Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ bảy, 27 Tháng 4, 2024 - 12:58

Nâng cao tinh thần quyết tâm của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị hướng đến xây dựng trường chính trị chuẩn mức 1 vào năm 2025 và mức 2 năm 2030

ThS. Đoàn Thị Mao
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng
 

Thực hiện Đề án số 09-ĐA/TU ngày 23/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre về xây dựng Trường Chính trị Bến Tre trở thành trường chính trị chuẩn. Việc xây dựng trường chính trị chuẩn bao gồm quá trình chuẩn hóa về đội ngũ giảng viên, điều kiện cơ sở vật chất phương tiện kỹ thuật và tài chính, những điều kiện tổng hợp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và các hoạt động khác của Trường Chính trị Bến Tre. Trong đó, xây dựng đội ngũ giảng viên đủ chuẩn chất đáp ứng yêu cầu của Đề án là tiêu chuẩn cơ bản quyết định việc thực hiện thành công Đề án. Vì vậy, việc coi trọng ý thức nâng cao trình độ chuyên môn lý luận chính trị, khả năng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, phương pháp giảng dạy,... của đội ngũ giảng viên là cơ sở quyết định cho tiêu chí về xây dựng đội ngũ giảng viên, viên chức đảm bảo lộ trình thực hiện hoàn thành các tiêu chí của trường chính trị chuẩn mức 1 vào năm 2025 và là nền tảng để thực hiện tiêu chí này đạt mức 2 vào năm 2030.

Căn cứ Quy định số 11-QĐi/TW ngày 19/05/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn. Trường Chính trị Bến Tre đã đạt được những kết quả sau về tiêu chí xây dựng đội ngũ giảng viên, viên chức:

Các tiêu chí đã đạt đối với giảng viên nhà trường hiện tại: Có 100% giảng viên dạy lý luận chính trị có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên (19/19 giảng viên có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên); 100% giảng viên sau 7 năm công tác có bằng cao cấp lý luận chính trị; 100% giảng viên có nghiệp vụ sư phạm; có ít nhất 80% có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (đạt tỷ lệ 100%); có ít nhất 60% giảng viên giữ ngạch giảng viên chính (hiện có 11 giảng viên giữ ngạch giảng viên chính chiếm tỷ lệ 73,3%); 100% áp dụng phương pháp dạy học tích cực; 100% hoàn thành nhiệm vụ và xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng đạt yêu cầu.

Bên cạnh đó, hiện vẫn còn các tiêu chí chưa đạt chuẩn như: Tỷ lệ 75% giảng viên cơ hữu. Hiện tổng số viên chức, người lao động của nhà trường là 39/44 biên chế được phân bổ, trong đó có 19 giảng viên và giảng viên kiêm nhiệm chiếm tỷ lệ 48,71% nên chưa đạt tỷ lệ 75%/tổng biên chế theo Quy định số 11-QĐi/TW. Tiêu chí có ít nhất 90% giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên (hiện tại trường có 14/19 giảng viên có trình độ thạc sĩ chiếm tỉ lệ 73,68%). Còn 4 giảng viên tập sự vừa mới tạo nguồn giảng viên có trình độ cử nhân, trong đó có 02 giảng viên đang theo học chương trình sau đại học. Bên cạnh đó, chất lượng viên chức có thể tạo nguồn giảng viên không đồng đều, số lượng viên chức các phòng đông nhưng tham gia giảng dạy chưa nhiều. Một số giảng viên chưa quyết tâm học tập khi đủ điều kiện năng lực tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu do thời gian công tác không nhiều hoặc chưa đủ điều kiện về tài chính.

Để phấn đấu đạt các tiêu chí còn lại, đội ngũ giảng viên nhà trường cần có sự chủ động tích cực tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch như: 03 giảng viên tham gia chương trình đào tạo Tiến sĩ gồm các chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật và Luật kinh tế; 03 viên chức đào tạo chuyên ngành xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước; 01 viên chức học sau đại học chuyên ngành Kinh tế chính trị; 02 viên chức đào tạo cao cấp lý luận chính trị.

Trên cơ sở thực trạng đội ngũ giảng viên hiện tại, nhằm xác định rõ nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới để đạt tiêu chí xây dựng đội ngũ giảng viên, nêu cao tinh thần học tập, ý thức trách nhiệm trau dồi chuyên môn, xây dựng hình mẫu giảng viên trường Đảng chuẩn mực, Trường Chính trị Bến Tre cần quan tâm các vấn đề sau:

Một là, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt trong toàn thể giảng viên, viên chức nhà trường không ngừng phấn đấu nêu cao tinh thần quyết tâm trong đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo tiêu chuẩn vị trí việc làm theo quy định, xem đó là thước đo và là căn cứ cho việc đánh giá hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

Cần bám vào kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đã phê duyệt, cử giảng viên đủ tiêu chuẩn để đào tạo nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.

 Đảng ủy, Ban Giám hiệu cần có chính sách hỗ trợ, biểu dương, khen thưởng kịp thời cho những giảng viên có ý thức quyết tâm cao trong học tập, nâng cao trình độ, tạo động lực cho giảng viên, viên chức tích cực hơn nữa trong quá trình tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa chức danh đạt chuẩn và trên chuẩn.

 Ban Giám hiệu cần có đề xuất, kiến nghị với tỉnh ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về chế độ hỗ trợ viên chức trường chính trị trong đào tạo sau đại học đạt chuẩn theo Quy định số 11-QĐi/TW và có chính sách thu hút nhân tài công tác tại trường chính trị.

 Trong giai đoạn thực hiện tiêu chí trường chính trị chuẩn mức 2, việc tuyển chọn viên chức tạo nguồn giảng viên phải có trình độ thạc sĩ trở lên, có như vậy mới có thể đảm bảo các tiêu chí ở mức 1 và có thể rút ngắn hoặc ít nhất đảm bảo thời gian đạt chuẩn mức 2.

Hai là, mỗi viên chức giảng viên nhà trường cần phải nhận thức đầy đủ và nâng cao trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ nhằm đáp ứng các tiêu chí trường chính trị chuẩn.

 Mỗi cán bộ giảng viên phải luôn giữ lập trường tư tưởng vững vàng, có ý chí phấn đấu vươn lên, gương mẫu trong công tác, có tinh thần trách nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Giảng viên với tinh thần trách nhiệm cao sẽ thúc đẩy mình tự vươn lên chủ động học tập nâng cao trình độ, năng lực công tác, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế để nâng cao chất lượng bài giảng và đáp ứng tiêu chí trường chính trị chuẩn. Viên chức, giảng viên nhà trường cần nhận thức được việc học tập là quyền lợi và nhiệm vụ chính trị phải hoàn thành của mình.

Để nêu cao tinh thần trách nhiệm của giảng viên trong việc nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu trường chính trị chuẩn, bản thân giảng viên phải có lòng yêu nghề, tinh thần nhiệt huyết, coi trọng uy tín cá nhân không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy gắn kết giữa kiến thức lý luận và thực tiễn, có kỹ năng lựa chọn phương pháp truyền đạt phù hợp cho từng đối tượng người học, chuẩn bị các điều kiện về tài chính. Từ đó nâng cao ý thức tích cực, chủ động hơn trong nâng cao năng lực công tác nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy.

Đối với viên chức đang làm việc tại các phòng được định hướng trở thành giảng viên kiêm chức, cần có sự sắp xếp thời gian khoa học, hợp lý giữa việc đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn của phòng và thời gian đầu tư cho bài giảng cả về nội dung, phương pháp, kỹ năng xử lý tình huống trong giảng dạy, cập nhật kiến thức thực tiễn,... đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng thông qua bài giảng trước hội đồng khoa học nhà trường góp phần đảm bảo tỷ lệ 75% giảng viên cơ hữu ở mức 1 và mức 2 là 80%. Để đảm bảo yêu cầu này viên chức các phòng phải có sự nỗ lực và quyết tâm vì công việc chuyên môn của phòng chi phối nhiều làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ tham gia giảng dạy.

Ba là, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế trong nhà trường góp phần nâng cao khả năng nghiên cứu của đội ngũ giảng viên, viên chức nhà trường, nhằm tích lũy kinh nghiệm công tác, tạo điều kiện thuận lợi đáp ứng yêu cầu học tập nghiên cứu sâu đạt hiệu quả, tạo sự tự tin cho giảng viên khi tham gia các khóa đào tạo nâng cao và chuyên sâu.

Tăng cường bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên, thông qua tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, tham gia viết bài cho các tạp chí có chỉ số,... để giảng viên tham gia đảm bảo chất lượng giảng dạy vừa đáp ứng yêu cầu khi tham gia học tập nâng cao trình độ. Khuyến khích giảng viên xác định hướng nghiên cứu của mình mang tính chuyên sâu và yêu cầu của nghiên cứu là phải gắn với giảng dạy, tổng kết thực tiễn địa phương nhằm sử dụng kết quả nghiên cứu để đánh giá năng lực giảng viên và góp phần định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 Xây dựng trường chính trị chuẩn là yêu cầu tất yếu, nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu trong quá trình phát triển của Trường Chính trị Bến Tre trong thời gian tới. Nêu cao quyết tâm chuẩn hóa tiêu chuẩn giảng viên là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi nỗ lực và quyết tâm lớn của từng giảng viên. Bên cạnh đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường sẽ tiếp tục quan tâm, động viên, khuyến khích, tạo nguồn lực để hỗ trợ giảng viên thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới. Trên tinh thần phát huy trí tuệ, sức sáng tạo, sự chủ động, tích cực của từng giảng viên, viên chức nhà trường cần phải ra sức học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn góp phần xây dựng, củng cố đội ngũ giảng viên vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, đủ sức thực hiện nhiệm vụ chính trị phấn đấu cùng nhà trường hoàn thành các tiêu chí trường chính trị chuẩn về xây dựng đội ngũ giảng viên ở mức 1 vào năm 2025 và mức 2 năm 2030./.

Tin khác