 43, tr. 311.
[22]. Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia Tập 11, tr. 395.
[23]. Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia Tập 12, tr. 481, tr. 482

Tin khác