Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ sáu, 26 Tháng 4, 2024 - 21:31

Giá trị nhân văn của Hiến pháp năm 1946, nền tảng pháp lý xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

ThS. Dương Văn Chăm,  
ThS. Trần Thị Quỳnh Nghi
 

Nhân văn là giá trị phổ quát, là tổ hợp các yếu tố chân - thiện - mỹ, là hiện thân của thiên hướng vươn lên và hoàn thiện không ngừng của chính con người. Trong Nhà nước, giá trị nhân văn cốt lõi là dân chủ, là quyền con người được quy định và bảo đảm thực hiện bằng pháp luật. Bản chất của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa biểu hiện tập trung ở chế độ dân chủ, quyền làm chủ của Nhân dân, tôn trọng và đề cao quyền con người trong mọi lĩnh vực của nhà nước và xã hội. Ngay từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hiến pháp năm 1946 đã có những quy định thể hiện rõ điều đó. Đây chính là giá trị nhân văn của Hiến pháp, giá trị văn hóa pháp lý được thể hiện xuyên suốt trong lịch sử lập hiến nước ta.

1. Hiến pháp 1946  phản ánh thắng lợi của cuộc đấu tranh dân tộc và dân chủ lâu dài, gian khổ, hy sinh của nhân dân Việt Nam, trực tiếp là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và khẳng định tính hợp hiến của Nhà nước, tất cả vì hạnh phúc của Nhân dân

Từ sự thành công của cuộc Tổng Tuyển cử đầu tiên của Việt Nam (ngày 6/01/1946) đã bầu ra Quốc hội khóa I. Ngày 9/11/1946, Quốc hội thông qua bản Hiến pháp đầu tiên - Hiến pháp 1946. Hiến pháp là minh chứng pháp lý chủ quyền quốc gia, đồng thời phản ánh rõ rệt thắng lợi của cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc; xác định rõ nhiệm vụ là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập dân tộc hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ. Hiến pháp năm 1946, là cơ sở pháp lý quan trọng xác lập mối quan hệ giữa các cơ quan trong bộ máy Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, xác lập quyền con người, quyền công dân, quyền dân chủ của công dân. Hiến pháp năm 1946 với 70 điều khoản nhưng thể hiện đầy đủ tư tưởng tiến bộ, nhân văn về một nhà nước kiểu mới, tiến bộ; nhân dân thực hiện quyền làm chủ đất nước với mục tiêu duy trì hạnh phúc, ấm no của dân tộc. Mọi điều khoản quy định của Hiến pháp đều vì cuộc sống, quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân.

Giá trị nhân văn được thể hiện ngay trong lời nói đầu và Điều 1 của Hiến pháp năm 1946:  Hiến pháp “xây dựng trên những nguyên tắc dưới đây:

- Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo.

- Đảm bảo các quyền tự do dân chủ.

- Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”; “Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Với quy định trên, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khẳng định tính đoàn kết toàn dân, thể hiện sức mạnh trí tuệ của mọi công dân, không có bất kỳ sự phân biệt nào. Mọi người, dù là gái hay trai, giai cấp, dân tộc, tôn giáo nào đều có quyền ngang nhau trong việc tham gia thực hiện quyền lực nhà nước; xóa bỏ tư tưởng phong kiến hà khắc trọng nam khinh nữ. Nhà nước quan tâm đến sự bình đẳng giữa các dân tộc, thành phần, giai cấp; bình đẳng tạo nên sức mạnh đoàn kết, đấu tranh vì mục tiêu độc lập của đất nước, tự do, hạnh phúc của Nhân dân.

2. Hiến pháp đặt nền móng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Lịch sử lập hiến Việt Nam gắn liền với sự nghiệp cũa lãnh tụ Hồ Chí Minh. Từ năm 1919, trong tám yêu sách của nhân dân An Nam do Người gửi tới Hội nghị Vécxây thì đã có bốn điểm liên quan đến pháp quyền, còn lại liên quan đến công lý và quyền con người. Bản yêu sách được diễn ca, vấn đề này được đề cập với nội dung cốt lõi là “hiến pháp ban hành” và “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Chính vì thế trong xây dựng Hiến pháp 1946 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều xuất phát từ ý nguyện và lợi ích của Nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là cơ chế “quyền binh” “phân công quyền lực nhà nước” và “kiểm soát quyền lực nhà nước”. “Quyền binh” trong Hiến pháp 1946 được hiểu là quyền lực và quyền tự quyết của Nhân dân. “Quyền binh” trong nước là của toàn thể Nhân dân Việt Nam thể hiện tất cả quyền lực trong nước là của Nhân dân, tất cả mọi hoạt động của nhà nước nhằm phục vụ lợi ích của Nhân dân. Đây là nền tảng pháp lý quan trọng để Nhân dân Việt Nam xây dựng nhà nước pháp quyền là nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; tất cả hoạt động của nhà nước vì độc lập, tự do của đất nước, của Nhân dân.

Chức năng, nhiệm vụ cơ quan nhà nước được phân công, quy định rõ ràng theo quy định của Hiến pháp, như: “Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà”; “Nghị viện nhân dân giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc, đặt ra các pháp luật, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài” ( Điều 22 và 23). Cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc là Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà (Điều 43).Tòa án tối cao, các tòa án phúc thẩm và các tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp là cơ quan tư pháp của nhà nước, thực hiện chức năng xét xử các vụ án hình sự (Điều 63)…

Các cơ quan nhà nước có sự kiểm soát nhau. Ví dụ Điều 36, Hiến pháp 1946 quy định: “Khi Nghị viện không họp, Ban thường vụ có quyền: Kiểm soát và phê bình Chính phủ” hoặc Điều thứ 40 Hiến pháp quy định: “Nếu chưa được Nghị viện nhân dân đồng ý hay trong lúc Nghị viện không họp mà chưa được Ban thường vụ đồng ý thì Chính phủ không được bắt giam và xét xử những nghị viên”

Hiến pháp bảo đảm quyền và nghĩa vụ công dân trong thực hiện quan hệ pháp luật giữa Nhà nước với công dân. Hiến pháp đã xác định rõ nhân dân là nguồn gốc của quyền lực nhà nước. Nhân dân có quyền bầu ra Nghị viện nhân dân (cơ quan có quyền cao nhất). “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia” (Điều 21). Quyền “phúc quyết” của nhân dân thể hiện trong hiến pháp đã thể hiện rõ tư tưởng, nội dung hiến pháp do toàn dân định ra. Tính nhân văn của Hiến pháp cũng được thể hiện rõ tại chương II, quy định về nghĩa vụ và quyền lợi công dân. Về nghĩa vụ, mỗi công dân Việt Nam phải bảo vệ Tổ quốc; tôn trọng Hiến pháp; tuân theo pháp luật (Điều 4). Về quyền: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá” (Điều 6); “tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật” (Điều 7); “Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận, tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài” (Điều 10)… Những điều luật này thể hiện tính nhân văn, ưu việt và tiến bộ của nhà nước trong việc xác định Nhân dân có quyền làm chủ đất nước, làm chủ xã hội và làm chủ bản thân mình. Nhân dân Việt Nam sau bao nhiêu năm đấu tranh chống áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến, quyền dân chủ của công dân đã được hiến định. Bên cạnh xác định quyền, nghĩa vụ chung của công dân, Hiến pháp còn quan tâm đến những người yếu thế trong xã hội: phụ nữ, người già, tàn tật, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số… “Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung” (Điều 8); “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (Điều 9); “Những người công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc thì được giúp đỡ. Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng” (Điều 14); “Học trò nghèo được Chính phủ giúp” (Điều 15)…Như vậy, Hiến pháp 1946 đã xác định rõ quyền con người, quyền công dân, xóa bỏ chế độ đặc quyền, đặc lợi của chế độ phong kiến. Có thể nói, Hiến pháp năm 1946 đã đặt nền móng cho sự tự do, dân chủ của mọi người trong xã hội, nhà nước quan tâm đến tất cả mọi người, không phân biệt thành phần, giai cấp, vị thế…,

Tóm lại, chúng ta có thể thấy giá trị nhân văn của Hiến pháp năm 1946 thể hiện rõ nét những đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp đặt ra những quy định tiến bộ thể hiện những giá trị nhân văn cao quý về bản chất của nhà nước do Nhân dân làm chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những nội dung này đã được lưu giữ, kế thừa và phát triển xuyên suốt trong lịch sử lập hiến Việt Nam. Các Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992, 2013, kế thừa giá trị nhân văn bản Hiến pháp 1946 về xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân. Hiện thực hóa Hiến pháp trong đời sống xã hội, các quy định và tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngày càng hoàn thiện./.

Tin khác