Đồng khởi năm 1960 ở Bến Tre là nét điển hình độc đáo về phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện phương châm “Hai chân, ba mũi”: Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hình thức đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, tấn công địch bằng ba mũi giáp công (quân sự, chính trị và binh vận) làm cho địch suy yếu cả về tinh thần, tổ chức và đi đến thất bại. Thắng lợi trong thực hiện phương châm “Hai chân, ba mũi” của Đồng khởi năm 1960 đã được Đảng bộ tỉnh vận dụng vào thời kỳ mới, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua “Đồng khởi mới” xây dựng Bến Tre ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Sau Hiệp định Giơnevơ, cách mạng miền Nam chuyển từ đấu tranh quân sự sang đấu tranh chính trị buộc đối phương thi hành đúng tinh thần của bản Tuyên bố cuối cùng tại Hội nghị Giơnevơ. Tại Bến Tre, cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân có nét điển hình độc đáo so với toàn miền Nam: Đó là từ cuộc míttinh bảo vệ quyền lợi hằng ngày của quần chúng đã chuyển sang dùng bạo lực cách mạng với hai hình thức: Đấu tranh chính trị là chính, kết hợp với đấu tranh vũ trang hỗ trợ đấu tranh chính trị, trong chính trị có binh vận kết hợp với vũ trang hỗ trợ. Về sau, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng có sự kết hợp giữa đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị và binh vận tạo nên khí thế tiến công địch mạnh mẽ, liên tục, bứt rút các đồn, bốt và giành thắng lợi cuối cùng.
Mầm móng ban đầu tạo tiền đề chuẩn bị để thực hiện phương châm hai chân, ba mũi cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng đó là: Đảng bộ bí mật để lại 2.000 cán bộ, đảng viên cùng với trên 100 khẩu súng và dụng cụ của công binh xưởng 1038, cùng với việc đẩy mạnh xây dựng, phát triển lực lượng chính trị của quần chúng ở khắp các ấp, xã, huyện trong tỉnh. Mặt khác, Đảng bộ còn tập hợp và lựa chọn những quần chúng tích cực từ các tổ chức công khai như: Hội văn nghệ, Hội thể thao, Hội đình chùa, Hội vạn vần đổi công, Hội mai táng,… thành lực lượng nòng cốt làm “rễ chuỗi” hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng. Vì vậy, dưới sự chuẩn bị trên, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng có bước phát triển chặt chẽ hơn và từ hình thức thấp đến hình thức cao; từ chống đàn áp, khủng bố, chống áp bức bóc lột, phá vỡ thế kìm kẹp của địch,... ; đến dùng võ trang tự vệ hỗ trợ cho đấu tranh chính trị để diệt ác, trừ gian bảo vệ cách mạng. Từ những vụ diệt ác bí mật, lẻ tẻ trong dân đã hình thành trong dân những lực lượng vũ trang ngầm ở hầu hết các xã, các huyện với đông đảo quần chúng, đồng bào tôn giáo, kể cả gia đình binh sĩ,… tham gia. Với các hình thức đấu tranh sáng tạo trong nhân dân đã tạo nên một thế trận lòng dân vững chắc, không chỉ giúp bảo vệ cách mạng, tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang hỗ trợ phát triển, mà còn thúc đẩy các cơ sở nội tuyến trong lòng địch ra đời. Đây là bước chuẩn bị, là tiền đề để quần chúng nhân dân sáng tạo và vận dụng linh hoạt cách đánh “Hai chân, ba mũi” trong Đồng khởi năm 1960 ở Bến Tre.
Nhằm vũ trang hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, công tác xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng bộ đã nhanh chóng phát triển với các hình thức như: Các đội tự vệ ngầm, các đội du kích xã và các trung tâm vũ trang ở các huyện, các đội vũ trang tuyên truyền (Đội 1 ở Cù Lao Bảo; đội 2 ở Cù Lao Minh; đội 3 ở huyện Giồng Trôm ). Đồng thời, các xưởng bí mật được xây dựng để rèn vũ khí, mã tấu, dao găm,… chuẩn bị sẵn sàng cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng khi thời cơ đến.
Bên cạnh đó, công tác binh vận là nhiệm vụ chiến lược rất quan trọng góp phần hỗ trợ cho đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, bảo vệ lực lượng cách mạng và hạn chế hoạt động đánh phá của kẻ thù. Vì vậy, Đảng bộ một mặt vận động, tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên (ở các hội, đoàn quần chúng biến tướng trong Hội đờn ca tài tử, Hội banh, Hội khuyến học,… ) tham gia vào công tác binh vận. Mặt khác, Đảng bộ bí mật tiến hành cài lực lượng của Đảng vào hàng ngũ của địch nhằm nắm thông tin kịp thời, chính xác; động viên, thuyết phục binh sĩ ngã về phía cách mạng,… để từng bước hỗ trợ cho đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị khi Đồng khởi nổ ra.
Như vậy, với sự chuẩn bị các điều kiện trên của Đảng bộ tỉnh đã góp phần chuyển biến tích cực trong phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân Bến Tre, đặc biệt khi Nghị quyết Trung ương 15 ban hành và về tới Bến Tre đã tạo nên sự mở đầu độc đáo, sáng tạo trong hình thức đấu tranh trong Đồng khởi năm 1960 ở Bến Tre với sức mạnh long trời, lở đất. Đồng khởi ở Bến Tre được xem là nét điển hình độc đáo của phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, tấn công địch bằng ba mũi giáp công, đó là “quân sự, chính trị và binh vận”. Bởi trước khi Nghị quyết Trung ương 15 ban hành, ở miền Nam thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng đấu tranh bằng “phương pháp hòa bình”1 (từ năm 1954 đến 7 năm 1956). Kết quả là cách mạng miền Nam bị tổn thất nặng nề, Bến Tre chỉ còn 18 chi bộ, 162 đảng viên. Như vậy, đường lối đấu tranh chính trị đơn thuần, đấu tranh bằng “phương pháp hòa bình” đã không còn thích ứng ở miền Nam.
Trước yêu cầu bức thiết của cách mạng, tháng 8 năm 1956, Đường lối cách mạng miền Nam đã định ra hướng đi mới cho cách mạng miền Nam, đường lối xác định “con đường cách mạng không có một con đường khác”2 tức sử dụng bạo lực cách mạng cho miền Nam. Đặc biệt, tháng 1 năm 1959, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 15, khóa II, đề ra hướng phát triển cụ thể hơn về sử dụng bạo lực cách mạng cho cách mạng miền Nam. Nghị quyết xác định: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”3. Đó là con đường “lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”4.
Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương: “Tùy nơi, tùy lúc, miền Nam có thể sử dụng vũ trang để hỗ trợ, duy trì phát triển phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân, đấu tranh chính trị là chủ yếu”, Đảng bộ Bến Tre đã biến thành phong trào nổi dậy của quần chúng với sức mạnh “long trời, lở đất”; “Đánh phải tới tấp, phát triển lực lượng hết khả năng, không hạn chế,…”5, cùng với những cách đánh độc đáo phù hợp vào điều kiện đặc thù của tỉnh mà sau này được tổng kết thành phương châm, phương thức, thành lý luận và đi vào nội dung cơ bản của phương pháp cách mạng miền Nam. Đó là cách đánh hai chân ba mũi, là sản phẩm chung của quần chúng nổi dậy khởi nghĩa, là sự lựa chọn của khối quần chúng nông dân đang sôi sục căm thù Mỹ - Diệm sâu sắc, quyết tâm vùng lên diệt tề, trừ gian, diệt ác phá kìm. Trong Đồng khởi đợt 1 diễn ra ở 3 xã điểm Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp vào ngày 17-1-1960 là điển hình độc đáo của phong trào toàn dân nổi dậy, trong đó lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu kết hợp với lực lượng vũ trang, tấn công địch cả ba mũi đó là quân sự, chính trị binh vận như:
Đối với lực lượng vũ trang của tỉnh đã linh hoạt, sáng tạo cách đánh thích hợp địa hình đặc thù của tỉnh: Kênh mương, bãi mía, vườn dừa,… tiến hành phục kích địch, bắn tỉa, tiêu diệt, tiêu hao quân địch, đồng thời lấy súng của địch để trang bị cho mình. Nhiều loại “vũ khí quần chúng”, “vũ khí nhân dân” được sử dụng mang lại hiệu quả cao, làm cho địch kinh hoàng, khiếp sợ như đạp lôi, ống lói, súng ngựa trời, lựu đạn vỏ chai,…
Về công tác binh vận của Đảng được đẩy mạnh với việc cài cắm cơ sở trong hàng ngũ địch; vận động gia đình binh sĩ nổi dậy phá hệ thống kìm kẹp ở xã, ấp, trừng trị bọn tay sai chỉ điểm, bọn ác ôn trong bộ máy tề xã, tề ấp, dân vệ; kết hợp với các cơ sở nội tuyến trong lòng địch và lực lượng vũ trang để bứt hàng, bứt rút, lấy đồn. Trong thực hiện công tác binh vận đã xuất hiện nhiều điển hình: “vợ lấy đồn chồng”, “bà lấy đồn cháu”,… góp phần làm nên nét điển hình, độc đáo của Đồng khởi ở Bến Tre.
Đối với phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng trong Đồng khởi Bến Tre đã phát triển, thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia đấu tranh chống địch tại chỗ, chống càn quét, chống bắn phá cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ,... Hình thức đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân có sự độc đáo và sáng tạo như: “tản cư ngược” của chị em phụ nữ kéo lên huyện lỵ đấu tranh trực diện với kẻ thù. Cuộc đấu tranh này diễn ra 12 ngày đêm kết hợp với lực lượng binh vận và lực lượng vũ trang tiến hành bao vây, tạo sức ép về dư luận buộc địch phải chấp nhận yêu sách của đồng bào. Từ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, “Đội quân tóc dài” đã ra đời - đây là nét độc đáo của Đồng khởi Bến Tre.
Những thắng lợi của phong trào nổi dậy đánh địch bằng sự kết hợp giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, tấn công địch trên cả ba mũi giáp công quân sự, chính trị và binh vận trong Đồng khởi đợt 1 đã được Đảng bộ tiếp tục sử dụng và phát huy hiệu quả tích cực trong Đồng khởi đợt 2. Nhờ đó, phong trào đấu tranh của quần chúng đã sáng tạo thêm nhiều cách đánh như đánh nghi binh, đánh lạc hướng địch tạo điều kiện cho phong trào toàn dân nổi dậy ở nông thôn, hoặc lối đánh kỳ tập, sử dụng nội ứng để lấy vũ khí của địch trang bị cho mình để tấn công tiêu diệt, tiêu hao, làm tan rã hàng ngũ quân địch,… cuối cùng giành thắng lợi.
Với thắng lợi của phong trào Đồng khởi ở Bến Tre đã dấy lên phong trào Đồng khởi toàn miền Nam, chuyển cách mạng miền Nam sang thế tiến công địch từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang song song, đánh dấu bước ngoặt lịch sử thứ nhất của cách mạng miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Kinh nghiệm thực tiễn từ Đồng khởi năm 1960 ở Bến Tre đã góp phần cùng toàn Đảng đúc kết thành phương châm “Hai chân, ba mũi” và được vận dụng xuyên suốt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hiện nay, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, Đảng bộ Bến Tre tiếp tục vận dụng phương châm “Hai chân, ba mũi” trong Đồng khởi năm 1960 vào đẩy mạnh phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” giai đoạn 2020-2025 với các nội dung:
Về “Hai chân”, chân thứ nhất là xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh thể hiện qua việc: Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Chỉ thị số 05-CT/TW khóa XII; xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh; xây dựng tính nêu gương, rèn luyện người đảng viên, công chức tiêu biểu; nâng cao hiệu lực - hiệu quả hoạt động của chính quyền; xây dựng chính quyền điện tử. Chân thứ hai là phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, với các nội dung thi đua: Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; phát triên chuỗi giá trị nông sản chủ lực; giảm nghèo bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc - tiến bộ; xây dựng gia đình, dòng họ học tập; các phong trào thi đua trong ngành giáo dục, y tế; xây dựng địa phương, cơ quan xanh - sạch - an toàn; xây dựng địa phương, cơ quan, trường học đảm bảo an toàn và an ninh trật tự.
“Ba mũi” tập trung vào ba nhiệm vụ đột phá, gồm:
Mũi thứ nhất là mũi cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, với các nội dung: Cải cách thủ tục hành chính, chất lượng phục vụ; sáng kiến thực hiện công vụ nhanh, hiệu quả; hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả; xây dựng chính quyền điện tử, phấn đấu đưa chỉ số cải cách hành chính vào tốp 20 cả nước, giữ vững tốp đầu chỉ số PCI, PAPI.
Mũi thứ hai là mũi huy động nguồn vốn đầu tư, phát triển hạ tầng như: Giải phóng mặt bằng cho các công trình, dự án; trữ nước mưa, nước ngọt, xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ; xây dựng giao thông nông thôn; phát triển giao thông kết nối liên xã, liên huyện; phát triển các khu, cụm công nghiệp; hoàn thành giai đoạn 1 tuyến hạ tầng đường ven biển.
Mũi thứ ba là mũi phát triển nguồn nhân lực: Công chức - viên chức học tập, nâng cao trình độ; chuyên nghiệp, tăng năng suất; đổi mới công nghệ, thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ trong lao động sản xuất; áp dụng mô hình quản lý tiên tiến, ứng dụng công nghệ mới phù hợp.
Với phương châm “Hai chân, ba mũi” được Đảng bộ đề ra trong phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” giai đoạn 2020-2025 là cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng bộ, cả hệ thống chính trị và toàn dân Bến Tre cùng đồng lòng, đồng loạt đẩy mạnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, góp phần xây dựng Bến Tre ngày càng văn minh, hiện đại./.
Ghi chú:
1 Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, T.18, tr.772.
2 Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, T.17, tr.785.
3,4 Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, T.20, tr.81, 82.
5 Nguyễn Thị Định: Dự thảo Tổng kết phong trào Đồng khởi 1960 của Tỉnh Bến Tre, ngày 15 tháng 10 năm 1969.
ThS. Nguyễn Thị Thùy Giao
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng