Ý nghĩa lá cờ của Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam

Trong một số tài liệu và sách giáo khoa có in bức ảnh xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập vào 30/4/1975, trên xe tăng có lá cờ không phải cờ đỏ sao vàng. Tiếc rằng một số tài liệu và các sách giáo khoa chỉ in đen trắng, nên người đọc không thấy rõ. Đó là lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có màu nửa đỏ nửa xanh dương và có ngôi sao vàng ở giữa, quốc kỳ của Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Lá cờ này, nhiều người thường quý mến gọi: Cờ giải phóng.

Xe tăng của ta húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 (st)

Sau năm 1975, cờ giải phóng miền Nam Việt Nam được treo khắp Sài Gòn (st)

Trong bài thơ “Nước non ngàn dặm” của nhà thơ Tố Hữu, có một khổ thơ viết:
Lá cờ nửa đỏ nửa xanh
Màu đỏ của đất, màu xanh của trời
Ngôi sao, chân lý của đời
Việt Nam, vàng của lòng người hôm nay.
Càng nhìn ta, lại càng say
Biển Đông lồng lộng gió lay ngọn cờ...
Về chi tiết lá cờ này các phương tiện truyền thông nước ta cũng ít đề cập đến, nó chỉ xuất hiện ở những năm trở lại đây, nhất là khi công chiếu các thước phim tư liệu màu của nước ngoài quay, ta mới thấy rõ hơn về lá cờ này

Từ hiệu kỳ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đến quốc kỳ của Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Sau Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm quay sang chống phá Hiệp định, phá hoại tổng tuyển cử để thống nhất nước nhà. Chúng đặt miền Nam trong tình trạng chiến tranh, thẳng tay tiến hành các chiến dịch đàn áp, khủng bố những người kháng chiến, người dân yêu nước và các lực lượng đối lập,... Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III vào tháng 9 năm 1960, Đảng ta chủ trương thành lập Trung ương Cục ở miền Nam, đồng thời chỉ đạo phải xây dựng tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất ở miền Nam nhằm tập hợp rộng rãi lực lượng cách mạng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.

Từ thắng lợi to lớn của cuộc Đồng khởi, yêu cầu phải tập hợp, đoàn kết rộng rãi hơn nữa các tầng lớp nhân dân miền Nam trong cuộc đấu tranh nhằm chấm dứt ách thống trị của đế quốc Mỹ, lật đổ bộ máy chính quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng thời thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 20/12/1960, tại vùng giải phóng Tây Ninh, đại biểu các giai cấp, dân tộc, tôn giáo và các đảng phái đã họp Đại hội và quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một trí thức yêu nước nổi tiếng ở Sài Gòn, được bầu làm Chủ tịch Mặt trận. Mặt trận công bố Tuyên ngôn:

“Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam chủ trương đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo và thân sĩ yêu nước, không phân biệt xu hướng chính trị, để đấu tranh đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tập đoàn Ngô Đình Diệm tay sai của Mỹ, thực hiện độc lập, dân chủ, hoà bình, trung lập, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc...

Mặt trận kêu gọi toàn thể nhân dân miền Nam đoàn kết lại và dũng cảm đứng lên phấn đấu theo chương trình hành động tóm tắt dưới đây:

1. Đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và chánh quyền độc tài Ngô Đình Diệm tay sai của Mỹ, thành lập chánh quyền liên minh dân tộc dân chủ.

2. Thực hiện chế độ dân chủ rộng rãi và tiến bố, ban bố quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp, tự do nghiệp đoàn, tự do đi lại và các quyền tự do dân chủ khác.Toàn xá chánh trị phạm, giải tán các trại tập trung, các khu trù mật và dinh điền, bãi bỏ luật phát xít 10/59 và các luật phản dân chủ khác.

3. Bãi bỏ độc quyền kinh tế của đế quốc Mỹ và của bọn tay sai, bảo vệ nội hoá, khuyến khích công nghiệp trong nước, mở mang nông nghiệp, xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ.

4. Thực hiện giảm tô, đảm bảo nguyên canh, chia lại công điền, tiến tới cải cách điền địa.

5. Bài trừ văn hoá nô dịch, đồi bại kiểu Mỹ, xây dựng nền văn hoá và giáo dục dân tộc và tiến bộ. Xoá nạn mù chữ, mở mang trường học, cải cách chế độ học tập và thi cử.

6. Bãi bỏ chế độ cố vấn quân sự Mỹ, xoá bỏ các căn cứ quân sự của nước ngoài ở Việt Nam, xây dựng một quân đội dân tộc bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân.

7. Thực hiện nam nữ bình quyền, đảm bảo quyền bình đẳng giữa các dân tộc và thực hiện quyền tự trị của các dân tộc thiểu số. Bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngoại kiều sinh sống ở Việt Nam. Bảo hộ và chăm sóc quyền lợi của kiều bào ở hải ngoại.

8. Thực hiện chánh sách ngoại giao hoà bình trung lập, đặt quan hệ ngoại giao với tất cả các nước tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam.

9. Lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc.

10. Chống chiến tranh xâm lược. Tích cực bảo vệ hoà bình thế giới”.

Chủ trương này đã giải quyết một cách đúng đắn những vấn đề cơ bản của cách mạng miền Nam. Ngay từ khi ra đời, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được các tầng lớp nhân dân trong vùng giải phóng và các đô thị lớn ở miền Nam nhiệt liệt ủng hộ.

Với Tuyên ngôn trên, Mặt trận chọn hiệu kỳ: Hình chữ nhật, nửa đỏ, nửa xanh dương và có ngôi sao vàng ở giữa.

Năm 1969, Mặt trận đã cùng với Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình Việt Nam (ra đời 20/4/1968) hiệp thương thống nhất, tổ chức Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam để cử ra Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn của Chính phủ. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã trở thành một lực lượng không thể thiếu trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Ngay sau khi được thành lập, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được 23 nước công nhận, trong đó có 21 nước đặt quan hệ ngoại giao. Từ tháng 6/1969 đến cuối năm 1975, đã có hơn 50 nước trên thế giới (trong đó có nhiều nước tư bản chủ nghĩa) công nhận và lập quan hệ ngoại giao.

Quốc kỳ Cộng hòa miền Nam Việt Nam kế thừa hiệu kỳ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, hình chữ nhật, nửa đỏ, nửa xanh dương và có ngôi sao vàng ở giữa.

Ý nghĩa lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Cờ giải phóng) được sử dụng từ năm 1960 đến năm 1975. Đây là lá cờ lấy khuôn mẫu của quốc kỳ Việt Nam dân chủ cộng hòa, và chia một nửa màu đỏ để thay bằng màu xanh. Lá cờ có hình ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ và xanh dương. Nửa phần trên đại diện cho miền Bắc đã độc lập. Nửa màu xanh dương tượng trưng cho miền Nam còn trong vòng kềm kẹp của Mỹ và chế độ Sài Gòn, song miền Nam đấu tranh cho khát vọng hòa bình, thống nhất (màu xanh hòa bình).

Ngày 30/4/1975, cờ giải phóng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, chính quyền Sài Gòn theo Mỹ hoàn toàn bị sụp đổ, đánh dấu sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thắng lợi đó cho thấy rõ vai trò to lớn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đối với công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nước ta sau đó, ở các trụ sở công quyền, trường học,... trong nghi lễ thường thấy hai lá cờ đứng cạnh nhau. Một lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam dân chủ cộng hòa, một lá cờ với ngôi sao vàng trên nền hai màu xanh đỏ - lá cờ của Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Sau Hội nghị hiệp thương, ngày 02 tháng 7 năm 1976, Quốc hội khóa VI quyết định thống nhất Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Cộng hòa miền Nam Việt Nam với tên gọi Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chọn cờ đỏ sao vàng là quốc kỳ chính thức của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến ngày nay./.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Yến
                                                          Trưởng khoa Dân vận

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh