Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ bảy, 27 Tháng 4, 2024 - 04:53

Một vài suy nghĩ về việc xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên ở Trường Chính trị Bến Tre

GVC Võ Thành Công
Phó Hiệu Trưởng Trường Chính trị

Trong hoạt động của Trường Chính trị, đội ngũ cán bộ giảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi vì, nhiệm vụ người giảng viên không chỉ truyền thụ kiến thức về lý luận chính trị, khoa học hành chính, kỹ năng lãnh đạo, quản lý,…cho người học mà còn là tấm gương sáng, mẫu mực về đạo đức, lối sống cả trong học tập và rèn luyện trước mọi người. Quy định số 184-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nhấn mạnh: “Trong tổng biên chế có từ 2/3 trở lên là cán bộ giảng dạy và nghiên cứu”. Đồng thời, Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong Hội nghị TW8 (Khóa XI) đã nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo”.

Dù rất nhiều cố gắng nhưng so với yêu cầu, nhiệm vụ trên, đội ngũ cán bộ giảng viên của Trường Chính trị Bến Tre hiện nay vẫn chưa đạt về số lượng và hạn chế nhất định về chất lượng. Vì vậy, tăng cường năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ giảng viên nhà trường là vấn đề luôn được Đảng ủy, Ban Giám hiệu quan tâm nhưng về biện pháp cụ thể có hiệu quả, mang tính khả thi cao thì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin nêu một vài biện pháp theo suy nghĩ bước đầu của cá nhân để mọi người cùng trao đổi thêm.

Theo tôi, để xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên của Trường Chính trị  Bến Tre đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ được giao, cần thực hiện các biện pháp cụ thể và đồng bộ sau:

1. Mỗi cán bộ giảng viên cần nhận thức rõ vị trí công tác, chức trách, nhiệm vụ của mình. Không ngừng học tập để nâng cao kiến thức, phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng tốt yêu cầu về chuẩn ngạch của từng giảng viên và nhiệm vụ được giao. Khắc phục khó khan, có ý thức tự học và ý chí vươn lên, rèn luyện kỹ năng, phương pháp tự học, tự nghiên cứu để chiếm lĩnh tri thức khoa học, công nghệ và nghệ thuật sư phạm. Cần xác định việc tự học của người cán bộ giảng viên vừa là quá trình để tự hoàn thiện mình, vừa là để nêu gương cho người học. Mỗi cán bộ giảng viên cần thường xuyên nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng công nghệ thông tin vào bài giảng và xử lý tốt các tình huống sư phạm.

2. Đối với đội ngũ cán bộ giảng viên chuyên trách và cả giảng viên kiêm chức hiện có của Trường. Khi cần đào tạo nâng cao trình độ thì cần đào tạo đúng chuyên ngành đã học trước đó, không nên chỉ qua lớp học “chuyển đổi” vài tháng là có thể đào tạo trên đại học thuộc một chuyên ngành khác. Bởi vì, như vậy người giảng viên có thể có kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó nhưng kiến thức cơ bản thì có thể còn hụt hẫng. Trong khi yêu cầu đào tạo của Trường Chính trị cấp tỉnh chủ yếu là chương trình trung cấp chính trị-hành chính dành cho đối tượng là cán bộ cấp cơ sở thuộc xã, phường, thị trấn rất cần được trang bị những kiến thức cơ bản, có tính hệ thống. Do vậy, theo tôi trường hợp này nên đưa học đại học “văn bằng hai” đúng với chuyên ngành cần đào tạo trình độ trên đại học sau này.

3. Đối với các trường hợp cử cán bộ đi nghiên cứu sinh để bảo vệ luận án tiến sĩ, Đảng ủy nhà trường cần căn cứ vào quy hoạch cán bộ, kế hoạch đào tạo cán bộ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và mạnh dạn đưa đi đào tạo đối với các đồng chí đủ điều kiện theo yêu cầu chiêu sinh của các cơ sở đào tạo. Không nên chỉ dựa vào sự tự giác đăng ký đi học của cán bộ. Bởi thực tế, hầu hết các trường hợp trong diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của Trường thường nêu nhiều lý do khó khăn để từ chối đi học. Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành Công đoàn của Trường cần có sự quan tâm hỗ trợ cần thiết về cả vật chất và tinh thần đối với các đồng chí được đưa đi đào tạo các loại chương trình.

4. Bên cạnh việc tích cực tuyển dụng các sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, đúng chuyên ngành các Khoa đang cần, có khả năng làm công tác giảng dạy, bổ sung vào biên chế của Trường; Đảng ủy, Ban Giám hiệu cần tranh thủ sự đồng tình của các huyện ủy, thành ủy để đề nghị cấp có thẩm quyền điều chuyển một số cán bộ giảng viên trẻ, đã qua đào tạo lý luận cơ bản, có năng lực giảng dạy tốt ở các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện (qua đánh giá từ Hội thi giảng viên giỏi cấp tỉnh do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hàng năm) để bổ sung cho đội ngũ giảng viên các Khoa của Trường Chính trị.

Để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên đủ về số lượng, mạnh về chất lượng. Tất nhiên, cần thực hiện rất nhiều biện pháp cả trước mắt và cơ bản lâu dài. Song, với điều kiện thực tế của Trường, nếu có sự thống nhất về quan điểm và các biện pháp trên được thực hiện đồng bộ, nhất quán, tin rằng đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị Bến Tre sẽ không ngừng phát triển, thực hiện ngày càng tốt hơn chức tránh, nhiệm vụ được giao./.

Tin khác