Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ sáu, 26 Tháng 4, 2024 - 10:44

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – lý luận và thực tiễn trong bối cảnh dịch covid-19 hiện nay

ThS. Trần Văn Hòa
Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở
 

Giải quyết vấn đề lý luận và thực tiễn trong tình hình dịch bệnh hiện nay được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Qua đó, xây dựng cơ sở pháp lý để chứng minh tính đúng đắn, phù hợp của việc vận dụng sáng tạo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đây là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Coi thị trường là một cơ chế để quản lý và đến nay nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được xem là mô hình kinh tế tổng quát của đất nước.

Hơn 35 năm đổi mới, đất nước đã trãi qua những thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, nhất là sự tác động nặng nề của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra cho thế giới và nước ta vào thời điểm cuối nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, gần một năm sau Đại hội XIII; với sự phấn đấu, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân, nền kinh tế đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật nói như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển; kinh tế vĩ mô ổn định, vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao; quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên, chất lượng tăng trưởng được cải thiện”(1)So với nhiệm kỳ trước, kinh tế chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát luôn được kiểm soát ở mức thấp, mặc dù năm cuối nhiệm kỳ bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 vẫn đạt khoảng 6 %/năm. Quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người tăng lên (năm 2020, GDP đạt 271,2 tỉ USD và thu nhập bình quân đầu người ước đạt 2.779 USD/người/năm). Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011 - 2015 lên 6%/năm giai đoạn 2016 - 2020. 

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước và còn nhiều khó khăn, thách thức. Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong Chiến lược 2011 - 2020 và việc tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được mục tiêu đề ra. Công cuộc đổi mới tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn cần phải tập trung giải quyết để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là việc nhận thức, giải quyết đúng, hiệu quả các mối quan hệ lớn.

Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hoá. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Những thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo. Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử kết tinh sức sáng tạo của Đảng và Nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, Cương lĩnh tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Với những thành tựu đạt được như trên là rất cơ bản, đó là sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong suốt quá trình đổi mới. Điều đó chứng minh việc vận dụng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp cho từng giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam.

Hiện nay, đất nước đang bước vào bối cảnh mới vô cùng khó khăn (dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế - xã hội), thì việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta càng có ý nghĩa vô cùng to lớn. Thực hiện các chính sách tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế với phương châm mỗi chính sách kinh tế đều hướng đến mục tiêu phát triển xã hội - mỗi chính sách xã hội đều nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Điều này, được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập trong bài viết của mình: “Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”(2), nhất là ngay trong thời điểm dịch bệnh thì càng quan tâm an sinh xã hội. Đảng cũng chỉ đạo việc xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với tình hình dịch bệnh; có kế hoạch tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống của Nhân dân. Tư tưởng nhất quán, xuyên suốt “chống dịch như chống giặc”, kiên định thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch hiệu quả đồng thời phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, đã huy động được sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, trực tiếp đe dọa tính mạng con người và sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Ðảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, thiết thực để vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, bảo đảm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Khi làn sóng dịch thứ tư xảy ra, phương châm này tiếp tục được thực hiện một cách nhất quán. Ðây là lựa chọn hết sức đúng đắn bởi dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn cần bảo đảm quyền sống, quyền phát triển của con người và xã hội. Đó là bản chất nhân văn của chế độ xã hội, việc bảo đảm nhân quyền trước hết phải là bảo vệ sức khỏe, bảo đảm an toàn tính mạng của Nhân dân, và dù khó khăn đến đâu cũng không thể để Nhân dân lâm cảnh thiếu, đói. Luận điểm này chính là giá trị nhân văn của định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Để các quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đi vào cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản về phòng, chống dịch, trong đó có ba văn bản quan trọng, gồm: Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã giúp tháo gỡ một số thủ tục hành chính, bảo đảm người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận nhanh nhất gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng và các chính sách hỗ trợ khác; Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 26/5/2021 về việc thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 và Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021 phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch Covid-19 khẳng định việc mua sắm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, cần có sự tham gia, đóng góp công sức, tiền bạc của mọi người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước đồng hành cùng Chính phủ.

Trên tinh thần chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các địa phương trong cả nước đã đồng thuận, tích cực hưởng ứng và triển khai quyết liệt trong phòng, chống dịch  Covid-19, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công điện của Thường trực Ban Bí thư về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19; lồng ghép họp mở rộng định kỳ hàng ngày của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) tỉnh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ yêu cầu: Toàn thể hệ thống chính trị tiếp tục tập trung cao nhất, ưu tiên cho công tác phòng chống dịch; bảo vệ sức khỏe, tính mạng và an toàn của người dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Các cấp ủy tập trung chỉ đạo sát sao, phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động cả hệ thống chính trị, tạo đồng thuận trong nhân dân, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg, nhất là các giải pháp phòng chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần chủ động, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo; thực hiện nghiêm các giải pháp giãn cách, cách ly, khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, điều trị, tiêm vaccine trên địa bàn toàn tỉnh. Phát động và thực hiện tốt phong trào thi đua theo kế hoạch thi đua “Đồng Khởi mới” trong phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, nhằm sớm dập dịch đưa Bến Tre trở lại trạng thái bình thường mới.

Đồng thời đồng chí còn lưu ý một số nội dung về tuyên truyền, quán triệt bảo đảm an ninh trật tự, triển khai sâu rộng Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; phương án, tổ chức, quản lý đưa đón người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh để bảo đảm an toàn cao nhất cho người về địa phương và cho cộng đồng dân cư. “Tỉnh đang thực hiện “mục tiêu kép” (vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội), đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng tin tưởng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, tỉnh sẽ khống chế và thực hiện thành công công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn”.

Theo đồng chí Trần Ngọc Tam – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, cùng với thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tỉnh còn thực hiện hiệu quả các giải pháp trước mắt để phục hồi kinh tế và triển khai các giải pháp đột phá để phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế. Tỉnh vận động nhân dân phát triển mạnh mô hình nuôi tôm công nghệ cao để gia tăng thu nhập, với diện tích 1.400 ha, sản lượng 13.440 tấn. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, tuy nhiên, bằng sự nỗ lực và quyết tâm của các cấp, các ngành, tỉnh huy động tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt hơn 9.916 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, Bến Tre thu hút hơn 5.926 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, gấp 4 lần so cùng kỳ, đạt 74,08% kế hoạch...(nguồn: Bến Tre TTXVN 2/7). Như vậy, Bến Tre cùng với cả nước thực hiện chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đi vào chiều sâu, từng bước hoàn thiện thể chế, phát triển đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường gắn với đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Tóm lại, vận dụng, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa về cơ sở lý luận và thực tiễn từ khi đổi mới đến nay đã luận chứng tính đúng đắn, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước ta. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong bài viết: “Ðưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Ðảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”(3). Hiện nay, khi đất nước bước vào giai đoạn vô cùng khó khăn do dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến kinh tế, an sinh xã hội, thì mô hình kinh tế tổng quát đã có tác động hiệu quả, ý nghĩa rất lớn đối với sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Chưa bao giờ Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay: Kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; nghèo đói giảm nhanh, liên tục; đời sống Nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng; thế và lực của quốc gia được tăng cường; niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng được củng cố. Ðó là những thành tựu không thể phủ nhận, mặc dù trong thực tế, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta còn nhiều hạn chế, cần tiếp tục hoàn thiện./.

(1). Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb. Chính trị quốc sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.59.

(2), (3) Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 16-5-2021.

Tin khác