Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ sáu, 26 Tháng 4, 2024 - 21:22

Tìm hiểu các chỉ số liên quan đến việc đo lường hiệu quả cải cách hành chính nước ta - nguồn tư liệu trong giảng dạy các chuyên đề về cải cách hành chính tại Trường Chính trị Bến Tre

Thạc sĩ Nguyễn Thị Yến
Trưởng khoa NN và PL

1. Các chỉ số đo lường cải cách hành chính

Cải cách hành chính (CCHC) là yêu cầu khách quan của mọi nền hành chính và của bất cứ quốc gia nào. Với Việt Nam, quan điểm của Đảng từ các kỳ Đại hội về cải cách nền hành chính nhà nước được thể hiện nhất quán trong các văn kiện, các nghị quyết Trung ương. Đại hội đại biểu toàn quốc khóa XI khẳng định: Đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả về kinh tế, xã hội. Đẩy mạnh công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN trên 4 mặt: chức năng, nhiệm vụ; tổ chức, bộ máy; cán bộ và phương thức hoạt động. Định rõ những việc nhà nước phải làm và đảm bảo đủ các điều kiện để làm tốt; đồng thời khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan Đảng và Nhà nước. Hiện đại hóa nền hành chính nhà nước. Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến cải cách hành chính, nhất là công tác xây dựng pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Điều chỉnh chức năng của Chính phủ đúng với vai trò là cơ quan chức năng cao nhất. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII tiếp tục xác định: “Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước theo hướng dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp năng động, phục vụ nhân dân, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả”. Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020; Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04 tháng 2 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Cải cách hành chính là quá trình cải biến có kế hoạch cụ thể để đạt mục tiêu hoàn thiện một hay một số nội dung của nền hành chính nhà nước (thể chế, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, tài chính công, v.v.) nhằm xây dựng nền hành chính công đáp ứng yêu cầu của một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả và hiện đại.

Theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước (HCNN) giai đoạn 2011 – 2020, với mục đích xây dựng nền hành chính công theo hướng dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp năng động, phục vụ nhân dân, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Thể hiện qua các nội dung: Cải cách thể chế HCNN; Cải cách thủ tục HCNN; Cải cách tổ chức bộ máy HCNN; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Cải cách tài chính công; Hiện đại hóa nền hành chính.

Nhằm có cơ sở, căn cứ để kiểm tra, đánh giá CCHC và đo lường sự phục vụ hành chính là một yếu tố quan trọng phản ánh kết quả công tác cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương, hiện nay sử dụng các chỉ số sau:

- Chỉ số PCI: Là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đánh giá và xếp hạng chính quyền cấp tỉnh về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh. PCI được xem là một công cụ chính sách, hướng tới thay đổi thực tiễn. Có tất cả 10 chỉ số thành phần  111 chỉ tiêu, với thang điểm 100 nhằm đánh giá và xếp hạng các tỉnh về chất lượng điều hành cấp tỉnh. Những chỉ số đó là: Gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Tính năng động của lãnh đạo tỉnh; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lý; Cải cách hành chính (bổ sung từ năm 2012). Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; chi phí không chính thức thấp; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; môi trường cạnh tranh bình đẳng; lãnh đạo năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; chính sách đào tạo lao động tốt và  thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả.

- Chỉ số PAPI: Là chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh,công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh chân thực tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Chỉ số PAPI hướng tới cải thiện hiệu quả phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của nhân dân. PAPI đo lường trải nghiệm của người dân với việc thực thi chính sách, pháp luật, quy định của các cấp chính quyền địa phương ở sáu nội dung chính: Tham gia của người dân ở cơ sở; Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công. Từ năm 2018, PAPI có 8 chỉ số nội dung, gồm 6 chỉ số nội dung gốc và 2 chỉ số nội dung mới là quản trị môi trường và quản trị điện tử.

- Chỉ số PAR INDEX: Theo Quyết định số 2636/QĐ-BNV, ngày 10 tháng 12 năm 2018 của Bộ Nội vụ phê duyệt đề án về: “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.

PAR Index là chỉ số cải cách hành chính, là công cụ quan trọng để theo dõi, đánh giá hoạt động cải cách hành chính (CCHC) được Bộ Nội vụ ban hành tại Quyết định số 1294/QĐ-BNV ngày 03/12/2012 về phê duyệt Đề án "Xác định chỉ số CCHC của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương" với mục tiêu: Xác định Chỉ số CCHC để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng kết quả CCHC hàng năm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020.

PAR Index gồm đánh giá bên trong của cơ quan (có thẩm định của Hội đồng Thẩm định Trung ương) và đánh giá bên ngoài của người dân. Nội dung của Chỉ số được xác định trên 8 lĩnh vực: Công tác chỉ đạo điều hành CCHC; Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản QPPL; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC; Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; Hiện đại hóa nền hành chính; Thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Tổng điểm của PAR Index là 100 điểm với phương pháp đánh giá như sau: thông qua kết quả tự chấm điểm của địa phương với số điểm tối đa là 62/100 điểm và kết quả điều tra xã hội học với số điểm tối đa là 38/100 điểm.

- Chỉ số SIPAS: Theo Quyết định số 915/QĐ-BNV, ngày 20 tháng 4 năm 2016 của Bộ Nội vụ ban hành Quyết định: “Về việc phê duyệt và công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2015”.  

Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) là kết quả mang tính định hướng của việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Chỉ số SIPAS là thước đo mang tính khách quan, phản ánh trung thực kết quả đánh giá của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thông qua việc cung cấp các dịch vụ hành chính công cụ thể. Chỉ số SIPAS được đo lường thông qua điều tra xã hội học với người dân, tổ chức đã giải quyết thủ tục hành chính (đã hoàn thành và nhận kết quả) ở các dịch vụ hành chính công được lựa chọn khảo sát. Thông tin điều tra xã hội học được thu thập trên các phiếu hỏi, được phát tới người dân, tổ chức, gồm khoảng 20 câu hỏi khảo sát trên 04 tiêu chí:

- Tiếp cận dịch vụ;

- Thủ tục hành chính;

- Sự phục vụ của công chức;

- Kết quả giải quyết công việc của cơ quan hành chính nhà nước.

Với mỗi tiêu chí, người dân, tổ chức đưa ra đánh giá về sự hài lòng và đánh giá chung về sự hài lòng đối với toàn bộ dịch vụ theo thang đánh giá 5 mức: (1) Rất hài lòng, (2) Không hài lòng, (3) Bình thường, (4) Hài lòng  (5) Rất hài lòng.

Chỉ số SIPAS được tính toán dựa trên tỷ lệ phần trăm số người dân, tổ chức có câu trả lời về toàn bộ dịch vụ. Phương pháp đo lường này cung cấp các chỉ số thành phần theo từng tiêu chí của dịch vụ, các chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước theo từng yếu tố của dịch vụ, giúp cơ quan quản lý phân tích, xác định cụ thể mức độ hài lòng của người dân.

2. Kết quả đánh giá việc thực hiện theo chỉ số đo lường hiệu quả cải cách hành chính trên toàn quốc và kết quả cụ thể của Bến Tre năm 2018

- Chỉ số  PCI: Đầu bảng xếp hạng PCI 2018 là Quảng Ninh với 70,36 điểm trên thang điểm 100. Tiếp đến là Đồng Tháp (70,19 điểm), Long An (68,09 điểm), Bến Tre (67,67 điểm), xếp thứ tư trong 63 tỉnh, thành. Các tỉnh, thành phố tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu bao gồm: Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Nam, Vĩnh Long, Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao còn có Cần Thơ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Thái Nguyên, Nghệ An, Bình Định. Đà Nẵng, từng là "ngôi sao cải cách" cũng đang chững lại khi từ vị trí thứ hai năm 2017 đã tụt xuống thứ 5 với 67,65 điểm.

- Chỉ số PAPI: Trong tổng hợp kết quả PAPI năm 2018 của 63 tỉnh, thành phố, Bến Tre là tỉnh có tổng điểm cao nhất là 47,06 điểm, xếp thứ hai là Lạng Sơn với 47,05 điểm. Chỉ số PAPI tiếp tục đóng vai trò là công cụ hữu hiệu góp phần thúc đẩy quản trị tốt ở Việt Nam. Chỉ số PAPI lắng nghe tiếng nói của người dân, tìm hiểu kỳ vọng của người dân đối với cấp chính quyền, bằng cách đó tạo điều kiện để người dân tham gia quản trị đất nước. Lĩnh vực dịch vụ và thủ tục hành chính công có cải thiện bao gồm dịch vụ chứng thực, xác nhận chính quyền của cơ sở, dịch vụ cấp phép xây dựng; dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dịch vụ hành chính công cấp xã/phường.

- Chỉ số PAR INDEX: Năm 2018 kết quả Chỉ số CCHC của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phân loại thành 4 nhóm:  

Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 80% trở lên, bao gồm 09 tỉnh, thành phố.

Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 75% - dưới 80%, bao gồm 36 tỉnh, thành phố.

Nhóm C, đạt kết quả Chỉ số từ 70% - dưới 75%, bao gồm 15 tỉnh, thành phố.

Nhóm D, đạt kết quả Chỉ số dưới 70%, bao gồm 03 tỉnh, thành phố.

Kết quả Chỉ số CCHC năm 2018 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giá trị trung bình đạt 76,92%. Có 29 địa phương đạt kết quả Chỉ số cao hơn giá trị trung bình, trong số đó có 09 địa phương đạt kết quả trên 80%; 60/63 địa phương đạt kết quả Chỉ số trên 70%.  Trong năm không địa phương nào đạt kết quả dưới 60%. Trong đó, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả Chỉ số đạt 89,06%, tỉnh Đồng Tháp đạt 83,71/100 điểm, tăng 1,80 điểm so với năm 2017, đứng ở vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng tổng hợp và đạt kết quả cao nhất trong số 13 tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ. Các vị trí thứ 4, và thứ 5 trên bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2018 thuộc về 2 thành phố lớn là Đà Nẵng (đạt 83,70%) và Hải Phòng (đạt 83,68%). Riêng Bến Tre đạt chỉ số ở vị trí 55/63 với tổng điểm: 73,49. So với năm 2017 vượt lên 7 thứ hạng và tăng 6,14 điểm. Đây cũng là những tín hiệu đáng mừng do Bến Tre từng lúc có nhiều đổi mới, sáng tạo trong thực hiện CCHC thời gian gần đây. 

Chỉ số SIPAS (3):Tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước là 82,99%; tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nằm trong khoảng 69,98% - 97,88%.  Năm yếu tố cơ bản của quá trình và kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công được đánh giá trong khuôn khổ Chỉ số SIPAS 2018, gồm: (1) Tiếp cận dịch vụ, (2) thủ tục hành chính, (3) công chức, (4) kết quả dịch vụ, (5) việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị, nhận được sự hài lòng của người dân, tổ chức nói chung trong cả nước là (lần lượt): 80,62%, 86,40%, 85,10%, 88,13% và 74,07%.

Cụ thể: tỉnh có Chỉ số hài lòng cao nhất là Sơn La, đạt 97,88%;  thấp nhất là Hà Giang, 69,98%. Riêng Bến Tre xếp loại 19/63 tỉnh thành, đạt 86,56% điểm. Từ đó trong định hướng tới, Bến Tre cần tập trung nỗ lực để đảm bảo mục tiêu CCHC, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước vào năm 2020.

Với giảng viên, học viên nhà trường nghiên cứu các chỉ số đo lường hiệu quả cải cách hành chính là nguồn tư liệu hữu ích góp phần thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TU của Tỉnh ủy Bến Tre về việc đẩy mạnh cải cách hành chính trong hệ thống chính trị giai đoạn 2016-2020, thực hiện giải pháp để nâng thứ hạng các chỉ số: PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS, cụ thể, trong công tác giảng dạy và minh chứng tư liệu, số liệu giúp giảng viên và học viên tiếp cận sâu hơn bài học “Một số vấn đề về cải cách hành chính ở cơ sở” trong Chương trình đào tạo Trung cấp LLCT-HC, cũng như các chuyên đề cải cách hành chính trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng khác của nhà trường./.

Tham khảo

(1)https://www.moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-hoat-dong-cua-bo-noi-vu/toan-van-bao-cao-par-index-va-sipas-2017-cua 38043.html

(2)https://www.moha.gov.vn/DATA/DOCUMENT/2019/05/Van%20ban%20moi/20.5.2019.File%20word%20Bao%20cao%20PAR%20INDEX%202018%20(b%E1%BA%A3n%20cu%E1%BB%91i).pdf

(3)https://moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-hoat-dong-cua-bo-noi-vu/chi-so-sipas-2018-danh-gia-khach-quan-ket-qua-40671.html

Tin khác