Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ bảy, 18 Tháng 5, 2024 - 13:42

Phát huy tinh thần khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc vào xây dựng Trường Chính trị Bến Tre

ThS. Nguyễn Thị Hiền
Phòng QLĐT&NCKH
 

Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử đất nước, với khát vọng độc lập, hòa bình đã trở thành động lực to lớn, là sợi chỉ đỏ, là nguồn lực nội sinh của dân tộc, tạo nên sức mạnh to lớn, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, phát huy được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập của dân tộc, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đưa đất nước phát triển đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua gần 40 năm đổi mới. Trên cơ sở của những thành tựu to lớn đó, cùng với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được khẳng định và lan tỏa, tại Đại hội XIII, Đảng ta đã cụ thể hóa khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay là phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc với những mục tiêu cụ thể: “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”[1].

Thời gian qua, tôi được học tập, quán triệt từ các nội dung bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập nhiều nội dung liên quan đến xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Một trong những nội dung quan trọng, xuyên suốt được Tổng Bí thư khẳng định đó là khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đây là khát vọng hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của lịch sử, là mong muốn, nguyện vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhân dân ta.

“Khát vọng” được hiểu là mong muốn cao và bền bỉ nhằm đạt được mục đích mà con người theo đuổi. Khát vọng là trạng thái tinh thần ở dạng tiềm năng thôi thúc mỗi người hành động để vươn tới mục đích. Khát vọng được thực hiện bằng hệ thống các động lực thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động của con người, gắn liền với sự nỗ lực, ý chí quyết tâm cao, không chịu khuất phục trước hoàn cảnh để đạt tới mục đích. Khát vọng xuất hiện trong mối quan hệ giữa nhu cầu con người với thực tiễn xã hội và những điều kiện bảo đảm cho những mong muốn đó trở thành hiện thực. Khát vọng chính đáng luôn gắn liền với sự ý thức và tự ý thức sâu sắc về khả năng, bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ với bản thân, cộng đồng và xã hội. Khát vọng dân tộc thể hiện nhu cầu, ước vọng của đại đa số cộng đồng cư dân trong một quốc gia và nó chịu sự tác động bởi các điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

“Phồn vinh” theo Từ điển Tiếng Việt có nghĩa là giàu có, thịnh vượng, phát triển tốt đẹp.

“Hạnh phúc” có nhiều cách hiểu khác nhau, là sự cân bằng về cảm xúc, hài lòng trong cuộc sống, thỏa mãn đầy đủ những nhu cầu. Tựu trung lại, hạnh phúc là trạng thái cảm xúc được biểu thị bởi cảm giác vui vẻ, thỏa mãn,  hài lòng và đủ đầy.

Như vậy, khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc là sự mong muốn có một đất nước giàu có thịnh vượng, phát triển bền vững và ổn định, con người được hưởng đầy đủ những giá trị về vật chất và tinh thần, có điều kiện phát triển toàn diện, mọi chủ trương, chính sách đều hướng đến con người, vì con người và cho con người. Đối lập với phồn vinh, hạnh phúc là nghèo nàn, lạc hậu, bất bình đẳng, mất dân chủ,…

Sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Kinh tế phát triển; chính trị - xã hội ổn định; văn hóa - xã hội có bước phát triển; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường. Quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc được giữ vững. Trong quan điểm chỉ đạo thực hiện đường lối đổi mới giai đoạn tới, Nghị quyết Đại hội XIII đã chỉ rõ: “Động lực và nguồn động lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”[2].

Tuy nhiên, chúng ta vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp và tụt hậu đang hiện hữu; nguồn lực còn hạn hẹp trong khi phải đáp ứng cùng lúc các yêu cầu rất lớn cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh... Những tác động, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, khốc liệt. Bối cảnh đó đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới phức tạp hơn, thách thức hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục tăng cường đoàn kết, chung sức, đồng lòng, đổi mới mạnh mẽ, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong đó, về yếu tố nội sinh, chúng ta cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, phấn đấu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao. 

Bến Tre được hình thành từ ba dải cù lao, nằm cuối nguồn sông Cửu Long, Bến Tre ở vị trí trung tâm trên tuyến đường kết nối giữa thành phố Hồ Chí Minh với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có quốc lộ 60 và 57 đi qua; cầu Rạch Miễu và cầu Cổ Chiên là những công trình trọng điểm trên tuyến quốc lộ 60, là điểm kết nối quan trọng giữa Bến Tre với các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Với lợi thế vị trí địa lý, cùng với sự quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ tỉnh, Bến Tre tranh thủ tối đa các nguồn lực để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bến Tre có thế mạnh về các nông sản, thủy sản, các sản phẩm từ dừa và nhiều trái cây khác... Đây là vùng đất được mệnh danh “Xứ sở dừa Việt Nam” với diện tích khoảng 77.000ha, tổng sản lượng gần 700 ngàn tấn/năm, trong đó có vùng dừa hữu cơ lớn nhất cả nước với diện tích 16.563 ha. Sự kiện 222 món ăn từ dừa đã phá kỷ lục Việt Nam và xác lập kỷ lục thế giới, là niềm tự hào, là động lực để Bến Tre tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển văn hóa, du lịch thông qua ẩm thực từ dừa. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, xứ Dừa đã tạo nên một “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ” bằng cuộc Đồng khởi long trời, lở đất. Với thắng lợi của phong trào Đồng khởi, Bến Tre được Bộ chỉ huy Miền ký Quyết định số 409/QL, ngày 02/9/1968 tặng thưởng cờ danh dự thêu tám chữ vàng “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”. Ngọn lửa “Đồng khởi” năm xưa vẫn bền bỉ cháy trong tâm khảm của những người con sinh ra và lớn lên từ mảnh đất này để hôm nay chung sức tạo lập phong trào thi đua mang tên “Đồng khởi mới” nhằm khơi dậy tình yêu quê hương, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm dựng xây, kiến thiết lại xứ Dừa, phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần Đồng khởi, ý chí, khát vọng vươn lên, phấn đấu xây dựng Bến Tre phồn vinh, giàu mạnh.

Trường Chính trị Bến Tre là trường duy nhất đào tạo cán bộ của tỉnh, trong định hướng phấn đấu xây dựng trường chính trị chuẩn theo Đề án số 09-ĐA/TU ngày 23/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre về xây dựng Trường Chính trị Bến Tre trở thành trường chính trị chuẩn, với khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc được mỗi giảng viên, viên chức nhà trường thấm nhuần, nuôi dưỡng và vận dụng, cụ thể hóa vào giảng dạy, làm việc ở Trường Chính trị Bến Tre là hết sức cần thiết. Sự vận dụng đó thông qua bằng những việc làm cụ thể như sau:

Thứ nhất, từng giảng viên, viên chức nhận thức sâu sắc, thấm nhuần quan điểm của Đảng về khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc để vận dụng xây dựng nhà trường đạt chuẩn là nhiệm vụ cơ bản, xuyên suốt, đó là huy động sự đồng sức, đồng lòng của toàn bộ cán bộ, viên chức nhà trường.

Thứ hai, mỗi cá thường xuyên tự nghiên cứu, tự học tập nâng cao trình độ, chuyên môn; không ngừng rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp và tâm huyết với nghề. Trong quá trình nghiên cứu, giảng viên biết lựa chọn, khai thác chuẩn thông tin để đưa vào bài giảng phù hợp. Tích cực nâng cao vốn kiến thức thực tiễn của bản thân bằng hoạt động cụ thể, có chương trình, kế hoạch tích lũy cho riêng mình.            

Thứ ba, tham gia tích cực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chuyên đề, hội thảo khoa học… Để từ đó, việc vận dụng vào nội dung bài giảng sát với tình hình thực tế ở mỗi địa phương, đơn vị trong từng bài giảng, tạo được niềm tin của cán bộ, đảng viên, học viên, góp phần củng cố niềm tin, đấu tranh làm thất bại luận điệu, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

Thứ tư, thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy qua từng bài giảng, tiết giảng, chủ động nghiên cứu, trao đổi. Giảng viên không ngừng tìm tòi, sáng tạo để lồng ghép tinh thần khát vọng xây dựng quê hương, đất nước vào những bài giảng hấp dẫn, sinh động. Mỗi bài giảng phải thay đổi căn bản phương pháp truyền thụ cho thích hợp với từng đối tượng học viên như: thảo luận, làm việc nhóm, nêu vấn đề… trên cơ sở lấy người học làm trung tâm.

Thứ năm, mỗi giảng viên, viên chức nuôi dưỡng ý chí, khát vọng vươn lên trong nhận thức, gương mẫu, trách nhiệm, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức đội ngũ giảng viên trường chính trị.

Mỗi giảng viên tích cực, gương mẫu học tập và làm theo Bác, nhất là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, luôn có niềm tin sâu sắc vào Đảng, vào đường lối phát triển đất nước, vững tin vào con đường đã lựa chọn để vượt qua những khó khăn, thách thức trước mắt; luôn nuôi dưỡng khát vọng phát triển cơ quan, địa phương, quê hương, đất nước từ đó có động lực mạnh mẽ trong học tập nâng cao trình độ, nghiêm túc, sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân; cảm thông, chia sẻ, động viên, giúp đỡ nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống. Đồng thời biết lắng nghe ý kiến đóng góp của mọi người, biết tự nhìn nhận những khiếm khuyết của bản thân từ đó có ý thức trau dồi, tu dưỡng, không ngừng tự hoàn thiện mình. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và những biểu hiện tiêu cực về đạo đức, xây dựng, giữ gìn và phát huy văn hóa đoàn kết trong chi bộ.

Năm 2024, hưởng ứng phát động năm cao điểm thực hiện phong trào thi đua “Đồng khởi mới” của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị Bến Tre cùng toàn thể viên chức, người lao động nhà trường tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả phương châm “hai chân, ba mũi”, cụ thể như sau:

Về “Hai chân”:  (1) Chân thứ nhất: Tập trung lãnh đạo thực hiện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Nâng cao năng lực cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của cấp trên sát với nhiệm vụ chính trị của Trường, đảm bảo thực hiện có hiệu quả Đề án số 09-ĐA/TU ngày 23/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng Trường Chính trị Bến Tre trở thành trường chính trị chuẩn; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và viên chức, người lao động; học tập, quán triệt chuyên đề toàn khóa và chuyên đề năm 2024 của tỉnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp”; nâng cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cho cán bộ, đảng viên, viên chức và người lao động; chống suy thóai tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kỷ luật Đảng; tập trung thực hiện các tiêu chí chi bộ 4 tốt (Lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; chất lượng sinh hoạt tốt; đoàn kết, kỷ luật tốt; cán bộ, đảng viên tốt).

Tiếp tục lãnh đạo thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các phòng, khoa; xây dựng đội ngũ viên chức lãnh đạo các phòng, khoa và đội ngũ giảng viên đáp ứng tiêu chí trường chính trị chuẩn mức 1 theo các kế hoạch của Ban Giám hiệu.

Lãnh đạo cán bộ, đảng viên, viên chức và quần chúng trong toàn Đảng bộ thực hiện tốt quy định về ứng xử văn hóa Trường Đảng; thi đua thực hiện hiệu quả và tiếp tục giữ vững các tiêu chuẩn về “Đơn vị văn hóa”, “Gia đình văn hóa” và “Đơn vị học tập”, “Gia đình học tập”.

Lãnh đạo củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Công đoàn cơ sở, Chi đoàn Thanh niên Trường Chính trị làm nòng cốt trong các phong trào thi đua.

(2) Chân thứ hai: Tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học góp phần tổng kết thực tiễn ngành, địa phương.

Chủ động triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học năm 2024 của Ban Giám hiệu đã được Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt đảm bảo đúng tiến độ.

Lãnh đạo triển khai thực hiện có hiệu quả phương châm “Học thực chất, thi thực chất, kết quả thực chất” góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Đồng thời, đổi mới phương pháp giảng dạy, trong đó chú trọng tính thực tiễn, nhằm gắn lý luận với thực tiễn, giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra ở Bến Tre hiện nay.

Về “Ba mũi”: Tập trung lãnh đạo xây dựng Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong sạch vững mạnh, trong đó chú trọng tăng cường xây dựng về chính trị tư tưởng, đạo đức; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp suy thóai về đạo đức, lối sống, không để xuất hiện những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện đúng quy trình, đảm bảo tiến độ và chất lượng xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng tiêu chí trường chính trị chuẩn; quan tâm lãnh đạo xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, viên chức của nhà trường tiêu biểu về đạo đức, đạt chuẩn về chuyên môn, có kỹ năng, bản lĩnh sư phạm, kinh nghiệm kiến thức thực tiễn trong giảng dạy, nhất là bản lĩnh chính trị và tính tiền phong gương mẫu và tinh thần trách nhiệm, góp phần thực hiện đạt các tiêu chí trường chính trị chuẩn mức 1 vào năm 2025.

Tóm lại, vận dụng, lồng ghép khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc vào xây dựng đội ngũ giảng viên, viên chức Trường Chính trị Bến Tre sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên của nhà trường trong thời gian tới, hướng đến xây dựng trường chính trị đạt chuẩn. Với trách nhiệm là mỗi giảng viên, viên chức phải truyền được cảm hứng, niềm tin, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đến các đối tượng học viên, tác động làm chuyển biến mạnh mẽ về phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh nhà, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và công cuộc xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc./.

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 112

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 34

Tin khác