Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ sáu, 26 Tháng 4, 2024 - 22:28

Kinh nghiệm và giải pháp hướng dẫn viên chức tập sự tại Trường Chính trị Bến Tre

Thạc sĩ Nguyễn Thị Yến
                                                                             Trưởng khoa NN và PL
 

Nhiệm vụ của giảng viên Trường Chính trị được quy định tại Quy chế giảng viên: “Giảng dạy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng do Trường Chính trị đảm nhận; tham gia nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập; góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa phương, phát triển lý luận; đấu tranh chống những luận điệu sai trái, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giảng viên phải đi thực tế tại cơ sở và tham gia các công việc khác do nhà trường phân công”.

Với trọng trách lớn lao như trên, đội ngũ giảng viên của Trường ngoài đạo đức cần có, người giảng viên còn phải giỏi về chuyên môn, nắm chắc kiến thức, sát với thực tiễn, nhuần nhuyễn phương pháp, có kinh nghiệm, uy tín, đam mê, nhiệt tình trong giảng dạy. Song để có được những yêu cầu này cần phải có một quá trình phấn đấu, rèn luyện, gia công bền bĩ, tỉ mỉ, khéo léo, thông minh. Việc làm đó phải bắt đầu từ khi là viên chức tập sự đến khi trở thành giảng viên tập sự, giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp. Đó là sự luyện rèn phấn đấu thường xuyên, liên tục và không chủ quan.

Hiện nay, Trường Chính trị Bến Tre đang tập trung cho đối tượng viên chức tập sự đã phấn đấu để trở thành giảng viên tập sự và giảng viên. Do đó điều cần tập trung luyện rèn đó là công tác soạn giảng. Mỗi viên chức tập sự được Ban Giám hiệu Trường phân công 01 giảng viên có kinh nghiệm hướng dẫn, vậy quá trình hướng dẫn diễn ra như thế nào để đến thời gian qui định các viên chức tập sự tự tin bước lên bục giảng để thực giảng trước Hội đồng khoa học Trường với những kết quả khả quan. Điều này đặt trên vai của người hướng dẫn viên chức tập sự phải nhiệt tâm, theo dõi, hỗ trợ đầy trách nhiệm, có khả năng tháo gỡ những vướng mắc, giúp các viên chức có những phương pháp hay, phù hợp…Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi xin giới thiệu về cách làm của mình.

Phương pháp hướng dẫn giảng viên tập sự (Yêu cầu về sự tương tác của người hướng dẫn và viên chức tập sự)

- Với người hướng dẫn: Đó là những người được Ban Giám hiệu quyết định có chức danh nghề nghiệp cao hơn so với viên chức tập sự; có năng lực kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ và có khả năng truyền đạt, hướng dẫn viên chức tập sự. Vì là người đi trước nên khi hướng dẫn lực lượng kế thừa, người hướng dẫn cần quan tâm các mặt:

Về thái độ: Gần gũi, cởi mở, mang tính chất trao đổi, hướng dẫn, động viên, khích lệ, không gò ép, bắt buộc, không phê một chiều mà góp ý phải thận trọng, tế nhị, tránh tổn thương.

Về chuyên môn: Tôn trọng sự chọn lựa nội dung của viên chức tập sự; viên chức phải nắm nội dung, kiến thức, giới thiệu những tài liệu liên quan (nếu có). Trao đổi phương pháp cần thực hiện, xác định thời gian hoàn thành, thời gian người hướng dẫn dự viên chức tập sự giảng tập; góp ý, chỉnh sửa, hỗ trợ phương pháp, điều kiện; gợi mở những điểm mạnh, những hạn chế thật thẳng thắn với viên chức tập sự. Để có một giáo án tốt cần chú trọng từng  khâu chuẩn bị từ chọn bài, chuẩn bị tư liệu, soạn đề cương, phương pháp mỗi nội dung, dụng cụ trực quan; ….

Phần lớn với viên chức tập sự thường thiếu kinh nghiệm trong các khâu từ soạn bài đến giảng tập. Tâm lý các viên chức tập sự luôn cảm nhận là thiếu kiến thức nên nội dung nào có liên quan cũng đưa vào và thiếu chọn lọc; chưa xác định những nội dung trọng tâm của bài; bất an khi giảng trước Hội đồng khoa học… Do vậy, viên chức tập sự cần có sự gia công và người hướng dẫn nên quan tâm định hướng cho viên chức tập sự thực hiện tốt nội dung bài giảng và làm công tác tư tưởng, động viên, chia sẻ những âu lo, trở ngại để các viên chức tập sự có sự an tâm, phấn chấn, tự tin để phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ.

Về ứng xử, giao tiếp: Để đến với nghề giáo trong môi trường chính trị, đối tượng học đa dạng, phần lớn là cán bộ lãnh đạo tại địa phương, có những đồng chí lớn tuổi đáng bậc cha chú và họ có vốn kiến thức từ thực tế rất phong phú, sâu, rộng… Do vậy, trong xưng hô, giao tiếp, trong truyền đạt kiến thức cần phải thận trọng, tế nhị trong từng khâu khi lên lớp, khi giao tiếp, ứng xử, trong phát ngôn… phải chọn lọc từ ngữ, ngữ điệu, cả những biểu cảm phi ngôn ngữ cũng cần chú ý cho phù hợp, điều này người hướng dẫn nên nhắc nhở, trao đổi với viên chức tập sự.

- Với viên chức tập sự. Phải thực sự cầu thị, khiêm tốn và lắng nghe sự trao đổi, góp ý của bạn bè, đồng nghiệp nhưng trước hết là người trực tiếp hướng dẫn. Hãy thẳng thắn chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc liên quan đến bài giảng trong từng khâu chuẩn bị đến khi ra hội đồng; nên tranh thủ thời gian để dự các buổi giảng trên lớp của những giảng viên đi trước, có kinh nghiệm và rút ra những kinh nghiệm cho bản thân. Cổ nhân có câu: “học thầy không tày học bạn”. Chính trong những buổi dự giờ này mang lại hữu ích cho viên chức tập sự rất nhiều về nội dung, kiến thức, phương pháp truyền đạt, cách xử lý tình huống trên lớp và nhiều vấn đề khác mà viên chức tập sự cần học hỏi. Song việc tiếp cận và tiếp nhận trong những buổi dự giờ, viên chức tập sự chú ý chỉ mang tính tham khảo, không yêu cầu phải “bắt chước” rập khuôn, máy móc bởi lẽ có những phương pháp, lối diễn đạt phù hợp, tạo nên sắc thái độc đáo của người này nhưng chưa hẳn là cái hay của người khác khi thực hiện nó.

Phải chuyên tâm trong khâu soạn giảng, từ khái quát đến chi tiết của bài giảng; từ soạn theo Word hay PowerPoint… tất cả phải đảm bảo nội dung, hình thức; vốn kiến thức từ thực tiễn đưa vào và tính thẩm mỹ trong mỗi bài; phải sát đối tượng dự học, đoán định được nhu cầu và yêu cầu của họ, để làm sao mỗi buổi giảng sẽ tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn và gây hứng thú cho người học.

Giảng tập trước khi ra hội đồng, một trong những điều cần chú ý là hiểu và nắm chắc bài giảng sẽ giúp viên chức tập sự chủ động và tự tin khi lên lớp. Ngược lại nếu chỉ cố tâm học thuộc bài sẽ bị thất bại khi giảng do viên chức tập sự có tâm lý bất an, lo sợ, thiếu chủ động, thiếu tự tin sẽ quên ngay những kiến thức đã học. Cho nên viên chức tập sự cần luyện rèn tri thức sâu, rộng, chắc, đồng thời nắm vững bài. Đó là điểm cốt yếu khi soạn và chuẩn bị giảng tập để ra hội đồng.

Người viên chức tập sự nên sử dụng các dụng cụ trực quan thuần thục như bảng, phấn màu, phấn trắng… biết thực hiện các thao tác khi sử dụng máy tính, máy chiếu… các bài tập trên lớp, đọc nhận xét, đánh giá… Trong từng khâu phải tỉ mỉ, thận trọng hạn chế tối đa những sai sót. Khi giảng cần chú ý ra vào bảng, bục, biết làm chủ sân khấu và buổi giảng tập.

Khi giảng trước Hội đồng khoa học và sau này khi thực giảng trên lớp, viên chức tập sự nên chú ý đến trang phục (cả nam và nữ), trang điểm, trang sức phải phù hợp… Những việc này tự bản thân viên chức tập sự phải chú ý, bên cạnh đó người hướng dẫn nên quan tâm, nhắc nhở.

Tóm lại, để thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công, cả hai phía phải có ý thức tạo nên sự tương tác tốt đẹp, phải biết tôn trọng và làm việc cùng nhau để tạo nên những kết quả tốt đẹp nhất.

Về giải pháp hướng dẫn viên chức tập sự

Giảng viên hướng dẫn cần quan tâm các giải pháp cơ bản sau:  

- Tăng cường đầu tư kiến thức chuyên môn.

Trong sinh hoạt chuyên môn với khoa, với khối nội dung tại trường, viên chức tập sự cần thực hiện tốt phương châm “muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”, cái gì chưa rõ, chưa hiểu, hiểu chưa thấu đáo cần mạnh dạn nêu ra để được giải đáp. Tích cực chủ động tham gia các hoạt động chuyên môn với tinh thần cầu thị, thái độ tự tin bởi đó chính là môi trường để viên chức tập sự tự khẳng định mình trước tập thể cả về kiến thức lẫn phương pháp.

- Viên chức tập sự phải thường xuyên rèn luyện phương pháp giảng dạy

Một bài giảng dù soạn sâu về kiến thức, có sự gia công tỉ mỉ, đầy đủ nhưng theo lối mòn, máy móc, phương pháp không được quan tâm, không lựa chọn phương pháp hợp lý, sáng tạo sẽ dẫn đến bài giảng xơ cứng, khô khan, không tạo được hứng thú, người học dễ nhàm chán.

- Kết hợp nhuần nhuyễn lý luận và thực tiễn trong bài giảng

Một bài soạn giảng nếu chỉ tập trung lý thuyết nhưng không đầu tư việc vận dụng kiến thức thực tế, từ đó sẽ làm giảm chất lượng bài giảng khoảng 50%. Điều này đặt ra cho viên chức tập sự nên chú trọng phần lý thuyết và thực tế, giữa nhận thức và hành động phải gắn với nhau. Song phần lớn các viên chức tập sự kiến thức từ thực tế còn hạn chế rất lớn, cho nên từ lý thuyết đến thực hành, nhận thức đến hành động trong bài soạn và khi ra Hội đồng khoa học các viên chức tập sự luôn có khoảng cách lớn, thậm chí có viên chức tập sự còn nói chung chung, qua loa, chiếu lệ không dám đi sâu, không mở rộng.

Ngoài năng lực chuyên môn, người hướng dẫn cần có các giải pháp đối với các hoạt động sau của viên chức tập sự:

- Trao đổi và giúp đỡ viên chức tập sự về sinh hoạt, ngôn ngữ giao tiếp, mối quan hệ ứng xử… Điều này thể hiện rõ nhất khi được góp ý qua giảng tập, các viên chức tập sự sẽ cảm thấy ức chế, không hài lòng, không tâm phục… từ đó sẽ có những lời nói, thái độ không phù hợp… đây là điều người hướng dẫn viên chức tập sự cần chú ý. Cho nên sự khiêm tốn, cầu thị, tôn trọng nhau là yêu cầu đặt ra trong quá trình thực hiện.

- Tăng cường công tác giảng tập của viên chức tập sự và có những góp ý thẳng thắn, hỗ trợ chia sẻ kịp thời những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

- Giúp viên chức tập sự tự tin, mạnh dạn tham gia sinh hoạt những hoạt động khác của Đoàn, của Trường…

- Giúp đỡ và quan tâm hướng dẫn viên chức tập sự có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống giản dị, đoàn kết với mọi người, mối quan hệ ứng xử phù hợp, thái độ lịch thiệp, nhã nhặn, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

- Nhiệt tình tham gia các công tác khác, các cuộc họp của cơ quan, của khoa, của Khối.

Chính những hoạt động này sẽ tạo nên sự đoàn kết, gắn bó và cách làm việc nhóm, sự sẻ chia trong công việc; sự quan tâm và gắn kết nhau trong môi trường hoạt động mang tính tập thể. Để mỗi cá nhân viên chức tập sự họ sẽ không thấy lạc lỏng, bị bỏ rơi mà họ có những người bạn đồng hành với mình.

Tóm lại, để có được một giảng viên giỏi, tốt, đạt chuẩn trong môi trường chính trị là cả một quá trình ấp ủ, nâng niu, chăm sóc với những yêu cầu không đơn giản của một giảng viên hướng dẫn mà còn cả Hội đồng khoa học nhà trường đối với viên chức tập sự. Sự tương tác cả hai phía này thật nặng nề: Với người hướng dẫn là trách nhiệm phải hoàn thành, mà sự hoàn thành đó đánh giá bằng buổi “trình diễn” trước Hội đồng khoa học của viên chức tập sự và được Hội đồng khoa học đánh giá, được công nhận là viên chức chính thức. Đối với viên chức tập sự là những âu lo, phải chạy theo thời gian với sự sắp xếp, lựa chọn, phấn đấu một cách miệt mài, không chủ quan mà bằng niềm tin của chính bản thân để thực hiện thành công buổi giảng trước Hội đồng khoa học Trường và được công nhận là người của cơ quan, sẽ kế tục sự nghiệp lâu dài và cùng tập thể nhà trường phấn đấu đi lên. Với trách nhiệm rất nặng nề đó, cả người hướng dẫn và viên chức tập sự cần phải có sự nỗ lực rất lớn, sự quyết tâm thật cao và phải có sự khiêm tốn, cầu thị, phải thấy sự ràng buộc của bản thân mình với môi trường hoạt động này để tự tôn bản thân cũng chính là biết tôn trọng mọi người. Sự phấn đấu của hai phía sẽ không hề hoài phí một khi cả hai cùng quyết tâm để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình và kết quả sẽ trả lời bằng hai chữ: THÀNH CÔNG./.

Tin khác