Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ bảy, 4 Tháng 5, 2024 - 23:34

Trường Chính trị quán triệt phương châm “Học thực chất, thi thực chất và kết quả thực chất” nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo hiện nay

                                                            Thạc sĩ Nguyễn Thành Phương
                                              Trưởng khoa LL MácLênin, TT Hồ Chí Minh

Sáng ngày 17 tháng 8 năm 2016, Trường Chính trị Bến Tre đã tổ chức khai giảng năm học mới. Tại buổi lễ, lãnh đạo nhà trường đã quán triệt phương châm đào tạo của Trường Chính trị trong năm học 2016-2017 là: Học thực chất, thi thực chất và kết quả thực chất. Là một giảng viên của trường, tôi rất tâm đắc với phương châm hoạt động đào tạo này, vì trong từng nội dung của quá trình học, thi và kết quả phải thực chất là cơ sở để đánh giá chất lượng đào tạo của nhà trường và mỗi học viên khi hoàn thành khóa học sẽ nâng cao hơn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ để phục vụ công tác tại địa phương, đơn vị. Thực hiện phương châm này nhằm quán triệt chủ trương của Đảng ta về việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, nhất là từ khi có Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, đồng thời triển khai thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh đã đề ra“Đổi mới và nâng cao hiệu quả đào tạo của Trường Chính trị theo yêu cầu mới”.

Để có kết quả thực chất thì phải học thực chất và thi thực chất. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng từ nhiều phía, cả người dạy, người quản lý và đối với từng học viên.

Trước hết, học thực chất là thế nào? Là người học phải có tinh thần thái độ và động cơ học tập đúng đắn, biết đầu tư thời gian, công sức của mình vào việc học.

Học thực chất giúp cho người học ngoài việc hiểu những điều đã học, còn có cảm hứng hành động, suy nghĩ sáng tạo nhằm thay đổi nội dung công việc mà họ phụ trách ngày càng cải tiến, hiệu quả hơn một cách tích cực sau khi học.

Hiện nay, trong những lớp học, khóa học, có nhiều học viên đầu tư nghiên cứu học tập, lắng nghe bài giảng nghiêm túc, tập trung biên soạn nội dung thảo luận, đề cương ôn thi,…nhiều học viên đã phát huy tốt tinh thần học tập, rèn luyện và thực sự trở thành những cán bộ có đủ năng lực sau quá trình học tập. Tuy nhiên, số lượng này chưa là đa số. Bởi vì, vẫn còn một bộ phận không nhỏ học viên chưa phát huy tinh thần tự học, họ thiếu tập trung nghe giảng, chưa dành thời gian tự nghiên cứu giáo trình, tài liệu tham khảo, (mặc dù giảng viên nào lên lớp cũng giới thiệu những tài liệu cần nghiên cứu) ít tham gia thảo luận, còn tình trạng học đối phó. Trong các nguyên nhân dẫn đến chất lượng học tập chưa cao ở một số học viên, phần lớn do bản thân họ chưa ý thức trong học tập, học có tính miễn cưỡng, học theo kiểu đối phó, học để “trả nợ”...Vấn đề này tồn đọng một thời gian khá dài, chậm khắc phục ở trường. Vì vậy, trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện, nhà trường phải làm tốt công tác quản lý học viên. Với học viên của Trường là người lớn, đa số là cán bộ, công chức nên cần phát huy tối đa tính tự giác trong học tập, rèn luyện của học viên; thực hiện tốt phương châm “biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo”. Tạo môi trường học tập thật sự thoải mái, dân chủ; phát huy tính năng động, sáng tạo của người học. Đồng thời, Trường cần phát huy trách nhiệm của Phòng Đào tạo, Giáo viên chủ nhiệm, của mỗi giảng viên khi đứng lớp, phải toàn tâm, toàn ý đầu tư cho công tác giảng dạy, đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp cho từng đối tượng, phải luôn đổi mới công tác quản lý, công tác kiểm tra đánh giá, đảm bảo thực hiện nghiêm quy chế quản lý đào tạo của Trường. Quyết định nhất vẫn là ý thức học tập nghiêm túc, tinh thần cầu tiến của học viên trong quá trình học tập, rèn luyện tại nhà trường, học không nhằm điểm số, loại bằng mà vì nâng cao kiến thức, năng lực thực tiễn sau khóa học.

Thứ hai, thi thực chất, để thi được đánh giá là thực chất, cần xác định thi, kiểm tra  là một bộ phận quan trọng không thể thiếu của hệ thống giáo dục.

 Việc tổ chức kiểm tra, thi với nhiều hình thức khác nhau là căn cứ để người giảng viên kịp thời phát hiện điểm mạnh, điểm yếu, các lỗ hổng về kiến thức của học viên hay của chương trình giảng dạy, từ đó tu bổ chấn chỉnh kịp thời. Đánh giá việc gắn kết giữa kiến thức lý luận đã được học với thực tiễn địa phương, đơn vị công tác.

Thông qua các kỳ thi, kiểm tra có thể phân loại đối tượng dự học. Căn cứ từ kết quả thi, kiểm tra, về phía giảng viên sẽ đánh giá nhiều góc độ khác nhau: Đối tượng học, bài giảng, chương trình, đề thi, đáp án, sự chuẩn bị của học viên,…tìm những nguyên nhân chính yếu và thứ yếu, từ đó người giảng viên, người quản lý,…cùng tìm ra những giải pháp tốt nhất để phát triển, nâng cao hơn trình độ, năng khiếu của những học viên có bài điểm cao, đảm bảo chất lượng. Mặt khác, những bài điểm thấp, không đạt yêu cầu sau khi xác định nguyên nhân thì tạo điều kiện hỗ trợ trong quá trình học và thi để mỗi học viên sẽ nâng cao hơn về kiến thức cơ bản.

Trong thực tế, việc đánh giá một bài thi, kiểm tra cần đảm bảo tính công tâm, công bằng, khách quan, không đưa tình cảm chủ quan vào thực hiện nhiệm vụ, đồng thời hạn chế tối đa những sai sót. Do vậy, người chấm ngoài những kinh nghiệm đã có còn phải đọc kỹ bài, rà sát đáp án, khi chấm bài không thiên vị, không chạy theo thành tích,…Để từ kết quả đánh giá, cả người Thầy và người học có điều kiện nhìn lại những hạn chế của mình.

Kết quả đánh giá qua thi, kiểm tra còn nhằm tạo sự thi đua phấn đấu của các học viên với nhau. Theo tâm lý của người học, nếu có thi, có chấm điểm thì ở đó có thi đua, xem xét khen thưởng. Đây là niềm vinh dự của mỗi học viên được đánh giá kết quả tốt nhất. Đạt được điều này không chỉ do điểm số mà dựa vào quá trình phấn đấu liên tục trong suốt khóa học của học viên.

Công tác đào tạo là nhiệm vụ chính của Trường Chính trị, sản phẩm nhà trường tạo ra không phải là những người lao động bình thường, mà là những người lao động có ý nghĩa rất lớn đối với sự thành bại trong sự nghiệp cách mạng của tỉnh nhà. Do vậy nhiệm vụ của Trường Chính trị rất nặng nề, sứ mạng, thiên chức của người thầy giáo chính trị rất lớn, điều này đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nhấn mạnh tại buổi lễ khai giảng năn học mới của Trường: Những người lao động bình thường nếu như họ có làm điều gì đó không đúng chỉ hại cho bản thân họ, cao lắm là cho gia đình, dòng họ hay làng xóm của họ. Nhưng nếu người lao động quản lý, người lao động lãnh đạo, tức là một cán bộ mà làm những gì không đúng, không hay, làm sai có thể hại đến một địa phương, cả một ngành, có khi là cả một thế hệ. Sản phẩm con người lãnh đạo, quản lý rất quan trọng, đặc biệt người đứng đầu có tính chất quyết định. Cho nên cán bộ là nhân tố quyết định, trong đó cán bộ với tư cách là người đứng đầu càng quyết định hơn. Tất cả những vấn đề này không thể có được nếu như người làm cán bộ không trải qua đào tạo, bồi dưỡng.

Trong bối cảnh hiện nay, tỉnh ta rất cần đội ngũ cán bộ có cảm hứng hành động, tâm huyết, có tinh thần dấn thân. Nếu như đội ngũ cán bộ thực sự không có cảm hứng hành động, không có tâm huyết thì tỉnh ta nói riêng, cả đất nước nói chung không giải quyết được các vấn đề kinh tế-xã hội, không tạo ra sự thay đổi cuộc sống này, không đưa nhân dân ta lên một bước phát triển mới, không có sự bức phá về đời sống thì phải chịu cảnh tụt hậu. Do vậy, cán bộ là cái gốc, là nhân tố quyết định cho sự đi lên, hay dừng lại, tụt hậu của xã hội, mà cán bộ phải được đào tạo, qua đào tạo mới làm được điều này. Trong đào tạo, nhà trường cần truyền đạt, tạo sự lan tỏa, thẩm thấu đến người học cả trong tư duy và hành động để tạo nên kết quả thực chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao do thực tiễn đặt ra.

Là một giảng viên của trường, tôi thấy rằng để đảm nhận tốt sứ mệnh là người góp phần đào tạo cán bộ cho địa phương, hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ tỉnh nhà trong năm học 2016-2017 và những năm tiếp theo, bản thân từng giảng viên nói chung và cá nhân tôi nói riêng, phải quyết tâm phấn đấu cao hơn trong công tác của mình, luôn nỗ lực, phấn đấu đầu tư cho chuyên môn nhằm đạt những kết quả cao nhất mà phương châm lãnh đạo nhà trường đề ra trong năm học mới: Học thực chất, thi thực chất, kết quả thực chất.

Tin khác