Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ sáu, 26 Tháng 4, 2024 - 21:46

Kết quả nghiên cứu và bài học kinh nghiệm qua đợt nghiên cứu thưc tế tại Đồng Tháp

Quốc Hoàng – Lớp Cán bộ nguồn Bến Tre 2019

Thực hiện chương trình nghiên cứu thực tế của Lớp Cán bộ nguồn Bến Tre 2019 về công tác Xây dựng Đảng tại tỉnh Đồng Tháp (nghe báo cáo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Tháp và đi khảo sát tại Phường 11 Thành phố Cao Lãnh), chúng tôi phát hiện và rút ra các bài học và khả năng vận dụng tại địa phương như sau:

Đồng Tháp là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích khoảng 3.374 km2, có 12 đơn vị hành chính trực thuộc, dân số khoảng 1,7 triệu người, trong đó, dân tộc Kinh chiếm 99,3%, còn lại là dân tộc Hoa và Khmer. Là địa phương đi đầu cả nước về thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp", sản lượng nông nghiệp, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng luôn đứng tốp 3 cả nước và đứng đầu các tỉnh trong Khu vực. Kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, năm 2017 thực hiện đạt và vượt 14/16 chỉ tiêu, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,04%, tổng giá trị GRDP đạt 47.093 tỷ đồng (tăng thêm 2.175 tỷ đồng so với năm 2016), GRDP bình quân trên người đạt 37,47 triệu đồng; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn xếp cao trong cả nước (năm 2015 xếp thứ 2, năm 2016 và năm 2017 xếp thứ 3, năm 2018 xếp thứ 2) và đứng đầu các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhiều năm liền.

Đảng bộ tỉnh có 16 đảng bộ trực thuộc, với 659 tổ chức cơ sở đảng (342 đảng bộ cơ sở, 317 chi bộ cơ sở, giảm 88 tổ chức so với 2017 do thành lập đảng bộ cơ sở Khối cơ quan cấp huyện), 3068 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, 14 đảng bộ bộ phận với 59.139 đảng viên, chiếm 3,48% so với dân số.

* Một số kết quả công tác xây dựng đảng ở cơ sở của Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp:

- Công tác giáo dục chính trị tư tưởng ở cơ sở đạt được nhiều kết quả nổi bật

Nhận thức của cấp ủy cơ sở, nhất là bí thư chi bộ về công tác xây dựng đảng được nâng lên rõ rệt. Tình trạng sao chép nghị quyết, quy chế, kế hoạch dần dần được khắc phục. Từ đó chất lượng ban hành nghị quyết, cụ thể hóa nghị quyết của cấp trên.

Xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay như (140 mô hình): Sổ tay làm theo gương Bác ở huyện Cao Lãnh; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền gặp gỡ, đối thoại trực tiếp (hoặc qua sóng phát thanh) với Nhân dân; xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến ở cơ sở về học tập và làm theo gương Bác… góp phần tạo nên sự đồng thuận cao của cấp ủy xã, phường thị trấn, chi bộ khóm ấp trong việc thực hiện các chủ trương của tỉnh như Nghị quyết Trương ương 6, 7; các nghị quyết chuyên đề, đề án của tỉnh.

- Phương thức lãnh đạo của đảng ủy xã, phường, thị trấn ngày càng được đổi mới rõ nét

+ Công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung và thực hiện quy chế ở cơ sở đi vào nền nếp. Công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy bám sát vào quy chế, đặc biệt là các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Cấp ủy viên mạnh dạn phát biểu ý kiến đóng góp xây dựng nghị quyết; phân công nhiệm vụ cho cấp ủy viên rõ ràng, gắng với trách nhiệm, có kiểm điểm, đánh giá hằng tháng để rút kinh nghiệm, khắc phục tình trạng đồng thuận xuôi chiều. Công tác cán bộ ở cơ sở ngày càng chặt chẽ, khắc phục tình trạng một số nơi xem “thường trực” trên ban thường vụ; ban thường vụ “trên” ban chấp hành; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng gắn với nhu cầu bố trí sử dụng cán bộ.

+ Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 04-ĐA/TU về thí điểm sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tỉnh đến năm 2021 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ở cơ sở. Đến nay, mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã đã thực hiện 40/144 đơn vị cấp xã chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân. Đặc biệt, một số cấp ủy cơ sở mạnh dạn thực hiện phó bí thư cấp ủy phụ trách công tác đảng đồng thời là chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã (không kiêm nhiệm các chức danh khác). Thí điểm phân công kiêm nhiệm đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã; một người kiêm nhiệm không quá 02 chức danh. Giảm ít nhất 09 người hoạt động không chuyên trách đối với xã, phường, thị trấn loại I; giảm ít nhất 08 người hoạt động không chuyên trách đối với xã, phường, thị trấn loại II, III. Đối với ấp, khóm: Có 696/701 ấp, khóm đã thực hiện kiêm nhiệm các chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ấp, khóm; phó bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ban công tác mặt trận ấp, khóm, (có xã còn thực hiện thêm cán bộ, người hoạt động không chuyên trách cấp xã kiêm nhiệm bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ấp, khóm). Mỗi xã, phường, thị trấn không quá 03 tổ chức Hội đặc thù.

+ Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khoá XII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 108-KH/TU ngày 25 tháng 7 năm 2018 chỉ đạo Đảng ủy xã, phường, thị trấn giải thể chi bộ cơ quan và chuyển đảng viên công tác tại cơ quan xã, phường, thị trấn về sinh hoạt ở chi bộ ấp, khóm; phân công cấp ủy viên cấp tỉnh, cấp huyện tham gia sinh hoạt chi bộ ấp khóm; Ban Tổ chức Tỉnh ủy ban hành hướng dẫn thống nhất chương trình, nội dung, bản chấm điểm sinh hoạt chi bộ theo Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW; hướng dẫn về phân công nhiệm vụ cho đảng viên, nhất là đối với đảng viên công tác ở xã, phường, thị trấn. Từ đó, khắc phục tình trạng đảng viên vắng nhiều, ít phát biểu sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chiếu lệ, qua loa, từng bước đưa nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước dần đi vào đời sống.

- Công tác kết nạp đảng viên được quan tâm thực hiện, chất lượng đảng viên mới được nâng cao, bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã kết nạp được 5.941 đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ lên 58.773 đảng viên chiếm 3,67% so dân số. Nhìn chung, chất lượng đảng viên mới kết nạp được nâng lên về nhiều mặt, nhất là đảng viên trẻ, nữ, đảng viên đã qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.

- Công tác kiểm điểm, đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên theo Quy định số 132-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương bước đầu đi vào thực chất, tập trung kiểm điểm làm rõ những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phong cách, lề lối làm việc; các báo cáo kiểm điểm của tập thể, cá nhân phản ánh được những mặt làm được, chưa làm được, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân và đặc biệt là có sự tham gia đóng góp của nhiều cơ quan, đơn vị cấp trên, cấp dưới, cùng cấp nên đã thể hiện được tính dân chủ, khách quan, đánh giá sát thực chất.

- Công tác dân vận ở cơ sở ngày càng đi vào thực chất, góp phần tăng cường mối quan hệ Đảng – Dân. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã có sự đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động; việc sáp nhập một số tổ chức hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phong trào dân vận khéo, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án trọng tâm của tỉnh. Nổi bật như mô hình "Hội quán”, "Tổ nhân dân tự quản", "Hộ gia đình thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới", khởi nghiệp... tạo sự liên kết, hợp tác của người dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Tập trung chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động chi đoàn, chi hội, đoàn viên, hội viên; từng bước khắc phục biểu hiện hành chính trong hoạt động; phối hợp thực hiện tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Công tác kiểm tra, giám sát cơ sở được tăng cường. Công tác kiểm tra, giám sát được các huyện, thị, thành ủy quan tâm lãnh đạo tiến hành các cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề về nâng cao chất lượng chi bộ, kiểm tra đảng viên chấp hành Nghị quyết, chỉ thị, quy định ... của Đảng. Qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện những hạn chế trong sinh hoạt chi bộ, kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh, khắc phục sửa chữa; xây dựng tốt mối quan hệ phối hợp giữa bí thư chi bộ và thủ trưởng đơn vị. Hằng năm, mở lớp tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát ở cấp ủy cơ sở; các chi bộ tùy tình hình thực tế mà thực hiện việc phân công nhiệm vụ cho phù hợp, nhất là đảng viên tuổi cao, sức khoẻ có phần hạn chế nhưng có uy tín trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, chất lượng các cuộc kiểm tra, hậu kiểm tra ở một số ít chi bộ, đảng ủy cấp xã chưa sâu, thiếu chương trình, kế hoạch; thời gian thực hiện các cuộc kiểm tra còn kéo dài...

Tuy nhiên, một số đảng ủy xã, phường, thị trấn chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn sinh hoạt chi bộ trực thuộc. Một số chi bộ sinh hoạt chưa đúng nội dung, chương trình và tổ chức thực hiện nghị quyết theo hướng dẫn; vai trò lãnh đạo của một số chi bộ loại hình sự nghiệp (y tế, giáo dục) trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn còn mờ nhạt; còn lúng túng trong việc chọn chuyên đề để sinh hoạt; một số đảng viên chưa tích cực nghiên cứu đóng góp xây dựng nghị quyết chi bộ, tinh thần tự phê bình và phê bình chưa cao, chưa mạnh dạn đấu tranh, góp ý xây dựng nội bộ; công tác kiểm tra, giám sát thiếu chiều sâu.   

Vai trò hạt nhân, nòng cốt của đảng viên trong các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở một số nơi chưa được phát huy đúng mức; một số nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đôi khi chưa phù hợp với cơ chế mới, thiếu cụ thể, chưa đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của đoàn viên, hội viên. Công tác tuyên truyền, vận động chưa sát thực tế, chưa thu hút nhiều đối tượng trong xã hội, còn nghiêng về các hoạt động mang tính hành chính, dàn trải, hiệu quả chưa cao.

*Bài học kinh nghiệm:

Qua trao đổi, thảo luận với Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Tháp, chúng tôi đúc rút ra các bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, công tác giáo dục chính trị tư tưởng có vai trò rất lớn tạo nên sự đồng thuận trong triển khai thực hiện mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng.

Thứ hai, nơi nào cấp ủy, các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp ủy quan tâm, thường xuyên kiểm tra, giám sát, cử cán bộ dự, nắm tình hình và hướng dẫn cho cơ sở thì nơi đó chất lượng hoạt động của chi bộ trực thuộc và Đảng ủy xã, phường, thị trấn phát huy được dân chủ, đoàn kết nội bộ tốt; chất lượng hoạt động, sinh hoạt chi bộ đi vào nền nếp, phát huy sức mạnh tập thể được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ.

Thứ ba, mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng ấp, Trưởng khóm, Phó Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng ban công tác mặt trận ấp, khóm bước đầu mang lại hiệu quả, quan trọng nhất là khâu lựa chọn, đánh giá đúng năng lực, trình độ cán bộ, người đảm nhiệm chức danh này phải có kỹ năng quản lý, điều hành, có trách nhiệm và khả năng bao quát công việc, biết phát huy trí tuệ tập thể.

Thứ tư, chế độ chính sách khuyến khích cán bộ có vai trò thu hút cán bộ và phát huy tinh thần trách nhiệm, chẳng hạn ở Đồng Tháp: Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ấp được hưởng cả hai chế độ phụ cấp, tổng thu nhập khoảng 6 triệu đồng/ tháng, có cả Thạc sĩ làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ấp.

  Thứ năm, chia nhỏ Tổ nhân dân tự quản (mỗi tổ khoảng 35 người) dễ sinh hoạt, quản lý, thực chất; vận động đảng viên, hội viên, tổ dân phòng làm Tổ Trưởng tổ nhân dân tự quản.

Ngoài ra, khi thảo luận trao đổi với Đảng ủy Phường 11 - TP. Cao Lãnh, chúng tôi rút ra các kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, Đảng ủy thường xuyên quán triệt chi bộ trực thuộc thực hiện các quy định của Đảng, quan tâm lãnh đạo việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Thứ hai, các đồng chí Đảng ủy viên phụ trách giám sát thường xuyên các Chi bộ luôn quan tâm và đồng hành cùng Chi bộ, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ Chi bộ, đồng thời phản ánh những khó khăn về Đảng ủy.

Thứ ba, Đảng ủy luôn tập trung triển khai chủ trương, chính sách của cấp trên một cách có hiệu quả, dễ nhớ, dễ làm, dễ nghe.

Thứ tư, tăng cường phân công cán bộ xuống địa bàn dân cư, kiểm tra, giám sát để kịp thới tháo gỡ vướng mắc từ các khóm, ấp.

Thứ năm, giúp những đảng viên trẻ, đảng viên có hoàn cảnh khó khăn có việc làm ổn định tại địa phương để hạn chế tình trạng bỏ sinh hoạt Đảng.

Qua các bài học kinh nghiệm trên, chúng tôi thấy ở Bến Tre áp dụng được các mô hình, kinh nghiệm như Trưởng ấp đồng thời là Bí thư chi bộ (hưởng hai chế độ phụ cấp); Bí thư xã kiêm Chủ tịch xã; chia nhỏ Tổ nhân dân tự quản; quan tâm lãnh đạo việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; các đồng chí Đảng ủy viên phụ trách giám sát thường xuyên các Chi bộ luôn quan tâm và đồng hành cùng Chi bộ, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ Chi bộ, đồng thời phản ánh những khó khăn về Đảng ủy. Đảng ủy luôn tập trung triển khai chủ trương, chính sách của cấp trên một cách có hiệu quả, dễ nhớ, dễ làm, dễ nghe; tăng cường phân công cán bộ xuống địa bàn dân cư, kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ vướng mắc từ các khóm, ấp; giúp những đảng viên trẻ, đảng viên có hoàn cảnh khó khăn có việc làm ổn định tại địa phương để hạn chế tình trạng bỏ sinh hoạt./.

Tin khác