Tuyên ngôn độc lập - giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại

Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử có giá trị ở nhiều mặt. Trước hết, Tuyên ngôn độc lập công bố với quốc dân đồng bào và với thế giới việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà sự ra đời là kết quả của quá trình hơn 80 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất, anh dũng, hy sinh của bao thế hệ người Việt Nam. Bản Tuyên ngôn đã tố cáo và lên án tội ác man rợ của thực dân Pháp đã gây ra trên đất nước ta. Với tính chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, Bản Tuyên ngôn khẳng định với thế giới cơ sở pháp lý về quyền của dân tộc Việt Nam “Được hưởng tự do và độc lập”; đồng thời, vạch ra cơ sở thực tế là Việt Nam “thực sự đã thành một nước tự do và độc lập”. Cơ sở pháp lý của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được xác định trên hai góc độ: Đã đứng về phe đồng minh chống Nhật; toàn dân đã khởi nghĩa giành chính quyền từ tay Nhật. Pháp lý hiện đại công nhận quyền đương nhiên nắm chính quyền của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc.

Trong không khí hân hoan của những ngày mùa thu tháng 8 năm nay, có dịp đọc nghe lại băng ghi âm mà Bác đọc Tuyên ngôn độc lập mới thấy hết giá trị lý luận cũng như thực tiễn của áng văn bất hủ này.

1. Ý thức độc lập dân tộc của dân tộc ta luôn kiên định và nhất quán

Kháng chiến chống Tống lần thứ nhất thắng lợi, bài thơ thần của Lý Thường Kiệt như một bản tuyên ngôn độc lập thứ nhất của dân tộc đã đánh dấu kỷ nguyên độc lập dân tộc được xác lập: Ý thức độc lập dân tộc của dân tộc ta luôn luôn kiên định và nhất quán.

Sông núi nước Nam vua Nam ở,

Rành rành đã định bởi sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bây sẽ bị đánh tơi bời

Cuộc kháng chiến chống lại nhà Minh thế kỷ thứ XV thắng lợi, Bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi như một bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc đã đánh dấu kỷ nguyên độc lập dân tộc được xác lập:

Như nước Đại Việt ta từ trước,

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,

Núi sông, bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc, Nam cũng khác

Trãi Triệu, Đinh, Lý, Trần đã bao đời gây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh mỗi bên hùng cứ một phương... Ý thức độc lập dân tộc của dân tộc ta luôn luôn kiên định và nhất quán.

Mùa xuân tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện ra đời đã lãnh đạo toàn dân tộc ta đấu tranh giành độc lập dân tộc trong thời kỳ mới.

Năm 1945 thời cơ cách mạng đã đến như Bác khẳng định: “Nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Đó cũng là niềm tin sắt đá của Người khi phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám (1945) với quyết tâm “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải quyết giành cho được độc lập dân tộc”. Với tinh thần quyết tâm và ý chí độc lập dân tộc sôi sục chúng ta tiến hành tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nền độc lập dân tộc được thực hiện. Xét về mặt lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Bản Tuyên ngôn là việc kế thừa, phát huy và nâng lên một tầm cao mới truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc. Biện chứng với giá trị truyền thống là giá trị đương đại, Tuyên ngôn tập trung thể hiện cao độ tư tưởng “không có gì quý hơn độc lập tự do”, đã cổ vũ phong trào giải phóng các dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân trên quy mô toàn thế giới, giành lấy quyền sống, quyền độc lập, tự do, bước lên vũ đài thế giới sánh vai với các cường quốc năm châu.

Như vậy, với quyết tâm sắt đá ấy của toàn dân tộc, nên 15 tuổi Đảng ta và Bác Hồ đã lãnh đạo dân tộc ta qua ba cuộc diễn tập với ba cao trào cách mạng để cuối cùng bằng cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, Tuyên ngôn độc lập ra đời khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới cho độc lập dân tộc của Việt Nam: Độc lập – Tự do – Hạnh phúc; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ý thức độc lập dân tộc của dân tộc ta luôn luôn kiên định và nhất quán.

2. Tuyên ngôn độc lập mở đầu kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam

Trước hết là Độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Đây chính là sự vận dụng chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn một cách sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tế tình hình của cách mạng Việt Nam.

Nếu như nhà cách mạng Tôn Trung Sơn cho rằng mục đích cuối cùng của cách mạng là làm cho Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc thì Bác đã cụ thể hóa thành tiêu ngữ của quốc gia, điều này hoàn toàn phù hợp với tình hình cách mạng Việt Nam, nhu cầu và khát vọng không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn là xu hướng phát tiển và là chân lý của mọi thời đại.

Không phải bây giờ, ở Việt Nam mà là từ xa xưa ở các nước tư bản chủ nghĩa cũng đã khẳng định: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền  ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Lời bất hủ ấy ở trong Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi". Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

Hai là Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Xuất phát từ đặc điểm lịch sử Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX đang khủng hoảng về đường lối cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước, con đường đem lại độc lập dân tộc cho dân tộc Việt Nam và đã tìm đến con đường giải phóng dân tộc của chủ nghĩa Mác-Lênin: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tr.30.)

Người khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(Hồ Chí Minh, Toàn tập: t. 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.563).

Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức, trực tiếp chủ trì thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 03/02/1930. Cương lĩnh chính trị tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930) khẳng định phương hướng, đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam là “Tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Đó chính là mục đích chiến lược của con đường cách mạng Việt Nam mà cả thế kỷ XX và ngày nay Đảng, Nhân dân ta luôn trung thành và kiên định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. Chỉ có đi theo con đường cách mạng vô sản, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội thì độc lập dân tộc mới được giữ vững, nhân dân lao động mới được giải phóng thực sự. Đó cũng chính là chân lý thời đại mà cách đây 100 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lĩnh hội được ở chủ nghĩa Mác-Lênin trên hành trình đi tìm đường cứu nước, cứu dân của mình.

75 năm qua từ khi Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, một kỷ nguyên mới của độc lập dân tộc ở Việt Nam đã mở ra kỷ nguyên Độc lập – Tự do – Hạnh phúc; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Cùng những giá trị trên, Tuyên ngôn còn là một tác phẩm chính luận, có giá trị cao về ngôn ngữ và văn học, xứng đáng được xếp vào hàng “thiên cổ hùng văn” của dân tộc. Chất văn chương ẩn sau trong từng câu, từ của áng văn, trong tình yêu nước, thương dân nồng nàn của Bác, lòng tự hào của dân tộc; trong độ nhạy cảm tinh tế về chính trị và nhân văn cộng với trí tuệ sắc sảo trong tư duy, tài ba sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt đến độ kết tinh trong sáng, uyển chuyển, mãi mãi là áng văn bất hủ, là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam yêu nước./.

ThS. Dương Quốc Hoàng - Phó Hiệu trưởng
ThS. Nguyễn Thành Phương - Trưởng Khoa LLCS

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh