Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ năm, 2 Tháng 5, 2024 - 22:49

Bến Tre tăng cường bảo vệ trẻ em theo Chỉ thị số 28-CT/TW của Bộ Chính trị

 

ThS. Trần Thị Quỳnh Nghi
Giảng viên khoa Nhà nước và Pháp luật
 

Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắn nhủ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”[1]. Nhận thức lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của trẻ em đối với gia đình và xã hội; Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức, góp phần bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước.

Để tạo môi trường thuận lợi cho trẻ em phát triển về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức; Đảng ta xác định chủ trương “Thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội. Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, kiểm soát tình hình tai nạn, bạo lực, xâm hại trẻ em”[2]. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị đã nhiều lần ban hành chỉ thị về việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em (năm 1994, 2000, 2012); gần đây nhất là Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về việc tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc.

Điều 1, Điều 4 Luật Trẻ em năm 2016 xác định, trẻ em là người dưới 16 tuổi; Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Với quan điểm quyền được bảo vệ của trẻ em là chính sách ưu tiên hàng đầu trong các vấn đề an sinh xã hội; ngày 07/01/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 23/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình đề ra mục tiêu chung là bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện, góp phần hoàn thành các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Theo đó, bảo vệ trẻ em cần được thực hiện trên 3 cấp độ: phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp. Phòng ngừa là quá trình nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại hoặc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; bao gồm: tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng, gia đình, trẻ em về mối nguy hiểm và hậu quả của các yếu tố, hành vi gây tổn hại, xâm hại trẻ em; cung cấp thông tin, trang bị kiến thức cho cha, mẹ, giáo viên, người có trách nhiệm chăm sóc trẻ em; trang bị kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ để bảo đảm trẻ em được an toàn; giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em; xây dựng môi trường sống an toàn và phù hợp với trẻ em. Cấp độ hỗ trợ là các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi hoặc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm kịp thời phát hiện, giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em; bao gồm cảnh báo về nguy cơ trẻ bị xâm hại, tư vấn kiến thức và kỹ năng, biện pháp nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ xâm hại trẻ; tiếp nhận thông tin, đánh giá mức độ nguy hại và áp dụng biện pháp cần thiết hỗ trợ cho trẻ; hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tiếp cận các chính sách trợ giúp xã hội và các nguồn trợ giúp khác nhằm cải thiện điều kiện sống cho trẻ em. Cấp độ can thiệp là các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ em và gia đình trẻ em bị xâm hại nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại; hỗ trợ chăm sóc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; bao gồm chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất và tinh thần cho trẻ em bị xâm hại; bố trí nơi tạm trú an toàn, cách ly trẻ em khỏi môi trường, đối tượng đe dọa hoặc đang có hành vi bạo lực, bóc lột trẻ em; bố trí chăm sóc thay thế tạm thời hoặc lâu dài cho trẻ em cần được chăm sóc thay thế.

Hiện toàn tỉnh Bến Tre có khoảng 223.969 trẻ em, trong đó có 1.476 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 11.981 trẻ em sống trong gia đình hộ nghèo và cận nghèo, 68 trẻ em có cha hoặc mẹ chết do nhiễm Covid-19, 6 trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm Covid-19[3]. Để tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 600/KH-UBND ngày 01/02/2021 triển khai thực hiện chương trình hành động quốc gia vì trẻ em tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch số 2597/KH-UBND ngày 06/5/2023 về triển khai tháng hành động vì trẻ em năm 2023 trên địa bàn tỉnh với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”; và được tổ chức triển khai tại 155 điểm trên toàn tỉnh. Tháng hành động vì trẻ em là một hoạt động thường niên của tỉnh được tổ chức vào tháng 6 hàng năm nhằm để thúc đẩy các cấp, các ngành triển khai phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Toàn tỉnh có 163 điểm lắp đặt dụng cụ vui chơi giải trí cho trẻ em; các phường, thị trấn, xã nông thôn mới đều có khu vui chơi giải trí cho trẻ em và được trang bị dụng cụ vui chơi giải trí cho trẻ em đạt chuẩn.

Trong công tác phòng ngừa, Ban Điều hành Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em tỉnh xây dựng và phát hành 10.000 sản phẩm truyền thông về phòng, chống đuối nước; phòng, chống xâm hại trẻ em phát hành trực tiếp đến trẻ em các trường Tiểu học, Trung học cơ sở và người dân trong tỉnh; đồng thời, thực hiện tuyên truyền rộng rãi trên các Website của tỉnh, Báo Đồng Khởi, Đài phát thanh - truyền hình, Đài truyền thanh các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn về công tác bảo vệ trẻ em, treo 171 tấm băng rôn tuyên truyền với khẩu hiệu nhằm giảm thiểu tổn hại trẻ em. Thông qua các hoạt động tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của toàn xã hội về công tác bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh để bảo đảm thực hiện tốt các quyền cơ bản của trẻ em. Trong công tác hỗ trợ, Ban Điều hành Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em tỉnh trao tặng cho 100 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà cho 170.173 trẻ em nhân dịp tết Trung thu; hỗ trợ gạo cho 148 trẻ em; Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vận động trao 194 phần quà; tổ chức Đông Nam Á xây dựng 07 mái ấm tình thương, cấp gạo hàng tháng cho 148 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức Brittany’s Hope tài trợ xây dựng 04 căn nhà tình thương cho bà mẹ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn đang nuôi con nhỏ ngoài cộng đồng[4]. Trên địa bàn tỉnh, không có trẻ em bị xâm hại cần can thiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức truyền thông về phòng, chống xâm hại, bạo lực và tai nạn thương tích trẻ em chưa được thực hiện thường xuyên đến cộng đồng dân cư. Nguyên nhân chủ yếu là do kinh phí phân bổ cho công tác trẻ em của cấp tỉnh còn hạn chế; cấp huyện và cấp xã chưa quan tâm phân bổ kinh phí cho hoạt động bảo vệ trẻ em tại địa phương. Để tăng cường, nâng cao chất lượng công tác bảo vệ trẻ em, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm cho trẻ em được chăm sóc, giáo dục, bảo vệ tốt nhất, chính quyền các cấp cần chú trọng thực hiện đồng loạt các giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công tác quản lý nhà nước về trẻ em trên cơ sở quán triệt, cụ thể hóa chủ trương của Đảng sát với tình hình thực tiễn địa phương, đơn vị; nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với sự phát triển của thế hệ tương lai gắn với phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phối hợp chặt chẽ các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và vận động Nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp nâng cao hiệu quả chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, bảo đảm cho trẻ em được thụ hưởng lợi ích tốt nhất, không bị phân biệt đối xử, được bày tỏ ý kiến và được lắng nghe.

Thứ hai, tăng cường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện các hoạt động truyền thông về quyền trẻ em dưới các hình thức khác nhau tổ chức các lớp tập huấn truyền thông, nói chuyện chuyên đề, băng rôn, tờ rơi, … nhằm phát động toàn xã hội chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân để đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường an toàn và phát triển toàn diện.

Thứ ba, tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó, nêu cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường. Gia đình yêu thương, quan tâm, chăm sóc trẻ em, tạo mọi điều kiện để trẻ em được học tập, phát triển tri thức, cung cấp những kiến thức cơ bản cho trẻ em nhằm chống lại sự lôi kéo vào các tệ nạn xã hội. Nhà trường chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, chuẩn bị cho trẻ em sống có trách nhiệm, thực hiện bổn phận với gia đình, nhà trường, cộng đồng, xã hội phù hợp với lứa tuổi.

Thứ tư, trong giảng dạy lý luận chính trị, giảng viên lồng ghép tuyên truyền quyền trẻ em trong bài “Bảo đảm quyền con người ở Việt Nam” (phần học Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam), các bài trong phần học nội dung cơ bản về Nhà nước và pháp luật Việt Nam phù hợp với từng đối tượng người học. Với mục đích tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hiểu biết của toàn xã hội có đầy đủ thông tin về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em được thực hiện trên 3 cấp độ; từ đó nâng cao trách nhiệm của bản thân, cơ quan, đơn vị trong công tác bảo vệ trẻ em và thúc đẩy thực hiện đầy đủ quyền trẻ em trong gia đình, cơ quan, đơn vị và toàn xã hội.

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quyền trẻ em; kiểm tra, thanh tra các cơ sở trợ giúp xã hội, các quỹ từ thiện có hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em; xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, hỗ trợ và bảo vệ trẻ em.

Tóm lại, Trẻ em là nguồn nhân lực tương lai của đất nước, bảo vệ và chăm sóc trẻ em cũng là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Ðảng và Nhà nước ta luôn xác định việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là một trong những nhiệm vụ, chiến lược được ưu tiên hàng đầu. Thực hiện quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tỉnh Bến Tre đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho trẻ em. Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác bảo vệ trẻ em, chính quyền các cấp cần nâng cao trách nhiệm của mình, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể thực hiện các hoạt động truyền thông về quyền trẻ em, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; đồng thời, nêu cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, tạo mọi điều kiện để trẻ em được học tập, phát triển tri thức, cung cấp những kiến thức cơ bản cho trẻ em đảm bảo tất cả trẻ em đều có quyền được sống, được yêu thương và bảo vệ./.

 


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 35

[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 271

[3]. Tháng hành động vì trẻ em 2023: Chung tay giảm thiểu tổn hại cho trẻ https://chinhsachcuocsong.vnanet.vn/thang-hanh-dong-vi-tre-em-2023-chung...

[4]. Báo cáo số 4509/BC-SLĐTBXH của Sở Lao động Thương binh & xã hội ngày 09/12/2023 báo cáo kết quả thực hiện công tác Trẻ em năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024

Tin khác