Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ bảy, 27 Tháng 4, 2024 - 17:22

Lý luận quân sự Ph.Ăngghen – tài sản vô giá trong kho tàng khoa học quân sự của nhân loại

ThS. Nguyễn Trần Phương Hiền
 Viên chức Khoa Lý luận cơ sở
 

Phriđơrich Ăngghen (Friedrich Engels) nhà lý luận chính trị, một triết gia, một nhà khoa học, nhà tư tưởng quân sự thiên tài người Đức thế kỷ XIX, người cùng với Các Mác (Karl Marx) sáng lập và phát triển chủ nghĩa cộng sản, lãnh tụ của phong trào công nhân thế giới và Quốc tế I. Sinh ra và lớn lên tại Barmen, tỉnh Ranh, Vương quốc Phổ (ngày nay là nước Đức) trong một gia đình tư sản. Từ nhỏ, Ph.Ăngghen đã sớm bộc lộ năng khiếu, tài năng thiên bẩm của mình trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực quân sự, góp phần vào xây dựng lý luận quân sự của giai cấp vô sản và kho tàng khoa học quân sự của nhân loại.

Trong bối cảnh đấu tranh giai cấp, chiến tranh khốc liệt ở Châu Âu nửa cuối thế kỷ XIX. Tháng 9 năm 1841, Ph.Ăngghen đến Berlin và gia nhập Trung đoàn Bộ binh đoàn - pháo binh cận vệ.  Tại đây, ông được huấn luyện quân sự, trực tiếp trở thành chiến sĩ phục vụ trong quân đội, trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, cùng niềm say mê tìm tòi, khám phá và nỗ lực tự học đã đem đến cho Ph.Ăngghen một lượng tri thức phong phú và sâu rộng giúp Ph.Ăngghen hình thành, phát triển thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, tiếp cận và xây dựng lý luận quân sự rất khoa học, cách mạng, phản ánh thực tiễn của thời đại trên lập trường của giai cấp vô sản.

Là một nhà tư tưởng quân sự thiên tài, Ph.Ănggghen đã có công đặt nền móng xây dựng và phát triển học thuyết mácxít  về chiến tranh, về quân đội và bảo vệ thành quả cách mạng qua hàng loạt tác phẩm như: “Chiến tranh nông dân ở Đức”, “Tiểu luận về chiến tranh”, “Quân đội”, “Chống Đuy-rinh”, “Vai trò của bạo lực trong lịch sử”, “Châu Âu có thể giải trừ quân bị được không”. Khi cuộc đấu tranh bùng nổ ở Tây và Nam nước Đức (5/1849), Ph.Ăngghen đã vạch ra một kế hoạch hoạt động quân sự, thành lập quân đội cách mạng tiến hành cuộc khởi nghĩa. Trong thời kỳ này ông đã tham gia trực tiếp 4 trận đánh lớn, trong đó có trận Rastatt. Sau này ông đã viết Luận văn quân sự  hình thành nên cương lĩnh quân sự của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt thực hiện sứ mệnh lịch sử thế giới của mình.

Trên lập trường duy vật lịch sử, Ph.Ăngghen đã chứng minh một cách khoa học về nguồn gốc, bản chất chính trị - xã hội của chiến tranh, trong lịch sử phát triển của xã hội loài người đã có thời kỳ không có chiến tranh, nguồn gốc và nguyên nhân sinh ra chiến tranh là do sự ra đời và tồn tại chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất là nguồn gốc sâu xa (nguồn gốc kinh tế) và sự đối kháng giai cấp trong xã hội là nguồn gốc trực tiếp (nguồn gốc xã hội). Trong xã hội cộng sản nguyên thủy, khi chưa có chế độ tư hữu, chưa có giai cấp đối kháng thì chiến tranh với tính cách là một hiện tượng chính trị - xã hội cũng chưa xuất hiện. Khi chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất xuất hiện và cùng với nó là sự ra đời của giai cấp, tầng lớp bị áp bức bóc lột thì chiến tranh ra đời và tồn tại là một tất yếu khách quan. Muốn xóa bỏ chiến tranh phải xóa bỏ nguồn gốc sinh ra nó. Đấu tranh chống lại các luận điệu của các học giả tư sản rằng chiến tranh là vốn có, chiến tranh bắt nguồn từ bản chất sinh vật của con người và không thể nào loại trừ được. Thực chất biện hộ cho những cuộc chiến tranh cướp bóc, xâm lược phi chính nghĩa. của giai cấp bóc lột.

Nghiên cứu về quân đội, theo Ph.Ăngghen: “Quân đội là một tập đoàn người vũ trang có tổ chức, được nhà nước xây dựng nên và dùng vào cuộc chiến tranh tấn công hoặc chiến tranh phòng ngự”[1] và “quân đội đã trở thành mục đích chủ yếu của nhà nước, trở thành một mục đích tự nó”[2]. Quân đội là một hiện tượng lịch sử, ra đời ở một giai đoạn nhất định của xã hội, gắn với sự ra đời của giai cấp, nhà nước, là tổ chức đặc biệt của nhà nước. Theo quan điểm đó, bản chất đích thực của các quân đội, dù của nhà nước chiếm hữu nô lệ, phong kiến hay tư bản, đều là công cụ bạo lực để bảo vệ quyền lợi của giai cấp bóc lột, bảo vệ chính sách đối nội và đối ngoại của các nhà nước nhằm tiến hành chiến tranh xâm lược các dân tộc khác. Quân đội của nhà nước tư sản là công cụ để đàn áp, áp bức nhân dân lao động, đàn áp phong trào cách mạng của giai cấp công nhân, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân, thực hiện chính sách xâm lược bằng thủ đoạn vũ trang.

Sức mạnh chiến đấu của quân đội phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của nhà nước sinh ra nó và được coi là điều kiện tiên quyết. Ph.Ăngghen khẳng định: “Toàn bộ việc tổ chức và phương thức chiến đấu của quân đội, và do đó thắng lợi hay thất bại đều rõ ràng phụ thuộc vào các điều kiện vật chất, nghĩa là điều kiện kinh tế, vào chất liệu của con người và của vũ khí, nghĩa là vào chất lượng, số lượng của dân cư và của kỹ thuật”[3]. Chính kinh tế trực tiếp trang bị, phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất cho quân đội và tác động tích cực đến xây dựng, phát triển các yếu tố khác tạo nên sức mạnh tổng hợp của quân đội nhà nước vô sản. Để đánh giá đúng khả năng chiến đấu của quân đội thì không chỉ nhìn vào trang bị vũ khí và chiến thuật, mà cần phải xem xét trình độ kỷ luật, lòng kiên định và khả năng sẵn sàng chịu đựng những tình huống chiến đấu. Vì vậy, chính chế độ chính trị - xã hội của nhà nước, tinh thần dân tộc trong các cuộc chiến tranh chính nghĩa là yếu tố quyết định.

Trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch, phản động thường rêu rao luận điểm “phi chính trị hóa quân đội” cho quân đội đứng ngoài chính trị, quân đội là công cụ bạo lực của toàn xã hội, không mang bản chất giai cấp. Thực chất là nhằm làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, làm giảm sức mạnh chiến đấu, từng bước làm suy thoái về chính trị tư tưởng, phai nhạt bản chất cách mạng của quân đội. Đó là mục tiêu quan trọng  của chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.

Nguyên tắc căn bản xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của giai cấp vô sản với ý nghĩa một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi biết tự bảo vệ thành quả cách mạng. Giai cấp vô sản phải xây dựng một cơ quan lãnh đạo quân sự thống nhất để lãnh đạo quân đội. Quân đội có nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

 Sự thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa, bọn phản cách mạng trong nước tuy đã bị đánh đổ về mặt chính trị nhưng chúng vẫn chưa từ bỏ tham vọng muốn quay trở lại địa vị thống trị. Do vậy, chúng tìm mọi cách liên kết với các phần tử phản động và chủ nghĩa tư bản bên ngoài hòng lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ của giai cấp công nhân. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, từ khi Tổ quốc xã hội chủ nghĩa xuất hiện, nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa phải đương đầu chống trả những âm mưu và hành động lật đổ, xâm lược của kẻ thù bên trong và bên ngoài. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, mười bốn nước đế quốc tập trung bao vây hòng tiêu diệt nước Nga Xô viết. Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu là một tổn thất của phong trào cách mạng thế giới, song nó cũng để lại các nước xã hội chủ nghĩa những bài học sâu sắc: Xây dựng chủ nghĩa xã hội phải luôn gắn liền bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, giành chính quyền đã khó, nhưng giữ được chính quyền còn khó hơn. Chính vì vậy, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nghĩa vụ, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Với tầm nhìn khoa học và cách mạng, tư tưởng quân sự của Ph.Ăngghen về chiến tranh, quân đội và bảo vệ Tổ quốc không những có giá trị lịch sử to lớn mà còn có ý nghĩa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời đại hiện nay. Đại hội XIII của Đảng xác định:“Tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận về quốc phòng, quân sự, an ninh, nghệ thuật quân sự, nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh xã hội trong tình hình mới”[4]. Từ đó, trang bị cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng bản chất, quy luật của chiến tranh nhân dân giải phóng dân tộc, xác định đúng đắn mục tiêu, lực lượng, sức mạnh, phương thức bảo vệ Tổ quốc, giải quyết sáng tạo những vấn đề của nghệ thuật quân sự Việt Nam về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, chiến đấu, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo. /.

[1] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.1994, t.14, tr.11

[2] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.1994, t.20, tr.240

[3] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.1994, t.20, tr.241

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.I, tr.159

Tin khác