Chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường đã giúp Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành nước có thu nhập trung bình thấp. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia năng động nhất Đông Á Thái Bình Dương. Năm 2020, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2,91%, mặc dù mức tăng này thấp nhất của thập kỷ 2011-2020, nhưng đây là mức tăng trưởng cao nhất thế giới hiện nay.
Trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, bên cạnh việc tranh thủ tối đa lợi ích từ các nước, nhất là các nước có nền kinh tế phát triển đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế nước nhà tăng trưởng cao, tuy nhiên cũng không ít những tác động tiêu cực từ bên ngoài như là vấn đề khủng hoảng, suy thoái, nợ công... đặc biệt là dịch bệnh (dịch Covid-19) ảnh hưởng rất lớn tới tăng trưởng nền kinh tế nước ta. Nếu so sánh các năm từ 2016 đến 2019, thì GDP năm 2020 nước ta thấp nhất. Nhưng nếu so sánh với nền kinh tế thế giới thì đây là mức tăng trưởng cao nhất, nằm trong 4 nước có tăng trưởng dương.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới, IMF dự báo trong năm 2020, khi đại dịch Covid-19 hoành hành, sẽ chỉ có 4 trong số 50 nền kinh tế lớn nhất có được sự tăng trưởng về GDP bình quân đầu người, trong đó có Việt Nam. Tính chung cả năm 2020, GDP năm 2020 tăng 2,91% (quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,69%; quý IV tăng 4,48%). Trong khi đó, theo các tổ chức quốc tế, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2020. Cùng với đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, căng thẳng chính trị gia tăng giữa Mỹ - Iran, bất đồng nội bộ trong tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và trên bán đảo Triều Tiên, căng thẳng giữa Trung và Ấn sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Quỹ Tiền tệ quốc tế dự đoán tăng trưởng toàn cầu có thể giảm âm 4,9%, còn Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế dự báo nếu Covid-19 bùng phát lần 2, GDP toàn cầu có thể giảm âm 7,6%. Như vậy, rõ ràng với quyết tâm nỗ lực của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta đã tác động tích cực, hiệu quả, đạt được mục tiêu như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra là vừa chống dịch, vừa tăng trưởng kinh tế.
Nguyên nhân nào chúng ta đạt được con số ấn tượng như vậy? Theo các nhà nghiên cứu kinh tế trong và ngoài nước, “chìa khóa” giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong đại dịch Covid-19, thể hiện ở những nội dung cơ bản: Việt Nam có lợi thế hơn các nước láng giềng Đông Nam Á. Giống như Trung Quốc, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam được thúc đẩy bởi sản xuất và xuất khẩu, vốn dễ duy trì đà tăng trưởng hơn trong thời kỳ đại dịch so với các lĩnh vực phụ thuộc vào tiêu dùng nội địa. Năm 2019, ngành dịch vụ chiếm 45% GDP của Việt Nam, nhưng chỉ tăng trưởng 3,2% trong quý I/2020, giảm từ mức 6,5% trong cùng kỳ năm ngoái; nền kinh tế Việt Nam cũng ít phụ thuộc hơn vào du lịch so với các nước Đông Nam Á khác, khi chỉ chiếm 9% GDP trong năm 2018 so với tỷ lệ 32% của Campuchia và 20% của Thái Lan. Do đó, Việt Nam chịu ít áp lực hơn trước sự sụp đổ của ngành du lịch quốc tế. Việt Nam bước vào năm 2020 với lợi thế 2 năm tiếp nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ. Đó là chưa kể việc Việt Nam phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và chủ trì lễ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đã giúp tăng trưởng kinh tế và thương mại của nước này khả quan hơn.. Vấn đề quan trọng là các quyết định của lãnh đạo Việt Nam trong việc ngăn chặn tình trạng suy thoái kinh tế và sức khỏe từ dịch Covid-19 là động lực chính cho mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm nay. Đây rõ ràng là sự ghi nhận đối với cách thức phản ứng nhanh và hiệu quả của Đảng Cộng sản và các cấp chính quyền Việt Nam.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên Việt Nam kiểm soát lạm phát dưới 4%, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ các giải pháp theo các thứ tự ưu tiên sau:
Một là, xây dựng, triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể là tiếp tục cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Đặc biệt, đã rà soát và nhanh chóng ban hành các thông tư quy định nhằm giảm thuế, phí và lệ phí trong thời gian ngắn nhất nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, góp phần tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Hai là, đã thực hiện đồng loạt các giải pháp kích cầu đầu tư của khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020. Đồng thời, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; vì nền kinh tế của chúng ta đang dựa đáng kể vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài và chịu nhiều tác động cả trực tiếp và gián tiếp từ Covid-19.
Ba là, xác định việc kích cầu nền kinh tế bằng bàn tay của Nhà nước thông qua việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2020, xác định các giải pháp cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa và ảnh hưởng đến kinh tế.
Để phục hồi và giữ vững tăng trưởng kinh tế sau năm 2020, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt trong việc phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là sự biến thể của nó; tiếp tục thực hiện mục “tiêu kép” nhưng phải đảm bảo an toàn.
Tóm lại, năm 2021, tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh; phát triển mạnh thị trường trong nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm. Phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo./.
Tài liệu tham khảo
1. Việtnamnet, ngày 8 tháng 10 năm 2020, ‘tổng quan về kinh tế Việt Nam’.
2. Báo người lao động, ngày 28/12/2020, tăng trưởng GDP 2020 đạt 2,91%, ‘Việt Nam nhóm cao nhất thế giới’.
3. Thời sự Sự kiện Tài chính Tin tức, 19/11/2020, năm 2020, ‘Việt Nam là một trong 4 nền kinh tế có tăng trưởng GDP bình quân đầu người’.
4. Báo Kinh tế, Thứ Hai, 23/11/2020, ‘Truyền thông quốc tế lý giải nguyên nhân kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương’.
5. Tài chính, 24/07/2020,‘Đâu là giải pháp then chốt thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam trong 06 tháng cuối năm’?
ThS. Trần Văn Hòa
Phó Trưởng Khoa Lý luận cơ sở