Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ sáu, 26 Tháng 4, 2024 - 12:37

Những suy nghĩ và trách nhiệm về nghề giáo và nghề giáo ở Trường Chính trị tỉnh Bến Tre hiện nay

Hòa trong không khí tưng bừng của cả nước chào mừng ngày lễ Hiến chương nhà giáo Việt Nam 20/11- ngày lễ của các thầy, cô giáo và là ngày xã hội tôn vinh nghề giáo, nghề trồng người.

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc có nhiều truyền thống tốt đẹp, trong đó truyền thống “Hiếu học”, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” là một trong những truyền thống luôn được các thế hệ người Việt Nam kế thừa và phát huy. Trong dân gian có câu: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Bác Hồ cũng từng khẳng định: Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói: Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời.

Và tục ngữ cũng đã dạy: Không thầy đố mày làm nên… đủ thấy được lòng trân trọng, kính yêu của nhân dân ta dành cho nhà giáo - những kỹ sư tâm hồn của mọi thời đại như thế nào. Tên tuổi những nhà giáo nổi tiếng từ xưa đến nay vẫn ghi sâu vào tâm trí mỗi người, tuy họ chẳng được khắc bảng vàng bia đá.  Nhân dân đặt nhiều niềm tin, niềm hy vọng ở sự nghiệp giáo dục, ở đội ngũ thầy cô giáo. Biết bao thế hệ nhà giáo đã dốc hết tâm lực, trí lực vì học sinh thân yêu, gắn bó cả cuộc đời vì sự nghiệp giáo dục, vì con người, họ không vì danh lợi, vật chất. Chính nhờ những tấm gương đó đã để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng mỗi chúng ta.

Bản thân các thầy cô giáo đã, đang… và sẽ là người tiếp nối truyền thống, phát huy chí khí và tinh thần hiếu học của các thế hệ nhà giáo tiền bối, các nhân sĩ trí thức tiêu biểu, chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc rằng: Những nhà giáo ưu tú ở mọi thời đại luôn là những tấm gương tiêu biểu, soi sáng muôn đời sau như : Thầy giáo Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu… đặc biệt là người thầy vĩ đại Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, thế hệ nhà giáo chúng tôi - những người tiếp tục gieo hạt, ươm mầm xanh cho thế hệ tương lai - tỏ lòng biết ơn vô hạn đến các thế hệ nhà giáo tiền bối và vô cùng tự hào với những giá trị tinh thần của nghề dạy học đối với sự nghiệp trồng người, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho xã hội .

Cũng là nhà giáo nhưng được làm nhà giáo ở Trường Chính trị, chúng tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào về vị trí công tác của mình; đồng thời chúng tôi cũng thấy rõ trách nhiệm nặng nề trong thực hiện chức trách của mình. Vì nơi đây là nơi đào tạo đội ngũ cán bộ cho Đảng, cho cách mạng mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói cán bộ là “gốc” của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Do vậy, chúng tôi nghĩ rằng đào tạo cán bộ ở Trường Chính trị cũng phải được coi là “công việc gốc” của Đảng bộ tỉnh nhà. Thông qua hoạt động đào tạo cán bộ của Nhà trường sẽ góp phần quan trọng để bồi dưỡng, hình thành phát triển cả “đức” và “tài” của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị của tỉnh nhà. Từ những đòi hỏi ở sản phẩm đào tạo của Nhà trường mà đặt ra nhiệm vụ cho người giảng viên. Người giảng viên ở Trường Chính trị không chỉ đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn, kiến thức sư phạm mà mặt khác còn đòi hỏi phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, phải có kiến thức thực tiễn, sâu sát cơ sở  và sự gương mẫu chuẩn mực trong lời nói, việc làm.

Càng vinh dự, tự hào bao nhiêu, chúng tôi lại càng ý thức sâu sắc bấy nhiêu về trách nhiệm vẻ vang và nhiệm vụ nặng nề của người giảng viên Trường Chính trị tỉnh. Bản chất nghề nghiệp đòi hỏi chúng tôi phải không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng lý tưởng cách mạng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây là yêu cầu hàng đầu đối với cán bộ làm công tác giảng dạy lý luận và giáo dục chính trị của Đảng. Trong thời gian gần đây, trên các diễn đàn, trong những buổi trao đổi về nghề nghiệp, nhiều giáo viên, nhà giáo lão thành đã trao đổi rất thẳng thắn và chí lý rằng ai đó chưa thật sự vững tin vào mục đích lý tưởng cộng sản, chưa thật sự vững tin vào con đường cách mạng, thì tốt hơn hết đừng làm nghề giảng viên Trường Chính trị nữa. Bất cứ nhà giáo dục nào cũng cần có lý tưởng chính trị. Nhà giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh lại cần phải có lý tưởng chính trị vững vàng như lẽ sinh tử nghề nghiệp, cần phải có sự nhạy cảm và đồng cảm chính trị với Đảng như tư chất hữu cơ. Có như vậy, chúng ta mới giải phóng được khỏi sức ép tâm lý tư tưởng mà trong điều kiện kinh tế xã hội phức tạp hiện nay đang bủa vây xung quanh; mới có được tâm trí thoải mái và sự hứng khởi nghề nghiệp; mới nuôi dưỡng được giấc mơ và hoài bão khoa học.

Cơ chế kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế hiện nay, bên cạnh những tác động tích cực, cũng tạo ra không ít ảnh hưởng tiêu cực tới quan điểm, lập trường chính trị, niềm tin, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trong bối cảnh ấy, mỗi người thầy, cô giáo chúng tôi phải thường xuyên học tập và rèn luyện cả về lý tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức cách mạng một cách nghiêm túc. Chúng tôi luôn quan niệm rằng, cuộc sống càng có nhiều thử thách thì đội ngũ cán bộ giảng viên chúng tôi càng phải tu dưỡng đạo đức, lý tưởng và lòng say mê, tận tụy với nghề nghiệp.

Những thế hệ giảng viên của nhà trường hôm nay rất vinh dự và may mắn được kế thừa truyền thống tốt đẹp, quý báu mà các thế hệ giảng viên lớp trước để lại. Biết bao bài giảng hay, biết bao công trình lớn và biết bao tấm gương sư phạm - tấm gương về đạo đức lối sống trong sáng, giản dị, say mê với nghề nghiệp đã từng ra đời trong hoàn cảnh đầy thiếu thốn, khó khăn và thử thách. Chúng tôi luôn luôn trân trọng và quyết tâm học tập, kế thừa, phát huy cao nhất những thành quả và giá trị cao quý của các thế hệ bậc thầy, các thế hệ đàn anh nhằm xây dựng, phát triển Trường Chính trị Bến Tre ngang tầm yêu cầu của nhiệm vụ mới./.

                                                              Người viết: Trần Văn Hòa
                                                              Trường Chính trị tỉnh Bến Tre

Tin khác