Trường Chính trị Bến Tre với hoạt động biệt phái cán bộ giảng viên

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác-Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông” (Hồ Chí Minh. Toàn tập, T8 tr 496,Nxb CTQG,1996). Theo Người lý luận là sự khái quát kinh nghiệm thực tiễn, là sự tổng hợp các tri thức về tự nhiên, xã hội đã được tích lũy trong quá trình lịch sử, tiêu chuẩn của một lý luận khoa học là nó phản ánh đúng bản chất quy luật của đối tượng nhận thức và phải được khái quát thành một hệ thống bao gồm các khái niệm phạm trù nhất định. Lý luận giữ vai trò định hướng chỉ đạo hoạt động thực tiễn của con người để nhằm đạt được kết quả cao nhất. Thực tiễn là toàn bộ hoạt động vật chất có tính xã hội – lịch sử của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội. Thực tiễn có vai trò đặc biệt to lớn đối với lý luận, là cơ sở, điểm xuất phát, là động lực cho sự phát triển của lý luận, đồng thời là tiêu chuẩn kiểm tra chân lý.

Sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn bắt nguồn từ mối quan hệ giữa con người với thế giới khách quan. Con người luôn luôn tác động tích cực vào thế giới khách quan - tự nhiên và xã hội, cải biến thế giới khách quan bằng thực tiễn. Trong quá trình đó, sự phát triển nhận thức của con người và sự biến đổi thế giới khách quan là hai mặt thống nhất. Điều đó quy định sự thống nhất biện chứng giữa lý luận với thực tiễn trong hoạt động sinh tồn của cá nhân và cộng đồng. Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nguyên tắc đó trở thành phương châm trong giảng dạy và học tập nói chung và ở các trường chính trị nói riêng.

Nghiên cứu thực tế là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của người giảng viên. Trên cơ sở những kiến thức lý luận, quan trọng hơn người giảng viên phải tiến hành xem xét, kiểm nghiệm những biểu hiện, ảnh hưởng, tác động của lý luận trong thực tiễn để có cơ sở hiểu sâu và nắm bắt được lý luận. Qua nghiên cứu thực tế sẽ giúp cho giảng viên nâng cao được kỹ năng thiết kế phần hướng dẫn nghiệp vụ, ví dụ minh hoạ, liên hệ thực tiễn trong bài giảng.

Nhận thức tầm quan trọng của việc gắn kết lý luận và thực tiễn trong nội dung bài giảng, Trường Chính trị Bến Tre luôn quan tâm tạo điều kiện cho các giảng viên đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở. Tuy nhiên trong thời gian qua, giảng viên nghiên cứu thực tế tại một địa phương trong thời gian một ngày hoặc 1 buổi nên kiến thức thực tiễn thu thập được không nhiều. Vì vậy, tháng 8 năm 2014, được sự phê duyệt của Thường trực Tỉnh ủy, Đảng ủy Trường Chính trị ban hành Kế hoạch số 269-KH/ĐU biệt phái cán bộ, giảng viên Trường Chính trị giai đoạn 2014-2015 và tầm nhìn đến năm 2020.

Cán bộ giảng viên biệt phái là cán bộ giảng viên được cấp có thẩm quyền điều động đến công tác có thời hạn tại cơ quan ban, ngành huyện; xã, phường, thị trấn trong tỉnh giúp đơn vị, địa phương thực hiện nhiệm vụ chính trị theo quy định của pháp luật. Mục đích của việc biệt phái cán bộ giảng viên Trường Chính trị là tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giảng viên rèn luyện, thử thách, nâng cao năng lực thực tiễn, có triển vọng trưởng thành toàn diện, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo của Trường Chính trị; đồng thời góp phần tích cực nâng chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị, gắn chặt lý luận với thực tiễn, nâng trình độ lãnh đạo, uy tín trong giảng dạy đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Trường trong giai đoạn mới.

Đối tượng biệt phái của Trường là đảng viên, cán bộ giảng viên trẻ trong diện quy hoạch có năng lực, khả năng nhận thức và thực hiện tốt nhiệm vụ. Mỗi nhiệm kỳ, Trường biệt phái từ 03 đến 04 cán bộ giảng viên. Cán bộ biệt phái về biên chế, nhân sự vẫn giữ ở Trường Chính trị; được hưởng nguyên lương và các chế độ phụ cấp khác như phụ cấp giảng dạy (không tính định mức giờ giảng và các định mức khác), phụ cấp chức vụ (nếu có), phụ cấp thâm niên nhà giáo; ngoài ra còn hưởng chế độ xăng xe, nhà trọ và các chế độ khác theo quy định.

Trong năm 2013, Trường cử 01 chuyên viên Phòng Đào tạo (cử nhân Công nghệ thông tin, cử nhân Luật) về cơ sở giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã; năm 2014 Trường cử 02 cán bộ giảng viên biệt phái về cơ sở: 01 Trưởng Phòng Đào tạo (thạc sĩ Luật) giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy; 01 Phó Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính - Quản trị (thạc sĩ Xây dựng Đảng) giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã. Đến nay, 03 cán bộ giảng viên này đã trở về Trường công tác.

Có thể nói, đi biệt phái ở các cơ sở giúp cho cán bộ giảng viên nắm bắt được tình hình thực tiễn về chính trị, kinh tế - xã hội, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, đồng thời nắm bắt được những chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước được vận dụng ở địa phương như thế nào. Qua đó, giảng viên thấy được hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị tại cơ sở có những ưu điểm, khuyết điểm gì và những vướng mắc gì trong việc vận dụng lý luận mà cán bộ, công chức tại cơ sở đã được trang bị khi giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tế. Thời gian đi biệt phái, giảng viên nắm được nhiều vấn đề phát sinh trong thực tế, những tình huống "gay cấn" trong cuộc sống đời thường mà chúng ta chưa thể tiếp cận được. Trong thời gian đi biệt phái, cán bộ giảng viên đã có nhiều đóng góp đáng kể cho địa phương, đơn vị nơi biệt phái, thông tin kịp thời những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến thực trạng ở cơ sở mà địa phương chưa biết hay chưa phát hiện, từ đó cán bộ giảng viên biệt phái đã tạo được niềm tin cao của địa phương. Bên cạnh đó, cán bộ giảng viên có cơ hội học hỏi những kinh nghiệm trong quá trình hoạt động thực tiễn ở địa phương; cán bộ giảng viên chủ động tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến nội dung giảng dạy, đó là những hành trang quý báu mà cán bộ giảng viên thu hoạch được. Rõ ràng, đối với giảng viên trường chính trị, đây là vấn đề quan trọng, là hoạt động không thể thiếu được. Một bài giảng sinh động, có tính thuyết phục với học viên thì phải liên hệ những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống.

Việc cử cán bộ, giảng viên đi biệt phái cơ sở trong thời gian qua của Trường Chính trị Bến Tre, đã mang lại những hiệu quả nhất định, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy thông qua hoạt động nghiên cứu thực tế ở cơ sở. Do vậy, trong thời gian tới, Trường sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức, xác định tư tưởng, trách nhiệm của cán bộ giảng viên để tổ chức thực hiện hoạt động này một cách khoa học để đạt hiệu quả thiết thực nhất; vì những kiến thức từ thực tiễn sẽ giúp giảng viên tự tin và chủ động hơn trong bài giảng của mình, giúp cho bài giảng sống động hơn tránh tình trạng giáo điều, khô khan ./.

Thạc sĩ Trần Thị Quỳnh Nghi
                                                                              Phó trưởng Phòng TC-HC-QT

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh