Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ tư, 8 Tháng 5, 2024 - 08:33

Nâng cao trách nhiệm đội ngũ cán bộ, giảng viên trong nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn

“... tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ở địa phương” là một chức năng, nhiệm vụ quan trọng của trường chính trị tỉnh. Đặc biệt trong thực hiện đường lối đổi mới của Đảng thì công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học cũng được đề cao. Nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn còn là một tiêu chí của trường chính trị chuẩn. Điều 9, Quy định số 11-QĐ/TW về trường chính trị chuẩn, quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn đối với trường chính trị chuẩn mức 1: Khoản 1, quy định về thực hiện đề tài khoa học “mỗi năm thực hiện ít nhất 3 đề tài khoa học cấp trường, 5 năm thực hiện ít nhất 3 đề tài khoa học cấp tỉnh và tương đương trở lên, được nghiệm thu ở mức đạt trở lên”. Mỗi năm thực hiện ít nhất 3 cuộc hội thảo khoa học hoặc tọa đàm cấp tỉnh, 5 năm tổ chức 3 cuộc hội thảo khoa học hoặc tọa đàm cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên.

Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ quan trọng, cùng với hoạt động giảng dạy là hai nhiệm vụ cơ bản của đội ngũ giảng viên các trường chính trị, và là hoạt động cơ bản của người giảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Hai nhiệm vụ đó quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ cho nhau; nếu chỉ thực hiện một trong hai nhiệm vụ, người giảng viên chưa hoàn thành chức trách của mình. Mục đích hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên là khám phá những vấn đề về lý luận khoa học, trên cơ sở đó tạo ra hệ thống tri thức ứng dụng chúng vào thực tiễn hoạt động giảng dạy trong các trường chính trị. Nếu nghiên cứu khoa học có hiệu quả sẽ giúp giảng viên nâng cao trình độ, kiến thức, phát triển tư duy sáng tạo, năng lực tự học, tự làm việc; nâng cao chất lượng giảng dạy, đổi mới phương pháp và công tác chuyên môn; qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, vị thế và uy tín của nhà trường. Mặt khác, thông qua nghiên cứu khoa học, giảng viên cũng từng bước hình thành những tố chất, bản lĩnh của người cán bộ khoa học.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học, trong những năm gần đây, việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học luôn được Ban Giám hiệu đặc biệt quan tâm, xác định là một trong những hoạt động chủ yếu để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, trong đó đặc biệt, tập trung mở rộng các cuộc hội thảo cấp tỉnh, các cuộc tọa đàm, thực hiện đề tài khoa học cấp trường, cấp tỉnh. Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, Trường Chính trị đã thực hiện 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh (đã nghiệm thu xếp loại đạt); 14 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường (đã nghiệm thu xếp loại đạt); tổ chức 17 cuộc tọa đàm cấp trường, 5 cuộc hội thảo khoa học cấp tỉnh. Các đề tài đã được nghiệm thu có tính ứng dụng khá cao, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học của nhà trường. Từ đó cho thấy, hoạt động nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên ngày càng đi vào nền nếp, đạt được kết quả khá tốt và có giá trị thiết thực; đóng góp đáng kể vào thành tích công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học của Trường.

Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ và định hướng sự phát triển của trường chính trị chuẩn trong thời gian tới thì hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên còn những hạn chế, bất cập như: Chưa có nhiều công trình nghiên cứu, đề tài khoa học góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, tham gia tổng kết thực tiễn của tỉnh. Chất lượng một số sản phẩm khoa học chưa cao, chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn đặt ra. Khả năng nghiên cứu khoa học của giảng viên, viên chức không đồng đều. Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế là: Thứ nhất, một số giảng viên chưa nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học. Số giảng viên có khả năng và kinh nghiệm nghiên cứu đa phần là lãnh đạo, quản lý đơn vị nên quỹ thời gian dành cho nghiên cứu thường không nhiều; các giảng viên trẻ có tâm huyết, đam mê nghiên cứu nhưng chưa có kinh nghiệm nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu khoa học; thứ hai, thiếu tính năng động, chủ động trong việc tìm kiếm các thông tin liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học; thứ ba, kinh phí dành cho công tác nghiên cứu khoa học tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa tương xứng với chất xám vì tính chất của hoạt động nghiên cứu khoa học.

Từ thực tiễn, để góp phần nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của đội ngũ cán bộ, giảng viên trường chính trị, định hướng hoạt động khoa học, nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn ở Trường Chính trị Bến Tre trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường phải bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, công tác nghiên cứu khoa học. Đặc biệt là phải chủ động nghiên cứu, nắm chắc các chủ trương, nghị quyết của Đảng đang triển khai thực hiện trên tất cả các lĩnh vực để từ đó định hướng công tác nghiên cứu khoa học về tổng kết thực tiễn ở địa phương đạt hiệu quả hơn.

Hai là, nhà trường cần tăng cường công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, các đoàn thể, các huyện, thành phố đối với hoạt động nghiên cứu khoa học. Khuyến khích giảng viên nêu ý tưởng, đề tài nghiên cứu, chủ đề hội thảo khoa học để góp phần phục vụ trực tiếp, hiệu quả cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Ba là, để nâng cao chất lượng khoa học của đề tài khoa học các cấp, những bài báo cáo thực tế, tham luận hội thảo, bài báo khoa học, đề xuất mô hình “báo cáo chuyên đề” trong hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường. Đồng thời đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường phải xây dựng phương pháp, phong cách làm việc khoa học, đầu tư thời gian chủ động cho công tác tự học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, kỹ năng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Mỗi giảng viên cần tích cực, sáng tạo trong quá trình nghiên cứu thực tế, nắm bắt kịp thời tình hình kinh tế - xã hội địa phương, lựa chọn những chủ đề phù hợp với chương trình môn học đang đảm nhiệm, tập trung vào chương trình đề án phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, có cơ sở để khảo sát, đánh giá sát với vấn đề thực tiễn đang diễn ra ở địa phương. Từ đó, đề xuất những giải pháp có tính khả thi, góp phần xử lý có hiệu quả những hạn chế, khó khăn đang diễn ra tại địa phương, đơn vị.

Ngoài ra, giảng viên cần chủ động khai thác thông tin chính thống trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, internet,...) để có thông tin đa chiều, rộng lớn đã được chọn lọc, phân tích. Đây là nguồn thông tin quan trọng giúp giảng viên có thêm nguồn dữ liệu bổ sung, phục vụ nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.

Bốn là, nhà trường cần có cơ chế động viên, khích lệ hoạt động nghiên cứu khoa học, đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn một cách có hiệu quả nhất. Thường xuyên chăm lo bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực khoa học của nhà trường, theo đó các đơn vị khoa, phòng rà soát đội ngũ cán bộ phát hiện các cán bộ, giảng viên có năng lực nghiên cứu để bồi dưỡng, chia sẻ, giúp đỡ, từng bước phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên vững vàng về chuyên môn, có năng lực nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những biểu hiện thiếu nhiệt tình, say mê nghiên cứu hoặc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học mang tính đối phó, làm cho đủ giờ nghiên cứu, đủ chỉ tiêu quy định, ít quan tâm đến chất lượng công trình do mình công bố cũng như uy tín khoa học của bản thân.

Năm là, đổi mới cả về nhận thức, tư duy và phương pháp tiến hành nghiên cứu khoa học. Đây là nội dung quan trọng để nâng cao năng lực  nghiên cứu khoa học của mỗi giảng viên. Bởi vì, nghiên cứu khoa học là sự tìm tòi, khám phá tri thức khoa học, tốn nhiều công sức, thời gian... và đòi hỏi chủ thể tiến hành cần có kỹ năng, phương pháp nghiên cứu, niềm đam mê và ý chí, nghị lực. Vì vậy, cần đổi mới cả về nhận thức, tư duy và phương pháp tiến hành nghiên cứu khoa học. Đội ngũ giảng viên mới cần phải được bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng, phương pháp, kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học; từ đó, giúp họ hiểu và vận dụng thành thạo, tự tin và mạnh dạn tham gia các hình thức và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Ưu tiên dành cho giảng viên trẻ các nhiệm vụ nghiên cứu từ đơn giản đến phức tạp, từ cấp nhỏ đến cấp lớn; trước hết là nghiên cứu những vấn đề cụ thể, trực tiếp phục vụ cho hoạt động giảng dạy, các đề tài cá nhân…

Nâng cao công tác nghiên cứu khoa học ở Trường Chính trị Bến Tre trong giai đoạn hiện nay là yêu cầu phát triển đồng bộ nhà trường theo tiêu chí trường chính trị chuẩn, là trách nhiệm của mỗi giảng viên, viên chức nhà trường, đồng thời góp phần thi đua dạy tốt - học tốt tại nhà trường, và xây dựng thành công trường chính trị chuẩn mức 1 vào năm 2025./.

Thông tin hoạt động của Đảng ủy: 

Tin khác