Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ bảy, 27 Tháng 4, 2024 - 02:02

Tăng cường công tác phối hợp, hợp tác thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long

ThS. Phan Văn Thuận
Trưởng khoa Xây dựng Đảng
 

Trước các hoạt động chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động cùng những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới". 

Nghị quyết đã nhấn mạnh: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ tuyên giáo và người đứng đầu.

Thời gian qua, hệ thống các cấp ủy, lực lượng tuyên giáo các cấp,… đã tích cực quán triệt, triển khai đưa Nghị quyết vào cuộc sống bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực; nên bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như trong “mặt trận” đấu tranh tư tưởng.

Tuy nhiên, cũng có một số cấp ủy, ban tuyên giáo các cấp, cán bộ, đảng viên lúng túng trong xác định nội dung, phương thức lãnh đạo thực hiện Nghị quyết, nhất là lúng túng về nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp đấu tranh tư tưởng, “phản bác” sắc bén, hiệu quả, sát với tình hình, điều kiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương và khu vực.

 Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên và nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; ngày 02 tháng 10 năm 2019, tại Học viện Chính trị khu vực IV đã diễn ra Hội nghị trao đổi về nội dung, phương thức và biện pháp phối hợp, hợp tác giữa Học viện Chính trị khu vực IV với các đơn vị có liên quan trong thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị Khóa XII.

Đến dự và chủ trì Hội nghị có PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV; PGS, TS. Minh Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 35 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng sự tham dự của Đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Trường Chính trị các tỉnh/thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Lãnh đạo Công an thành phố Cần Thơ và Trường Đại học Cần Thơ.

Với tinh thần trách nhiệm và hợp tác cao, Hội nghị đã thảo luận sôi nổi và thu được những kết quả quan trọng. Hội nghị đã thống nhất: Trong tình hình hiện nay, toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ kéo theo sự phát triển bùng nổ của mạng Internet và hoạt động của các mạng xã hội toàn cầu cùng những thông tin xấu, độc nhanh chóng được lan truyền; các thế lực thù địch, phản động có những chiêu thức, thủ đoạn mới chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; việc tăng cường và thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là công tác hệ trọng, một nhiệm vụ cơ bản, vừa cấp bách, vừa lâu dài, là một nội dung cơ bản, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng,… nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cơ quan, ngành, địa phương. Vì vậy cần phải tập hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh này trên cơ sở tăng cường sự phối hợp, hợp tác có hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị, trong đó Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các học viện khu vực, Ban Tuyên giáo, Trường Chính trị các tỉnh/thành và các đơn vị lực lượng vũ trang là lực lượng hạt nhân xung kích. Hội nghị cũng nhất trí cho rằng sự hợp tác, phối hợp giữa Học viện Chính trị khu vực IV với Ban Tuyên giáo, Trường Chính trị các tỉnh/thành và các đơn vị có liên quan trong khu vực Tây Nam bộ là vô cùng cần thiết và thực hiện thông qua nhiều phương thức, giải pháp. Trong đó, cùng với quyết tâm chính trị, tinh thần trách nhiệm, sự thiện chí hợp tác, phối hợp của các đơn vị; điều quan trọng nhất là cần xây dựng và thống nhất thực hiện quy chế phối hợp hành động chung nhằm tạo sức mạnh tổng hợp và phát huy thế mạnh của từng đơn vị, cá nhân trong việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp trong nghiên cứu khoa học, cập nhật kiến thức, bồi dưỡng nâng cao năng lực “tác chiến” cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và xây dựng mạng lưới cộng tác viên rộng khắp, sắc bén trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc thù địch, những biểu hiện “suy thoái” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, lãnh đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

Tin khác