Đề cập đến tiểu sử và sự vĩ đại của V.I.Lênin, hầu như các sách, báo, tài liệu từ nhiều hình thức trình bày khác nhau tựu trung đề cập đến: Vơlađimia Ilich Lênin (Vladimir Ilyich Lenin) là một lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga, là người phát triển học thuyết của Các Mác và Phriđơrich Ăngghen. Ông là người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản; đồng thời lãnh đạo nhân dân Nga tiến hành Cách mạng tháng Mười Nga, thành lập ra Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo (7/11/1917). Ông là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất đến toàn thế giới. Để có sự ngợi ca này không chỉ riêng một quốc gia, dân tộc nào mà cả thế giới biết đến Người với lòng tôn kính. Nhân kỷ niệm 150 năm Ngày sinh của V.I.Lênin (22/4/1870-22/4/2020). Tôi muốn đề cập đến tư tưởng của V.I.Lênin đã có những đóng góp vô cùng to lớn để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội hiện thực ở nước Nga trong thời kỳ quá độ.
Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga thành công và sự ra đời của nước Nga Xô Viết xảy ra gần 103 năm, đây là cuộc chiến thắng vĩ đại nhất, triệt để nhất, mang văn minh đến cho nhân loại, là cuộc cách mạng thắng lợi đầu tiên của giai cấp công nhân và nông dân; cuộc cách mạng còn khẳng định niềm tin của một bộ phận quốc gia, dân tộc có hy vọng, vững tin vào Chủ nghĩa Mác-Lênin. Từ đây, những lý luận cách mạng của Đảng Cộng sản không chỉ nằm trên bàn giấy mà nó đã trở thành hiện thực. Thành công Cách mạng Tháng Mười Nga đã đánh một đòn chí mạng và trực tiếp vào đế chế Nga Hoàng, song cuộc cách mạng này thắng lợi đã cảnh tỉnh, cảnh báo cho thế lực đối kháng phải hiểu hơn về cách mạng và người làm cách mạng. Đây là một sự kiện lịch sử hợp quy luật, đúng với sự phát triển tự nhiên của loài người từ thấp đến cao và mở đầu thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Cuộc chiến thắng vĩ đại này phải công nhận vai trò đóng góp to lớn của Lãnh tụ V.I.Lênin. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế.”
Qua thực tiễn bảy năm xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ của nước Nga thành công (1917 - 1924), V.I.Lênin xứng đáng được công nhận là “nhà cách tân vĩ đại đầu tiên trong lịch sử chủ nghĩa xã hội hiện thực” với những tư tưởng to lớn:
1. Tư tưởng của V.I.Lênin về vấn đề kinh tế - chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước Nga
1.1. Tư tưởng chuyên chính vô sản
Chuyên chính vô sản hay nền chuyên chính vô sản là một lý thuyết của chủ nghĩa Mác-Lênin, là một bộ phận quan trọng của chủ nghĩa cộng sản khoa học, theo đó chuyên chính vô sản là việc giai cấp công nhân nắm quyền lực nhà nước và sử dụng quyền lực nhà nước trấn áp giai cấp tư sản để tiến hành xây dựng một xã hội không còn giai cấp.
V.I.Lênin khẳng định: Chuyên chính vô sản không phải là một “hình thức quản lý”, mà là một nhà nước thuộc một kiểu khác, nhà nước vô sản, một bộ máy để giai cấp vô sản, trấn áp giai cấp tư sản. Trấn áp như vậy là cần thiết, vì giai cấp tư sản sẽ luôn luôn chống lại một cách điên cuồng, khi nó bị tước đoạt.
Chuyên chính vô sản là “hòn đá thử vàng” để nhận ra người mác xít “đích thực” và người Marxit giả danh chỉ những người đã hiểu rằng chuyên chính của một giai cấp là tất yếu không những cho mọi xã hội có giai cấp nói chung, không những giai cấp vô sản sau khi đã lật đổ giai cấp tư sản mà còn suốt cho cả thời kỳ lịch sử từ chế độ tư bản chủ nghĩa đến “xã hội không có giai cấp”, đến chế độ cộng sản chủ nghĩa, chỉ những người đó mới thấm nhuần được thực chất của học thuyết C.Mác về Nhà nước.
Khẩu hiệu ông đưa ra: CCVS = CQXV + ĐKHTQ + … = NN&CM (Chuyên chính vô sản = chính quyền Xô Viết + điện khí hóa toàn quốc…..= Nhà nước và cách mạng)
1.2. Tư tưởng liên minh công nông.
V.I.Lênin khẳng định: “Chuyên chính vô sản là một hình thức đặc biệt của liên minh giai cấp giữa giai cấp vô sản, đội tiên phong của những người lao động, với đông đảo những tầng lớp lao động không phải vô sản (tiểu tư sản, tiểu chủ, nông dân, trí thức)”.
“Nguyên tắc cao nhất của chuyên chính là duy trì khối liên minh giữa giai cấp vô sản và nông dân để giai câp vô sản có thể giữ được vai trò lãnh đạo và chính quyền nhà nước”.
1.3. Về đặc trưng của chủ nghĩa xã hội
V.I.Lênin phác thảo về đặc trưng của chủ nghĩa xã hội như sau:
Mục tiêu cao nhất của chủ nghĩa xã hội là giải phóng con người khỏi mọi ách bóc lột về kinh tế và nô dịch về tinh thần, tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện.
Cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội được tạo ra bởi một lực lượng sản suất tiên tiến, hiện đại.
Chủ nghĩa xã hội là từng bước xoá bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa, thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất.
Chủ nghĩa xã hội tạo ra cách tổ chức lao động và kỷ luật lao động mới với năng suất cao.
Chủ nghĩa xã hội thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động.
Nhà nước trong chủ nghĩa xã hội là nhà nước dân chủ kiểu mới, thể hiện bản chất giai cấp công nhân, đại biểu cho lợi ích, quyền lực và ý chí của nhân dân lao động.
Trong chủ nghĩa xã hội, các quan hệ giai cấp - dân tộc - quốc tế được giải quyết phù hợp, kết hợp lợi ích giai cấp - dân tộc với chủ nghĩa quốc tế trong sáng.
1.4. Về thời kỳ quá độ
V.I.Lênin cho rằng: Về lý luận, không còn nghi ngờ gì nữa rằng giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội xã hội chủ nghĩa phải có một thời kỳ quá độ. Đó là thời kỳ đấu tranh giữa chủ nghĩa tư bản đã bị đánh bại và chủ nghĩa xã hội mới phát sinh. Kiểu quá độ của V.I.Lênin là quá độ toàn diện, gián tiếp. Vì từ các nước thuộc địa xuất phát điểm thấp đi lên chủ nghĩa xã hội.
1.5. Về chính sách cộng sản thời chiến, Thuế lương thực và NEP với chủ nghĩa tư bản nhà nước
Về chính sách cộng sản thời chiến của V.I.Lênin phản ánh việc quản lý xã hội bằng biện pháp trưng thu, trưng mua tập trung mọi nguồn lực vào tay nhà nước nhằm bảo đảm cho việc quản lý thống nhất khi đất nước còn bị bao vây, cấm vận của chủ nghĩa đế quốc.
Về NEP với chủ nghĩa tư bản nhà nước của V.I.Lênin, phản ánh việc quản lý xã hội trong thời kỳ quá độ bằng biện pháp phát triển kinh tế hàng hóa…
1.6. V.I.Lênin với vấn đề dân chủ
V.I. Lênin cho rằng: “Dân chủ là sự thống trị của đa số” “chế độ dân chủ” là một hình thức nhà nước, một trong những hình thái của nhà nước.
Thứ nhất, dân chủ là sản phẩm tiến hóa của lịch sử, dân chủ là một nhu cầu khách quan của nhân dân lao động, dân chủ là quyền lực của nhân dân.
Thứ hai, dân chủ với tư cách là một phạm trù lịch sử, phạm trù chính trị gắn với một kiểu nhà nước và một giai cấp cầm quyền do đó không có dân chủ “phi giai cấp, dân chủ chung chung”. Trong xã hội có giai cấp, việc thực hiện dân chủ cho những tập đoàn người này là đã hạn chế dân chủ của tập đoàn người khác. Mỗi chế độ dân chủ gắn liền với nhà nước đều mang bản chất của giai cấp thống trị. Điều này là tất yếu cho mọi chế độ dân chủ, kể cả chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, dân chủ được hiểu với tư cách là một hệ giá trị phản ánh trình độ phát triển cá nhân và cộng đồng xã hội trong quá trình giải phóng xã hội, chống áp bức, bóc lột và nô dịch để tiến tới tự do, bình đẳng. V.I.Lênin phát triển những quan điểm dân chủ của chủ nghĩa Mác vào điều kiện cụ thể nước Nga để giác ngộ giai cấp vô sản Nga. Vận dụng, kết hợp chế độ tập trung và dân chủ, đồng thời đề ra thành một nguyên tắc cơ bản trong xây dựng đảng kiểu mới - nguyên tắc tập trung dân chủ.
1.7. V.I.Lênin với tư tưởng dân tộc
V.I. Lênin với “Cương lĩnh dân tộc” thể hiện từ ba nội dung cơ bản:
Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng; Các dân tộc được quyền tự quyết; Liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc đã giải quyết vấn đề bình đẳng dân tộc thực sự ở nước Nga thay cho nhà tù của các dân tộc dưới thời Nga hoàng.
1.8. V.I.Lênin về nhà nước
V.I.Lênin đã viết một tác phẩm được xem là kinh điển: Nhà nước và cách mạng. Trong tác phẩm, Người đã trình bày một cách có hệ thống học thuyết của chủ nghĩa Mác về nhà nước và những nhiệm vụ của giai cấp vô sản trong cách mạng. Tác phẩm đặt cơ sở cho lý luận về nhà nước XHCN - phần quan trọng nhất của học thuyết mác-xít về nhà nước. Tác phẩm thể hiện rõ quan điểm, tư tưởng lý luận của V.I.Lênin về nhà nước và cách mạng và được xem như kim chỉ nam dẫn đường cho Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, thiết lập nhà nước chuyên chính vô sản. Trong quá trình lãnh đạo, V.I.Lênin đã vận dụng tác phẩm vào quá trình cải biến, thay đổi một đất nước Nga Xô viết ngày càng hoàn thiện, là điểm sáng của công cuộc đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhà nước công - nông đầu tiên trên thế giới, mở đầu cho kỷ nguyên của CNXH hiện thực, hình thành hàng loạt nhà nước XHCN đến hiện nay.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng những tư tưởng của V.I.Lênin về vấn đề kinh tế - chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Bắc Nam sum hợp một nhà cùng bắt tay nhau đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Việc làm đầu tiên ở miền Nam là thiết lập chính quyền nhân dân (Ủy ban quân quản tức dùng quân sự quản lý xã hội vì chưa tổng tuyển cử)
Tháng 12 năm 1976 về mặt nhà nước, nhân dân cả nước đã tham gia cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội nước Việt Nam thống nhất. Quốc hội đã ra những quyết định lịch sử về quốc hiệu, quốc kỳ, quốc ca, xác lập hệ thống bộ máy nhà nước. Quốc hội đã bầu Chủ tịch nước, các Phó Chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, thông qua danh sách Hội đồng quốc phòng, Hội đồng Chính phủ và thành lập Ủy ban của Quốc hội. Các tổ chức chính trị - xã hội trên cả hai miền đất nước nhanh chóng tiến hành đại hội hợp nhất và đi vào hoạt động.
Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ tư của Đảng đã thông qua đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam với đường lối chung và đường lối kinh tế trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội và cho nhiệm kỳ 5 năm của đại hội.
Thông qua Đại hội, Đảng ta đã quyết định nhiều nội dung quan trọng việc ổn định chính trị, hoàn thiện thể chế nhà nước chuyên chính vô sản, củng cố và mở rộng liên minh công nông, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa với việc xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.
Việt Nam tiếp tục trải qua cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1978, chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 và làm nghĩa vụ quốc tế với Campuchia 10 năm. Thời điểm này, Mỹ đã bao vây cấm vận Việt Nam… Đó là những gian nan, thử thách đã phần nào kìm hảm sự phát triển của đất nước, mặt khác chúng ta chưa có điều kiện vận dụng một cách bài bản những tư tưởng của V.I.Lênin về vấn đề kinh tế - chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Việt Nam lâm vào khủng hoảng trầm trọng, lạm phát phi mã, hàng hóa khan hiếm, đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn. Trước tình đó, Đại hội VI (1986) đã đưa ra quan điểm đổi mới tư duy mà trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, về cải tạo xã hội chủ nghĩa, phương hướng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Điều này cho thấy sự sinh động, sáng tạo và sự chuyển biến linh hoạt để khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém mang lại sức sống mới, sự đổi thay kỳ diệu và bằng chứng là những thành tựu được đạt được đã ghi nhận sau 30 năm đổi mới.
Đến Đại hội VII (1991), Đại hội XI (2011), Đại hội XII (2016) của Đảng tiếp tục vận dụng và phát triển tư tưởng chỉ đạo của Đại hội VI đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu trên cơ sở vận dụng và phát triển sáng tạo những tư tưởng của V.I.Lênin về vấn đề kinh tế - chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nhằm xây dựng một nước Việt Nam thống nhất, hòa bình, độc lập, dân chủ, văn minh trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Một trong những thành công của thời kỳ này, đó là trong đổi mới, Đảng ta đã đặc biệt chú trọng vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng đó của chủ nghĩa Mác - Lênin để sự đổi mới nhận được sự thống nhất, đồng tình của nhân dân. Ý Đảng lòng dân hòa quyện nó chính là động lực to lớn, là căn nguyên nguồn cội chính để đất nước ta ngày càng phát triển và khẳng định tiếng nói của mình trên trường quốc tế.
Kỷ niệm ngày sinh V.I.Lênin đã gần kề, tôi càng tâm đắc những nhận định nói về ông: V.I.Lênin nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới là chân lý./.
ThS. Nguyễn Thị Yến
Trưởng Khoa NN và PL