Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ sáu, 3 Tháng 5, 2024 - 01:38

Cảm nhận sau những chuyến đi nghiên cứu thực tế

Nguyễn Trần Phương Hiền
Tập sự giảng viên, Khoa LLMLN, TTHCM

Vậy là tôi đã về công tác gần một năm dưới ngôi trường có bề dày lịch sử truyền thống đáng tự hào, Trường Chính trị Bến Tre. Gần một năm, khoảng thời gian tuy chưa dài nhưng cũng đủ để in dấu trong tôi những bài học của cuộc sống, với những cảm xúc ấm áp của những ngày được làm việc cùng các thầy, cô, anh chị đồng nghiệp trong trường đã giúp đỡ và chỉ bảo cho tôi. Đó là động lực để tôi cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình và dần trưởng thành hơn dưới mái trường thân yêu này.

Để phấn đấu trở thành một người giảng viên thực thụ ngoài phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng trong sáng, yêu ngành, yêu nghề và đặc biệt là phải đam mê nghiên cứu khoa học, tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu thực tế bổ sung kiến thức thực tiễn. Đây là một trong những nhiệm vụ mà người giảng viên phải thực hiện theo Quy chế giảng viên của Trường Chính trị Bến Tre đã quy định.

Bản thân tôi nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu thực tế. Đây là cơ hội tốt để một tập sự giảng viên trẻ mới vào nghề như tôi có cơ hội trải nghiệm, được nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận, va chạm thực tế, tích lũy kinh nghiệm, vốn sống để hoàn thiện năng lực chuyên môn, phục vụ trực tiếp cho quá trình nghiên cứu soạn giảng và công tác tại Trường. Đáp ứng được mức độ nhất định trong vận dụng lý luận vào thực tiễn công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Trường Chính trị Bến Tre thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu giảng dạy với phương châm “lý luận gắn với thực tiễn”. Trong năm học 2016 - 2017, Khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cùng Khoa Dân vận đã tham gia tích cực hoạt động nghiên cứu thực tế trong và ngoài tỉnh với ba nội dung chính: Tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phát triển làng nghề truyền thống và tình hình tôn giáo; những giải pháp tăng cường quản lý tôn giáo hiệu quả. Dù ba nội dung khác nhau nhưng mỗi nội dung phản ánh nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra, đã phần nào giúp tôi được mở rộng kiến thức trên cả ba lĩnh vực: Về phát triển kinh tế - xã hội; văn hóa và tín ngưỡng tôn giáo.

Trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, vui mừng trước những thành tựu đã đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại các xã trên địa bàn tỉnh cũng như ngoài tỉnh mà đoàn đã đi qua, với sự “đồng tình, đồng sức, đồng lòng” của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà cũng như các tỉnh bạn đã tạo nên sự “thay da đổi thịt” rõ rệt.

Nông thôn mới đã mang lại nhiều đổi thay cho xã Phú Nhuận, Nhơn Thạnh của tỉnh Bến Tre nói riêng, xã Vĩnh Châu của tỉnh An Giang nói chung. Bên cạnh những đặc điểm riêng của từng địa phương, điểm chung của các xã là đều nằm ở vùng ven thành phố, đã triển khai hiệu quả các chương trình về đường giao thông nông thôn; xây dựng cơ sở hạ tầng, trường học, trạm y tế, thủy lợi; xây dựng các mô hình sản xuất và chăn nuôi hiệu quả.

Tuy nhiên, xây dựng nông thôn mới đã khó việc giữ chuẩn còn khó khăn hơn. Để giữ vững và từng bước nâng chất lượng các tiêu chí cần sự quyết tâm cao, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là từ chính những người dân - chủ thể của chương trình xây dựng nông thôn mới để góp phần giữ vững các tiêu chí đã đạt và phát triển các tiêu chí theo hướng bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mặt khác, ngày hôm nay nông dân Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt mang tên “tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu” để đáp ứng yêu cầu của thị trường và hướng tới một nền nông nghiệp sạch và tất nhiên không có một sự đổi mới nào là dễ dàng để có thể thay đổi tập quán canh tác bao đời của người nông dân. Thế nhưng, ngọn lửa đổi mới, tinh thần khởi nghiệp đang bắt đầu nhen nhóm ở khắp mọi miền đất nước. Ấn tượng đối với tôi là mô hình sản xuất lúa sạch không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học của chàng trai Võ Văn Tiếng, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Có lẽ do Tiếng trạc tuổi tôi, nên tôi lấy làm cảm phục chàng thanh niên trẻ, điều mà tôi học hỏi được từ Tiếng đó là sự dũng cảm, quyết đoán, biến ước mơ thành sự thật. Hy vọng rằng với quyết tâm khởi nghiệp trên chính đồng ruộng quê hương mình, Tiếng sẽ thực hiện thành công khát vọng làm nông nghiệp sạch, “nông nghiệp từ tâm”.

Gắn với quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là việc phát triển các làng nghề truyền thống. Khôi phục, phát triển làng nghề giúp phát huy lợi thế mỗi vùng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước nâng cao bộ mặt kinh tế vùng nông thôn. Xuất phát từ các đặc điểm địa lý và lịch sử mà mỗi địa phương đã xuất hiện những làng nghề truyền thống mang đậm nét văn hóa xứ sở. Với xứ dừa Bến Tre, làng nghề ở đây hiện hữu rất đa dạng và phong phú như: Làng nghề bó chổi xã Mỹ An, nghề đúc lu xã Hòa Lợi, huyện Thạnh Phú; nghề sản xuất kềm và bánh tráng tại xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm; nghề dệt chiếu ở xã Nhơn Thạnh, Thành phố Bến Tre. Đến với làng nghề tôi mới cảm nhận hết được nỗi vất vả, sự cần cù, khéo léo của những người thợ chân quê với bàn tay và khối óc sáng tạo đã làm nên những sản phẩm độc đáo. Trực tiếp quan sát chi tiết cách gia công, cách chế biến cũng như nhận thấy những khó khăn, trở ngại mà người dân nơi đây đang gặp phải. Từ đó mới thấy rằng, giá trị làng nghề không đơn thuần là tạo công ăn việc làm, đem lại giá trị kinh tế mà cao hơn là sản phẩm làng nghề gắn với những giá trị văn hóa, tạo nên bản sắc riêng của tỉnh nhà.

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, giải pháp để các làng nghề truyền thống tồn tại và phát triển phải gắn với du lịch là hướng đi đúng đắn và phù hợp với định hướng của tỉnh Bến Tre. Tuy nhiên, du lịch làng nghề truyền thống chưa thực sự tương xứng với tiềm năng hiện có. Vì vậy, tiếp tục phát triển, quảng bá sản phẩm du lịch làng nghề thông qua các cuộc triển lãm, hội chợ, các chương trình phát triển làng nghề truyền thống là việc làm thường xuyên, là động lực thúc đẩy du lịch và làng nghề cùng phát triển.

Khi kinh tế phát triển, đời sống vật chất của con người được nâng cao và một lẽ tự nhiên con người sáng tạo ra các giá trị đời sống tinh thần đáp ứng nhu cầu tinh thần của chính mình, của xã hội. Đó là tất cả những gì mà ta gọi là văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Bên cạnh việc duy trì phát triển các làng nghề truyền thống, việc khai thác những giá trị văn hóa tâm linh gắn với hoạt động du lịch đang là xu thế phát triển của nhiều địa phương, đặc biệt là tỉnh An Giang. Sức hút du lịch tâm linh của vùng đất được mệnh danh “Thất sơn” này chủ yếu dựa vào độ hấp dẫn của tài nguyên du lịch, trong đó phải kể đến cụm di tích Núi Sam, đặc biệt là miếu Bà Chúa Xứ. Du lịch văn hóa tâm linh đang hướng tới sự phát triển bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành du lịch cũng như đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay du lịch tâm linh tại tỉnh An Giang chỉ mới dừng lại ở việc hành hương, chiêm bái, tham quan các điểm đến gắn với yếu tố tâm linh, tín ngưỡng. Để du lịch tâm linh phát triển đúng hướng, địa phương cần thắt chặt công tác quản lý, nâng cao công tác tuyên truyền và chú trọng phát huy giá trị truyền thống tinh thần, giá trị văn hóa lịch sử, bên cạnh việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị cảnh quan, góp phần cải thiện văn hóa - xã hội tỉnh An Giang.

Nếu như việc duy trì và phát triển các làng nghề gắn với phát triển du lịch thì hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã góp phần phát triển đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt thêm phong phú, hướng con người đến giá trị chân - thiện - mỹ, tinh thần hòa hảo, yêu thương con người qua nhiều hoạt động đặc biệt là hoạt động thiện nguyện, phục vụ an sinh xã hội. Không riêng Phật giáo Hòa Hảo tại thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang mà các tôn giáo đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã tổ chức nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo như: bếp ăn tình thương ở các bệnh viện; nhà tình thương; giúp đỡ những người khó khăn, hoạn nạn, thiên tai; xóa cầu khỉ, xây dựng giao thông nông thôn…điều này thể hiện tính nhân văn sâu sắc, góp phần vào công tác giảm nghèo của tỉnh.

Mỗi chuyến đi nghiên cứu thực tế mang đến một thông điệp riêng, một ý nghĩa riêng mà đích đến đó là bến bờ kiến thức. Tôi được rèn luyện kỹ năng tiếp cận và nắm bắt, xử lý thông tin, ghi chép, tổng kết, phân tích một cách có hệ thống. Từ đó đối chiếu với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với tình hình thực tế của từng địa phương để đưa kiến thức mà tôi tích lũy được thành chất liệu sống động phù hợp với nội dung bài giảng và đối tượng người học và một điều quan trọng hơn nữa là qua những chuyến đi đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các giảng viên nhà trường.

Với phương châm “lý luận gắn với thực tiễn”, hoạt động nghiên cứu thực tế luôn được Trường Chính trị Bến Tre đặc biệt quan tâm, xem đây là một trong những nhiệm vụ đồng thời là tiêu chuẩn để đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giảng viên. Trên cơ sở những kết quả đạt được, nhà trường lên kế hoạch tổ chức Tọa đàm về “Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu thực tế phục vụ hoạt động giảng dạy Trung cấp lý luận chính trị - hành chính”, những tham luận, những kinh nghiệm trao đổi tại buổi tọa đàm sẽ góp phần thay đổi phương thức hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Chính trị Bến Tre ngày càng chất lượng, thiết thực và hiệu quả hơn./.

 

Tin khác