Vai trò của lãnh đạo khoa chuyên môn đối với quá trình phấn đấu trở thành giảng viên của viên chức tập sự

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, công dân sau khi được tuyển dụng vào một ngạch công chức hoặc tương đương làm việc trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập phải trải qua một thời gian tập sự nhất định, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt.

Đối với trường hợp tuyển dụng vào ngạch chuyên viên và tương đương, thời gian tập sự của công chức, viên chức là mười hai tháng. Đây chính là thời gian mà công chức, viên chức tập sự thử việc, học việc để thực hiện các công việc của vị trí tuyển dụng dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của người hướng dẫn – thường là những người làm việc lâu năm, đã có kinh nghiệm làm việc ở vị trí mà công chức, viên chức tập sự đang đảm nhiệm.

Thời gian tập sự là khoảng thời gian rất quan trọng đối với công chức, viên chức tập sự. Kết quả thực hiện công việc của công chức, viên chức tập sự là căn cứ quan trọng để đánh giá xem công chức, viên chức tập sự có làm “được việc” hay không để xét tuyển dụng chính thức. Cần phải nhận thức rõ rằng, kết quả tập sự của công chức, viên chức tập sự trước hết là do nỗ lực cá nhân của người tập sự, nhưng cũng không được xem nhẹ vai trò của người hướng dẫn vì đây là người dẫn dắt, hướng dẫn công chức, viên chức tập sự làm quen với công việc nhằm gia nhập nền công vụ - lĩnh vực lao động đặc thù.

Riêng đối với hoạt động tập sự của viên chức tập sự giảng viên Trường chính trị thì ngoài vai trò của người hướng dẫn, nhân tố quyết định trực tiếp đến kết quả phấn đấu trở thành giảng viên của viên chức tập sự là sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo khoa chuyên môn. Bởi vì, hoạt động giảng dạy, đặc biệt là giảng dạy ở Trường chính trị là hoạt động mang tính chuyên môn cao đòi hỏi người giảng viên không chỉ có kiến thức chuyên môn mà còn phải được trang bị rất nhiều các kiến thức, kỹ năng cần thiết khác để người giảng viên có thể truyền đạt, trao đổi kiến thức với học viên - những cán bộ, công chức, viên chức đang tham gia trong nền công vụ.

Vai trò của lãnh đạo khoa chuyên môn đối cùng với người hướng dẫn với viên chức tập sự giảng viên được quyết định bởi tính đặc thù của môi trường giảng dạy chính trị.

Trong thời gian tập sự, viên chức tập sự giảng viên phải thực hiện rất nhiều công việc. Tuy nhiên, các công việc cơ bản của giảng viên là giảng dạy, nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thực tế, ba nhóm công việc này có liên quan mật thiết với nhau, tác động qua lại và bổ trợ cho nhau. Kết quả thực hiện các công việc trên có ý nghĩa quyết định đến việc phấn đấu trở thành giảng viên của viên chức tập sự. Lãnh đạo khoa chuyên môn cần hướng dẫn sâu, có chất lượng trên các mảng nhiệm vụ sau:

- Thứ nhất, nhiệm vụ giảng dạy. Để thực hiện nhiệm vụ này, viên chức tập sự phải thực hiện các công việc chính, cơ bản như nghiên cứu tài liệu, soạn giáo án (bao gồm cả giáo án word - theo mẫu và giáo án powerpoint - giáo án trình chiếu), tập giảng. Quá trình này đòi hỏi viên chức tập sự phải nỗ lực rất lớn để vừa thực hiện công việc vừa rèn luyện các kỹ năng cần thiết dưới sự dẫn dắt, hướng dẫn của người hướng dẫn và cả sự quan tâm theo dõi và hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo khoa chuyên môn.

+ Việc đọc và nghiên cứu tài liệu là công việc đầu tiên, rất quan trọng, phục vụ cho cả quá trình soạn giáo án và giảng tập của viên chức tập sự. Nếu “đọc” theo cách thông thường thì đây là công việc dễ, nhưng để viên chức tập sự có thể đọc và rút ra được những cái mới, cái hay của tài liệu cũng như khả năng tóm ý, lược ý của từng đoạn văn, nhất là những đoạn văn được viết theo lối song hành là khó. Để làm được điều này đòi hỏi người đọc phải có kiến thức rộng, có tư duy khái quát hóa, trừu tượng hóa cao. Đây cũng là đòi hỏi quá lớn đối với viên chức tập sự  - những người vừa mới rời ghế nhà trường. Vì vậy, ngoài sự kèm cặp, hướng dẫn của giảng viên hướng dẫn, lãnh đạo khoa chuyên môn với kinh nghiệm và kiến thức của mình phải phối hợp với giảng viên hướng dẫn để định hướng về tài liệu nghiên cứu, các phương pháp đọc và nghiên cứu tài liệu phù hợp, thậm chí dành thời gian để trao đổi với họ các nội dung mang tính học thuật mà viên chức tập sự chưa hiểu.

+ Đối với việc soạn giáo án, đây là công việc hoàn toàn mới, lần đầu tiên viên chức tập sự phải thực hiện. Công việc này không đơn giản là đánh máy lại các nội dung trong giáo trình mà đòi hỏi phải tóm lược được các ý trong giáo trình một cách cô đọng nhất nhưng phải bảo đảm đầy đủ dung lượng kiến thức cần truyền tải. Đồng thời, sắp xếp lượng kiến thức ấy theo một trật tự, tạo thành một chỉnh thể mang tính hệ thống các kiến thức lý luận và thực tiễn của bài giảng. Trong công việc này, viên chức tập sự thường có tâm lý (hầu như tất cả các viên chức tập sự đều có tâm lý này) đưa thật nhiều những cái mới, cái hay mà mình khám phá được trong quá trình nghiên cứu, lồng ghép vào nội dung bài giảng nhưng thiếu sự gắn kết làm mất đi tính logic, tính hệ thống của bài giảng. Vì vậy, lãnh đạo khoa trong trường hợp cần thiết có thể chỉ đạo giảng viên hướng dẫn và viên chức tập sự loại bỏ những nội dung không phù hợp này nhằm bảo đảm tính logic, tính hệ thống của bài giảng. Đồng thời, góp ý với họ về các nguyên tắc trong soạn bài trình chiếu powerpoint và khuyến khích sự sáng tạo trong soạn bài trình chiếu dựa trên các nguyên tắc đó.

+ Công việc tập giảng của viên chức tập sự, đây là công việc đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ phía viên chức tập sự, bởi đây là công việc mà họ phải làm trong tương lai, mà trước mắt là phải “thuyết phục” được hội đồng khoa học – những giảng viên gạo cội với nền tảng kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm giảng dạy lâu năm… Đây là áp lực rất lớn không chỉ đối với viên chức tập sự, người hướng dẫn mà còn đối với cả lãnh đạo khoa chuyên môn. Trong công việc này viên chức tập sự phải đối mặt với những vấn đề rất lớn mà tự thân viên chức tập sự rất khó vượt qua nếu không có sự hỗ trợ của lãnh đạo khoa chuyên môn:

* Đối tượng học viên là những người đang làm việc trong nền công vụ, họ đã có kiến thức chuyên môn (thậm chí một số học viên có học vị thạc sĩ, tiến sĩ) cũng như kinh nghiệm công tác thực tiễn. Do đó, lãnh đạo khoa không chỉ đóng vai trò là khâu thẩm định cuối về mặt kiến thức, mà còn là người làm công tác tư tưởng, động viên, khích lệ và truyền thụ các kinh nghiệm để viên chức tập sự có đủ niềm tin, dũng khí để đứng trên bục giảng;

* Viên chức tập sự đa phần là những sinh viên mới ra trường nên chưa được trang bị kiến kiến thức cơ bản về sư phạm, phương pháp ứng xử trong môi trường sư phạm nên viên chức tập sự tập giảng chủ yếu thông qua phương pháp “bắt chước”. Trong công việc này, ngoài việc giảng viên hướng dẫn theo dõi, uốn nắn từng cử chỉ, động tác, thái độ biểu cảm trong quá trình tập giảng. Lãnh đạo khoa cần quan tâm hỗ trợ, thậm chí giảng lại nội dung cơ bản của các phương pháp giảng dạy tích cực, truyền thụ các kinh nghiệm trong thực tiễn vận dụng các phương pháp đó. Lưu ý, đây chỉ là giải pháp “tình thế” còn về nguyên tắc, viên chức tập sự muốn phấn đấu trở thành giảng viên chính thức phải được học về phương pháp giảng dạy theo đúng quy định.

- Thứ hai, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học

+ Trong nhiệm vụ này, viên chức tập sự phải đọc tham khảo rất nhiều tài liệu cũng như phải tích cóp các kinh nghiệm thực tiễn, chọn chủ đề, viết bài nghiên cứu. Để làm tốt các công việc trên, yêu cầu đối với viên chức tập sự là phải có kỹ năng đọc, nghiên cứu tài tiêu, tư duy khái quát hóa, trừu tượng hóa … Đặc biệt hơn, để kết quả nghiên cứu khoa học của viên chức tập sự là một sản phẩm khoa học có hàm lượng chất xám cao và nhất là phải đúng với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì đòi hỏi viên chức tập sự phải được trang bị hệ thống lý luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đây là yêu cầu không tưởng đối với viên chức tập sự - những người vừa mới rời nghế nhà trường.

+ Đối với nhiệm vụ này, lãnh đạo khoa phối hợp với giảng viên hướng dẫn định hướng cho viên chức tập sự các tài liệu cần nghiên cứu, các nội dung cần nghiên cứu chuyên sâu, đặc biệt là các kiến thức cơ bản nhất, mang tính chất bộ khung của hệ thống lý luận chính trị.

- Thứ ba, nhiệm vụ nghiên cứu thực tế

+ Đây là công việc thường xuyên của người giảng viên, trong việc thực hiện nhiệm vụ này, viên chức tập sự chủ yếu là quan sát và nghe trao đổi của các giảng viên trong đoàn nghiên cứu thực tế với lãnh đạo địa phương mà chưa chủ động đặt câu hỏi và trao đổi trực tiếp với lãnh đạo địa phương. Đó là do tâm lý còn e ngại của viên chức tập sự, tâm lý này phát sinh từ nguyên nhân là kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế của viên chức tập sự.

+ Đảm bảo cho viên chức tập sự thực hiện tốt nhiệm vụ này, lãnh đạo khoa trước hết phải tạo động lực, niềm tin cho viên chức tập sự tham gia nghiên cứu thông qua các hỗ trợ như yêu cầu họ chuẩn bị nghiên cứu tài liệu và chuẩn bị câu hỏi, lãnh đạo khoa thẩm định trước các câu hỏi đó và khuyến khích họ trao đổi trực tiếp với lãnh đạo địa phương. Ngoài ra, lãnh đạo khoa phải tạo điều kiện về mặt thời gian để viên chức tập sự tham gia hoạt động này.

Cần lưu lý rằng trong suốt quá trình tập sự, lãnh đạo khoa phải quan tâm hỗ trợ kịp thời nhưng không áp đặt máy móc, triệt tiêu động lực sáng tạo của viên chức tập sự mà ngược lại phải khuyến khích sự sáng tạo của họ.

Tóm lại, lãnh đạo khoa chuyên môn có vai trò rất quan trọng đối với thành công hay thất bại trong quá trình phấn đấu trở thành giảng viên của viên chức tập sự. Hoạt động lãnh đạo đối với công tác hướng dẫn viên chức tập sự tuy là một hoạt động nhỏ trong hoạt động lãnh đạo của các khoa chuyên môn thuộc Trường chính trị nhưng có ý nghĩa to lớn, đó là hoạt động lãnh đạo để “đào tạo” người giảng viên chính trị trong tương lai – người đem nền tảng lý luận của nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước truyền tải cho đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở và là người bảo vệ nền tảng tư tưởng ấy. Góp phần thực hiện nhiệm vụ “đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị” theo tinh thần của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Viên chức tập sự Lê thị Thảo Ngọc giảng tập thông qua Hội đồng khoa học.

ThS. Võ Thái Bình
                                                                   Phó trưởng khoa NN & PL

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh