Một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đó là: Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.
Cả lý luận và thực tiễn đã chứng minh, nền tảng và giá trị cốt lõi của văn hóa là đạo đức và để lan tỏa những giá trị tốt đẹp về đạo đức trong xã hội thì trước hết phải xây dựng và thực hành văn hóa trong Đảng về đạo đức. Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác-Lênin cho rằng: “Đảng Cộng sản là lương tâm, trí tuệ, danh dự, trách nhiệm và là niềm tự hào của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động. Mỗi đảng viên cộng sản phải ý thức đầy đủ, sâu sắc và rõ ràng về vị trí, vai trò, trách nhiệm chính trị, sự nêu gương của mình”[1].
Vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, Người khẳng định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”[2], cùng với đó phải: “làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng mình”[3]. Văn hóa Việt Nam bao gồm tất cả những giá trị vật chất và giá trị tinh thần, do con người Việt Nam sáng tạo ra. Nền văn hóa Việt Nam hôm nay là thành quả của hàng ngàn năm lao động sáng tạo và đấu tranh kiên cường trong công cuộc dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng thời còn là kết quả của sự giao lưu và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhiều nền văn minh nhân loại trên con đường không ngừng tự hoàn thiện và phát triển. Trong công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khi Đảng Cộng sản Việt Nam xác định lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng, quan điểm văn hóa của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác-Lênin đã trở thành một trong những cội nguồn văn hóa chủ đạo trong nền văn hóa Việt Nam.
Văn hóa trong Đảng là những chuẩn mực giá trị đạo đức cách mạng được thấm sâu vào những giá trị văn hóa dân tộc, soi sáng hoạt động của cả hệ thống chính trị, thể hiện trong sinh hoạt Đảng, thấm vào các quan hệ tổ chức, thể chế, phương thức hoạt động, phương thức lãnh đạo của Đảng, giữa Đảng với Nhân dân, giữa cán bộ, đảng viên với quần chúng. Khi bàn về xây dựng văn hóa trong Đảng, Đảng ta đặt trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương, tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Có quyết tâm chính trị cao trong ngăn chặn, đẩy lùi, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và những hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Để xây dựng và phát huy văn hóa trong Đảng, bên cạnh việc nâng cao nhận thức về vị trí và vai trò của văn hóa trong xây dựng Đảng, một trong những trọng tâm được coi trọng là văn hóa nêu gương. Mỗi cán bộ, đảng viên nêu gương là trách nhiệm, là bổn phận, tự giác thực hành bằng những hành động, việc làm dù nhỏ trong công tác và đời sống hàng ngày, trong ứng xử với chính mình, với tập thể cơ quan, đơn vị. Chính vì thế, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt và xây dựng văn hóa trong Đảng góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, để Đảng thật sự là đạo đức, là văn minh.
Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”[4]; “Lấy giá trị văn hóa con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững”[5], lấy con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. Đảng cũng đề ra chủ trương xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý, tập trung xây dựng Đảng về đạo đức với nhiều nhiệm vụ giải pháp, trong đó nhấn mạnh đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng.
Trường Chính trị Bến Tre là trung tâm đào tạo cán bộ của tỉnh, đối tượng đào tạo chính của Trường là cán bộ đương chức hoặc được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, huyện và cơ sở. Chức năng, nhiệm vụ của Trường là tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương về lý luận chính trị; đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ ở cơ sở. Đồng thời, Nhà trường không chỉ là nơi đào tạo những cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của các tổ chức Đảng, chính quyền địa phương mà đó còn là nơi rèn luyện bản lĩnh, đạo đức, tác phong cho học viên. Có thể nói, Trường Chính trị là môi trường tốt nhất đào tạo ra đội ngũ cán bộ vừa đủ đức, vừa đủ tài nhằm phục vụ tốt Đảng, Nhà nước và quần chúng, nhân dân. Với bề dày lịch sử và truyền thống vẻ vang, các thế hệ giảng viên, viên chức của Trường đã không ngừng giữ gìn, xây dựng hình ảnh người thầy giáo chính trị có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu, trong sáng về đạo đức, lối sống, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ; ứng xử văn hóa trong mọi mối quan hệ.
Trong bối cảnh hiện nay, khi các nhiệm vụ chính trị của Trường ngày càng nặng nề hơn; khi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đang có những biểu hiện đáng lo ngại và cuộc đấu tranh chống lại sự suy thoái đó đang diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt thì nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong Trường Đảng là rất quan trọng, trong đó cần đặt biệt quan tâm là văn hóa ứng xử thông qua các mối quan hệ giữa thầy với trò, giữa đồng chí, đồng nghiệp, giữa đội ngũ cán bộ, đảng viên với tư cách là học viên khi tham gia học tập, rèn luyện tại Trường.
Để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra, tiếp nối truyền thống của các thế hệ thầy cô đã gìn giữ và vun đắp, việc xây dựng Trường Chính trị trở thành môi trường mang tính Đảng mẫu mực, mỗi giảng viên, viên chức cần:
Thứ nhất, chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh, xây dựng các quy tắc ứng xử văn minh trong mọi mối quan hệ.
Đối với công việc: phải trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân; không ngừng nghiên cứu học hỏi, tích lũy tri thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; chịu trách nhiệm về lĩnh vực, công việc mà mình được phân công phụ trách.
Đối với cấp trên: phải trung thực, khách quan trong báo cáo; tôn trọng và chấp hành sự phân công của lãnh đạo; đề xuất, đóng góp ý kiến và tham mưu hiệu quả đối với lĩnh vực, công việc mình thực hiện.
Đối với cấp dưới: phải bao dung, tôn trọng, gương mẫu về đạo đức lối sống; dân chủ, bình đẳng, không phân biệt đối xử; bố trí, sắp xếp, giao nhiệm vụ phù hợp với năng lực, sở trường; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát công việc và đánh giá khách quan việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ: phối hợp một cách khoa học, chặt chẽ, đặt lợi ích chung lên hàng đầu; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Đơn vị nào được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ thì đơn vị đó phải chủ động sắp xếp, gặp gỡ bàn bạc, trao đổi và thống nhất công việc với đơn vị phối hợp. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân phải xác định đúng chức trách, nhiệm vụ, xác định đúng chức phận của mình, tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương, biết tôn trọng người phối hợp thực hiện nhiệm vụ, thẳng thắn bàn bạc, trao đổi và thống nhất công việc.
Đối với đồng chí, đồng nghiệp phải hòa nhã, lịch sự, không xúc phạm nhân phẩm, danh dự của nhau; phải biết nói lời cảm ơn, xin lỗi, chào hỏi, tôn trọng, học hỏi kinh nghiệm, trao truyền tri thức cho nhau.
Đối với học viên phải có thái độ lịch sự, đúng mực trong giao tiếp, tôn trọng ý kiến của học viên; là tấm gương về đạo đức cách mạng, về lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị, về kiến thức, về tác phong, về phương pháp… Giảng viên, cán bộ quản lý lớp phải công bằng, công tâm, không phân biệt đối xử; tác phong phải thể hiện tính mô phạm; chủ động cập nhật kiến thức mới, không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thể hiện tính hòa đồng, hòa nhã; nghiêm khắc nhưng không lạnh lùng, xa cách; không gợi ý học viên tặng quà và nhận quà với bất kỳ hình thức nào; thực hiện nghiêm kỷ luật phát ngôn; chống lại những lời nói và việc làm sai trái, xuyên tạc, phản động; luôn có ý thức giữ gìn uy tín, danh dự của cơ quan, đơn vị và bản thân.
Về phía học viên, phải có thái độ đúng mực trong giao tiếp, ứng xử, tôn trọng giảng viên, cán bộ quản lý lớp, nhân viên phục vụ; cầu thị trong trao đổi ý kiến, thảo luận trên lớp, không dùng quà tặng để mưu cầu lợi ích cho cá nhân, tập thể.
Thứ hai, kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực; chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” - nguồn gốc của mọi sự tham nhũng, tiêu cực.
Thứ ba, chú trọng thực hiện quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên. Mỗi giảng viên, viên chức phải là một tấm gương mẫu mực, nêu cao tính tiền phong gương mẫu, ý thức trách nhiệm, tính trung thực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.
Năm 2022 và những năm tiếp theo, để Trường Chính trị Bến Tre ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ mới, điều quan trọng, cốt lõi là giảng viên, viên chức nhà trường phải tự mình nâng cao năng lực trí tuệ và trình độ khoa học, bản lĩnh chính trị và đạo đức cách mạng, chú trọng xây dựng văn hóa, giáo dục và thực hành văn hóa trong Đảng theo tư tưởng, văn hóa đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để mỗi chúng ta vừa trong sáng, vừa thanh cao, xứng đáng là người thầy giáo trường chính trị để cho các thế hệ học viên học tập và noi theo.
[1] V.I.Lênin. Toàn tập, t.8, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr. 289
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 25
[3] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, t. 3, tr. 321
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr.34
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.216
Hiền Nguyễn.