Đồng chí Trần Trường Sinh, sinh năm 1914, tại xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, bí danh Việt Hùng, bút hiệu Lê Khanh, xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, rồi trở thành người lao động tha hương, đi kiếm sống ở Hải Phòng, Hà Nội, giác ngộ và hoạt động cách mạng ở đây và được kết nạp vào Đảng năm 1941 tại Hà Nội. Năm 1942, đồng chí bị địch bắt đưa về giam giữ tại nhà giam Hỏa Lò. Kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn từ mua chuộc, dụ dỗ đến cực hình tra tấn dã man, tàn bạo nhưng không lay chuyển được niềm tin sắt đá của đồng chí vào lý tưởng cách mạng của Ðảng. Bất lực trước khí phách của người cộng sản, địch đã kết án đồng chí thuộc loại tù “chính trị án nặng” và đày đi Côn Đảo. Nhưng xà lim “địa ngục trần gian” vẫn không khuất phục được người chiến sĩ cộng sản. Ý chí kiên cường đó của đồng chí và những người bạn tù cộng sản cùng bị giam giữ vẫn tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn.
Hơn 100 năm đô hộ của các thế lực thực dân, đế quốc đã biến Côn Đảo thành “địa ngục trần gian”. Nơi đây đã ghi dấu tội ác dã man của thực dân đế quốc đối với dân tộc ta. “Cầu tàu 914” - nơi có ít nhất 914 người đã ngã xuống trong quá trình lấy đá từ Núi Chúa mang ra biển để xây dựng cầu tàu. “Ma Thiên Lãnh” - cái tên mới nghe thôi cũng đã cảm thấy rợn người, là nơi từng có ít nhất 356 người (theo nhẩm tính của các tù nhân, thực tế có thể còn cao hơn) ngã xuống bởi đòn roi, tra tấn, hành hạ dã man của kẻ địch. Những khu trại giam (Bagne 1, tức trại Phú Hải; Bagne 2, tức trại Phú Sơn; Bagne 3, tức trại Phú Thọ (Chuồng gà), Bagne 3 phụ, tức trại Phú Cường,…) khu biệt lập chuồng bò, “khu tắm nắng” với kiểu tra tấn “tứ trụ” dã man và đặc biệt là hệ thống chuồng cọp nổi tiếng,… làm cho “Côn Lôn đi dễ khó về/Già đi bỏ xác, trai về nắm xương”.
Côn Đảo chính là nơi thử thách lòng kiên trì, sự quyết tâm, ý chí bền gan,… của người cộng sản mà ở họ không chỉ sáng ngời những tấm gương hy sinh cao cả, ý chí bất khuất trước kẻ thù mà còn là tấm lòng nhân ái, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau trong khó khăn hoạn nạn. Trong ngục tối, người tù Côn Đảo, người chiến sĩ Cộng sản vẫn đấu tranh không ngừng nghỉ, vẫn kiên định một lòng, thà chết chứ không khai bất cứ điều gì tổn hại đến sự nghiệp chung của cách mạng; chấp nhận gian khổ, hy sinh để bảo vệ đồng đội, đồng chí của mình. Và cũng chính trong chốn “địa ngục trần gian”, “có đi không có về” ấy, những chiến sĩ cách mạng vẫn không hề mất niềm tin, họ biến nơi đây thành “trường học cách mạng” để giáo dục, nâng cao trình độ, đút rút kinh nghiệm đấu tranh và rèn luyện khí tiết của mình. Giữa chốn “địa ngục trần gian” Côn Đảo này, trong các khám cấm cố, ăn uống thiếu thốn, thuốc men không có, đòn roi tra tấn đánh đập, đau thương, chết chóc diễn ra hàng ngày,… Chi bộ trong tù vẫn tìm mọi cách mở các lớp lý luận chính trị, văn hóa, thậm chí ban đêm còn sinh hoạt văn nghệ, bình giảng các tác phẩm văn học,… Những người giảng dạy có người từng học ở Liên Xô về, có người từng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đào tạo và nhiều người đã được thử thách qua thực tiễn đấu tranh cách mạng,… Đồng chí Trần Trường Sinh, một người tù cộng sản Côn Đảo, với ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, giỏi lý luận chính trị, nghiệp vụ tuyên truyền, huấn luyện,… đã được “trui rèn” trong gian khổ, được bồi dưỡng kiến thức qua các lớp đào tạo lý luận, kỹ năng công tác, giảng dạy lý luận và trưởng thành từ “trường học đặc biệt” như thế.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Xứ ủy Nam Bộ tổ chức rước 1.800 cán bộ, đảng viên tù chính trị phạm từ Côn Đảo về đất liền. Trong đoàn tù chính trị phạm có nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng như Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng; một số cán bộ được điều về Trung ương, phần lớn đưa về quê hoạt động, còn một số tình nguyện ở lại chiến đấu ở chiến trường Nam bộ. Theo sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam bộ, Tỉnh ủy Bến Tre đã tổ chức đón các đồng chí ở tù Côn Đảo về Bến Tre bổ sung vào đội ngũ cán bộ của tỉnh. Nhiều đồng chí sau này trở thành những cán bộ lãnh đạo của tỉnh như đồng chí Đỗ Nghĩa Trọng, Võ Văn Khánh, Trần Xuân Lê, Trần Trường Sinh…
Sau khi được bổ sung vào Tỉnh ủy, đồng chí Trần Trường Sinh được phân công phụ trách công tác tuyên huấn, cụ thể là tổ chức xuất bản báo, tuyên truyền và mở các lớp huấn luyện chính trị đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các ngành, đoàn thể cấp tỉnh và cán bộ cốt cán cho huyện làm nòng cốt cho phong trào cách mạng tỉnh nhà.
Theo chủ trương của Trung ương Đảng, tháng 11/1945, Đảng bộ Bến Tre rút vào hoạt động bí mật, Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác được thành lập, đồng chí Trần Trường Sinh được phân công phụ trách Hội. Báo Sự Thật của Đảng đổi thành báo Hy Sinh với danh nghĩa là cơ quan ngôn luận của tỉnh Hội Việt Minh; Đảng bộ tỉnh lấy danh nghĩa công khai là Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác để lãnh đạo phong trào.
Nhằm đào tạo cán bộ quy mô lớn hơn, phục vụ theo yêu cầu cuộc kháng chiến, ngày 7 tháng 3 năm 1947, Tỉnh ủy chủ trương mở lớp đào tạo tập trung và thành lập Trường Cán bộ Việt Minh tại xóm Bần Mít, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Đồng chí Trần Trường Sinh được phân công làm Giám đốc và trực tiếp giảng dạy cùng các đồng chí Lê Hoài Đôn, Dương Xuân Trọng và một số đồng chí trong Tỉnh ủy được thỉnh giảng. Trường Cán bộ Việt Minh thực chất là trường Đảng, trực thuộc Tỉnh ủy, chính là tiền thân của Trường Đảng tỉnh, Trường Chính trị Bến Tre ngày nay.
Cuối năm 1949, do hậu quả của tra tấn dã man và chế độ lao tù khắc nghiệt ở Hỏa Lò, Côn Đảo, bệnh cũ tái phát, đồng chí Trần Trường Sinh được Tỉnh ủy đưa về an dưỡng ở Giồng Bảy, xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú.
Khi còn trực tiếp làm công tác “huấn luyện” hoặc phụ trách “Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác” hay lúc bệnh tái phát, người thầy giáo - người cộng sản Trần Trường Sinh luôn là tấm gương mẫu mực về ý chí vượt khó vươn lên trong nghiên cứu, trao dồi về lý luận, phương pháp (khi bệnh nặng tay run không tự viết được, tài liệu nghiên cứu, học tập cho học viên đồng chí suy nghĩ và đọc cho đồng chí An và Cường, là cán bộ của trường đánh máy). Vì vậy, khi giảng dạy, thầy Trần Trường Sinh thường không sử dụng tài liệu soạn sẵn trên giấy, mà thuyết trình một cách lưu loát, sinh động lôi cuốn, thuyết phục người nghe, vừa dễ hiểu, dễ nhớ.
Đến năm 1951, trên chiến trường Bến Tre, địch xua quân ồ ạt lấn chiếm vùng giải phóng, đóng đồn bót dày đặc, phong trào cách mạng gặp nhiều khó khăn. Đồng chí Trần Trường Sinh, lúc này đang bệnh rất nặng đã được Tỉnh ủy đưa sang vùng giải phóng ở Trà Vinh. Trong trận oanh kích ác liệt của máy bay địch vào buổi sáng giữa tháng 4/1951, tại ấp Bàu Cá, xã Long Toàn, huyện Cầu Ngang, hầm trú ẩn bị trúng bom và đồng chí Trần Trường Sinh đã hy sinh.
Đồng chí Trần Trường Sinh vào Đảng năm 27 tuổi, ra tù và tham gia Tỉnh ủy Bến Tre năm 31 tuổi, hy sinh năm 37 tuổi. Đồng chí là Giám đốc (Hiệu trưởng) đầu tiên của Trường Đảng tỉnh và là một trong những “người huấn luyện” có công lớn đào tạo cán bộ cho Đảng bộ Bến Tre, một thế hệ mà phần lớn sau này trở thành những cán bộ lãnh đạo của tỉnh. Hoạt động trong điều kiện khó khăn trong kháng chiến hay sống gian khổ trong cảnh tù đày, đồng chí Trần Trường Sinh luôn nêu cao ý chí kiên cường, bất khuất - khí tiết của người chiến sĩ cộng sản trước kẻ thù và luôn lạc quan, giữ vững niềm tin vào thắng lợi của cách mạng. Trải qua những năm bị tù đày trong lao tù đế quốc, hết xà lim Hỏa Lò đến “địa ngục trần gian” Côn Ðảo, biết bao hình phạt tàn khốc của kẻ thù vẫn không thể nào khuất phục được “con người thép” - người chiến sĩ cộng sản, người thầy giáo lý luận Trần Trường Sinh mà càng “trui rèn” cho “chất thép” ấy càng sáng chắc hơn. Ý chí kiên cường, hiên ngang, bất khuất của đồng chí - thầy giáo Trần Trường Sinh đã trở thành tấm gương của ý chí và nghị lực phi thường của các thế hệ thanh niên Việt Nam yêu nước sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, đối với những người làm công tác Trường Đảng - “người huấn luyện cán bộ” của Đảng, nhất là cán bộ, giảng viên, viên chức Trường Chính trị tỉnh càng không thể quên và không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện theo gương sáng về ý chí, nghị lực kiên cường của người cộng sản - người thầy giáo lý luận - đồng chí Trần Trường Sinh kính yêu.
ThS. Phan Văn Thuận
Trưởng Khoa Xây dựng Đảng