Ngày 05/6/1911 tại bến cảng Nhà Rồng, Anh Ba (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã xuống tàu Đô đốc Latouche-Tréville thực hiện chuyến ra đi về phương Tây tìm đường cứu dân, cứu nước, một con đường chưa được khám phá. Đến một nền văn minh mới khác với văn minh phương Đông, sang tận nơi có cái gọi là “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” mà người Pháp thực dân tuyên truyền nhằm mục đích để tìm hiểu ngọn nguồn của chế độ thực dân đô hộ dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là để học hỏi tinh hoa thế giới, sau về giúp cho đất nước được độc lập, nhân dân được tự do, hạnh phúc, đó là một đột phá mới trong tư duy chính trị của Nguyễn Ái Quốc so với các nhà yêu nước lúc bấy giờ.
Hành trang ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước của Người chính là lòng yêu nước nồng nàn, truyền thống ham học, ý chí kiên cường, sẵn sàng vượt khó, vượt khổ vì độc lập của đất nước, tự do, hạnh phúc của nhân dân... Với hai bàn tay trắng và lòng quyết tâm cùng với nghị lực phi thường sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi.
Tháng 7-1920, qua Báo Nhân đạo (L'Humanité) Pháp, đọc được Luận cương của V.I.Lênin về Vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc, vui mừng đến phát khóc: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!
Người đã tìm đến chủ nghĩa Mác-Lênin: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin” [Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2002, t.2, tr.268].
Người đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi áp bức nô lệ: “Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin.… Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 10, tr. 128]. “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Sau khi tìm được con đường đúng đắn để cứu nước, giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã tập trung mọi nỗ lực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những tiền đề cơ bản về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của một đảng cách mạng tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam.
Từ ngày 3 đến ngày 7/2/1930, tại Hương Cảng, Hồng Kông, Trung Quốc diễn ra Hội nghị hợp nhất các tổ chức Đảng thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế cộng sản chủ trì. Tại Hội nghị đã thảo luận và thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, sách lược vắn tắt, chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh chính trị tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930) khẳng định phương hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam là “Tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Đó chính là mục đích chiến lược của con đường cách mạng Việt Nam mà cả thế kỷ XX và ngày nay Đảng, Nhân dân ta luôn trung thành và kiên định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. Chỉ có đi theo con đường cách mạng vô sản, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội thì độc lập dân tộc mới được giữ vững, nhân dân lao động mới được giải phóng thực sự. Đó cũng chính là chân lý thời đại mà cách đây 100 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lĩnh hội được ở chủ nghĩa Mác-Lênin trên hành trình đi tìm đường cứu nước, cứu dân của mình.
Ðặc biệt, Người không ngừng xúc tiến việc tìm đường trở về nước như nguyện ước lúc Người ra đi từ bến cảng Nhà Rồng. Ngày 28/1/1941 (Tức ngày mùng 2 Tết Tân Tỵ), Sau gần 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ trở về nước qua mốc 108 (cũ), tại xóm Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ngay từ khi trở về Cao Bằng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã bắt tay vào việc xây dựng Cao Bằng thành căn cứ địa cách mạng của cả nước. Chính vì thế, Cao Bằng trở thành một trong những vùng quan trọng của khu giải phóng Việt Bắc, là “Ngôi sao sáng của cách mạng”. Việc dựa vào rừng núi Cao Bằng, sau đó là cả vùng rừng núi Việt Bắc tạo thế trận liên hoàn trong toàn quốc là một quan điểm chiến lược quân sự đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1930, Người thống nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam và tổ chức hội nghị thành lập, sáng lập Ðảng Cộng sản Việt Nam. Ðó là nhân tố đầu tiên, có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Ðó cũng là sáng tạo lớn đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn mười năm sau, khởi điểm từ mùa xuân Tân Tỵ năm 1941 tại Pác Bó (Cao Bằng) cho đến tháng 8-1945, Người đã thực hiện ba sáng tạo lớn tiếp theo sau khi sáng lập Ðảng Cộng sản Việt Nam.
Một là, sáng lập Mặt trận Dân tộc thống nhất (Mặt trận Việt Minh); Hai là, sáng lập lực lượng vũ trang nhân dân (Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân); Ba là, sáng lập ra chính quyền của nhân dân (Ủy ban dân tộc giải phóng toàn quốc).
Có thể nói, từ mùa xuân 1941, Bác Hồ trở về nước, Ðảng ta và phong trào cách mạng do Bác trực tiếp chỉ đạo mới thật sự thực hiện được một chiến lược lớn là đặt cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam đứng về phe Ðồng minh chống phát xít. Cũng từ Cao Bằng, cách mạng Việt Nam đã liên lạc với lực lượng Ðồng minh, được phe Ðồng minh ủng hộ. Ðó là cơ sở thực tế và pháp lý quốc tế quan trọng để đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong Tuyên ngôn Ðộc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định và tuyên bố trước toàn thế giới: Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Ðồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và tiếp tục mở đường đi tới những thắng lợi huy hoàng cho cách mạng Việt Nam. Từ mùa thu ấy, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta do Bác Hồ trực tiếp lãnh đạo đã chuyển sang một thời kỳ mới - thời kỳ nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu.
Năm 1967, trong bài viết cho Báo Pravđa (Liên Xô) nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát một số vấn đề có tính quy luật về cách mạng giải phóng dân tộc. Người chỉ rõ: “Trong thời đại ngày nay, cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản trong phạm vi toàn thế giới; cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi của cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của các dân tộc gắn liền với sự ủng hộ và giúp đỡ tích cực của phe xã hội chủ nghĩa và của phong trào công nhân ở các nước tư bản chủ nghĩa”[ Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 12, tr. 304-305].
Luận điểm “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” là một luận điểm nền tảng của cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; định ra phương hướng, đường lối và biện pháp cách mạng cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 2 năm 1930, trong “Chánh cương vắn tắt của Đảng”, Đảng đã đề ra quan điểm “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Quan điểm này được Đảng ta phát triển trong Luận cương chính trị tháng 10 năm 1930, đặc biệt là được thể hiện rất rõ trong Đại hội II của Đảng năm 1951, khẳng định cách mạng Việt Nam mang tính chất cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng tiếp tục khẳng định con đường cách mạng Việt Nam là con đường cách mạng vô sản với việc xác định nhiệm vụ của cách mạng cả nước là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, giải phóng miền Nam, đưa miền Bắc lên chủ nghĩa xã hội.
Sau khi thống nhất đất nước, hoàn thành công cuộc giải phóng dân tộc, năm 1976, tại Đại hội IV Đảng ta chủ trương đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thời kỳ đổi mới, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, bổ sung, phát triển năm 2011 của Đảng tiếp tục khẳng định con đường phát triển của dân tộc Việt Nam là đi lên chủ nghĩa xã hội; khẳng định mục tiêu lớn của thời đại là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no tự do hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”. Việc Đảng ta kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là bởi vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.
Năm 2020, năm có nhiều sự kiện lịch sử in đậm dấu ấn trọng đại của dân tộc: Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 109 năm Bác ra đi tìm đường cứu nước; 50 năm thực hiện Di chúc của Người; 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Đặc biệt hơn cả là kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hai miền Nam, Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tiếp theo của con đường mà Bác đã tìm ra cho dân tộc Việt Nam: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”, “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Đó không chỉ là mục đích duy nhất của cách mạng Việt Nam mà còn là chân lý phổ biến cho các dân tộc bị áp bức, bóc lột, cho loài người tiến bộ trên thế giới.
ThS. Nguyễn Thành Phương
Trưởng khoa Lý luận cơ sở