Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ sáu, 26 Tháng 4, 2024 - 12:55

Nhìn lại sự đột phá, đổi mới về tư duy kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam

ThS. Trần Văn Hòa
 Phó Trưởng Khoa Lý luận cơ sở
 

Tròn 90 năm tuổi, Đảng ta với một bề dày kinh nghiệm trong lãnh đạo giải phóng dân tộc cũng như trong lãnh đạo xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa đã đạt nhiều thắng lợi to lớn. Từ sự đánh bại hai đế quốc hùng mạnh đưa đất nước Việt Nam không có tên trên bản đồ thế giới (xứ thuộc địa ở Đông Dương) đã ghi tên trên bản đồ thế giới với vị thế uy tín quốc tế ngày càng cao; một nước được thế giới đánh giá là đáng sống nhất đối với người nước ngoài. Năm 2019, khi kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, thì nền kinh tế Việt Nam phát triển ngoạn mục: Vượt các chỉ tiêu về kinh tế, tăng trưởng kinh tế cao (7,02%), quy mô GDP đạt con số ấn tượng (266,5 tỷ USD). Chính vì vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ta đã nhận định: “Không biết có phải vì thế mà Ngân hàng Thế giới đưa ra nhận định “mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời đang tỏa sáng ở Việt Nam”.

Sau năm 1975, đất nước còn vô vàn những khó khăn. Đó là: Hậu quả của 30 năm chiến tranh đối với cả nước và chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam phải giải quyết vô cùng nặng nề; miền Nam hậu quả của chiến tranh và chính sách thực dân kiểu mới của Mỹ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; miền Bắc kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội bị tàn phá nặng nề trong hai cuộc chiến tranh phá hoại năm 1964-1968 và năm 1972; Nền kinh tế quốc dân mất cân đối một cách gay gắt, nhất là cung-cầu lương thực, sản xuất không đủ tiêu dùng. Trong khi đó, Mỹ và các thế lực thù địch tăng cường chống phá cách mạng nước ta. Nhân dân VN phải tiến hành hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây-Nam và biên giới phía Bắc. Các nước XHCN gặp nhiều khó khăn, đã bộc lộ trì trệ, đòi hỏi phải cải cách, cải tổ....

Từ những khó khăn đó, Đảng ta đã tìm thấy những bất cập của cơ chế, đồng thời phát hiện những điểm sáng của thực tiễn đặt ra. Do vậy, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, V, Đảng ta đã chỉ ra những đột phá lớn, mà cụ thể: Hội nghị Trung ương 6 khóa IV (15-23/8/79) “tìm kiếm lối thoát” cho nền kinh tế ra khỏi khủng hoảng, trì trệ với những chủ trương, biện pháp cấp bách, mạnh mẽ, kiên quyết, đem lại hiệu quả thiết thực nhằm đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống, làm cho sản xuất “bung ra”; tạo điều kiện cho lực lượng sản xuất phát triển…; đồng thời được tự do lưu thông hàng hóa, xóa bỏ “ngăn sông, cấm chợ”. Đặc biệt là Chỉ thị 100-CT/TW của Ban Bí thư ngày 13/01/1981 về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp...

Về Quyết định 25/CP ngày 21/01/1981 là phát huy quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính của các xí nghiệp quốc doanh và Nghị quyết 26/CP của Hội đồng Chính phủ về mở rộng hình thức trả lương khoán, lương sản phẩm và vận dụng hình thức tiền thưởng trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh của Nhà nước.

Hội nghị Trung ương 8 khóa V (1-7/6/85) đã quyết định dứt khoát xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, hành chính, bao cấp chuyển sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa lấy “Giá-lương-tiền” làm khâu đột phá. Bên cạnh đó, còn có Kết luận Bộ Chính trị (20/9/86) về thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần, cho phép sở hữu các thành phần kinh tế; đổi mới cơ chế quản lý, xóa cơ chế tập trung, quan liêu, hành chính, bao cấp thực hiện hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa…; đổi mới cơ cấu kinh tế, phải “thật sự coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu”.

Trên đây là 3 đột phá về tư duy nhằm mở đường cho phát triển kinh tế, xã hội, cơ sở quan trọng để Đảng ta đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới về tư duy kinh tế.

Từ năm 1986 đến nay, dưới ánh sáng của đường lối đổi mới đã đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn lịch sử, thể hiện bản lĩnh vững vàng, tư duy sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của đất nước. Những thắng lợi bước đầu đó được Đảng ta từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa đường lối đổi mới mà nội dung cơ bản, cốt lõi được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện quan trọng của Đảng qua các kỳ Đại hội.

Nền kinh tế nước ta trong gần 35 năm trở lại đây đã đạt được nhiều thành tựu rất lớn (1986-2017), tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta, tuy có sự dao động nhất định, song vẫn ở mức cao hơn trung bình khu vực và thế giới với mức tăng bình quân cả thời kỳ gần 7%/năm. Nếu như giai đoạn 1986-1990, tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta chỉ đạt 4,4%/năm, thì đến giai đoạn 1991-1995 là 8,2%/năm; giai đoạn 1996-2000 là 7,6%/năm; giai đoạn 2001-2005 là 7,34%; giai đoạn 2006-2010 là 6,32%/năm; năm 2016 là 6,21% và năm 2017 là 6,81% , năm 2018 là 7,08%, năm 2019 tốc độ tăng trưởng 7,02%. Đặc biệt là quy mô GDP năm 2019 đạt kỷ lục từ trước tới nay là 266,5 tỷ USD. Thu nhập (GDP) bình quân đầu người 2800 USD, bội chi ngân sách ở mức 3,4% GDP, thấp hơn mức kế hoạch (3,6%).

Với những kết quả ấn tượng như vậy, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong lễ kỉ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Thực tiễn phong phú, sinh động của cách mạng Việt Nam trong 90 năm qua đã chứng tỏ, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam”, “Với tất cả sự khiêm tốn của người cách mạng, có thể nói rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như ngày nay. Đất nước hòa bình thống nhất, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững”.

Tóm lại, thay lời kết của toàn bộ nội dung bài viết này, tác giả không thể sử dụng lời lẻ nào chân lý và khoa học hơn như lời đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong lễ kỉ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: “Thực tiễn đó khẳng định một chân lý: Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Và cũng chính trong quá trình đó, Đảng ta đã tích lũy và đúc rút được nhiều bài học quý báu, hun đúc nên những truyền thống vẻ vang mà hôm nay chúng ta có trách nhiệm phải ra sức giữ gìn và phát huy. Đó là truyền thống trung thành vô hạn với lợi ích của dân tộc và giai cấp, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”./.

Tin khác