Sau khi Ph.Ăngghen mất (1895), phong trào công nhân Tây Âu trải qua nhiều biến đổi, xuất hiện nhóm hữu khuynh và tả khuynh trong phong trào công nhân. Nhóm hữu khuynh chủ trương dung hòa với giai cấp tư sản, bác bỏ, phê phán quan điểm mácxít về cách mạng xã hội; nhóm tả khuynh chủ trương cách mạng bằng mọi hình thức, bất chấp điều kiện lịch sử cụ thể. Triết học Mác đứng trước nhiều thách thức do những cách lý giải tùy tiện và xuyên tạc từ bình diện thế giới quan đến phương pháp luận. Để bảo vệ và phát triển những luận điểm nền tảng của chủ nghĩa Mác trong điều kiện lịch sử mới, phổ biến chúng vào phong trào công nhân, vạch ra tính quy luật của vận động xã hội, qua đó phê phán các quan điểm phi mácxít về tiến trình lịch sử - xã hội đang tồn tại ở nước Nga. V.I.Lênin đã cho ra đời nhiều tác phẩm có tính luận chiến, trong đó có tác phẩm “Những người bạn dân là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ - xã hội ra sao?.
Tác phẩm được viết đầu năm 1894 đến mùa hè năm 1894 và được in thành từng thiên riêng. Tác phẩm được in trong V.I.Lênin Toàn tập, tập 1, do Nhà xuất bản Tiến bộ, Mátxcơva, xuất bản năm 1974 và V.I.Lênin Toàn tập, tập 1, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, xuất bản năm 2005 chỉ in thiên I và thiên III, thiên II đến nay chưa tìm thấy.
Nội dung cốt lõi của tác phẩm trên cơ sở phân tích và phê phán những quan điểm của các nhà tư tưởng phái dân túy nhất là N.Mi-khai-lốp-xki, bảo vệ chủ nghĩa Mác khẳng định sự vận dụng phép biện chứng duy vật vào việc giải thích các lĩnh vực đời sống xã hội và giá trị của chủ nghĩa duy vật lịch sử.
* Tranh luận của V.I.Lênin với phái dân túy về các vấn đề của phép biện chứng duy vật và quan điểm duy vật lịch sử
Phái dân túy tự xưng là đại biểu cho những tư tưởng và sách lược của những “người bạn dân” chân chính nhưng thật ra lại là những kẻ thù của những người dân chủ - xã hội, phái dân túy xuyên tạc rằng chủ nghĩa duy vật chưa bao giờ được luận chứng và kiểm nghiệm một cách khoa học, chủ nghĩa Mác thật ra là phép biện chứng của Hêghen, là tam đoạn thức, N.Mi-khai-lốp-xki lập luận những phương pháp chia lịch sử làm ba đoạn từ phạm trù quá khứ, hiện tại và tương lai làm cơ sở.
V.I.Lênin phê phán những quan điểm này và đã rút ra ba nguyên tắc chủ yếu của phép biện chứng trong phân tích xã hội.
Một là, xem xét xã hội trong sự phát triển và biến đổi không ngừng của nó, qua đó khẳng định sự chiến thắng tất yếu của cái mới trước cái cũ, cái lỗi thời.
Hai là, mối liên hệ hữu cơ của tất cả các mặt của cơ thể xã hội làm cơ sở khám phá các quy luật phát triển của xã hội.
Ba là, quan hệ sản xuất vật chất quy định các quan hệ xã hội khác. Chỉ có thể đem quy những quan hệ xã hội vào những quan hệ sản xuất và đem quy những quan hệ sản xuất vào trình độ của những lực lượng sản xuất thì người ta mới có được một cơ sở vững chắc để quan niệm sự phát triển của những hình thái xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên. Và dĩ nhiên là không có một quan điểm như thế thì không thể có một khoa học xã hội được.
Từ đó, V.I.Lênin đi đến kết luận về bản chất của phái dân túy: “Nếu nói theo một câu cách ngôn nổi tiếng thì chúng ta có thể nói rằng” hãy cạo lớp da ngoài của “người bạn dân” đi một chút thì sẽ thấy lòi anh tư sản ra”[1]. Như vậy, “người bạn dân” về bản chất là tư sản. Hơn nữa, tính chất tư sản ấy còn thể hiện khi phái dân túy giải thích chế độ thừa kế bằng sinh con, đẻ cái và bằng trạng thái tâm lý về sự sinh con, đẻ cái; giải thích dân tộc bằng những mối liên hệ thị tộc; coi những phạm trù và những kiến trúc thượng tầng là một hình thái xã hội là vĩnh viễn.
Để chứng minh N.Mi-khai-lốp-xki không hiểu gì mà còn xuyên tạc C.Mác, khi ông này cho rằng C.Mác không có tác phẩm nào về chủ nghĩa duy vật lịch sử cả: “Vậy đâu là tác phẩm tương ứng của C.Mác? Tác phẩm đó không có. Không những C.Mác không có một tác phẩm như thế, mà trong toàn bộ sách báo mác-xít, tuy rất nhiều và rất phổ biến, cũng không có một tác phẩm như thế”[2], V.I.Lênin phê phán, mỉa mai sự lố bịch của N.Mi-khai-lốp-xki khi đọc “Tư bản” mà không thấy được quan điểm duy vật lịch sử của C.Mác bằng trích dẫn lời tựa bộ “Tư bản”: “Quan điểm của tôi là ở chỗ tôi coi sự phát triển của hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên”[3].
* Tranh luận của V.I.Lênin về cương lĩnh chính trị, đề nghị thực tiễn của các nhà dân túy tự do
Về mặt lý luận, phái dân túy đề ra cương lĩnh cải cách ngân hàng, di dân, cho vay nặng lãi, cải tiến kỹ thuật để giải phóng người nông dân. Họ tin tưởng vào bản năng cộng sản chủ nghĩa của người nông dân và do đó coi nông dân là một chiến sĩ trực tiếp đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội nhưng một mặt thì học thuyết đó còn chưa được xây dựng về mặt lý luận và chưa được kiểm nghiệm mà dựa trên cơ sở những đức tính được giả định là có ở người nông dân. Từ một cương lĩnh chính trị nhằm mục đích phát động nông dân làm cách mạng xã hội chủ nghĩa chống lại các cơ sở của xã hội hiện tại nhằm mục đích vá víu, cải thiện tình cảnh người nông dân đồng thời bảo tồn các cơ sở của xã hội hiện tại. Vì vậy, “Cương lĩnh chỉ đại biểu cho lợi ích của phái dân chủ tư sản cấp tiến mà thôi”[4].
V.I.Lênin khẳng định vai trò của những người dân chủ - xã hội là phát triển và tổ chức phong trào công nhân ở Nga, cải biến phong trào từ trạng thái những mưu toan phản đối, bạo động và bãi công lẻ tẻ, thiếu tư tưởng chỉ đạo thành một cuộc đấu tranh có tổ chức của TOÀN THỂ GIAI CẤP, phải tổ chức được liên minh cách mạng giữa giai cấp công nhân, nông dân và trí thức.
Về mặt thực tiễn, do chỉ thấy những mặt rời rạc trong một đất nước mà những vết tích của quá khứ còn quá mạnh, các nhà xã hội học của phái dân túy tự do đề cao sản xuất nhỏ và xem đây là yếu tố trội nhất, phù hợp với nước Nga. “Chủ nghĩa xã hội công xã nông thôn Nga” hoàn toàn là một quan điểm bảo thủ và phi lý, mặt hạn chế của tư duy theo “phương thức sản xuất châu Á”, tự khép kín trước thế giới bên ngoài. Do vậy, theo V.I.Lênin cương lĩnh của họ là: “Những điều mơ tưởng có tính chất phản động, thoát ly thực tế, đến sự bất lực không hiểu nổi và không lợi dụng được những mặt thật sự tiến bộ, cách mạng của chế độ mới; đến chỗ đồng tình với những biện pháp nhằm duy trì mãi mãi cái chế độ tốt đẹp trước kia là chế độ lao động nửa nông nô, nửa tự do, cái chế độ mang trong lòng nó tất cả những thảm trạng của sự bóc lột và áp bức chẳng đưa lại được một lối thoát nào cả”. Do vậy, phái dân túy muốn “không thủ tiêu sự bóc lột, mà làm dịu sự bóc lột đi; họ không muốn đấu tranh mà muốn điều hòa”[5].
Những người xã hội chủ nghĩa phải kiên quyết và triệt để đoạn tuyệt với tất cả những tư tưởng và lý luận “tiểu thị dân” về chủ nghĩa xã hội, lý luận đó là tuyệt đối phản động.
V.I.Lênin đã bảo vệ xuất sắc chủ nghĩa Mác nói chung, triết học Mác nói riêng khỏi các trào lưu tư tưởng duy tâm, phản khoa học, phản động như chủ nghĩa dân túy. Sự kiên định, tính hiệu quả của việc vạch trần nguồn gốc, bản chất và đập tan chủ nghĩa dân túy ở Nga của V.I.Lênin có ý nghĩa sâu sắc đối với công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay.
Quan điểm sai trái, thù địch về chính trị hiện nay vẫn là phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt nam, đòi Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ vai trò lãnh đạo và cầm quyền thực hiện đa nguyên chính trị và chế độ đảng đối lập. Đó là hai vấn đề căn cốt để xoá bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam.
Điều đó đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam phải biết “dùng lập trường, quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác-Lênin” để tổng kết những kinh nghiệm thực tiễn, nhờ đó hiểu được quy luật, định ra được đường lối, phương châm, bước đi cụ thể thích hợp của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, để lực lượng này thực sự trở thành nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
[1] V.I.Lênin (1974), Toàn tập, tập 1, Nxb. Tiến bộ Mát-xcơ-va, tr.181
[2] V.I.Lênin (1974), Toàn tập, tập 1, Nxb. Tiến bộ Mát-xcơ-va, tr.154
[3] V.I.Lênin (1974), Toàn tập, tập 1, Nxb. Tiến bộ Mát-xcơ-va, tr.157
[4] V.I.Lênin (1974), Toàn tập, tập 1, Nxb. Tiến bộ Mát-xcơ-va, tr.353
[5] V.I.Lênin (1974), Toàn tập, tập 1, Nxb. Tiến bộ Mát-xcơ-va, tr.307
ThS. Nguyễn Trần Phương Hiền
Viên chức Khoa Lý luận cơ sở