Bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, đồng thời vừa là mục tiêu và động lực đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Trong đó, chính sách bảo hiểm xã hội luôn được coi là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội. “Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người tham gia bảo hiểm xã hội khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, khi nghỉ hưu hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội hoặc do ngân sách nhà nước bảo đảm” [1].
Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế là sự lớn mạnh không ngừng của hệ thống an sinh xã hội, chính sách bảo hiểm xã hội đã phát huy vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội, là sự bảo đảm thay thế cho người lao động khi giải quyết những rủi ro trong cuộc sống như ốm đau, bệnh tật, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mất việc làm cũng như khi đến tuổi già không còn khả năng lao động; góp phần tích cực vào việc ổn định xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Quỹ bảo hiểm xã hội đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất, hoạt động theo nguyên tắc “đóng - hưởng”, chia sẻ giữa các thế hệ và giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội. Tính đến tháng 6/2024, cả nước có khoảng 18,3 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt tỷ lệ bao phủ là 39,05% lực lượng lao động trong độ tuổi, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,62 triệu người. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã thực hiện chi trả chế độ bảo hiểm xã hội cho gần 8 triệu người. Bảo hiểm xã hội còn phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho hơn 442.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp [2].
Xác định tầm quan trọng của chính sách bảo hiểm xã hội, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề này. Những chính sách, quy định về bảo hiểm xã hội không ngừng được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đã giúp hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội, các quan hệ bảo hiểm xã hội được thiết kế, điều chỉnh và vận hành ngày càng phù hợp đặc điểm và tình hình thực tiễn của đất nước trong từng giai đoạn cụ thể. Vừa qua, tại Kỳ họp lần thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 (Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025; thay thế Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 (Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014). Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, gồm 11 chương, 141 điều, hướng đến 03 mục tiêu cụ thể: (i) Bảo đảm an sinh xã hội theo quy định của Hiến pháp; thể chế hóa quan điểm, đường lối, nội dung cải cách trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và các văn kiện, nghị quyết có liên quan; (ii) Sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; (iii) Mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Trên cơ sở Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và tình hình thực tiễn, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có một số điểm mới nổi bật như sau:
Thứ nhất, về trợ cấp hưu trí xã hội
Trợ cấp hưu trí xã hội là loại hình bảo hiểm xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm cho người cao tuổi đủ điều kiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024. Chế độ trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi nhằm hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng (gồm trợ cấp hưu trí xã hội; bảo hiểm xã hội cơ bản (bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện) và bảo hiểm hưu trí bổ sung). Theo đó, độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là 75 tuổi, thấp hơn 5 tuổi so với tuổi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi hiện hành. Riêng đối với công dân Việt Nam thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở đề nghị của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 còn thể hiện liên kết tầng trong hệ thống bảo hiểm xã hội bằng việc quy định chế độ trợ cấp hàng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; trong thời gian hưởng trợ cấp này, được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng.
Thứ hai, mở rộng đối tượng được tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; người lao động làm việc không trọn thời gian; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương. Việc bổ sung quy định trên đảm bảo phù hợp với những quy định của Bộ luật Lao động 2019, đồng thời đảm bảo gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng tham gia góp phần gia tăng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã bổ sung quyền thụ hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thay vì chỉ hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất như Luật hiện hành. Đồng thời giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với đối tượng khác mà có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên trên cơ sở đề xuất của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ. Quy định này tạo điều kiện cho việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các nhóm đối tượng khác phù hợp với sự thay đổi của quan hệ lao động, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người lao động trong tương lai.
Thứ ba, chú trọng đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội
Chú trọng đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội, hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân luôn là mục tiêu lớn của bảo hiểm xã hội, ngày càng được cụ thể hóa, quy định chặt chẽ theo thời gian. Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; quy định gia tăng cơ hội được hưởng lương hưu của người tham gia bảo hiểm xã hội thông qua việc giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần. Người lao động vẫn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu đã chấm dứt tham gia bảo hiểm xã hội mà có đề nghị và thuộc một trong các trường hợp quy định cụ thể tại Luật.
Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã quy định cụ thể về “mức tham chiếu” thay cho “mức lương cơ sở” để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội và do Chính phủ quyết định. Khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 bằng mức lương cơ sở. Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở tại thời điểm đó. Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Đồng thời, Luật quy định giao Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh một số quy định liên quan đến căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, cách tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khi Nhà nước áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế cho hệ thống bảng lương hiện hành.
Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã đặt ra mục tiêu: “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch”. Vì vậy, hoàn thiện các quy định pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc điều chỉnh các hoạt động liên quan đến bảo hiểm xã hội chính là một trong những giải pháp cốt yếu quan trọng đảm bảo an sinh xã hội, góp phần giữ vững ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
==================
[1] Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 29/6/2024.
[1] Theo thông tin về hoạt động ngành trong 6 tháng đầu năm 2024 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
CN. Lê Thị Thảo Ngọc
Khoa Nhà nước và pháp luật