1. Tên trường, thời gian, địa điểm thành lập Trường
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Xứ ủy Nam Bộ tổ chức rước 1.800 cán bộ, đảng viên tù chính trị phạm từ Côn Đảo về đất liền. Trong đoàn cán bộ này có nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng,… về đến Sóc Trăng ngày 23/9/1945, cũng là lúc kháng chiến Nam Bộ bùng nổ. Từ Côn Đảo về, một số cán bộ được điều về Trung ương, phần lớn đưa về quê hoạt động, còn một số tình nguyện ở lại chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ. Xứ ủy bố trí về các tỉnh miền Tây Nam Bộ, riêng tại Bến Tre có các đồng chí Đỗ Nghĩa Trọng, Võ Văn Khánh, Trần Xuân Lê, Thanh Giang (Nguyễn Văn Khôi),… trong đó, có Trần Trường Sinh. Đồng chí Trần Trường Sinh được được bổ sung vào Tỉnh ủy, phân công phụ trách công tác Tuyên huấn, tổ chức xuất bản báo, tuyên truyền và mở các lớp huấn luyện chính trị đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các phong trào cách mạng. Đồng chí Trần Trường Sinh trực tiếp mở các lớp lưu động ngắn hạn, đầu tiên ở xã Định Thủy, rồi dời xuống xã Ngãi Đăng (Mỏ Cày Nam). Nhằm đào tạo cán bộ quy mô lớn hơn, phục vụ theo yêu cầu cuộc kháng chiến, ngày 7/3/1947, Tỉnh ủy chủ trương mở lớp đào tạo tập trung và thành lập Trường Cán bộ Việt Minh tại xóm Bần Mít, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, do Trần Trường Sinh làm Giám đốc. Trường được cất bằng cây lá ven rừng, có đủ hội trường, nhà ăn, nhà nghỉ cho học viên, nhà làm việc của Giám đốc và giảng viên, trường có sức chứa mỗi khóa từ 80-100 học viên. Cán bộ giảng dạy có các đồng chí Lê Hoài Đôn, Dương Xuân Trọng và một số đồng chí trong Tỉnh ủy được thỉnh giảng. Đồng chí An và Cường giúp việc văn thư, đánh máy, in ấn tài liệu.
Trường đào tạo cán bộ đầu tiên của Đảng bộ Bến Tre có tên gọi là Trường Cán bộ Việt Minh tỉnh, thể hiện sách lược mở rộng mặt trận đại đoàn kết dân tộc, thực hiện toàn dân và toàn diện kháng chiến. Đây là thời điểm Đảng ta tuyên bố tự giải tán rút vào bí mật, các hoạt động công khai của Đảng đều lấy danh nghĩa là Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác do đồng chí Trần Trường Sinh làm Hội trưởng, cơ quan của Tỉnh ủy được nghi trang là nhà xuất bản Đại Chúng.
2. Vai trò của đồng chí Trần Trường Sinh - “Ông thầy giáo đỏ”, Giám đốc đầu tiên của Trường Đảng tỉnh
2.1. Chuẩn hóa chương trình giáo dục lý luận chính trị
Ngày 3 tháng 2 năm 1930 thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 4 năm nầy, Tỉnh ủy lâm thời Mỹ Tho phụ trách xây dựng tổ chức Đảng ở cả khu vực miền Tây Nam Bộ (lúc bấy giờ còn gọi là Đặc ủy lâm thời) cử ra một Ban cán sự Đảng đến gây dựng cơ sở ở Bến Tre. Dựa vào cơ sở tổ chức của Đảng bộ Bến Tre, đó là chi bộ Tân Xuân gồm có 11 đảng viên được tuyển lựa từ số hội viên trung kiên của tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội vùng Tân Xuân, Ba Mỹ. Sau khi thành lập Đảng, Đảng bộ Bến Tre ra đời, công việc đầu tiên của những người cộng sản tiền bối trên đất Bến Tre đã thực hiện công tác giáo dục lý luận chính trị, công tác tuyên truyền và huấn luyện của Đảng bộ chủ yếu là dựa vào nội dung cương lĩnh, chương trình và Điều lệ của Đảng để phổ biến trong đảng viên và cán bộ cốt cán những điều cơ bản về Đảng của giai cấp vô sản, về phương hướng đấu tranh đòi quyền lợi cho quần chúng công nông, vấn đề ruộng đất, độc lập dân tộc, dân sinh dân chủ, tình đoàn kết quốc tế vô sản, con đường tiến lên chủ nghĩa cộng sản và Điều lệ Đảng. Lúc bây giờ công tác giáo dục lý luận chính trị tuyên truyền và huấn luyện giữa hình thức tuyên truyền và huấn luyện cán bộ. Tuyên truyền và huấn luyện cán bộ được phân biệt ở chỗ tuyên truyền là một người nói cho nhiều người nghe, còn huấn luyện là gom lại một số ít người có tài liệu, có người hướng dẫn và thảo luận tập thể. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Bến Tre công tác tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và đấu tranh dần dần được đúc kết lại thành bài bản gồm năm bước công tác cách mạng trong công tác giáo dục lý luận chính trị.
Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi, chính quyền về tay Nhân dân, các lớp huấn luyện của Mặt trận Việt Minh có điều kiện mở công khai khắp nơi trong tỉnh nhằm phổ biến các chính sách lớn, đào tạo cán bộ đoàn thể. Vì vậy, Tỉnh ủy quyết định thành lập Trường Đảng, xây dựng chương trình đào tạo mới. Là Giám đốc Trường, đồng chí Trần Trường Sinh đã tập hợp, chuẩn hóa các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trước đây thành chương trình mới, thời gian học mỗi khóa 30 ngày, chương trình gồm có:
- Tình hình thế giới, tình hình trong nước và cách mạng Việt Nam.
- Chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.
- Giai cấp, đấu tranh giai cấp và vai trò chính Đảng.
- Cách mạng Tháng Tám, ý nghĩa, tính chất và những bài học kinh nghiệm.
- Chương trình Việt Minh.
- Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi.
- Công tác vận động quần chúng.
- Dân chủ và chuyên chính.
- Tư cách của người cách mạng.
Ngoài ra còn có một số bài học về các chủ trương, chính sách hiện hành...
Việc thành lập Trường Cán bộ Việt Minh tỉnh Bến Tre năm 1947 và sau đó chuyển thành Trường Đảng đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác huấn luyện, đào tạo của Đảng bộ Bến Tre. Lần đầu tiên Đảng bộ tổ chức được trường lớp có quy củ, chương trình và nội dung giảng dạy rất căn cơ, đội ngũ giảng viên chuyên trách được đào tạo và có trình độ lý luận nhất định. Đây cũng là một khung trường huấn luyện chính trị của Đảng ra đời sớm ở các tỉnh Khu 8 và là tiền thân của Trường Đảng, Trường Chính trị sau nầy. Là Giám đốc đầu tiên của Trường Đảng tỉnh, “Thầy Trần Trường Sinh là một cây lý luận giỏi nhất tỉnh, được thử thách từ nhà tù Côn Đảo. Sau Cách mạng Tháng 8, không về quê nhà miền Bắc mà ở lại Bến Tre tiếp tục làm cách mạng…” (Lê Chí Nhân, Nhớ những người thầy chính trị, Lịch sử Trường Chính trị Bến Tre ( 1947-2017), Trường Chính trị ấn hành năm 2017). Công lao của đồng chí Trần Trường Sinh từ người trực tiếp huấn luyện cán bộ đến lãnh đạo Trường Đảng, trực tiếp biên soạn và giảng dạy chương trình giáo dục lý luận chính trị.
2.2. Xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán cho các phong trào cách mạng
Từ ngày thành lập Trường Đảng, thực hiện chương trình đào tạo cán bộ 30 ngày, đồng chí Trần Trường Sinh là người trực tiếp giảng dạy những bài cơ bản về lý luận Mác-Lênin và đường lối, chính sách của Đảng. Trong công tác giảng dạy, đồng chí thể hiện đầy đủ nhiệt tình và trách nhiệm đào tạo cho Đảng bộ Bến Tre một thế hệ cán bộ mới, đủ sức đảm đương nhiệm vụ trong điều kiện Đảng chưa giành chính quyền và đang trực tiếp lãnh đạo công cuộc kháng chiến. Các lớp học có một số đồng chí trong Tỉnh ủy đến giảng về đường lối, chính sách, nhưng vai trò chủ yếu vẫn là đồng chí Trần Trường Sinh. Đồng chí Trần Trường Sinh là một trong những người có công đào tạo cho Đảng bộ Bến Tre một thế hệ cán bộ mà sau nầy phần lớn là những cán bộ cốt cán của phong trào cách mạng trên quê hương Ba đảo dừa xanh. Tính đến cuối năm 1947, Trường Đảng tỉnh mở được 3 lớp đào tạo được gần 200 cán bộ cho các ngành, đoàn thể cấp tỉnh và cán bộ cốt cán cho huyện. Số cán bộ được đào tạo hầu hết khi về ngành và địa phương đã tăng thêm sức mạnh cho phong trào cách mạng góp phần phát triển tổ chức và tạo chuyển biến quan trọng trên chiến trường Bến Tre sau này.
2.3. Tấm gương về tự học và đức hy sinh của người thầy giáo trường Đảng.
Đồng chí Trần Trường Sinh, sinh năm 1914, tại xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, bí danh Việt Hùng, bút hiệu Lê Khanh, xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, rồi trở thành người lao động tha hương, đi kiếm sống ở Hải Phòng, Hà Nội, giác ngộ, hoạt động cách mạng, được kết nạp Đảng năm 1941 tại Hà Nội. Năm 1942, Trần Trường Sinh bị địch bắt đưa về giam giữ tại nhà giam Hỏa Lò. Địch kết án ông thuộc loại tù chính trị án nặng nên đã đày đi Côn Đảo. Từ “chốn địa ngục trần gian” này, với chủ trương “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng” của tổ chức Đảng trong nhà tù, các lớp học được diễn ra, chương trình học gồm có nghiên cứu văn học và nghiệp vụ tuyên truyền báo chí bao gồm các thể loại bài viết, tổ chức tòa soạn, in ấn, phát hành,... Những người tù tham gia lớp học kể cả người dạy và người học có người đã từng học ở Liên Xô về, có người từng được đồng chí Nguyễn Ái Quốc đào tạo, có người trưởng thành trong hoạt động cách mạng thực tế tích lũy được nhiều kinh nghiệm,… Trong học tập đã tăng cường chức năng huấn luyện đào tạo cán bộ hoạt động trong các lĩnh vực cụ thể của phong trào cách mạng nhằm vào phục vụ cho yêu cầu giành chính quyền, chuyển biến cách mạng sang giai đoạn mới. Đồng chí Trần Trường Sinh, giỏi lý luận chính trị, nghiệp vụ tuyên truyền, huấn luyện, báo chí, do được trưởng thành từ trường “Đại học” đặc biệt như thế.
Tác giả Nguyễn Hữu Minh, trong Nhớ nguồn, tập 2, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre ấn hành năm 1993 viết: “Trần Trường Sinh học Pháp không nhiều. Anh có nói: Tôi không có bằng cấp nào cả. Nhưng trường đời và trường đại học lao tù đã đào tạo anh thành một tài năng xuất sắc về chính trị, lý luận kể cả sự hiểu biết về văn hóa, nghệ thuật, báo chí. Kiến thức và năng khiếu diễn giảng của anh thật tuyệt vời. Hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở tỉnh nhà anh là một ngôi sao. Bài vở anh ngồi nói miệng cho anh An và anh Cường đánh máy không phải viết sẵn, nói một mạch đánh máy một mạch là xong. Trên diễn đàn hay bục giảng anh có để xấp tài liệu cả dàn bài nữa, nhưng không bao giờ anh bị câu thúc phải dòm hoặc đọc lại tài liệu. Anh nói một mạch, mạch lạc, lưu loát, không thừa chữ, không thiếu câu, rất ít vấp văn phạm, trọng âm rất rõ ràng dễ hiểu và bắt buộc người nghe phải chú ý, phải nhớ lấy. Tôi ngồi nghe ghi chép những điều anh trình bày suốt một buổi, đọc lại gần giống như một bài giảng viết sẵn theo một dàn bài nhất định”.
Là học viên của Trường Đảng tỉnh, năm 1948, tác giả Lê Chí Nhân, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, viết: “Thầy Trần Trường Sinh ốm, mặt xanh xao hốc hác mang kính lão, mặc bà ba đen,... Ấn tượng đầu tiên, tôi nghe những ông thầy cộng sản giảng bài như thuộc nằm lòng, rất mạch lạc, rất thuyết phục,... Thầy Sinh, thầy Đôn, thầy Sách còn dạy chúng tôi hướng tới làm cộng sản toàn thiện, toàn mỹ, phải không ngừng rèn luyện tác phong, đạo đức cách mạng. Dạy chúng tôi phải tuyệt đối chấp hành kỷ luật, tổ chức của Đảng” (Nhà báo lão thành Lê Chí Nhân cây bút xông pha không mỏi, Ban Chấp hành Hội nhà báo Việt Nam, tỉnh Bến Tre, ấn hành tháng 6.2016). Cuộc đời 37 mùa xuân của thầy Trần Trường Sinh, chỉ dành cho Bến Tre 6 năm ngắn ngủi cuối đời, song đã để lại nhiều dấu ấn rất đậm nét trong đội ngũ những người làm công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ của tỉnh về ý thức tự học và đức hy sinh, trọn vẹn tấm gương người thầy giáo Trường Đảng.
Các thầy giáo tiền bối Trường Đảng, tiêu biểu là Trần Trường Sinh, Lê Hoài Đôn, Dương Xuân Trọng có công đầu trong sự nghiệp đào tạo lớp cán bộ chủ chốt đầu tiên của tỉnh nhà từ sau Cách mạng Tháng Tám. Quý thầy giáo dù đã hy sinh, nhưng tên tuổi vẫn còn mãi trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh nhà.
Đồng chí Trần Trường Sinh mãi là tấm gương sáng về người cộng sản chân chính, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng ở những giai đoạn gian khổ nhất, là thế hệ thầy giáo Trường Đảng đặt nền móng thành lập và hoàn thiện: Khung trường chính quy, Khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng thiết thực, khoa học; Cán bộ Khung trường có cả giảng viên chính và giảng viên thỉnh giảng đủ đức và tài,… Từ đó, quá trình đào tạo cán bộ của tỉnh đã góp phần hình thành nên đội ngũ cán bộ cốt cán, lãnh đạo thắng lợi các phong trào cách mạng trên quê hương Đồng Khởi anh hùng.
ThS. Dương Văn Chăm
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Bến Tre