Xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Trường Chính trị Bến Tre hiện nay hướng đến tiêu chí “Trường Chính trị chuẩn”

Với chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức của tỉnh về lý luận chính trị - hành chính; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kiến thức về công tác xây dựng Đảng, chính quyền; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; kiến thức về pháp luật và quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác theo kế hoạch của Tỉnh ủy, Trường Chính trị Bến Tre luôn quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ giảng viên đủ chuẩn chất, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và xác định việc xây dựng đội ngũ giảng viên vừa có đức, vừa có tài là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao năng lực, trình độ lý luận chính trị, góp phần phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh nhà. Đồng thời đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn vào năm 2025. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, đòi hỏi phải chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp đồng bộ, đồng thời phải có quyết tâm chính trị cao của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, đội ngũ giảng viên và sự quan tâm hỗ trợ của Tỉnh ủy cùng các ban, ngành, đoàn thể.

Hiện nay tổng số giảng viên của Trường Chính trị Bến Tre là 15/43, trong đó: Trình độ chuyên môn có 15/15 thạc sĩ; về trình độ lý luận chính trị có 13 giảng viên đạt trình độ cao cấp lý luận chính trị, 12 giảng viên chính; giảng viên có thâm niên giảng dạy 20 trở lên năm có 03 đồng chí, giảng viên có thâm niên giảng dạy từ 10 đến dưới 20 năm có 09 đồng chí, giảng viên có thâm niên giảng dạy dưới 10 năm là 03 giảng viên.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên nhà trường, Đảng ủy, Ban Giám hiệu chú trọng từ công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đến bố trí, sử dụng giảng viên và thực hiện tốt hoạt động thao giảng, dự giờ.

Từ năm 2017 đến nay nhà trường đã tuyển dụng 10 viên chức thông qua xét tuyển và thi giảng, nhằm bổ sung nguồn lực lượng giảng viên, đảm bảo tính liên tục trong thực hiện nhiệm vụ và hướng đến xây dựng trường chính trị chuẩn.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên: Việc nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho giảng viên, viên chức (nguồn giảng viên) nhà trường được thực hiện thường xuyên đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Từ năm 2015 đã có 03 giảng viên hoàn thành chương trình cao học; 05 giảng viên hoàn thành chương trình Cao cấp lý luận chính trị; 01 viên chức hoàn thành chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính; 04 giảng viên hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính; 04 viên chức hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên; 07 giảng viên, viên chức hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, nhà trường luôn chú trọng đào tạo chuyên môn sâu, phù hợp chuyên ngành giảng dạy lý luận chính trị, Trường đã chủ động đưa viên chức tập sự tham gia chương trình đào tạo văn bằng hai ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền: đã có 03 viên chức hoàn thành và 02 viên chức chuẩn bị tham gia chương trình đào tạo văn bằng hai.

Nhằm tạo phong trào thi đua nghiên cứu, rèn luyện, nâng cao kiến thức, kỹ năng và phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên, Trường xây dựng và thực hiện nghiêm túc kế hoạch thao giảng, dự giờ đánh giá chất lượng và chọn giảng viên dự thi giảng viên dạy giỏi cấp khu vực do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.

Đặc biệt, Ban Giám hiệu thực hiện nghiêm túc chế độ nghiên cứu thực tiễn của giảng viên bằng nhiều hình thức phong phú (thực hiện theo kế hoạch nghiên cứu thực tế trong và ngoài tỉnh; thâm nhập thực tế kết hợp việc giảng bài ở các huyện; cử tham dự các cuộc hội nghị, sơ, tổng kết công tác của Tỉnh ủy và các ban ngành có liên quan; cử giảng viên biệt phái có thời hạn ở cơ sở,…)

Đối với việc bố trí, phân công nhiệm vụ (Giảng dạy, chấm bài) cho giảng viên theo phương châm: “Giỏi một việc biết nhiều việc”, qua đó phát huy được năng lực, sở trường của từng giảng viên, tạo được động lực cho giảng viên không ngừng hoàn thiện mình, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng đội ngũ giảng viên nhà trường còn một số mặt tồn tại, hạn chế:

Về số lượng: Chưa đạt tỷ lệ theo yêu cầu (giảng viên cơ hữu chỉ có 15/43 biên chế) trong khi nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Trường do Tỉnh ủy giao khá nhiều, nên đội ngũ giảng viên tập trung thời gian và công sức rất nhiều hoàn thành tốt công tác giảng dạy. Vì vậy không có thời gian nhiều cho công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ.

Về chất lượng, cơ cấu: Còn thiếu giảng viên có trình độ chuyên môn cao (tiến sĩ); cơ cấu về độ tuổi, về giới tính chưa cân đối, giảng viên nữ chiếm số đông; cơ cấu về chuyên ngành đào tạo còn bất hợp lý, tính kế thừa chưa đảm bảo, kiến thức thực tiễn của một bộ phận giảng viên trẻ còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; chế độ chính sách để khuyến khích giảng viên học tập nâng cao trình độ có thay đổi theo hướng tự đào tạo chưa tạo động lực cho giảng viên tích cực tham gia,...

Đặc biệt, đa số các viên chức vừa được tuyển dụng chưa có chuyên ngành sát, đúng với yêu cầu giảng dạy. Vì vậy, cần có thời gian nghiên cứu, tiếp cận nội dung, bồi dưỡng và phải được đào tạo văn bằng 2 cho phù hợp yêu cầu chuyên môn và tiêu chuẩn.  

Để thực hiện nhiệm vụ chính trị được Tỉnh ủy giao, đảm bảo đội ngũ giảng viên đủ về số lượng và yêu cầu về chất lượng đáp ứng tiêu chí xây dựng trường chính trị chuẩn vào năm 2025, nhà trường cần nỗ lực phấn đấu thực hiện các giải pháp sau:

Một là, tập trung đào tạo tiến sĩ, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên nhà trường. Đây là lực lượng quyết định trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Ngoài giảng dạy lý luận, giảng viên còn là cầu nối giúp người học kết nối lý luận đó vào trong hoạt động thực tiễn đang diễn ra và vận dụng lý luận đó vào thực tiễn hoạt động một cách phù hợp. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đó, đội ngũ giảng viên phải vững vàng về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Song song kế hoạch đào tạo tiến sĩ, thường xuyên cử giảng viên đi tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới (trong và ngoài nước).

Hai là, tạo môi trường thuận lợi để giảng viên rèn luyện, phấn đấu, thường xuyên nêu cao tinh thần tự học tập, tự nghiên cứu, gắn lý luận với thực tiễn. Để đáp ứng yêu cầu trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng luôn đặt lý luận vào trong thực tiễn, lấy thực tiễn làm sáng tỏ lý luận. Nhà trường cần tiếp tục xây dựng kế hoạch cho giảng viên nghiên cứu thực tế tại cơ sở, tiếp tục đưa giảng viên đi biệt phái có thời hạn ở cơ sở, giúp giảng viên nắm bắt kiến thức thực tiễn đang diễn ra, đặt biệt là các vấn đề mới nảy sinh, qua đó định hướng cho người học hướng giải quyết các vấn đề hiệu quả. Khuyến khích, phát huy tính tích cực nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế của giảng viên. Đây là cơ sở để trao dồi phương pháp, kiến thức giảng dạy, giúp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.

Ba là, nhà trường cần tăng cường các hoạt động chuyên môn như: Thông qua bài giảng, dự giờ, thao giảng hàng năm để nâng cao phương pháp, kỹ năng giảng dạy cho giảng viên, gắn hoạt động kiểm tra với đánh giá chất lượng bài giảng. Đây vừa là hoạt động sinh hoạt chuyên môn vừa là cơ hội để các giảng viên học hỏi kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy cũng như phương pháp sư phạm và kỹ năng ứng dụng phương pháp giảng dạy tích cực vào bài giảng của mỗi giảng viên. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường.

Bốn là, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên

Tiếp tục đổi mới công tác quy hoạch cán bộ trên cơ sở nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ, bảo đảm sự chủ động, tính kế thừa liên tục. Phát huy tính dân chủ, công khai trong công tác quy hoạch, gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Xây dựng môi trường dạy và học tích cực, động viên kịp thời cho đội ngũ giảng viên yên tâm công tác. Bố trí cán bộ bảo đảm đúng người, đúng việc, phát huy được sở trường và phù hợp chuyên ngành đào tạo.

Nhà trường cần tăng cường chính sách động viên, khuyến khích, hỗ trợ cho viên chức tập sự tích cực, chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, kiến thức thực tiễn và các khóa học về kỹ năng, phương pháp nhằm đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn và nâng cao chất lượng giảng dạy.

Năm là, đội ngũ giảng viên của nhà trường cần chủ động trao dồi, đổi mới phương pháp giảng dạy góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

Người giảng viên phải không ngừng nỗ lực học tập, trao dồi kiến thức chuyên môn, thực tiễn, không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, tin học,... đồng thời tích lũy kinh nghiệm thực tiễn để có tầm hiểu biết, có khả năng lý giải những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, tăng tính thuyết phục đối với người học.

Sáu là, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, cần tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường với cơ quan có thẩm quyền để lựa chọn những cán bộ đủ điều kiện, có nhu cầu được đào tạo, bồi dưỡng, xác định đúng đắn động cơ học tập để tham gia các lớp học của nhà trường. Đây là điều kiện cần để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.

Với truyền thống hơn 70 năm xây dựng và phát triển, Ban Giám hiệu và tập thể giảng viên Trường Chính trị Bến Tre luôn chủ động khắc phục khó khăn, phấn đấu rèn luyện, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, nhất là sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; yêu cầu của nhiệm vụ chính trị ngày càng cao và tiêu chí xây dựng “Trường chính trị chuẩn” đòi hỏi Đảng ủy, Ban Giám hiệu và từng giảng viên (và giảng viên tập sự) cần quyết tâm hơn nữa trong xây dựng đội ngũ giảng viên vững vàng: “Sâu về chuyên môn, rộng về thực tiễn; vững vàng về bản lĩnh chính trị; tinh thông về phương pháp giảng dạy; chuẩn mực về phong cách; gương mẫu về đạo đức” góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm “cái gốc” cho công cuộc “Đồng khởi mới”, đẩy mạnh nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy lùi nghèo nàn và lạc hậu, từng bước xây dựng quê hương Đồng khởi giàu đẹp, văn minh./.

ThS. Đoàn Thị Mao
                           Giảng viên khoa Xây dựng Đảng

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh