Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 20:55

Chiến thắng 30/4/1975 khẳng định sức mạnh to lớn của sự kết hợp đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế

Nguyễn Thị Ninh
Khoa Xây dựng Đảng

Chiến thắng 30/4/1975 là mốc son lịch sử sáng ngời của dân tộc Việt Nam, là khúc khải hoàn ca mà toàn Đảng, toàn quân và toàn dân mong đợi hơn 30 năm qua (1945-1975), song chiến thắng đó luôn luôn sống mãi trong ký ức của mỗi người dân Việt Nam. Bài học về sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sự ủng hộ to lớn của bạn bè quốc tế trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây của Đảng ta vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh toàn cầu hóa hội nhập quốc tế hiện nay, do vậy chúng ta phải vận dụng một cách sáng tạo trong tình hình hiện nay.

Hòa cùng khí thế hào hùng, cả nước long trọng tổ chức nhiều cuộc thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 39 năm ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975-30/4/2014), đây cũng là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống quý báu của dân tộc.

Trước đây, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta diễn ra trong bối cảnh quốc tế phức tạp. Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới lúc này đang ở thời kỳ phát triển mạnh mẽ, có tác động to lớn đến quá trình phát triển của thế giới. Cùng với sự lớn mạnh của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, phong trào giải phóng dân tộc dâng cao mạnh mẽ ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Cuộc đấu tranh vì dân sinh, dân chủ và hoà bình ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển rộng khắp và liên tục.

 Cách mạng Việt Nam đã hoà được vào trào lưu chung của cách mạng thế giới, khai thác những nhân tố thuận lợi cho cách mạng. Song, chúng ta cũng gặp nhiều khó khăn. Kẻ thù của ta là một đế quốc có sức mạnh kinh tế, kỹ thuật, quân sự hàng đầu thế giới, âm mưu của chúng là chiếm miền Nam, tiến tới xâm chiếm cả nước ta; thực hiện chia rẽ Bắc - Nam và các nước xã hội chủ nghĩa, nhằm hạn chế dòng thác cách mạng XHCN đang phát triển và lan rộng trên phạm vi toàn thế giới. Do đó, cuộc đấu tranh giữa nhân nhân Việt Nam bảo vệ Tổ quốc với đế quốc Mỹ xâm lược đã trở thành “cuộc đụng đầu lịch sử” vô cùng quyết liệt giữa hai lực lượng: Cách mạng và phản cách mạng. Đảng ta vận dụng đúng quy luật kết hợp đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế tạo nên sức mạnh tổng thể để đánh thắng kẻ địch là bài học lớn, vô cùng quý báu của Đảng và nhân dân ta.

Dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã nhận định, phân tích toàn diện và sâu sắc tình hình thế giới và khu vực, xu thế phát triển của thời đại và thực tiễn cách mạng Việt Nam. Từ đó, xác định đúng đắn, sáng tạo đường lối kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vấn đề cốt lõi là tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam trên cơ sở phát huy cao độ truyền thống đoàn kết của dân tộc. Quân dân đoàn kết một lòng, toàn dân một ý chí với tinh thần “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, tất cả vì mục tiêu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Cả miền Bắc hướng về miền Nam “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”. Dưới khói lửa đạn bom của máy bay, tàu chiến Mỹ, nhân dân vẫn không nao núng quyết tâm vừa sản xuất vừa chiến đấu, vừa dồn sức chi viện mạnh mẽ, liên tục, ngày càng tăng cho tiền tuyến miền Nam.

Các phong trào thi đua như phong trào thanh niên “ba sẵn sàng’, phụ nữ “ba đảm đang”, nông dân “tay cày tay súng”, công nhân “tay búa tay súng”, học sinh “làm nghìn việc tốt chống Mỹ cứu nước’,…đã  thu hút mọi tầng lớp, mọi thành phần, mọi lứa tuổi. Trong khi đó, tại miền Nam, quân và dân đẩy mạnh tiến công địch trên cả ba vùng chiến lược, bằng ba mũi giáp công, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị. Chính vì vậy, dù ở đâu, Mỹ, ngụy cũng không tránh khỏi sự tiến công mạnh mẽ của quân và dân ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định “Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân”. Hơn bao giờ hết, đoàn kết là chất keo dính mỗi người Việt Nam trong khối đại đoàn kết dân tộc, làm nên sức mạnh thiêng liêng của toàn dân tộc.

Nếu đoàn kết dân tộc là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng dân tộc thì đoàn kết quốc tế góp phần làm tăng thêm sức mạnh cho dân tộc. Do vậy, song song với chủ trương tập hợp sức mạnh dân tộc thì Đảng ta chủ trương tăng cường đoàn kết quốc tế, coi đó là bộ phận hợp thành của đường lối chống Mỹ cứu nước.

Phát huy truyền thống láng giềng gắn bó, Đảng và nhân dân ta đã hiệp đồng liên minh với quân đội Lào, Campuchia tạo thế chiến lược tiến công chung cho cả ba nước, đánh bại từng kế hoạch, từng biện pháp chiến lược lớn của địch trên toàn Đông Dương “Tăng cường khối đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương trở thành một khối thống nhất có một chiến lược chung kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ba nước chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai[1].

Lúc này, Liên Xô và Trung Quốc tiếp tục đối kháng gay gắt. Mỹ đang đẩy mạnh hòa hoãn với hai nước. Đảng kiên trì tranh thủ cả hai nước, nắm chắc và vận dụng mẫu số chung của mỗi nước trong vấn đề Việt Nam là chống đế quốc Mỹ xâm lược, làm nghĩa vụ quốc tế đối với một nước xã hội chủ nghĩa, góp phần vào an ninh chung của cả cộng đồng và bảo vệ hòa bình. Chúng ta giữ vững độc lập tự chủ, lấy lợi ích đại cuộc làm trọng, thực hiện chính sách nhất quán đoàn kết, tranh thủ tất cả các nước, chống và làm thất bại âm mưu của Mỹ chia rẽ Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa. Nếu miền Bắc là hậu phương trực tiếp cho cách mạng miền Nam thì hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới lúc này nối liền với miền Bắc xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là hậu phương rộng lớn đáng tin cậy, một thuận lợi chưa bao giờ có đối với cách mạng nước ta.

Trước những luận điệu xuyên tạc đánh lạc hướng dư luận, biện hộ cho hành động đưa quân vào xâm lược nước ta của Mỹ, chúng ta đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối ngoại, vạch rõ âm mưu và những tội ác của đế quốc Mỹ với nhân dân Việt Nam, làm cho nhân dân và chính phủ nhiều nước ở Á, Phi, Mỹ Latinh đồng tình, ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta, phản đối chính sách hiếu chiến, xâm lược của đế quốc Mỹ. Ngay chính tại nước Mỹ, phong trào phản đối chiến tranh tại Việt Nam ngày càng lan rộng, phong trào mạnh mẽ đến mức báo chí thế giới phải thừa nhận “Đây là một phong trào chống chiến tranh không những chưa từng có ở Mỹ cũng như chưa từng có trong lịch sử nhân loại”[2]. Một số nước đồng minh của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam như Australia, New Zealand,...cũng phản ứng gay gắt trước hành động lấn chiếm, vi phạm Hiệp định Paris của chính quyền Thiệu.

Như vậy, cùng với mặt trận đoàn kết dân tộc, mặt trận đoàn kết quốc tế đã góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân 1975. Đánh giá về những nhân tố làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại hội IV của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận định “Nhờ kết hợp sức mạnh của nhân dân ta với sức mạnh của thời đại, nhờ đường lối quốc tế đúng đắn của Đảng, chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ rất lớn về tinh thần và vật chất của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của tất cả các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới, tạo thành một mặt trận quốc tế rộng lớn chưa từng có ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược”[3]. Chúng ta đã tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng giành độc lập dân tộc với bao thử thách, hy sinh.

Ngày nay, trên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa cũng gặp không ít khó khăn, thách thức:

Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường. Những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, căng thẳng xung đột tôn giáo, sắc tộc, ly khai, chiến tranh cục bộ, bạo loạn chính trị, can thiệp, lật đổ, khủng bố vẫn diễn ra gay gắt, các yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao trong các lĩnh vực tài chính, tiền tệ, điện tử viễn thông, sinh học, môi trường,...còn tiếp tục gia tăng. Xu hướng toàn cầu hóa và cạnh tranh kinh tế thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, năng lượng, thị trường, công nghệ, nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao,…giữa các nước ngày càng gay gắt, đan xen nhau.

Ở trong nước, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ: Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã và đang trở thành lực cản việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, gây bất bình và giảm sút niềm tin trong nhân dân; các thế lực phản động không ngừng tìm mọi cách thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, các thế lực thù địch ra sức phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, lợi dụng các vấn đề nhân quyền, tôn giáo hòng ly gián, chia rẽ nội bộ Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Đứng trước tình hình đó, đoàn kết quốc tế, đoàn kết toàn dân, tăng cường đồng thuận xã hội để tiến thực hiện thành công mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội” trở thành vấn đề bức thiết hơn bao giờ hết. Trải qua 39 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước nhưng hào khí của chiến thắng 30/4/1975 vẫn là ngọn đuốc sáng dẫn đường cho toàn dân tộc Việt Nam chung sức chung lòng, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN./.

___________________________________

Ghi chú:

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc Gia, H.2000, t.31, tr.239.
[2]. Bộ Ngoại giao: Mặt trận ngoại giao với cuộc đàm phán Paris, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.347. 
[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb. Sự thật, H.1977, tr.23.

Tin khác