Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ sáu, 26 Tháng 4, 2024 - 21:50

Thực trạng và giải pháp phát triển Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bến Tre

ThS. Võ Thái Bình
Phó Trưởng Khoa NN&PL
 

Ngày 09/3/2020 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận của Bộ Chính trị số 70-KL/TW về thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT). Điều này, một lần nữa Đảng ta khẳng định vị trí vai trò của KTTT dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân, đây là điều có ý nghĩa chiến lược trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Thực trạng phát triển KTTT ở Bến Tre

Tổng quan về quy mô, cơ cấu Hợp tác xã

Tính đến tháng 7/2020, toàn tỉnh có 152 Hợp tác xã (HTX), trong đó chia theo loại hình: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây lắp điện 12 HTX; nông nghiệp 98 HTX; Thủy sản 13 HTX; Quỹ tín dụng nhân dân 09 quỹ; Thương mại - Dịch vụ, kinh doanh tổng hợp 08 HTX; Giao thông - Vận tải 07 HTX; Tài nguyên - Môi trường 05 HTX.

Tổng vốn điều lệ là 306,382 tỷ đồng (bình quân hơn 2 tỷ/đồng/HTX), tăng 37,03 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2019, tổng số thành viên 40.718; trong đó 141 HTX đang hoạt động và chuẩn bị hoạt động, 11 HTX ngừng hoạt động thuộc diện giải thể; 03 HTX đã giải thể, xóa tên (gồm: HTX nông nghiệp huyện Giồng Trôm, HTX Cây có múi Lương Hòa, HTX xoài cát chu Thạnh  Hải).

Tổng số cán bộ quản lý HTX là 627 người, trong đó số cán bộ quản lý HTX có trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 126 người, chiếm tỷ lệ 20% trong tổng số cán bộ quản lý HTX; số cán bộ quản lý HTX có trình độ sơ, trung cấp là 218 người, chiếm tỷ lệ 34,7% trong tổng số cán bộ quản lý HTX; số còn lại chưa qua đào tạo là 283 người, chiếm tỷ lệ 45% trong tổng số cán bộ quản lý HTX.

Tổng doanh thu các HTX ước  đạt 45 tỷ đồng, bình quân khoảng 330  triệu đồng/HTX, lãi 80 triệu đồng/HTX.

Toàn tỉnh có 1.329 Tổ hợp tác (THT), trong đó có 968 THT hoạt động theo Nghị định số 77/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ. Nhìn chung, THT tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các THT hoạt động tương đối ổn định, có sự  liên kết giữa các hộ sản xuất.

Đặc điểm chất lượng Hợp tác xã

Đánh giá theo lĩnh vực hoạt động, nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) hiện có 98  HTX, với  8.987 thành viên, vốn điều lệ đăng ký 49,521 tỷ đồng, chiếm 64,47% về số lượng HTX và 16% tổng vốn; bình quân mỗi HTX nông nghiệp có 92 thành viên, vốn điều lệ khoảng 505 triệu đồng; doanh thu đạt khoảng 880 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân 28 triệu đồng/HTX. Tỷ lệ HTX chưa hoạt động chiếm khoảng 60%, có khoảng 28 HTX (chiếm  28,57%)  hoạt động tương đối khá, có thực hiện dịch vụ đầu vào đầu ra cho thành viên, số còn lại hoạt động ở mức trung bình  –  yếu. Có 48 HTX nông nghiệp bước đầu đã xây dựng được mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ theo chuỗi giá trị, nhất là các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Lĩnh vực thủy sản có 13 HTX với 17.224 thành viên, vốn điều lệ 7.548 triệu đồng,  chiếm 8,55% về số lượng HTX và chiếm 2% trong tổng vốn; có 01 HTX không hoạt động, chờ giải thể (HTX thủy sản Vĩnh Tiến  –  Chợ Lách), 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 20 tỷ  đồng, thấp hơn 7,5 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây lắp điện có 12  HTX 138 thành viên, vốn điều lệ đăng ký 13.460  triệu đồng, chiếm 8% về số lượng HTX và chiếm 4% tổng vốn; trong đó 7 HTX đang hoạt động gồm 04 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; 03 HTX xây lắp điện; 04 HTX thuộc diện giải thể và 01 HTX đang  hoàn tất hồ sơ củng cố. Các HTX lĩnh vực này hoạt động ổn định, có hiệu quả, doanh thu ước đạt 12,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động của các HTX từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng; các HTX thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước; tham gia thực hiện tốt công tác an sinh xã hội ở địa phương.

Lĩnh vực thương mại - dịch vụ, kinh doanh tổng hợp có 08  HTX, 216 thành viên, tổng vốn điều lệ đăng ký 23.315 triệu đồng, chiếm 5,3% số lượng HTX và  chiếm  8% tổng vốn.  HTX  lĩnh vực này giải quyết việc làm thường xuyên cho 42 lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Các HTX hoạt động ổn định, chú trọng cải tiến phương thức bán hàng, đề ra nhiều biện pháp thích hợp tiêu thụ hàng hóa của thành viên, phát huy thế mạnh tập trung vào lĩnh vực khai thác bán lẻ; doanh thu tại thời điểm báo cáo đạt khoảng  2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, còn một số HTX hoạt động khó khăn, do giá thuê  đất làm địa điểm kinh doanh chưa hợp lý. Một số HTX còn lúng túng, chưa triển khai được các hoạt động kinh doanh do chưa đảm bảo nguồn vốn đầu tư kinh doanh và liên kết.

Lĩnh vực tín dụng toàn tỉnh có 09 Quỹ tín dụng nhân dân  (QTDND),  tổng số thành viên là 12.928 thành viên, chiếm 6% về số lượng HTX, với tổng vốn điều lệ đăng ký 22.314 triệu đồng, chiếm 7% tổng vốn, doanh thu bình quân  hoạt động trên địa bàn 26  xã, phường, thị trấn của 5 huyện và thành phố Bến Tre  là 2.546 triệu đồng/QTDND, lãi bình quân 365 triệu đồng/QTDND. Nhìn chung, hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh ổn định, phát huy được ưu thế trong công tác huy động vốn, cho vay trên địa bàn hoạt động, các chỉ tiêu cơ bản đều tăng trưởng, kinh doanh có lãi, nợ xấu chiếm tỷ lệ thấp, công tác phát triển, củng cố lại thành viên tiếp tục được quan tâm.

Lĩnh vực giao thông vận tải hiện có 07 HTX, tống số thành viên là 830 thành viên, chiếm 4,6% về số lượng HTX, với tổng vốn điều lệ đăng ký  là 179,681 tỷ đồng, chiếm 59% tổng vốn; doanh thu bình quân 01 HTX là 1,1 tỷ đồng, do tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp 06 tháng đầu năm 2020 nên ảnh hưởng nặng nề đến các HTX giao thông vận tải, các HTX  không tạo ra lợi nhuận, thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên là 04 triệu đồng/tháng. Hoạt động của các HTX tương đối ổn định, tuân thủ tốt các quy định chuyên ngành vận tải.

Lĩnh vực tài nguyên – môi trường hiện có 05 HTX kinh doanh khai thác cát sông, với tổng số 78 thành viên chiếm 3,3% về số lượng HTX, với tổng vốn điều lệ 11,935 tỷ đồng, chiếm 4% tổng vốn. Tuy nhiên các HTX trong lĩnh vực này ngừng hoạt động, thuộc diện giải thể do thời hạn cấp phép khai thác đã hết. Khó khăn lớn nhất đối với các HTX lĩnh vực này là không có nguyên liệu để khai thác (cát sông) do chủ trương của tỉnh là ngừng cấp phép khai thác các mỏ cát sông.

Những hạn chế

Công tác quản lý nhà nước về HTX: Một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của HTX kiểu mới, chưa nắm được mục tiêu phát triển kinh tế hợp tác, HTX nên việc triển khai vận động thực hiện chưa thật sự hiệu quả. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp có lúc chưa đồng bộ, sâu sát; công tác tuyên truyền, vận động triển khai chưa sâu rộng, chưa đều. Một số cán bộ quản lý nhà nước về KTTT, HTX chưa kịp thời nắm bắt diễn biến tình hình  hoạt động THT, HTX để tác động, hỗ trợ  và giải quyết những vướng mắc, khó khăn của HTX.

Đa số các HTX chưa là đối tượng để được thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển của Nhà nước, đối tượng nhận được hỗ trợ hiện nay là các thành viên của HTX, từ đó các cơ quan Nhà nước gộp và gán kết quả này cho HTX.

Điều kiện cơ sở vật chất của HTX chưa đầy đủ, đa phần chưa có trụ sở giao dịch; nhà xưởng chế biến, phương tiện, công cụ, dụng cụ văn phòng còn chưa đáp ứng nhu cầu giao dịch. Trong khi đó, các chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển HTX đã ban hành và có hiệu lực thi hành, nhưng HTX chưa tiếp cận được. Do một số ngành, địa phương chưa chủ động, rà soát, tổng hợp nhu cầu và hướng dẫn HTX thực hiện; các khó khăn, vướng mắc chậm tháo gỡ, nên chưa có nhiều HTX được hưởng các chính sách.

Trình độ, năng lực của bộ phận quản lý, điều hành và cán bộ chuyên môn nghiệp vụ của đa số HTX còn nhiều hạn chế, các ngành các cấp trong thời gian qua tổ chức rất nhiều lớp tập huấn nhưng HTX chưa thể vận dụng vào hoạt động của HTX. Nhiều HTX chưa thu hút được cán bộ trẻ, sinh viên có trình độ chuyên môn về tham gia xây dựng HTX. Phần lớn các HTX chưa có nhân viên kế toán chuyên trách nên việc quản lý, báo cáo tài chính, sổ sách kế toán còn nhiều bất cập.

Một số HTX đã ngưng hoạt động trong thời gian dài hoặc có tên đăng ký nhưng không hoạt động, không thực hiện được thủ tục giải thể, chủ yếu do vướng mắc về tài sản, nợ thuế, nợ các tổ chức cá nhân liên quan hoặc HTX không quan tâm đến việc giải thể theo quy định làm ảnh hưởng chung đến công tác quản lý và tâm lý của người dân đối với mô hình HTX.

Dịch vụ HTX cung cấp cho các thành viên của mình chưa đa dạng, còn nghèo nàn, đơn lẻ; liên kết sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị còn thấp; trình độ ứng dụng KH&CN chưa cao.

Nguyên nhân

Công tác lãnh đạo thực hiện các bước chuẩn bị thành lập HTX chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo chất lượng, nhất là công tác tuyên truyền, lựa chọn nhân sự chủ chốt để quản lý điều hành và xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh.

Chính quyền địa phương chưa thật sự quyết liệt, đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong việc tập trung theo dõi, xử lý những vướng mắc, khó khăn để HTX phát triển.

Nhiều HTX hoạt động chưa hiệu quả, do đó nhiều người dân chưa thấy rõ được lợi ích khi tham gia vào HTX; phương thức sản xuất tự do, nhỏ lẻ vẫn còn được ưa chuộng.

Giải pháp

Tiếp  tục tổ chức quán triệt, triển khai Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Tập trung công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức hệ thống chính trị và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của HTX trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn; huy động sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của các tổ chức đoàn thể, chính trị từ huyện đến ấp trong tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân và hỗ trợ hoạt động HTX.

Chính phủ xem xét ban hành Nghị định hướng dẫn tổ chức hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cấp tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù cho KTTT, HTX về ứng dụng khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển, nếu áp dụng chung với doanh nghiệp thì HTX tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách này.

Ban hành hướng dẫn việc khoanh nợ, xóa nợ đối với các HTX thành lập trước Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, nhưng không còn hoạt động, thuộc diện giải thể, nhằm tạo điều kiện thuân lợi cho công tác quản lý và tránh ảnh hưởng chung đến hoạt động của HTX.

Tập trung chỉ đạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX. Quan tâm công tác nhân  sự quản lý, xây dựng phương án/kế hoạch sản xuất kinh doanh. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ quản lý ở các phòng chuyên môn cấp huyện trong công tác phối hợp với cấp xã để hỗ trợ củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX. Thực hiện tốt các bước chuẩn bị trước khi tổ chức Hội nghị thành lập HTX, trên nguyên tắc: Dân biết, dân bàn và dân quyết định, nhất là phương án sản xuất kinh doanh, lựa chọn nhân sự quản lý HTX, phải thật sự công khai, minh bạch.

Quan tâm thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX phù hợp yêu cầu thực tế HTX và trình độ người học; chọn lựa cán bộ trẻ, con em thành viên HTX có tâm huyết để tổ chức thí điểm đào tạo dài hạn, bán tập trung (từ 06 tháng) đối với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật HTX và các chính sách liên quan về phát triển HTX trên địa bàn, nhằm kịp thời phát hiện, có giải pháp hỗ trợ, chấn chỉnh. Tổ chức họp mặt với HTX để nắm tình hình, tháo gỡ khó khăn cho HTX; biểu dương, khen thưởng các HTX hoạt động tốt trên địa bàn.

Phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Liên minh HTX trong xây dựng, phát triển HTX. Chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình của HTX để kịp thời hỗ trợ cho HTX./.

Tin khác