Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 19 Tháng 4, 2024 - 20:23

Hiệu lực pháp lý của điều ước Quốc tế tham chiếu với văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam (qua quy định người ngồi trên xe ôtô phải thắt dây an toàn)

ThS. Dương Văn Chăm
ThS. Võ Thái Bình.
 

Điều ước quốc tế và văn bản quy phạm pháp luật là hai trong số những loại nguồn quan trọng của pháp luật Việt Nam hiện nay. Để áp dụng các loại nguồn này một cách chính xác, nhận thức đầy đủ về hiệu lực pháp lý của chúng là một đòi hỏi thiết yếu, nhất là khi giữa chúng không tránh khỏi việc xảy ra những sự xung đột.

1. Một số khái niệm pháp lý liên quan

Điều ước quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác.

Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên là điều ước quốc tế đang có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

2.Thứ bậc hiệu lực, ưu tiên của điều ước quốc tế so với văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam

Điều 6 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 quy định: “Điều ước quốc tế và quy định của pháp luật trong nước

1. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.

2. Căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của điều ước quốc tế, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, đủ chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó.”

Khoản 2, khoản 5, Điều 156, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”; “Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp”

Từ quy định trên, Điều ước quốc tế có tính ưu tiên áp dụng hơn văn bản quy phạm pháp luật trong nước (trừ Hiến pháp) nhưng không đồng nghĩa với việc được xếp ở thứ bậc cao hơn. Theo đó, thứ tự áp dụng sẽ lần lượt là: Hiến pháp, Điếu ước quốc tế, văn bản quy phạm pháp luật trong nước.

3. Quy định thắt dây an toàn đối với người ngồi trên ôtô hiện nay

Vấn đề thắt dây an toàn đối với người ngồi trên xe ô tô hiện nay được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật sau:

- Tại khoản 5 Điều 7 Công ước Viên về Giao thông đường bộ (Việt Nam mới gia nhập Công ước Viên năm 2015), quy định: "Việc thắt dây an toàn là bắt buộc đối với người lái xe và hành khách đi trên phương tiện cơ giới ngồi tại những chỗ có trang bị dây đeo an toàn

- Tại khoản 2 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, quy định: “Ô tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong ô tô phải thắt dây an toàn”

 - Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có quy định: người ngồi trên xe ôtô phải thắt dây an toàn ở tất cả các vị trí có trang bị dây an toàn, kể cả những người ngồi ở những hàng phía sau trong xe ô tô cũng phải thắt dây an toàn. Nếu vi phạm, sẽ bị phạt tiền. Cụ thể, Điểm k Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy.

4. Xung đột về hiệu lực, ưu tiên áp dụng văn bản quy phạm pháp luật

- Căn cứ Khoản 2, Điều 156, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì áp dụng quy phạm pháp luật của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, “Ô tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong ô tô phải thắt dây an toàn”, không áp dụng quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP.

- Căn cứ Điều 6 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và khoản 5, Điều 156, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì áp dụng quy định: Tại khoản 5 Điều 7 Công ước Viên về Giao thông đường bộ: "Việc thắt dây an toàn là bắt buộc đối với người lái xe và hành khách đi trên phương tiện cơ giới ngồi tại những chỗ có trang bị dây đeo an toàn

5. Kết luận và kiến nghị

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và 7 năm sau, Việt Nam mới gia nhập Công ước Viên. Trước tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, nhiều vụ xảy ra với mức độ thương vong lớn, trong đó phần lớn người bị nạn đều không thắt dây an toàn. Vì vậy việc áp dụng quy định Công ước Viên về giao thông đường bộ là phù hợp với thức tiễn thực hiện pháp luật ở nước ta hiện nay.

Kiến nghị  sửa đổi, bổ sung Luật  Giao thông đường bộ 2008 có quy định: "Việc thắt dây an toàn là bắt buộc đối với người lái xe và hành khách đi trên phương tiện cơ giới ngồi tại những chỗ có trang bị dây đeo an toàn” cho phù hợp Công ước Viên.

Tin khác