Trường Chính trị Bến Tre là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tỉnh ủy, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trường có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Là giảng viên Trường Chính trị Bến Tre - đó là niềm vinh dự, tự hào và là kết quả của quá trình nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của từng cá nhân. Phát huy truyền thống vẻ vang của nhà trường, nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Trường và 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, tập thể giảng viên, viên chức, học viên nhà trường phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, lập nhiều thành tích xuất sắc trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học để xứng đáng với những thành tựu vẻ vang mà các thế hệ tiền nhân đã dày công xây dựng.
1) Ngôi trường với bề dày lịch sử
Cách đây 75 năm, vào ngày 7 tháng 3 năm 1947, Tỉnh ủy Bến Tre quyết định thành lập Trường Cán bộ Việt Minh Bến Tre và khai giảng lớp học đầu tiên tại xóm Bần Mít, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Sau thắng lợi của cuộc Đồng Khởi năm 1960, Tỉnh ủy đã quyết định mở lại Trường Đảng tỉnh để đào tạo cán bộ, đảng viên ở cơ sở, lấy tên là Trường Đảng Trần Trường Sinh. Từ khi ra đời Trường Đảng Trần Trường Sinh đã trải qua một chặng đường đầy khó khăn, gian khổ nhưng rất đỗi tự hào, góp phần quan trọng cùng Đảng bộ và nhân dân Bến Tre nói riêng, cả nước nói chung thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Sau giải phóng miền Nam, Trường Đảng Trần Trường Sinh đã đổi tên thành Trường Đảng tỉnh Bến Tre. Từ năm 1984 - 1994 theo Quyết định số 82-QĐ/TU của Tỉnh ủy ngày 06/4/1984, Trường Đảng tỉnh Bến Tre lấy tên là Trường Đảng Trần Phú.
Ngày 21/3/1977, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ra Quyết định số 15/QĐ-UB “Về việc thành lập Trường Hành chánh tỉnh Bến Tre nhằm thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính quyền cơ sở”. Đội ngũ cán bộ giảng viên của trường đa số là sĩ quan, hạ sĩ quan, bộ đội chuyển ngành. Trường Hành chánh tỉnh thực hiện chức năng tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ chính quyền cơ sở (xã, phường, thị trấn).
Như vậy, giai đoạn từ năm 1977 đến năm 1994, Bến Tre có sự tồn tại song song của hai trường đào tạo cán bộ đó là: Trường Đảng Trần Phú thực hiện đào tạo chương trình Trung cấp lý luận chính trị và Trường Hành chánh tỉnh bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ chính quyền cơ sở.
Đến năm 1994, nhằm tăng cường và thống nhất sự lãnh đạo, quản lý của tỉnh, thành ủy và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn mới, ngày 5/9/1994 Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quyết định số 88-QĐ/TW thành lập trường chính trị cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thực hiện Quyết định của Ban Bí thư, ngày 25/10/1994 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre đã ra Quyết định số 456-QĐ/TU hợp nhất Trường Đảng Trần Phú và Trường Hành chánh tỉnh thành Trường Chính trị. Trường Chính trị Bến Tre chính thức ra đời và hoạt động theo Quyết định số 1054/QĐ-UB ngày 27 tháng 12 năm 1994 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre.
Quyết định số 456-QĐ/TU ngày 25/10/1994 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre
hợp nhất Trường Đảng Trần Phú và Trường Hành chánh tỉnh thành Trường Chính trị.
Quyết định số 1054/QĐ-UB ngày 27/12/1994 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre
hợp nhất Trường Đảng Trần Phú và Trường Hành chánh tỉnh thành Trường Chính trị.
Suốt 75 năm, xây dựng và trưởng thành, Trường Chính trị Bến Tre đã trải qua một chặng đường lịch sử với nhiều sự kiện quan trọng. Đó là chặng đường đầy cam go, thử thách, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần vượt khó nhưng rất đáng tự hào đối với các thế hệ cán bộ, giảng viên và học viên đã công tác và học tập tại trường. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trường Chính trị Bến Tre luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng và lý luận, với những cống hiến không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, giảng viên, Trường đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương lao động hạng ba; Cờ thi đua của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trao tặng năm học 2016 - 2017; Cờ thi đua của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trao tặng đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2021; Cờ thi đua của Chính phủ trao tặng đơn vị đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2021 của tỉnh Bến Tre.
Cờ thi đua của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
trao tặng đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2021.
Quyết định số 1094/QĐ-TTg ngày 20 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ
về việc tặng cờ thi đua của Chính phủ cho đơn vị đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện
nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2021 của tỉnh Bến Tre.
Tính từ năm 1994, Trường đã đào tạo, bồi dưỡng một số lượng lớn cán bộ cho tỉnh góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh nhà, nhất là đội ngũ cán bộ công chức cơ sở. Qua 28 năm (1994-2022), Trường đã mở 230 lớp đào tạo, 17.593 học viên; bồi dưỡng 743 lớp, 73.452 học viên.
Những thành tựu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mà Đảng bộ tỉnh Bến Tre nói chung, Trường Chính trị Bến Tre nói riêng đạt được trong 75 năm qua, đó là nhà trường luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng đội ngũ giảng viên vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, tận tụy với nhiệm vụ, trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; chủ động tham mưu tích cực, hiệu quả cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên. Đồng thời, nhà trường đã vận dụng sáng tạo chương trình, nội dung đào tạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vào thực tiễn tỉnh Bến Tre; gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội; hướng mục tiêu giáo dục đào tạo của trường vào phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị, đáp ứng yêu cầu cách mạng ở địa phương qua các thời kỳ.
Trường Chính trị Bến Tre không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên có 44 người; cơ cấu thành 05 phòng, khoa (Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu; Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học; Khoa Lý luận cơ sở; Khoa Xây dựng Đảng; Khoa Nhà nước và pháp luật). Về trình độ chuyên môn có 14 thạc sĩ (03 đang nghiên cứu sinh); 11 cử nhân. Về trình độ lý luận chính trị: 13 cao cấp lý luận chính trị; 14 đồng chí có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Trường Chính trị tỉnh Bến Tre đã xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ giảng viên nhà trường tiến đến năm 2025 đạt được trường chuẩn mức 1 và năm 2030 đạt trường chuẩn ở mức 2. Hệ thống cơ sở vật chất của trường được đầu tư, mua sắm, cải tạo, nâng cấp, ngày càng quy mô, đồng bộ, khang trang, từng bước đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập.
Vừa qua, Tỉnh ủy đã thông qua Đề án xây dựng Trường Chính trị Bến Tre trở thành trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư khóa XIII về trường chính trị chuẩn. Với chủ trương này, sẽ tiếp thêm sức mạnh vật chất và tinh thần góp phần tạo động lực mạnh mẽ thôi thúc từng cán bộ, viên chức, học viên nhà trường phấn đấu nhiều hơn nữa trong giảng dạy, học tập và rèn luyện để từng bước đưa Trường Chính trị Bến Tre tiệm cận mô hình trường chính trị chuẩn vào thời gian sớm nhất.
2) Tự hào là người giảng viên Trường Chính trị Bến Tre
Là một giảng viên Trường Chính trị Bến Tre tôi thật sự trân trọng và tự hào về truyền thống 75 năm qua của nhà trường. Đặc biệt hơn khi bản thân luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện, niềm tin yêu của đồng chí, đồng nghiệp. Tôi thật sự cảm kích và tự hứa với bản thân mình phải rèn luyện, không ngừng trau dồi chuyên môn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, thực hiện tốt hơn vai trò của một người giảng viên để xứng đáng với truyền thống của nhà trường, góp phần xây đắp nên vị thế, thành tựu đáng tự hào của Trường Chính trị hôm nay.
Trong bất kỳ xã hội nào, nghề dạy học luôn được coi là nghề cao quý, sáng tạo bậc nhất trong tất cả các nghề sáng tạo vì nghề nhà giáo đã đào tạo ra những con người sáng tạo. Chính vì vậy, mỗi giảng viên phải rèn luyện thấm sâu chữ: “Tâm”, “Tài” và “Đức”.
Một là, rèn luyện chữ “Tâm” tốt.
Chữ “Tâm” đối với nghề giáo là một yêu cầu quan trọng không thể thiếu được. Nghề thầy giáo là nghề rất đẹp và rất cao quý. Yêu nghề là một phẩm chất, yêu cầu quan trọng hàng đầu đối với mỗi nhà giáo, có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục – đào tạo. Bởi đây là cơ sở, là động lực thôi thúc nhà giáo hứng thú, say mê chăm chút từng bài giảng, từng nội dung tiết giảng; thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung nội dung và phương pháp giảng dạy để đem lại hiệu quả cao nhất cho người học. Và để rèn luyện được cái tâm trong sáng, đòi hỏi người giảng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với nghề nghiệp. Phải cảm thấy hạnh phúc, tự hào khi được đứng trên bục giảng; luôn tìm tòi, học hỏi, sáng tạo để đem lại chất lượng cao nhất khi giảng dạy. Không phải bước ra khỏi lớp học là chấm dứt hoạt động sư phạm mà người thầy vẫn phải tiếp tục suy nghĩ về nội dung, phương pháp giảng, về thái độ tiếp nhận bài học của học viên để tự đổi mới, hoàn thiện mình ở những bài giảng tiếp theo. Đồng thời, rèn luyện mình để trở thành mẫu mực về đạo đức, lối sống trong công việc, trong cuộc sống đời thường. Điều quan trọng là bất cứ hoàn cảnh nào người giảng viên cũng phải ý thức được mình hình mẫu về đạo đức, lối sống để làm gương cho học viên của mình.
Hai là, rèn luyện chữ “Tài” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy.
Chữ “Tài” ở đây thể hiện tài năng về trí tuệ và tài năng nghiệp vụ sư phạm. Tài năng sẽ giúp cho người giảng viên nắm vững và nhuần nhuyễn nội dung hệ thống các kiến thức cơ bản của môn học, khả năng phát hiện vấn đề bổ sung vào nội dung bài giảng; tài năng nghiệp vụ sư phạm thể hiện ở việc áp dụng các phương pháp giảng dạy, khả năng trình bày và khả năng xử lý các tình huống sư phạm trong quá trình giảng dạy. Kết hợp giữa nội dung và phương pháp sẽ làm cho bài giảng thêm phong phú, sinh động, hấp dẫn và có hiệu quả cao, làm cho người học hứng thú, say mê, tránh nhàm chán, từ đó chủ động, tích cực nghiên cứu, tìm hiểu trong học tập. Để thỏa mãn các điều đó, người thầy phải hội tụ đủ các năng lực cụ thể: Là năng lực chuyên môn; năng lực sư phạm.
Về năng lực chuyên môn, được hình thành dưới nhiều ảnh hưởng khác nhau mà trước hết là trình độ học vấn. Song, không chỉ là bằng cấp được đào tạo mà còn là việc biết lựa chọn nội dung và phương pháp giảng dạy, kết hợp giữa nội dung chương trình đào tạo với thực tiễn cuộc sống cũng như phương pháp xử lý và đánh giá hoạt động học tập của học viên.
Về năng lực sư phạm, đó là khả năng xử lý tài liệu, tài liệu nghiên cứu học tập sao cho phù hợp với đối tượng; khả năng chuyển tải các nội dung bài giảng đến người học làm cho họ hiểu, thấm nhuần và biết vận dụng vào thực tiễn công tác, cuộc sống mình.
Ba là, rèn luyện chữ “Đức” của người thầy.
Đức và tài có quan hệ biện chứng với nhau trong nhân cách của người cán bộ, người thầy giáo. Trong đó, đức phải được đặt lên hàng đầu. Đức không chỉ là chính trị mà còn là khoa học và văn hóa. Người có tài, trong ý nghĩa đích thực phải là người có đức, tài càng lớn đức càng cao. Đức là yêu cầu không thể thiếu đối với mỗi giảng viên. Đó là điều quan trọng để trở thành người thầy tốt. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức”[1]. Điều đó càng cực kỳ quan trọng trong môi trường giáo dục “Người thầy giáo chân chính dạy học trò không chỉ bằng vốn tri thức, hiểu biết, mà còn bằng chính nhân cách đạo đức trong sáng của mình”.
Tóm lại việc rèn luyện thấm sâu ba chữ “Tâm”, “Tài” và “Đức” là nền cốt để đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức và học viên nhà trường đạt đủ chuẩn, chất tiệm cận mô hình trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW. Với quảng thời gian không quá ngắn cũng không quá dài đối với một giảng viên trẻ nhưng đó cũng là một quá trình phấn đấu của bản thân tôi, tự hào sự cố gắng của các thế hệ đi trước, dẫu biết rằng từ nhận thức đến hành động là cả một quá trình phấn đấu liên tục và bền bỉ. Nhưng tôi nghĩ rằng, phải phấn đấu rèn luyện năng lực, phẩm chất đạo đức của người đảng viên, giảng viên hơn nữa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, được cống hiến ngày càng nhiều hơn, tốt hơn cho sự nghiệp giáo dục đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Trong thời gian tới, phát huy truyền thống vẻ vang xây dựng và phát triển, đội ngũ cán bộ, giảng viên, công chức, viên chức quán triệt chủ trương của Tỉnh ủy “Đồng thuận - Sáng tạo - Phát triển” thực hiện tốt phương châm “Dân chủ - Kỷ cương - Đoàn kết - Năng động - Đổi mới”, lấy “Đoàn kết” làm trung tâm, “Dân chủ” làm nền tảng “Năng động - đổi mới” làm động lực lãnh đạo, hoàn thành tốt các mặt công tác của nhà trường, thực hiện thành công sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức có chất lượng cho tỉnh nhà, xây dựng trường đạt Trường Chính trị chuẩn./.
Chú thích:
[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, tr.492.
CN. Hồ Thị Thùy Dung
Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở