Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ sáu, 26 Tháng 4, 2024 - 18:48

Công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế ở Trường Chính trị Bến Tre

Thạc sĩ Võ Thị Thúy Liễu
                                                          Phó Trưởng phòng NCKH - TT - TL

Hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ cơ bản của người giảng viên. Hai nhiệm vụ này có mối quan hệ gắn bó biện chứng với nhau, có vai trò tác động qua lại lẫn nhau. Để nâng cao chất lượng đào tạo, mỗi giảng viên không ngừng nâng cao chất lượng bài giảng và phải đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn giảng dạy. Ở các Trường Chính trị, đội ngũ giảng viên được coi là lực lượng đi đầu và quyết định trong việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.

Để nâng cao hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 06/2011/TTLT - BNV - BGDĐT ngày 06 tháng 6 năm 2011 về “Quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ làm việc, chính sách đối với giảng viên tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”; Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 268/QĐ – HVCT – HCQG ngày 3 tháng 2 năm 2010 về “Quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ làm việc của giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố thuộc Trung ương”.

Trên cơ sở Quyết định 268/QĐ - HVCT- HCQG và Thông tư liên tịch số 06/2011/TTLT - BNV - BGDĐT, Trường Chính trị Bến Tre đã ban hành Quyết định số 04/QĐ - TCT ngày 16 tháng 01 năm 2014 về “Ban hành Quy chế quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ làm việc, chính sách đối với giảng viên Trường Chính trị Bến Tre” (Gọi tắt là Quy chế giảng viên). Trong Quy chế giảng viên đã quy định rõ ràng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế đối với từng chức danh:

- Giảng viên tập sự: 1 công trình khoa học, 15 ngày nghiên cứu thực tế;
- Giảng viên: 2 công trình khoa học, 15 ngày nghiên cứu thực tế;
- Giảng viên chính: 3 công trình khoa học, 15 ngày nghiên cứu thực tế;
- Giảng viên cao cấp: 4 công trình khoa học, 10 ngày nghiên cứu thực tế.

Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế của giảng viên được được Ban Giám hiệu quan tâm và đạt được những kết quả nhất định:

* Về nghiên cứu khoa học:

Trong thời gian qua (từ năm 2010 đến nay), hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế của giảng viên đã có những đóng góp tích cực vào công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường, có nhiều đề tài nghiên cứu khoa đã nghiệm thu và vận dụng vào phục vụ công tác giảng dạy tại trường. Cụ thể: có 4 đề tài khoa học cấp cơ sở, biên soạn 2 tập tài liệu phục vụ công tác giảng dạy tại trường (tập bài giảng ngạch cán sự và tình hình nhiệm vụ địa phương) và tổ chức thành công 8 buổi tọa đàm.

Nhà trường đã thành lập trang Website nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giảng viên nhà trường tham gia nghiên cứu khoa học (viết bài nghiên cứu trao đổi, nội san đăng trên Website).

* Về nghiên cứu thực tế:

Thực hiện theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm học, ngay từ đầu năm học các khoa, phòng xây dựng kế hoạch nghiên cứu thực tế (trong tỉnh và ngoài tỉnh). Trên cơ sở kế hoạch nghiên cứu thực tế đã được xây dựng, các khoa, phòng tiến hành đi nghiên cứu thực tế, sau khi nghiên cứu thực tế các khoa, phòng viết báo cáo kết quả đạt được. Qua các đợt nghiên cứu thực tế, giúp cho giảng viên có nhiều kiến thức về hoạt động thực tiễn, từ đó gắn kết các kiến thức đã nghiên cứu được vào quá trình giảng dạy làm cho bài giảng ngày càng sinh động hơn.

Ngoài ra, hàng năm nhà trường tổ chức cho cán bộ, giảng viên đi nghiên cứu thực tế ngoài tỉnh nhằm tạo điều kiện cho các giảng viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm.

Hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế trong thời gian qua đã được chú trọng và đạt một số kết quả nhất định. Song, hoạt động nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thực tế còn tồn tại một số hạn chế sau:

- Số lượng đề tài nghiên cứu khoa học còn ít chỉ tập trung thực hiện đề tài khoa học cấp cơ sở. (Những năm gần đây không có đề tài khoa học cấp tỉnh).

- Trong nghiên cứu thực tế, chỉ đi nghiên cứu tập trung theo khoa, phòng, nội dung nghiên cứu thực tế còn chung chung chưa đi sát vào tình hình thực tế tại địa phương, còn từng giảng viên chưa xây dựng được kế hoạch nghiên cứu thực tế cho cá nhân. Thời gian các khoa, phòng đi nghiên cứu quá ít, hàng năm mỗi khoa, phòng chỉ tổ chức 3, 4 ngày đi nghiên cứu thực tế, trong khi đó Quy chế giảng viên quy định một năm học các giảng viên đi nghiên cứu thực tế là 15 ngày/năm.

Những hạn chế trên do các nguyên nhân sau:

- Các giảng viên tập trung nhiều cho hoạt động giảng dạy, chưa gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học với hoạt động giảng dạy.

- Kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học còn thấp nên chưa khích lệ được đội ngũ giảng viên trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Để hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế đạt hiệu quả cao trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức cho đội ngũ giảng viên về tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế đối với nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, để các giảng viên nhận thấy được hoạt động giảng dạy và hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế là hai nhiệm vụ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Từ đó, mỗi giảng viên tự giác, tích cực tham gia tốt hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế nhằm phát huy tính sáng tạo và tiềm năng của các giảng viên.

Hai là, sửa đổi, bổ sung văn bản quy định cụ thể về hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế cho phù hợp với điều kiện hiện nay như xây dựng kế hoạch hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế theo năm học, quy định về thời gian đăng ký các đề tài nghiên cứu khoa học…

Ba là, tạo điều kiện cho giảng viên tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học và các cuộc hội thảo tại địa phương để giảng viên có cơ hội nắm bắt được các hoạt động thực tiễn tại địa phương.

Bốn là, có quy định quy đổi giờ nghiên cứu khoa học thành giờ giảng với một tỷ lệ thích hợp, để các giảng viên an tâm khi tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học mà không lo thiếu giờ chuẩn giảng dạy.

Năm là, cần có chính sách khuyến khích giảng viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học.  

Tóm lại, để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại nhà trường, cần đẩy mạnh hoạt động giảng dạy và hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, có nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế giúp cho các giảng viên nắm bắt được thực tiễn, từ đó gắn kết kiến thức lý luận với thực tiễn làm cho bài giảng ngày càng sinh động hơn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường./.

Tin khác