Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Chủ nghĩa xã hội khoa học từ lý luận đã trở thành hiện thực ở Việt Nam

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ăngghen viết tháng 02 năm 1848 cách đây đã hơn 172 năm nhưng tác phẩm kinh điển ấy vẫn còn giữ nguyên giá trị lý luận cũng như giá trị thực tiễn của nó. Ngày Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời đã đánh dấu cho chủ nghĩa cộng sản từ bóng ma trở thành khoa học còn hôm nay chủ nghĩa cộng sản khoa học ấy đã thành hiện thực ở Việt Nam, đã, đang và sẽ có sức sống mãnh liệt, là lương tri, là lý trí và là chân lý của loài người tiến bộ trên toàn thế giới.

Kỷ niệm 202 năm Ngày sinh của C.Mác, ôn lại những giá trị to lớn Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản trong điều kiện Việt Nam đang quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, thành quả to lớn ấy, công lao vĩ đại ấy hoàn toàn thuộc về tư tưởng dự báo của C.Mác.

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ rõ: “Hãy xóa bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ”[1].

Xuất phát từ đặc điểm, tình hình thế giới, chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc và thực tế lịch sử dân tộc, Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là một nước thuộc địa nửa phong kiến. Để hiện thực hóa quan điểm khoa học và cách mạng của C.Mác và Ph.Ăngghen trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: Hãy xóa bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ. Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước và đã tìm đến con đường giải phóng dân tộc của chủ nghĩa Mác-Lênin: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[2].

Người khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[3].

Ở Việt Nam cuộc đấu tranh giai cấp trong thời điểm lịch sử ấy chỉ có thể là cuộc đấu tranh dân tộc chống lại chủ nghĩa thực dân, đế quốc đúng như C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản dù về mặt nội dung, không phải là một cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh dân tộc”[4].

Trong Tuyên ngôn, C.Mác còn nhấn mạnh: “Thay cho xã hội tư bản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”[5]. Những luận điểm đó của C.Mác là cơ sở lý luận và phương pháp luận để soi rọi vào tiến trình phát triển không chỉ cho cách mạng Việt Nam mà còn là xu thế vận động, biến đổi, phát triển chung của thời đại, của cách mạng thế giới hiện nay.

Để thực hiện quan điểm khoa học và cách mạng trên, Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức, trực tiếp chủ trì thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: Cách mệnh “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”[6].

Cương lĩnh đầu tiên 1930 khẳng định:“Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[7]. Đó chính là ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng Cộng sản Việt Nam và dân tộc Việt Nam luôn giương cao trong cuộc đấu tranh vì mục đích cuối cùng của quốc gia, dân tộc.

Nếu như mục đích cuối cùng của những người cộng sản là thực hiện chủ nghĩa cộng sản. Nhưng “bước thứ nhất trong cuộc cách mạng công nhân là giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị, là giành lấy dân chủ”[8], là “tổ chức những người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành lấy chính quyền”. Bước thứ hai, giai cấp vô sản và nhân dân lao động sử dụng chính quyền nhà nước của mình để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới về mọi mặt, trong đó xóa bỏ chế độ tư hữu, thiết lập chế độ công hữu, đẩy mạnh sự phát triển của lực lượng sản xuất là nhiệm vụ cốt lõi. Tuy nhiên, các tác giả của Tuyên ngôn cũng lưu ý rằng, những biện pháp để giải quyết những nhiệm vụ của giai đoạn này cũng sẽ rất khác nhau trong những nước khác nhau.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giành lấy dân chủ còn có nghĩa là giai cấp vô sản lãnh đạo Nhà nước phải chăm lo mọi mặt của đời sống Nhân dân. Người đề ra chủ trương: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến dần từ chế độ dân chủ nhân dân lên chủ nghĩa xã hội bằng cách phát triển và cải tạo nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa xã hội, biến nền kinh tế lạc hậu thành một nền kinh tế…. của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là không ngừng phát triển sản xuất để nâng cao mãi đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân”[9].

C.Mác và Ph.Ăngghen đã viết trong “Lời tựa” của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” cho bản tiếng Đức (xuất bản năm 1872): “Mặc dầu hoàn cảnh đã thay đổi nhiều trong hai mươi lăm năm qua, nhưng cho đến nay, xét về đại thể, những nguyên lý tổng quát trình bày trong Tuyên ngôn vẫn còn hoàn toàn đúng”; và “Chính ngay Tuyên ngôn cũng đã giải thích rõ rằng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy, không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II. Đoạn này, ngày nay mà viết lại thì về nhiều mặt, cũng phải viết khác đi”[10]. C.Mác và Ph.Ăngghen đã đưa ra một phác thảo về xã hội mới đó trên những nét chủ yếu và đồng thời chỉ rõ, xã hội mới này không phải đã được xác lập ngay lập tức, mà sẽ chỉ được xác lập trong tiến trình cải tạo dần dần xã hội cũ. Không chỉ thế, khi vạch ra những biện pháp mà nhà nước vô sản cần phải thực hiện để chuẩn bị cơ sở cho công cuộc cải tạo cách mạng đó, các ông đã không coi những biện pháp ấy là tuyệt đối, đầy đủ, không thể thay thế, mà cho rằng, bản thân thực tiễn xây dựng xã hội mới và những điều kiện lịch sử – cụ thể của thực tiễn ấy sẽ mang lại những sửa đổi tương ứng, thích hợp cho những biện pháp ấy và “trong những nước khác nhau, những biện pháp ấy dĩ nhiên sẽ khác nhau rất nhiều”[11].

Ph.Ăngghen đã một lần nữa khẳng định: “Muốn làm cho chủ nghĩa xã hội thành một khoa học thì trước hết phải đặt chủ nghĩa xã hội trên một cơ sở hiện thực” và “ngày nay, vấn đề trước hết là phải nghiên cứu thêm, trong mọi chi tiết và mọi mối liên hệ của nó”[12]. Việt Nam từ thực tế lịch sử đã đặt chủ nghĩa xã hội trên mảnh đất hiện thực và nó có sức sống, sức lôi cuốn mãnh liệt.

V.I.Lênin cũng từng căn dặn: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”[13].

Người còn chỉ rõ phương châm hành động của các đảng cộng sản: “Phải chú trọng đến cuộc sống sinh động, đến những sự thật chính xác của hiện thực”[14].

Nếu như C.Mác và Ph.Ăngghen đã nhấn mạnh rằng: “Giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí sẽ giết mình; nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là những công nhân hiện đại, những người vô sản”[15].

Chỉ có giai cấp vô sản mới có khả năng đảm nhận được sứ mệnh lịch sử to lớn và cao cả đó, bởi “Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”[16].

Trong Tuyên ngôn C.Mác và Ph.Ăngghen khái quát bằng luận điểm có tính khoa học và cách mạng rất sâu sắc: “Trước hết giai cấp tư sản sản sinh ra những người đào huyệt chôn chính nó. Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”[17].

Ở Việt Nam do những đặc điểm lịch sử quy định, giai cấp công nhân ra đời và phát triển gắn bó mật thiết với nông dân và các tầng lớp lao động khác cho nên trong quá trình thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tạo và phát triển phù hợp với xu thế của thời đại và nhu cầu, khát vọng của dân tộc: Đảng chủ trương tập hợp đại bộ phận giai cấp công nhân, nông dân và phải dựa vào hạng dân cày nghèo, lãnh đạo nông dân làm cách mạng ruộng đất; lôi kéo tiểu tư sản, trí thức, trung nông... đi vào phe vô sản giai cấp; đối với phú nông, trung tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (như Đảng Lập hiến) thì phải đánh đổ.

“Trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền, vô sản giai cấp và nông dân là hai động lực chánh, nhưng vô sản có cầm quyền lãnh đạo thì cách mạng mới thắng lợi được”[18].

Thay cho xã hội tư bản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người mà C.Mác phát họa trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã được Đảng ta bổ sung, hoàn chỉnh bằng những nét chấm phá hình thành bức tranh chủ nghĩa xã hội hiện thực Việt Nam: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no tự do hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”. Đây là tiền đề căn bản để con người từ vương quốc tất yếu sang vương quốc tự do. Đó cũng chính là sự vận dụng, sáng tạo độc đáo và phát triển đến đỉnh cao tư tưởng C.Mác về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Bác Hồ và Đảng ta.

Từ năm 1930 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại: Nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Thành quả to lớn ấy, chính là nhờ vào sự vận dụng một cách sáng tạo và phát triển những tư tưởng vĩ đại của C.Mác trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản phù hợp với xu thế vận động, biến đổi của thời đại và khát vọng, nhu cầu của dân tộc.

Đánh giá về tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, V.I.Lênin khẳng định: “Cuốn sách nhỏ ấy có giá trị bằng hàng ngàn bộ sách, tinh thần của nó đến bây giờ vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn thế giới giai cấp vô sản có tổ chức và đang chiến đấu của thế giới văn minh”[19].

Xuất phát từ tầm vóc vĩ đại của Tuyên ngôn, tác phẩm lý luận kiệt tác mà C.Mác đã để lại cho những người vô sản Việt Nam, cho loài người tiến bộ, trong điều kiện tình hình thực tế vận động và biến đổi hiện nay, Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta chỉ rõ: “Chú trọng xây dựng Đảng về chính trị. Kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới”[20].

Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” nêu rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên cơ sở quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam trong thời đại ngày nay, trước hết là trong xây dựng đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thể chế, nguyên tắc tổ chức hoạt động của toàn hệ thống chính trị.

Kiên trì thế giới quan, phương pháp luận khoa học và các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đồng thời tiếp thu các thành tựu mới, tinh hoa của nhân loại. Nâng cao hiệu quả đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thì địch; uốn nắn những nhận thức lệch lạc.

Trong giai đoạn hiện nay, khi Đảng ta chủ trương tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thì việc nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng, nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là một tất yếu. Hiểu rõ những tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, hiểu rõ mục tiêu, lý tưởng của những người cộng sản, hiểu rõ thế giới quan và phương pháp luận khoa học mà học thuyết mácxít mang lại, đó cũng chính là cách mà mỗi cán bộ, đảng viên tự bồi dưỡng lập trường tư tưởng, quan điểm, phương pháp cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị nhằm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà lịch sử và dân tộc giao cho.

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời hơn 172 năm, nhưng những giá trị của tác phẩm vẫn còn sống mãi. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn vận dụng những nguyên lý của các nhà kinh điển vào thực tiễn Việt Nam một cách sáng tạo, hiệu quả. Đó là những quan điểm về mục tiêu cách mạng, vai trò của Đảng Cộng sản, vai trò của giai cấp vô sản, vai trò của việc xây dựng ý thức xã hội mới: Ý thức xã hội xã hội chủ nghĩa. Trong khi chủ nghĩa xã hội thế giới lại đang ở bước thoái trào, những khó khăn và thách thức của thời đại đã và đang cản trở sự phát triển của cách mạng, song lịch sử xã hội loài người vẫn tiếp tục tiến lên theo những quy luật mà “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã dự báo; từ đó, khẳng định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với quy luật khách quan của lịch sử nhân loại./.

 

[1] C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 624

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tr.30

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập: t. 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 563

[4] C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 611

[5] C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 628

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 289

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 1

[8] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t. 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 626

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 372

[10] C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 18, tr. 128

[11] C.Mác và PhĂngghen. Toàn tập, t. 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 627

[12] C.Mác và PhĂngghen, Toàn tập t. 19, tr. 293, 305

[13] V.I.Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 232

[14] V.I.Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 31, tr. 162-163

[15] C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t. 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 605

[16] C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 610

[17] C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 613

[18] Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 2

[19] V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, t. 26, tr. 10

[20] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 199

ThS. Nguyễn Thành Phương
Trưởng khoa Lý luận cơ sở

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh