Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, Bến Tre đã đi vào lịch sử bằng Cao trào Đồng khởi năm 1960, góp phần tạo ra một bước ngoặt chiến lược, chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, báo hiệu sự sụp đổ của chế độ thống trị của Mỹ - Ngụy. Đồng khởi Bến Tre năm 1960 là kết tinh của sự hội tụ của ý Đảng – lòng dân, nét độc đáo của sự đồng lòng, đồng loạt nổi dậy của toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân Bến Tre góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi.
Sự gắn bó máu thịt giữa ý Đảng và lòng dân trong Đồng khởi Bến Tre năm 1960 có ý nghĩa vô cùng to lớn, đó là cội nguồn sức mạnh để bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước. Nhờ sự gắn bó giữa Đảng với dân, Đảng bộ luôn dựa vào dân, che chở cho dân, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân để vận dụng sáng tạo Nghị quyết 15 của Trung ương vào thực tế của tỉnh rất kịp thời, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân nên đã quy tụ “Lực lượng và sức mạnh chính là ở dân”1 cùng đồng lòng, đồng loạt nổi dậy làm nên cuộc Đồng khởi long trời, lở đất.
Trong những năm tháng đấu tranh gian khổ và quyết liệt, đặc biệt tình hình miền Nam sau Hiệp định Giơnevơ, Mỹ đã lấn dần và hất cẳng thực dân Pháp, tập hợp các thế lực phản động, sử dụng chính quyền Ngô Đình Diệm làm công cụ để khôi phục và duy trì ách thống trị của đế quốc và phong kiến, nhưng nhờ sự gắn bó giữa Đảng với nhân dân, đã giúp cho cán bộ, đảng viên được nhân dân che chở và vượt qua tai, mắt của kẻ thù.
Đối với Mỹ - Diệm, mối đe dọa trực tiếp lớn nhất đó là lực lượng cách mạng và lòng dân đi theo cách mạng ở các thôn xã, chính vì vậy, để thẳng tay đàn áp lực lượng cách mạng và nhân dân, địch đã ra sức “cướp lại 76.836 ha ruộng vườn của nông dân, kết quả năm 1960 nhiều gia đình nông dân bị đói hai đến ba tháng như An Hòa Tây (Ba Tri), Thạnh Phong, Giao Thạnh (Thạnh Phú) phải ăn cháo thay cơm”2. Mỹ - Diệm tổ chức thanh lọc nội bộ và tiến hành chiến dịch “Tố cộng, diệt cộng” với mọi thủ đoạn, biện pháp từ lừa mị, bịp bợm, dụ dỗ đến khủng bố nhằm tiêu diệt phong trào cách mạng miền Nam. Chúng dùng tuyên truyền thuyết “cần lao”, “nhân vị”, xuyên tạc chủ nghĩa cộng sản là “vô thần”, bắt cán bộ, đảng viên xé cờ Đảng, tuyên bố ly khai Đảng,… “Chúng lập ra 4 khu trù mật: Thành Thới (Mỏ Cày), An Hiệp (Châu Thành), An Hiệp (Ba Tri), Thới Thuận (Bình Đại), trong đó, tại khu trù mật Thành Thới từ tháng 9-1959 đến 11-1964 địch đã giết 124 người, đánh đập thương tật 97 người, phá sạch 467 ngôi nhà và trường học”3. Nhờ sự gắn bó giữa Đảng với nhân dân, dựa hẳn vào nhân dân, cùng nhân dân vượt qua mọi thử thách, gian nguy đã giúp cho Đảng bộ giữ gìn và nhen nhóm tia lửa cách mạng trong lòng dân góp phần lãnh đạo các tổ chức quần chúng, đưa phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng ngày càng phát triển. Qua đó, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường và củng cố, có nhiều tấm gương sẵn sàng hi sinh cả tính mạng để bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ, đảng viên như đồng chí Trần Văn Lộ (Hiệp Hưng-Giồng Trôm), Lê Tặng (Ba Tri), Trần Hoàng Vũ (Bình Đại),… Đây là minh chứng cho thế trận lòng dân an toàn – chỗ dựa vững chắc, bảo toàn lực lượng của Đảng bộ thoát khỏi hiểm nguy của kẻ thù. Cũng nhờ vào thế trận lòng dân đó mà từ đầu năm 1956 đến tháng 7-1956 đã bảo vệ đồng chí Lê Duẩn – Bí thư Xứ ủy Nam bộ thoát khỏi nguy hiểm của kẻ thù để hoàn thành nhiệm vụ cho đến khi rời Bến Tre.
Trước khí thế của phong trào cách mạng quần chúng, Mỹ - Diệm đã tập trung lực lượng đánh trả quyết liệt, đàn áp khủng bố dã man, phát động chiến dịch “đồng tâm diệt cộng” qui mô lớn, đỉnh cao là ban hành “Luật 10/59” đánh vào tất cả các lực lượng cách mạng và nhân dân miền Nam. Với khẩu hiệu “bắt lầm hơn bỏ sót”, địch đã thẳng tay bắt người dân vô cớ, tiến hành đánh đập khảo tra, hậu quả là “Nhà giam Khám Lá Bến Tre không còn chỗ giam (có trên 1.000 người không còn chỗ giam, tù nhân phải nằm la liệt ngoài sân)”4. “Tại đình Bình Hòa và đình Hội Yên, địch đã giết mỗi nơi trên 100 người, bắt đày 200 người. Từ năm 1954 đến 1959 tại Bến Tre, địch giết hại 2.519 người, bỏ tù 17.000 người. Sau ngày đình chiến các xã Bến Tre đều có chi bộ, đảng viên còn lại 2.000 người, nhưng đến cuối năm 1959 còn 18 chi bộ với 162 đảng viên trong 115 xã. Hàng trăm cơ sở trong lòng địch bị khủng bố hoặc bị đứt liên lạc với đầu mối bên ngoài”5.
Đến giữa năm 1959, phong trào cách mạng ở Bến Tre vẫn ở thế thoái trào, nên tháng 5-1959, Hội nghị Tỉnh ủy ở Phước Lý, Đảng bộ đã đề ra chủ trương kịp thời trong đánh giá tình hình và những giải pháp đấu tranh hiệu quả, trong đó khẳng định “kiên trì bám chặt trong dân, giữ vững quan hệ với tổ chức, tuyên truyền giáo dục động viên đồng chí, đồng bào giữ vững lập trường, khí tiết cách mạng”6 bởi “rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định bị thất bại”, “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được”. Chủ trương đã đánh giá đúng vai trò của nhân dân, giúp cho Đảng bộ gắn bó với dân, cùng chung sống và tồn tại cùng nhân dân tạo nên chuyển biến tích cực cho phong trào cách mạng của tỉnh. Đây là tiền đề chuẩn bị cho việc tiếp thu Nghị quyết Trung ương 15 của Đảng nhằm tạo một bước khởi động, chuẩn bị tư tưởng, tổ chức và thực lực cho Đảng bộ Bến Tre thực hiện cuộc Đồng khởi năm 1960.
Dưới ánh sáng Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định đúng đắn đường lối chống Mỹ, cứu nước, tỏ rõ được quan điểm độc lập tự chủ, tự lực tự cường của Đảng, đồng thời phản ánh sự sáng tạo của Đảng trọng việc vận dụng lý luận Mác – Lênin, kinh nghiệm của các nước anh em, kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp vào điều kiện mới, hoàn cảnh mới, đặc biệt là Nghị quyết đã đáp ứng yêu cầu bức thiết và nguyện vọng cháy bỏng của nhân dân miền Nam nói chung và Bến Tre nói riêng. Nghị quyết Trung ương 15 đã cho phép nhân dân miền Nam dùng bạo lực cách mạng tức sử dụng võ trang hỗ trợ đấu tranh chính trị để đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Ðình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ, thực hiện độc lập, thống nhất nước nhà. Vì vậy, sau khi Nghị quyết 15 được truyền tới các địa phương miền Nam vào cuối năm 1959, các Khu ủy, Tỉnh ủy đã khẩn trương triển khai ngay các hoạt động chuẩn bị cho khởi nghĩa và phát động toàn quân, toàn dân cùng đồng lòng, đồng loạt nổi dậy làm nên cuộc Đồng khởi Bến Tre long trời lở đất.
Đồng khởi Bến Tre đã chứng minh cho sự hội tụ giữa ý Đảng với lòng dân, một nét độc đáo của mô hình toàn dân khởi nghĩa. Đảng bộ đã dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng nhân dân, khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang nên lực lượng nổi dậy trong Đồng khởi Bến Tre là lực lượng của toàn đảng, toàn quân, toàn dân Bến Tre có sự kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và ba mũi giáp công (chính trị, quân sự, binh vận), trong đó lực lượng của quần chúng nhân dân được xem là lực lượng chính góp phần tạo ra sức mạnh to lớn để chiến thắng kẻ thù. Nhờ vào đó, trong cuộc Đồng khởi đợt 1 (đêm 16 rạng ngày 17-1-1960 đến ngày 24-1-1960), quân và dân Bến Tre đã giành thắng lợi ở 3 xã điểm: Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh (Mỏ Cày), bộ máy kìm kẹp của địch từ Trung ương đến cơ sở bị tan rã, buộc địch phải vội vã điều quân đến phản kích, mở ra chiến dịch “Bình trị Kiến Hòa”. Với bản lĩnh chính trị và trí tuệ khoa học của mình, Đảng bộ đã sớm dự đoán trước tình hình, chuẩn bị chiến trường, bố trị trận địa và sử dụng lực lượng thích hợp để phát huy sức mạnh của toàn quân, toàn dân, tiến hành đấu tranh trên ba mặt trận như quân sự, chính trị, binh vận để chống kẻ thù. Thông qua chiến thuật du kích, bám sát địch, dựa vào kênh mương, vườn dừa, bãi mía để phục kích kẻ thù đồng thời vận động sức mạnh trong dân tiến hành đấu tranh chính trị trực diện với địch. Đảng bộ đã huy động khoảng 4.000 đến 5.000 dân (ngày 27 tháng 02 năm 1960); đồng bào công giáo nhà thờ La Mã và nhân dân huyện Giồng Trôm (ngày 21 tháng 3 năm 1960); …. tạo nên sức ép buộc địch phải rút quân và đáp ứng các yêu cầu của quần chúng. Thắng lợi trên đã chứng minh niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ, nhờ niềm tin - sự gắn bó giữa Đảng với dân đã giúp Đảng bộ huy động sức mạnh tổng hợp trong dân cùng vượt qua khó khăn, vận dụng sáng tạo Nghị quyết 15 của Trung ương vào tình hình cụ thể của Bến Tre góp phần chuyển cuộc đấu tranh của nhân dân Bến Tre từ thế bị động phòng ngự lên phản công chiến lược và bước đầu giành thế chủ động chiến lược, buộc địch rơi vào thế bị động lúng túng. Sau khi các xã được giải phóng, Đảng bộ đã có chủ trương đúng đắn, đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân như giải tán các tổ chức chính trị phản động, đập tan chính quyền địch, lập toà án nhân dân xét xử bọn tề ngụy, công an, do thám, địa chủ, cường hào gây nhiều tội ác với nhân dân và chia ruộng đất cho dân cày,… Đối với các xã chưa giải phóng được, Đảng bộ cũng chủ trương cho xây dựng các tổ, đội vũ trang, tự vệ mật và các lực lượng chính trị (từ 100 đến 1.000 người) để sẵn sàng cùng nhân dân đấu tranh với kẻ thù. Các ban chuyên môn nghiệp vụ giúp việc Tỉnh ủy, Huyện ủy cũng được thành lập,… những chủ trương của Đảng bộ đã góp phần củng cố thế trận lòng dân vững chắc và tạo niềm tin của nhân dân vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Tiếp tục phát huy thế trận lòng dân, sau Đồng khởi đợt 1, Đảng bộ đã tiếp tục dựa vào dân, lấy sức mạnh của nhân dân làm nền tảng để đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ, đảng viên. Đảng bộ đã chủ trương thành lập ở các xã, ấp lực lượng dân quân tự vệ; ở huyện thành lập một trung đội tạo ra thế trận lòng dân càng thêm vững chắc, đây là cơ sở để Tỉnh ủy quyết định phát động đợt Đồng khởi mới vào ngày 24-9-1960 với khí thế long trời, lở đất. Thế chính trị của quần chúng và uy thế cách mạng được nâng cao để ba mặt trận hoạt động chính trị, binh vận, vũ trang phát huy hiệu quả theo phương châm tấn công liên tục, tấn công bồi, tấn công nhồi để triệt hạ đồn bót địch. Đối với vùng giải phóng, Đảng bộ phát huy sức mạnh trong dân, dựa vào dân để nâng cao uy thế đấu tranh chính trị trực diện của quần chúng nhân dân. Thông qua các cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân nhằm tố giác, cô lập kẻ thù,… đã góp phần đưa dư luận của cuộc đấu tranh về Sài Gòn và buộc địch phải chấp nhận nhân nhượng theo điều kiện của nhân dân. Còn đối với vùng địch kiểm soát, Đảng bộ đã vận động “dân chúng đấu tranh trực diện với chính quyền địa phương, thông qua các hoạt động quấy rối, phá hoại, biểu tình, ám sát, cướp đồn,... đã làm cho chính quyền Mỹ - Diệm rơi vào tình trạng bất an ninh và khó xử”7.
Đến cuối năm 1960, quân và dân Bến Tre đã giải phóng hoàn toàn 51/115 xã, 21 xã giải phóng một phần. Ta diệt trên 100 đồn bốt, thu 1.700 súng. Nhân dân làm chủ 300 ấp trên tổng số 500 ấp. Hệ thống kìm kẹp của địch ở nông thôn cơ bản bị lung lai. Các hình thức chính quyền tự quản của quần chúng được hình thành, nhiều huyện, xã, các tổ, đội vũ trang được thành lập. Các cơ sở đảng và thực lực cách mạng phát triển rộng, mạnh, có 937 đảng viên (so với cuối năm 1959 chỉ có 162 đảng viên), 80 xã có chi bộ. Các đoàn thể quần chúng được hình thành và phát triển ở các xã, ấp. Hơn 80.000 mẫu ruộng được chia cho nông dân nghèo8. Ngày 28-12-1960, Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh ra đời,… Đây là thành quả tất yếu của quá trình đấu tranh gian khổ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Bến Tre trong cuộc đấu tranh chống chính sách đàn áp của Mỹ - Diệm. Thắng lợi của Đồng khởi Bến Tre đã mở ra trang sử mới trên quê hương Bến Tre “Anh dũng Đồng khởi”, góp phần chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.
Qua thắng lợi của Đồng khởi Bến Tre đã khẳng định tính đúng đắn, kịp thời của Nghị quyết 15-NQ/TW được Đảng bộ Bến Tre vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện thực tiễn của Bến Tre, bởi khi sức nén càng mạnh thì sức bật càng lớn trước sự đàn áp của kẻ thù, Đảng bộ đã sử dụng bạo lực cách mạng để đánh bại bạo lực phản cách mạng. Trong Đồng khởi, Đảng bộ đã đánh giá đúng vai trò của quần chúng nhân dân, đó là dựa vào dân, lấy dân làm gốc, tuyệt đối tin tưởng dân, luôn chăm lo và bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Từ đó, Đảng đã quy tụ sức mạnh toàn dân cùng đồng lòng nổi dậy đánh vào khâu yếu nhất của địch, tạo ra thế và lực đẩy kẻ thù lâm vào cuộc khủng hoảng triền miên và sụp đỗ.
Thắng lợi của Đồng khởi Bến Tre năm 1960 đã góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị ở các đô thị trong toàn miền Nam, mở rộng vùng giải phóng, hình thành các căn cứ địa liên hoàn. Từ kinh nghiệm của Đồng khởi, Đảng bộ tiếp tục phát huy vai trò và sức mạnh của nhân dân, liên tiếp phát huy thế tiến công địch bằng 3 mũi giáp công và liên tục giành thắng lớn cùng toàn miền Nam tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, giáng một đòn chí tử vào cơ quan đầu não của Mỹ, ngụy ở miền Nam, đánh sụp ý chí xâm lược của đế quốc buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán ở Paris tạo điều kiện thuận lợi cùng cả nước giành thắng lợi trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 để thống nhất đất nước.
Từ sự gắn bó giữa Đảng và dân trong Đồng khởi Bến Tre cho thấy nếu thường xuyên củng cố, tăng cường mối quan hệ khắng khít, biện chứng của hai yếu tố ý Đảng và lòng dân thì trong bất cứ tình huống nào, cách mạng cũng sẽ đủ sức vượt qua mọi trở lực, chiến thắng mọi kẻ thù và nhất định giành thắng lợi. Hiện nay, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, để “tiếp tục phát huy mạnh mẽ phong trào “Đồng khởi”, khơi dậy liên tục, sâu rộng các phong trào thi đua thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa - xã hội và chăm lo đời sống nhân dân”, đặc biệt, trong năm 2020 – với tinh thần “Bứt phá về đích” đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng, đồng loạt của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân quyết tâm thực hiện thắng lợi tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu của tỉnh đã đề ra, góp phần xây dựng Bến Tre ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Ghi chú
1 Hồ Chí Minh: Những bài viết, nói về quân sự, Nxb.Chính trị quốc gia, H.1985, t.1, tr.95
2,3,5,8 Ban chấp hành Đảng bộ Bến Tre: Lịch sử Đảng bộ Bến Tre 1930-2000, Nxb. Chính trị quốc gia, 2003, tr.137, 137, 151, 188.
4 Theo Bécna Phôn: Hai nước Việt Nam, bản dịch từ tiếng Pháp, Nxb. Payot, Pari, tr.312.
6 Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre – Trường Chính trị, Thạc sĩ Nguyễn Trúc Hạnh – Thạc sĩ Phan Văn Thuận (đồng chủ biên), Tập bài giảng Tình hình, nhiệm vụ của tỉnh Bến Tre, Nxb. Lý luận Chính trị, 2017, tr.53.
7 Theo Bản nghiên cứu về tình hình tỉnh Kiến Hòa năm 1960 (Việt Nam Cộng hòa – Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu, Phòng II.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy Giao
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng