Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ sáu, 26 Tháng 4, 2024 - 13:09

Nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2013 của tỉnh Bến Tre

Trong hai ngày 03 và 04/12/2012, Ban thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 13 để thảo luận, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy năm 2012 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2013. Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định, năm 2013 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm, là năm tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định phương hướng năm 2013: Tập trung chỉ đạo khắc phục những hạn chế, yếu kém sau đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; phát huy tính năng động, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm trong lãnh đạo, điều hành để cùng vượt qua khó khăn thách thức; phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2012; tập trung lãnh đạo phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp để thực sự là khâu đột phá; tập trung giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài; bảo đảm an sinh xã hội; cải thiện, giữ ổn định đời sống vật chất và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Để thực hiện phương hướng trên, Hội nghị thống nhất đề ra một số chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

1- Phấn đấu đạt một số mục tiêu chủ yếu

 - Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2013 đạt 7%; trong đó, ngành nông-lâm-thủy sản tăng 2,69%, ngành công nghiệp-xây dựng tăng 13,17%, ngành thương mại-dịch vụ tăng 8,27%;  

- Cơ cấu kinh tế: Tỷ trọng khu vực I chiếm 47,3%; khu vực II chiếm 19% và khu vực III chiếm 33,7%;

- Giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tăng 20% so năm 2012;

- Tổng kim ngạch xuất khẩu 500 triệu USD, tăng 16,2%;

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 12.500 tỷ đồng, tăng 16,7%;

- Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 1.460 tỷ đồng, tăng 8,1%;

 - Doanh thu du lịch tăng 21,7% so năm 2012;

 - Thu nhập bình quân đầu người 30,59 triệu đồng, tăng 13,08%;

 - Phấn đấu tạo việc làm cho hơn 23.000 lao động, trong đó có 500 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 46%; giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn dưới 3,5%;

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 9%. Hỗ trợ xây mới 436 căn và sửa chữa 167 căn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách;

 - Phấn đấu tai nạn giao thông giảm 10% cả 3 mặt: Số vụ, số người chết, số người bị thương.

2. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

2.1. Trên lĩnh vực kinh tế, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tạo bước đột phá thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

- Tích cực hỗ trợ tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

- Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp một cách hợp lý để tăng sức cạnh tranh, gắn với an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

- Phát triển mạnh thương mại - dịch vụ để kích thích sản xuất phát triển, phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 20% so với năm 2012. 

- Phát triển ổn định hoạt động tài chính - ngân hàng, phục vụ tốt yêu cầu đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Thực hiện các cơ chế chính sách tài chính hợp lý để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, bồi dưỡng nguồn thu; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các khoản nợ đọng, chống thất thu thuế.

- Tích cực huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Ưu tiên vốn xây dựng cơ bản hoàn thành các công trình trọng điểm, các công trình chuyển tiếp có khả năng hoàn thành trong năm 2013, một số công trình giáo dục, y tế; dành một phần vốn chuẩn bị đầu tư năm 2014.

- Tiếp tục quan tâm chỉ đạo củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các loại hình kinh tế hợp tác. Nhân rộng mô hình kinh tế trang trại khép kín theo quy trình sản phẩm sạch và an toàn vệ sinh thực phẩm. Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã; chú ý xây dựng mô hình hợp tác xã trên các lĩnh vực, ngành nghề mới như: Xử lý rác thải, quản lý chợ, y tế, dịch vụ nghề cá...; nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ hợp tác, hợp tác xã; tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống xã viên.

- Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Chỉ đạo thực hiện tốt các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

2.2. Tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá -xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân

- Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh thực hiện phổ cập giáo dục, nhất là phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập giáo dục trung học. Thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống trong học sinh. Chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập theo hướng chuẩn hóa, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

- Lãnh đạo thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân; thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia; đẩy mạnh công tác  truyền thông giáo dục sức khoẻ. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong nhân dân, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập. Hoàn chỉnh thủ tục để nâng Trường Trung cấp Y tế thành Trường Cao đẳng Y tế. 

- Nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống. Đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ để nâng cao chuỗi giá trị của cây trồng và vật nuôi, nhất là cây dừa, cây ăn trái và thủy sản. Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ đối với các lĩnh vực sản xuất các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của tỉnh và công nghệ sau thu hoạch, chế biến sản phẩm nông nghiệp…Triển khai dự án Khu ứng dụng công nghệ sinh học tại huyện Chợ Lách.

-Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy; triển khai thực hiện Chỉ thị 19 ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”;  tiếp tục thực hiện tốt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ; nâng cao chất lượng, đa dạng hoá ngành nghề đào tạo, đáp ứng tốt yêu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động. Đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm đến tận cơ sở, đồng thời vận động, khuyến khích lao động diện hộ nghèo tham gia học nghề, tìm việc làm và đi xuất khẩu lao động. Thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, có giải pháp đồng bộ giúp người dân vươn lên thoát nghèo, chấn chỉnh công tác bình nghị hộ nghèo.

- Lãnh đạo tổ chức tốt các hoạt động thông tin, tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Đầu tư nâng cấp, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hoá, gắn với phát triển du lịch. Khởi công dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển (giai đoạn 1). Tăng cường công tác kiểm tra, nâng chất phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức người dân ra sức giữ gìn, phát huy các danh hiệu văn hóa, có kế hoạch sử dụng các thiết chế văn hóa hiện có, tích cực vận động, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa. Phấn đấu công nhận thêm 08 xã, phường văn hóa.

Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất quan điểm, để đạt được những mục tiêu và nhiệm vụ trên đòi hỏi Đảng bộ phải chuyển biến thật sự về tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, tạo ra ý thức phục vụ tận tụy của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, sâu sát cơ sở và giải quyết công việc ngay tại hiện trường, phải thực chất hóa công việc. Tạo sự thống nhất đồng thuận cao và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp các ngành trong tổ chức thực hiện./.

Nguyễn Trung Dương
Trường Chính trị Bến Tre

Tin khác