Lý luận về hình thái kinh tế - xã hội là một trong những bộ phận quan trọng của học thuyết Mác. Lý luận này được C.Mác đưa ra và phân tích cả trong triết học, kinh tế chính trị học lẫn chủ nghĩa xã hội khoa học. Lý luận về hình thái kinh tế - xã hội ra đời cách đây hơn một thế kỷ, trước những biến đổi to lớn, sâu sắc của thời đại, song học thuyết hình thái kinh tế - xã hội vẫn giữ nguyên giá trị khoa học và tính cách mạng sâu sắc, đặc biệt là quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Đây là một trong những quy luật cơ bản, là cơ sở lý luận và phương pháp luận khoa học về nhận thức và cải tạo xã hội. Trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định phải xây dựng “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”[1].
Vậy, lực lượng sản xuất là gì? Vì sao phải phát triển lực lượng sản xuất?
Lực lượng sản xuất là mối quan hệ giữa con người với tự nhiên trong sản xuất, thể hiện năng lực thực tiễn của con người ở sự kết hợp giữa người lao động với tư liệu sản xuất, là tất cả các lực lượng vật chất và những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm của người lao động được sử dụng trong quá trình sản xuất.
Trong lực lượng sản xuất, con người là yếu tố quan trọng nhất. Khẳng định điều đó, V.I.Lênin viết: “Lực lượng sản xuất hàng đầu của toàn thể nhân loại là công nhân, là người lao động”[2]. Nhưng con người không phải là cái nhất thành bất biến trong mỗi thời đại kinh tế, tính chất quyết định trong lực lượng sản xuất hiện nay không phải là sức lực cơ bắp, không phải là kỹ năng, kinh nghiệm, vận hành máy móc mà là tri thức, là đầu óc con người. Một yếu tố thứ hai trong lực lượng sản xuất là tư liệu sản xuất bao gồm công cụ lao động, đối tượng lao động, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ. Nếu con người là yếu tố quan trọng nhất thì công cụ lao động là yếu tố động nhất, thể hiện trình độ hay thước đo trình độ chinh phục tự nhiên của con người.
Với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật ngày nay trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Song khoa học kỹ thuật là một bộ phận của lực lượng sản xuất, yếu tố quyết định vẫn là con người. Mặc dù khoa học kỹ thuật nâng cao địa vị, vị thế, vai trò, sức mạnh của con người nhưng suy cho cùng đều do con người chế tạo ra. Chính vì vậy, khoa học kỹ thuật muốn phát triển phải chịu sự chi phối, thông qua con người.
Quan hệ sản xuất là mặt xã hội của sản xuất, thể hiện mối quan hệ giữa con người với con người được hình thành trong quá trình sản xuất. Lực lượng sản xuất giữ vai trò quyết định quan hệ sản xuất, còn quan hệ sản xuất là sự tác động trở lại lực lượng sản xuất. Sự tác động biện chứng giữa chúng tạo nên quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, chi phối xuyên suốt mọi quá trình sản xuất và phát triển lịch sử xã hội.
Như vậy, phát triển lực lượng sản xuất ở nước ta hiện nay là phải phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, cải tiến công cụ lao động, phát triển khoa học kỹ thuật thông qua công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Muốn phát triển sản xuất ở nước ta hiện nay, không chỉ phát triển lực lượng sản xuất mà còn phải xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Hai mặt đó, không tách rời nhau mà tác động qua lại, thống nhất với nhau trong phương thức sản xuất.
Việt Nam hơn 30 năm đổi mới và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn liền với việc phát triển lực lượng sản xuất, nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực cả về chất và lượng. Nhờ vậy mà thế và lực của Việt Nam trong khu vực cũng như thế giới đã được khẳng định và ngày càng đi lên. Đại hội lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”[3].
Cùng với cả nước, tỉnh Bến Tre đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa với những đặc điểm riêng của mình. Vận dụng quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, góp phần quan trọng làm cho kinh tế phát triển tương đối toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. Các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển. Hầu hết doanh nghiệp Nhà nước sau khi sắp xếp, cổ phần hóa đã đi vào hoạt động ổn định và có hiệu quả. Kinh tế tập thể được củng cố, một số hợp tác xã, tổ hợp tác mở rộng ngành nghề; kinh tế tư nhân phát triển mạnh, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể; có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh. Các hình thức hợp tác, liên kết được khuyến khích phát triển nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đầu năm 2016, toàn tỉnh có 65 hợp tác xã (HTX), hoạt động trên 08 lĩnh vực: công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (09 HTX); điện (09 HTX); nông nghiệp ( 09 HTX); thủy sản ( 10 HTX); quỹ tín dụng nhân dân (07 quỹ); Thương mại - Dịch vụ - Kinh doanh tổng hợp ( 05 HTX); Giao thông - Vận tải (07 HTX); Tài nguyên - Môi trường (09 HTX, trong đó có 08 HTX khai thác cát sông, với tổng vốn chủ sở hữu là 232,720 tỷ đồng. Mục tiêu là phấn đấu đến cuối năm 2017 toàn tỉnh có 1.500 tổ hợp tác, trong đó có 50% tổ hợp tác thực hiện theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP của Chính phủ, phát triển mới ít nhất 5 HTX trên các lĩnh vực; trong đó xây dựng thành công 03 mô hình HTX kiểu mới cấp tỉnh trên lĩnh vực thủy sản, gạo và trái cây [4].
Tuy nhiên đến nay công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Bến Tre chưa đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đề ra, kinh tế tăng trưởng khá nhưng chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh, quy mô còn nhỏ, tích lũy còn hạn chế; sức cạnh tranh trên một số ngành và lĩnh vực còn thấp, chưa tạo sự đột phá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Công nghiệp nông thôn và các làng nghề phát triển chậm. Tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, các công trình giao thông, thủy lợi trọng điểm chưa đồng bộ, thương mại, dịch vụ, du lịch chưa khai thác hết tiềm năng. Kinh tế hợp tác hiệu quả kém; kinh tế tư nhân và cá thể còn hạn chế về quy mô và số lượng. Do ảnh hưởng của trình trạng hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016 đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng diễn biến phức tạp và gay gắt gây thiệt hại rất lớn đến sản xuất, đời sống của người dân. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và phát triển nông nghiệp tỉnh Bến Tre, ước tổng giá trị thiệt hại do hạn mặn 6 tháng đầu năm 2016 trong lĩnh vực nông nghiệp gần 1.500 tỷ đồng, ngoài ra còn ảnh hưởng đến một số lĩnh vực khác và tác động lâu dài, làm giảm năng suất của các loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh nhất là sầu riêng, chôm chôm và bưởi da xanh. Chất lượng và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điều này chứng tỏ việc nhận thức và phát triển lực lượng sản xuất ở Bến Tre còn những hạn chế nhất định.
Xác định những mặt thuận lợi cũng như khó khăn, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre với phương châm “Đoàn kết, Dân chủ, Kỷ cương, Năng động, Đổi mới” phấn đấu đến năm 2020, người dân Bến Tre có mức sống ngang bằng với mức bình quân chung của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, đề ra những phương hướng và giải pháp để phát triển lực lượng sản xuất theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh Bến Tre lần thứ X đã đề ra.
Thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất Bến Tre với nguồn tài nguyên vô cùng phong phú giữa đất, rừng và biển thuận lợi để phát triển nông - lâm - ngư và diêm nghiệp. Chính đặc điểm của vùng đất lắm sông nhiều rạch này đã quy định phương hướng phát triển giao thông cùng những phương tiện đi lại. Bên cạnh mạng lưới giao thông đường thủy Bến Tre còn có một mạng lưới giao thông đường bộ với 2 quốc lộ, 8 đường tỉnh. Hệ thống Cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông và cầu Cổ Chiên đưa vào sử dụng rút ngắn thời gian đến đất Bến Tre, là trục giao thông huyết mạch gắn kết kinh tế của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.Từ những điều kiện tự nhiên, đã hun đúc tạo nên bản chất con người Bến Tre thông minh, cần cù, sáng tạo.
Bên cạnh đó tỉnh ta phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế thị trường, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật, chất lượng cao còn ít chưa đáp ứng yêu cầu; những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, thiên tai bất thường, nhất là tình hình thiếu nước ngọt do xâm nhập mặn sâu và kéo dài sẽ là những vấn đề lớn đặt ra cho tỉnh Bến Tre hiện nay.
Để đáp ứng tốt yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà và hội nhập quốc tế cũng như xây dựng và hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, kế thừa và phát triển quan điểm Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ 2015 - 2020 tiếp tục tập trung thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; tập trung hai mũi nhọn là kinh tế vườn và kinh tế biển.Thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng thích ứng với diễn biến hạn mặn và biến đổi khí hậu. Tập trung triển khai Nghị quyết của Tỉnh ủy “Về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025” để nâng cao hiệu quả sản xuất, trong đó chú trọng xây dựng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới. Đẩy mạnh thực hiện mối liên kết “4 nhà” trên một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như dừa, heo, bưởi da xanh, chôm chôm. Tạo điều kiện để kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp, duy trì và nhân rộng các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực. Phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, sản xuất với quy mô lớn, thân thiện, xanh, sạch gắn với phát triển dịch vụ nông nghiệp; khai thác tốt kinh tế vườn và biển, tạo ra sản lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; vận hành hiệu quả Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Cái Mơn làm hạt nhân cho việc đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao các loại giống mới, xây dựng một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, góp phần phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao gắn với phát triển du lịch sinh thái.
Thứ hai, tập trung phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp để đẩy nhanh tốc độ phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp, phát triển làng nghề, nâng cao giá trị sản xuất, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và phát triển bền vững. Ưu tiên nguồn vốn ngân sách và kết hợp linh hoạt các nguồn vốn huy động khác để sớm triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Phú Thuận (Bình Đại); tích cực mời gọi doanh nghiệp đầu tư lắp đầy cụm công nghiệp An Đức (Ba Tri); rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành, quy hoạch các khu/cụm công nghiệp một cách hợp lý, trước mắt là tiến hành khảo sát và điều chỉnh lại vị trí cụm công nghiệp Phú Hưng (thành phố Bến Tre), đồng thời nghiên cứu phương án mở rộng diện tích cụm công nghiệp Phong Nẫm (Giồng Trôm). Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh, công nghiệp phụ trợ, sản xuất sản phẩm, hàng hóa có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị tăng cao; khuyến khích phát triển năng lượng sạch, tái tạo như: điện gió, điện sinh khối, năng lượng mặt trời, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên gắn với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường.
Thứ ba, phát triển đa dạng các loại hình thương mại, dịch vụ, du lịch. Đẩy mạnh thu hút đầu tư các thành phần kinh tế, từng bước hiện đại hóa hệ thống phân phối, bán lẻ. Thực hiện nghiêm Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2014; Chương trình hành động số 14-CTrHĐ/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính Trị (Khóa XI) “Về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị quy mô vừa tại thị trấn các huyện, phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân. Tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Mở rộng, nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính, giáo dục, y tế. Khuyến khích đầu tư xã hội để du lịch phát triển đột phá, đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ các tuyến du lịch như: thành phố Bến Tre - Giồng Trôm - Ba Tri, thành phố Bến Tre - Mỏ Cày Nam - Thạnh phú, thành phố Bến Tre - Mỏ Cày Bắc - Chợ Lách; hoàn chỉnh hạ tầng phục vụ khu du lịch Cồn Bửng (Thạnh Phú) và hạ tầng phục vụ du lịch các xã ven sông Tiền; tiếp tục thực hiện Dự án tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển.
Thứ tư, tích cực huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới, đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng năng suất lao động bình quân chung của tỉnh so với khu vực và cả nước, nâng cao mức sống của người dân. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại trên cơ sở sử dụng hợp lý các nguồn lực, ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối giữa các huyện trong tỉnh, giữa tỉnh với các vùng lận cận. Nâng cấp mở rộng tuyến QL.60, QL.57; lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Rạch Miễu 2; mời gọi đầu tư thực hiện các dự án: đường Đông - Tây (Tp Bến Tre), khu đô thị mới An Khánh (Châu Thành) và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Ưu tiên các nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn đối ứng các dự án ODA để triển khai các công trình ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai như: Cống Thủ Cửu (Giồng Trôm); hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre (Thạnh Phú - Mỏ Cày Nam); các cống dưới đê biển Ba Tri ( Dự án cải tạo sinh kế cho người dân vùng ven biển huyện Ba Tri thích ứng với biến đổi khí hậu - WB9); dự án Quản lý nguồn nước tỉnh Bến Tre (JICA3); dự án hạ tầng làng nghề muối Bảo Thạnh, huyện Ba Tri; đầu tư hạ tầng phát triển thủy sản tại các xã Định Trung, Bình Thắng, Bình Thới (Bình Đại), hoàn thành dự án cung cấp nước sạch cho khu vực Cù Lao Minh và các huyện biển. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%, trong đó tỉ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 55%.
Thứ năm, tập trung chăm lo phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động y tế, văn hóa, thể dục, thể thao. Phấn đấu đến năm 2020, có 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% trạm y tế và phòng khám đa khoa đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất; duy trì 100% trạm y tế xã có bác sỹ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân để đến cuối năm 2020 đạt 80% dân số.Thực hiện đúng lộ trình và vận dụng sáng tạo Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương (khóa XI), Chương trình hành động số 33Ctr/TU của Tỉnh ủy (khóa IX) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 08/6/2016 của Tỉnh ủy, về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong việc phát huy các giá trị truyền thống văn hóa và phát triển toàn diện con người Bến Tre. Thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Thứ sáu, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ. Theo kế hoạch của UBND tỉnh Bến Tre số 4700/KH-UBND phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, ước tính dân số trong độ tuổi lao động của tỉnh năm 2016 là 915.268 người, năm 2020 là 907.763 người, chiếm 74,37% dân số, trong đó thành thị 103.829% người, chiếm 11,43%, nông thôn 803.394 người, chiếm 88,57%. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU “Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020”. Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hỗ trợ trung tâm Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tại Bến Tre hoạt động ổn định, thực hiện tốt các nội dung ký kết hợp tác với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Với quan điểm là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bao gồm cả về thể lực, trí lực, kỹ năng lao động, hành vi và ý thức chính trị - xã hội, nhằm phát huy vai trò quyết định của nhân tố con người trong việc thực hiện đạt yêu cầu mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò của khoa học công nghệ, nâng cao hàm lượng khoa học vào từng ngành, từng sản phẩm, nhất là các sản phẩm chế biến từ dừa, trái cây, thủy sản. Từng bước cung cấp các giống lúa, một số giống cây trồng, hoa kiểng, vật nuôi, giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu để đưa vào sản xuất; xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ có trình độ cao, tâm huyết, trung thực, tận tụy. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Phấn đấu đến năm 2020, đầu tư toàn xã hội cho khoa học, công nghệ trên 2% GRDP; giá trị sản phẩm công nghệ cao đạt 30%; sáng chế đăng ký bảo hộ đạt khoảng 90%; tỷ lệ đổi mới công nghệ đạt 20%.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ X nhiệm kỳ 2015 - 2020 với 113 đầu việc bằng các kế hoạch, chương trình cụ thể và tiến hành phân công cán bộ phụ trách địa bàn theo phương châm “Tỉnh nắm tới xã, huyện nắm tới ấp, khu phố, xã nắm tới hộ gia đình”. Phát động phong trào “Đồng Khởi mới” và chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp” nhằm sớm đưa Nghị quyết Đại hội đi vào cuộc sống.
Phát động phong trào mang tên “Đồng Khởi mới”. Phương châm của phong trào là đẩy mạnh phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm; xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt gắn với phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội. Đồng thời tỉnh Bến Tre cũng xác định rõ 3 khâu đột phá, đó là đột phá trong phát triển đô thị mục tiêu là xây dựng thành phố Bến Tre đạt các tiêu chí đô thị loại 2, đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội để thị trấn Ba Tri (Ba Tri), thị trấn Bình Đại (Bình Đại), thị trấn Mỏ Cày (Mỏ Cày Nam) thành đô thị loại 4, xây dựng 20 trung tâm xã của các huyện đạt đô thị loại V; đột phá trong xây dựng nông thôn mới, đến năm 2020 đạt 45 xã nông thôn mới, các xã còn lại đạt ít nhất trên 10 tiêu chí; tập trung xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, trọng tâm là cải cách hành chính, tạo chuyển biến mạnh mẽ về tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức [5].
Chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp” với ba nội dung chính: Đồng Khởi khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Đồng Khởi thoát nghèo. Mục tiêu của chương trình với ý nghĩa mang tính nhân văn và hết sức thiết thực đó là khơi dậy và hun đúc tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân trong mọi người dân, doanh nghiệp Bến Tre; tạo niềm tin, tâm lý không ngại thất bại, khơi dậy tính sáng tạo, năng động trong sản xuất, lao động và tính sẵn sàng, dám nghĩ dám làm để làm giàu và thoát nghèo.Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 phát triển mới ít nhất 500 doanh nghiệp khởi nghiệp và 2.500 doanh nghiệp các loại, nâng tổng số doanh nghiệp các loại hình lên khoảng 5.500 doanh nghiệp, nâng số hộ sản xuất kinh doanh cá thể lên gấp đôi số đang hoạt động hiện nay góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/ năm theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh đề ra.
Phát huy tinh thần Đồng Khởi năm xưa, ngày nay Đảng bộ Bến Tre phải đánh thức được truyền thống, làm cho cuộc Đồng Khởi mới mạnh mẽ và quyết liệt, coi đó là sức mạnh tinh thần, là xung lực mới để chèo chống con thuyền Bến Tre băng lên phía trước để chiến thắng nghèo nàn, vượt qua tụt hậu. Muốn hoàn thành được trọng trách đó, chúng ta phải tập trung quyết liệt cho công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đảm bảo vai trò hạt nhân chính trị của Đảng. Đảng bộ có trong sạch, vững mạnh mới có uy tín để tập hợp sức mạnh tổng hợp hệ thống chính trị và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Có như vậy mới phát huy được nội lực và thu hút các nguồn lực bên ngoài tạo sự bức phá. Từng địa phương, đơn vị và mỗi cá nhân phát huy tinh thần trách nhiệm, tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh Bến Tre lần thứ X.
Với mục tiêu nhiệm vụ là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương, mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Trường Chính trị Bến Tre quán triệt sâu sắc phương châm “Dân chủ, Kỷ cương, Đoàn kết, Năng động, Đổi mới”, thấm nhuần và thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”./.[6]
____________________________________
[1] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, H.2016, tr.103.
[2] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.Tiến bộ Mát-xcơ-va, H.1980, tập 27, tr.396.
[3] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, H.2016, tr.89.
[4] Kế hoạch số: 4347/KH-UBND của UBND Tỉnh Bến Tre phát triển kinh tế tập thể tỉnh Bến Tre năm 2017.
[5] Chỉ thị số 16-CT/TU của Tỉnh ủy về việc phát động phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Bến Tre Đồng Khởi.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 5, tr.309.
Nguyễn Trần Phương Hiền
Khoa lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh