Xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN, chống chiến tranh xâm lược kiểu mới (chiến tranh xâm lược sử dụng vũ khí công nghệ cao)

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở phải tạo ra thực lực mạnh về mọi mặt: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh,… để đất nước ta một mặt có đủ sức bảo vệ thành quả cách mạng đã giành được, mặt khác có đủ tiềm lực chống lại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch. Hồ Chí Minh từng chỉ rõ, chừng nào “Còn chủ nghĩa đế quốc, còn giai cấp bóc lột là còn bọn phá hoại”[1]. Ngày nay, bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta phải đối phó với những thách thức lớn tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới như: Chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao, tranh chấp chủ quyền biển đảo, vùng trời, “diễn biến hòa bình”, bạo loạn chính trị, khủng bố, tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia. Do vậy, nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc là nhiệm vụ song hành với nhiệm vụ xây dựng đất nước để tạo ra thực lực mạnh về mọi mặt, bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.

Hiện nay, các thế lực thù địch đang tấn công vào chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng tìm đủ mọi cách xuyên tạc cuộc đời, sự nghiệp, tư tuởng của người với ý đồ đen tối “lật đổ thần tượng Hồ Chí Minh”, đánh vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta, phủ định con đuờng cách mạng Việt nam, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay. Trách nhiệm của cán bộ, Đảng viên và nhân dân ta là bảo vệ những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác Lênin và tưởng Hồ Chí Minh, kiên quyết đấu tranh bác bỏ mọi luận điệu thâm hiểm của các thế lực thù địch, phản động.

Để bảo vệ và phát triển tư tưởng của Người trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay chúng ta phải:

- Đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, bảo vệ bí mật quốc gia, chống chủ quan, khinh địch trong bất cứ hoàn cảnh nào. Trong xu thế vừa hợp tác vừa đấu tranh, chúng ta mở cửa hợp tác, làm bạn với tất cả các nước càng phải biết đề cao cảnh giác cao độ không thể lơ là, mất cảnh giác. Đó là thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược không thể tách rời của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

- Phải tiếp tục nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt bảo vệ và phát triển tư tưởng của Người trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc ở nước ta hiện nay, để nhận thức sâu sắc về cống hiến của Người cho Tổ quốc, cho dân tộc và cho cả nhân loại trên thế giới.

Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đòi hỏi phải phát triển đường lối nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân để tạo ra sức mạnh tổng hợp đánh thắng chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao của các thế lực thù địch.

Chiến tranh xâm lược kiểu mới là cuộc chiến tranh cục bộ quy mô lớn, cường độ cao, sử dụng tối đa phương tiện và vũ khí công nghệ cao (vũ khí công nghệ cao là vũ khí được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo dựa trên những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, có sự nhảy vọt về chất lượng và tính năng kĩ thuật, chiến thuật) với những phương thức và thủ đoạn tác chiến quân sự mới, kết hợp chặt chẽ với các hình thức tiến công về chính trị, tâm lý, kinh tế, ngoại giao (biện pháp phi vũ trang )… nhằm nhanh chóng làm khuất phục, áp đặt ý đồ chính trị đối với các quốc gia, dân tộc [2].

Khái niệm chiến tranh vẫn theo kinh điển, bản chất và mục đích của chiến tranh không thay đổi, nhưng về diện mạo, phương thức, lực lượng, thủ đoạn và cách đánh của địch đã có những thay đổi nhất định dưới tác động của nhiều yếu tố lệ thuộc vào điều kiện phát triển xã hội, đặc biệt là khi khoa học và công nghệ đang có những bước nhảy vọt, tác động sâu sắc đến chất lượng vũ khí, trang bị và nghệ thuật tổ chức điều hành chiến tranh của địch.

Khảo cứu các cuộc chiến tranh gần đây, có thể khẳng định: Địch tạo cớ, áp đặt để phát động chiến tranh xâm lược các quốc gia có chủ quyền bằng mọi biện pháp. Trong đó, coi trọng sử dụng tối đa vũ khí và phương tiện chiến tranh công nghệ cao, kết hợp với chiến tranh khác như: Kinh tế, ngoại giao, thông tin, tình báo, tâm lý…

Trước đây, khi tiến công xâm lược một quốc gia khác, địch thường chiếm đất là chính; còn ngày nay, cơ bản địch lấy mục tiêu đánh bại ý chí của đối phương, buộc đối phương phải chịu khuất phục, thay đổi chế độ hiện hành, thành lập chính quyền mới theo ý đồ của chúng.

Khi tiến hành chiến tranh, địch coi trọng phát huy hỏa lực là chính và xu thế ngày càng gia  tăng, sử dụng binh lực có mức độ để hạn chế thương vong, địch tiến công hỏa lực từ xa (phi tiếp xúc) mãnh liệt, liên tục cả ngày và đêm nhằm áp đảo đối phương (phi đối xứng); có thể đổi quân hoặc không, tùy thuộc vào tình hình diễn biến cụ thể trên chiến trường để quyết định.

Để nhận diện rõ “chiến tranh xâm lược kiểu mới”, có tinh thần cảnh giác cao trong thực hiện nhiệm vụ chính trị bảo vệ tổ quốc căn cứ vào các đặc điểm sau đây:

Một là, không gian chiến tranh được mở rộng, không chỉ một quốc gia mà liên đới nhiều quốc gia, không những liên quan phạm vi của một nước mà đụng chạm tới nhiều nước, không chỉ tiến hành trên bộ, trên không, trên biển mà cả trên vũ trụ, không những không gian đơn thuần mà cả không gian điện tử, sóng điện từ..

Hai là, thời gian chuẩn bị chiến tranh thường khá dài, chuẩn bị chu đáo, cẩn trọng, không để những sơ hở, hạn chế xảy ra dù rất nhỏ nhưng thời gian tiến hành chiến tranh hỏa tốc, tức thời, nhanh gọn thường rất ngắn, đối phương không trở tay và đối phó kịp thời.

Ba là, vũ khí công nghệ cao được sử dụng một cách rộng rãi trong các cuộc chiến tranh có nhiều tính năng ưu việt mới. Vũ khí và phương tiện chiến tranh luôn cải tiến hiện đại phát triển như vũ bảo, máy bay không người lái.

Bốn là, thành phần lực lượng thanh gia trực tiếp vào chiến tranh rất linh động, linh hoạt, thiên biến vạn hóa.

Năm là, phương thức tiến hành chiến tranh luôn luôn xuất hiện nhiều điểm mới, cách đánh (phi tiếp xúc, phi đối xứng); bằng hỏa lực đường không, đánh tập trung, liên tục cả ngày lẫn đêm, hạn chế mức độ tối đa sử dựng lực lượng bộ binh tham chiến. Chủ yếu lực lượng này tham gia chỉ để linh hoạt giải quyết chiến trường mà thôi.

Sáu là, địch luôn luôn kết hợp thủ đoạn chặt chẽ tiến công bên ngoài với hoạt động phá hoại bên trong của các thế lực thù địch, chống đối nhằm kích động chia rẽ sự đoàn kết dân tộc, bạo loạn lật đổ, cướp chính quyền.

Bảy là, mục tiêu tiến hành cũng luôn luôn mới, mục tiêu tiến hành trước đây chủ yếu là thôn tính, chiếm đất, áp đặt sự cai trị là chính. Ngày nay, mục tiêu tinh vi chắc chắn hơn là đánh bại ý chí của đối phương, buộc đối phương phải khuất phục, thay đổi chế độ hiện hành, thành lập chính quyền mới theo ý đồ của chúng trên cơ sở nền tảng không chối cải được, phải chấp nhận thay đổi chế độ không có sự lựa chọn nào khác. khi đối mặt. Ngược lại, cũng không nên coi thường dẫn đến chủ quan mất cảnh giác.

Một số biện pháp phòng chống chiến tranh xâm lược sử dụng vũ khí công nghệ cao

Biện pháp thụ động: Trước tiên cần xác định rõ ý thức phòng chống trinh sát, sau đó mới áp dụng các biện pháp, phương pháp đối phó cho phù hợp, cụ thể như làm hạn chế đặc trưng của mục tiêu: Che giấu mục tiêu, ngụy trang mục tiêu, tổ chức tốt việc nghi binh đánh lừa địch, dụ địch đánh vào những mục tiêu có giá trị thấp làm chúng tiêu hao lớn, tổ chức, bố trí lực lượng phân tán, có khả năng tác chiến độc lập, kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị với xây dựng hầm ngầm để tăng khả năng phòng thủ.

Biện pháp chủ động: Gây nhiễu các trang bị trinh sát của địch, làm giảm hiệu quả trinh sát. Gây nhiễu là một biện pháp cơ bản trong đối kháng trinh sát, nhằm làm giảm hoặc suy yếu hiệu quả các thiết bị trinh sát của địch, khiến chúng không thể phát huy tác dụng. Một số biện pháp gây nhiễu có thể vận dụng:

Nắm chắc thời cơ, chủ động đánh địch từ xa, phá thế tiến công của địch: Thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, dù kẻ địch tiến công bằng hoả lực bằng vũ khí công nghệ cao từ hướng nào, khu vực nào, sử dụng vũ khí công nghệ cao đến mức nào chúng ta cũng đánh trả có hiệu quả làm vô hiệu hoá vũ khí công nghệ cao của địch, đập tan ý chí xâm lược của kẻ thù.

Lợi dụng đặc điểm đồng bộ của hệ thống vũ khí công nghệ cao, đánh vào mắt xích then chốt. Mặt khác, vũ khí công nghệ cao có thể đồng thời sử dụng cả trên bộ, trên biển và trên không, do vậy phải tổ chức đánh địch từ xa. Sử dụng các thủ đoạn tập kích, đặc biệt có thể vận dụng đặc công, pháo binh chuyên trách, dân quân tự vệ tập kích, phá hoại vùng địch hậu, tập kích tung thâm... phá huỷ các hệ thống phóng, hệ thống bảo đảm hoặc các căn cứ trọng yếu của chúng, khiến chúng bị tê liệt khi tác chiến. Có thể lợi dụng thời tiết khắc nghiệt như mưa, mù, bão gió... để tập kích vào các hệ thống vũ khí công nghệ cao.

Cơ động phòng tránh nhanh, đánh trả kịp thời chính xác: Khi cơ động phòng tránh phải thực hiện tốt các yêu cầu bí mật, cơ động nhanh, đến đúng địa điểm, thời gian sẵn sàng chiến đấu cao. Để thực hiện được mục đích đó, công tác tổ chức chuẩn bị phải chu đáo, có kế hoạch cơ động, di chuyển chặt chẽ. Khi cơ động phải tận dụng địa hình, rừng cây, khe suối,...hạn chế khả năng trinh sát, phát hiện bằng các phương tiện trinh sát hiện đại của địch. Xác định nhiều đường cơ động, có đường chính, đường dự bị, đường nghi binh và tổ chức ngụy trang.

Phòng tránh, đánh trả địch tiến công bằng vũ khí công nghệ cao là vận dụng tổng hợp các giải pháp, biện pháp, các hoạt động một cách có tổ chức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong chuẩn bị và thực hành phòng tránh, đánh trả bảo đảm an toàn cho nhân dân và các thành phần lực lượng, giữ vững sản xuất, đời sống, sinh hoạt, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phòng tránh, đánh trả tiến công bằng vũ khí công nghệ cao của địch là hai mặt của một vấn đề, có quan hệ, tác động lẫn nhau một cách biện chứng, đan xen nhau. Phòng tránh tốt là điều kiện để đánh trả có hiệu quả. Đánh trả có hiệu quả tạo điều kiện để phòng tránh an toàn và chúng ta cần hiểu rằng trong phòng tránh có đánh trả, trong đánh trả có phòng tránh. Như vậy, phòng tránh tiến công bằng vũ khí công nghệ cao của địch là một biện pháp có ý nghĩa chiến lược để bảo toàn lực lượng, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, là một yếu tố quan trọng để giành thắng lợi. Thực tiễn trong những năm chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ trước đây, công tác phòng không nhân dân đã có vị trí vai trò to lớn trong việc bảo vệ nhân dân, bảo vệ các mục tiêu quan trọng của miền Bắc.

Những kinh nghiệm tổ chức phòng tránh trong chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của địch trước đây và các cuộc chiến tranh gần đây của Mỹ vào Irắc, Nam Tư... là những kinh nghiệm rất bổ ích, chúng ta có cơ sở để tin tưởng rằng chúng ta sẽ tổ chức tốt công tác phòng tránh tiến công bằng vũ khí công nghệ cao của địch trong tình hình mới.

Trong phòng tránh phải triệt để tận dụng ưu thế địa hình tự nhiên để cải tạo và xây dựng công trình phòng tránh theo một ý định chiến lược chung trên phạm vi toàn quốc, trên từng hướng chiến dịch, chiến lược, trên từng địa bàn cụ thể, từng khu vực phòng thủ địa phương. Bố trí lực lượng phương tiện phân tán, nhưng hoả lực phải tập trung, công trình phải luôn kết hợp chặt chẽ giữa ngụy trang che giấu với hoạt động nghi binh, xây dựng phải dựa vào khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) và tăng cường cơ động trong chiến đấu.

Đối với đánh trả tiến công bằng vũ khí công nghệ cao của địch, nhằm tiêu diệt, phá thế tiến công của địch, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ các mục tiêu quan trọng của đất nước, bảo vệ nhân dân, bảo vệ sản xuất,... Đánh trả có hiệu quả là vấn đề cốt lõi nhất của phòng tránh, đánh trả, là biện pháp tích cực nhất, chủ động nhất để bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ mục tiêu, bảo toàn lực lượng chiến đấu.

Với điều kiện và khả năng của ta, việc tổ chức đánh trả phải có trọng điểm, đúng đối tượng, đúng thời cơ. Đánh trả địch bằng mọi lực lượng, mọi loại vũ khí, trang bị, thực hiện đánh rộng khắp, từ xa đến gần, ở các độ cao, các hướng khác nhau. Ta đánh địch bằng sức mạnh tổng hợp, ta đánh địch bằng thế, thời, lực, mưu,...

Về phương pháp chúng ta phải kết hợp chặt chẽ giữa đánh địch với cơ động, ngụy trang, nghi binh, phòng tránh bảo tồn lực lượng. Về lực lượng, chúng ta có lực lượng phòng không ba thứ quân và không quân, lực lượng pháo binh, tên lửa, lực lượng đặc công,... và hoả lực súng bộ binh tham gia.

Với những thành phần như vậy, có thể đánh các mục tiêu trên không, các mục tiêu mặt đất, mặt nước nơi xuất phát các đòn tiến công hoả lực
của địch, phù hợp với điều kiện địa bàn Việt Nam. Trong đó, tổ chức xây dựng thế trận phòng tránh đánh trả tiến công bằng vũ khí công nghệ cao của địch đáp ứng yêu cầu hiểm, chắc, có chiều sâu, cơ động linh hoạt, rộng khắp, kết hợp với thế trận khu vực phòng thủ địa phương. Phải xác định các khu vực, mục tiêu bảo vệ trọng điểm, đối tượng đánh trả, khu vực đánh trả, hướng đánh trả chủ yếu cho các lực lượng tham gia đánh trả.

Trong thực hành đánh trả địch, phải vận dụng một cách linh hoạt các hình thức tác chiến, chiến thuật, phương pháp hoạt động chiến đấu khác nhau cho từng lực lượng, như lực lượng phòng không ba thứ quân có thể vừa chốt bảo vệ mục tiêu, vừa cơ động phục kích đón lõng, kết hợp vừa phòng tránh vừa đánh trả. Đối với lực lượng không quân, pháo binh, tên lửa, hải quân có thể vận dụng linh hoạt các phương pháp tác chiến của quân, binh chủng có hiệu quả nhất, phù hợp với điều kiện tình hình địch, ta như đánh chặn, đánh đòn tập kích, đánh hiệp đồng,...

Ngoài những vấn đề trên, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống phòng thủ dân sự, đây là nhiệm vụ chiến lược rất quan trọng của nền quốc phòng toàn dân, là hệ thống các biện pháp phòng thủ quốc gia. Từng địa phương và cả nước, được tiến hành trong thời bình và thời chiến, nhằm bảo vệ nhân dân, bảo vệ nền kinh tế, duy trì sản xuất và đời sống nhân dân trong đó bảo vệ nhân dân là nội dung quan trọng nhất. Nếu việc tổ chức phòng thủ dân sự không tốt, không có giải pháp để phòng chống vũ khí công nghệ cao, không những chỉ tổn thất về người mà còn dẫn đến hoang mang, dao động, giảm sút ý chí quyết tâm kháng chiến của mỗi người dân, từng địa phương và cả nước.

Ngày nay, nếu cuộc chiến tranh xảy ra sẽ là cuộc chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, diễn ra trên không gian nhiều chiều, tiền tuyến và hậu phương không phân định rõ ràng như trước đây. Do vậy, ở các thành phố, thị xã, thị trấn nơi tập trung đông dân cư và các cơ sở kinh tế lớn chủ yếu là sơ tán, còn các trọng điểm khác có thể phân tán, sơ tán gần. Các cơ sở sản xuất lớn của Trung ương có thể phải sơ tán xa hơn, chủ yếu dựa vào các hang động ở rừng núi để sản xuất phục vụ chiến tranh.

Hệ thống công trình phòng thủ dân sự gồm hệ thống hầm hố ẩn nấp cho cá nhân, cho các hộ gia đình, các công trình bảo đảm sản xuất, bảo đảm sinh hoạt, bảo đảm lương thực, thực phẩm của tập thể, hộ gia đình triển khai ở các cơ quan, nhà ga, bến cảng, kho nhiên liệu, xăng dầu được tiến hành ngay từ thời bình thông qua kế hoạch kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế ở từng địa phương và trong phạm vi cả nước.

Tóm lại, trong bối cảnh mới của thời đại - hội nhập và phát triển, những thách thức mới đang là thước đo kiểm chứng sự kiên định của Đảng ta, dân tộc ta về con đường mà Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn hơn 8 thập kỷ qua. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó nâng cao ý thức cho cán bộ, Đảng viên và nhân dân về bảo vệ tổ quốc trên mọi vị trí công tác, tham gia tích cực xây dựng một lực lượng quân đội hiện đại, tinh nhuệ là điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Bảo vệ tổ quốc việt Nam xã hội chủ nghĩa” đánh thắng mọi cuộc “chiến tranh xâm lược kiểu mới”. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nguyện một lòng đi theo con đường mà Bác và dân tộc ta đã lựa chọn. Đó là tấm lòng tri ân sâu sắc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc đối với những chiến sĩ hy sinh cho sự nghiệp độc lập, tự do và hạnh phúc hôm nay và cả cho tương lai, khi Việt Nam hòa nhập vào xu thế chung của thời đại sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong đợi./.

__________________________________________________

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tập: Nxb Chính trị quốc gia. H. 2000 t8.  tr118.
2. Nguyễn Văn Thạo- Nguyễn Viết Thông- đồng chủ biên, Tìm hiểu một số thuật ngữ trong văn kiện Đại hội XI của Đảng, NXB Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Sự thật, năm 2011, tr.53.

 ThS Nguyễn Thị Phượng
Phòng NCKH-TT-TL

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh