Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của Trường Trần Trường Sinh (nay là Trường Chính trị tỉnh Bến Tre) mới thấy hết sự dày công vun đắp, sự gian khổ, hy sinh của các thế hệ cha, anh đi trước đã làm nên những thành tựu rực rỡ như ngày hôm nay. Trong đó, phải kể đến công lao to lớn của đồng chí Trần Trường Sinh - người thầy đầu tiên thành lập, lãnh đạo và rèn luyện cán bộ trưởng thành trong bom đạn qua các thế hệ cho đến hôm nay.
Sau những năm tháng địch càn quét, bắt bớ, giết chóc cán bộ đảng viên của ta, đầu năm 1945, tại Bến Tre địch phải phân tán lực lượng chi viện chiến trường miền Bắc, lực lượng còn lại co cụm quanh thị xã, thị trấn, đường giao thông liên tỉnh và các tỉnh lộ. Ta khôi phục lại các vùng nông thôn rộng lớn ở cù lao Minh và một phần cù lao Bảo. Các ngành, đoàn thể, các cấp đang có yêu cầu rất lớn về cán bộ để bố trí lại lực lượng trong tình hình mới. Tình hình trên, đòi hỏi phải có trường, lớp huấn luyện với quy mô lớn hơn mới đáp ứng kịp yêu cầu chuyển biến của cách mạng. Tỉnh ủy chủ trương khẩn cấp mở những lớp ngắn hạn để đào tạo cấp tốc lực lượng cán bộ cốt cán cho phong trào.
Tháng 3/1947, Tỉnh ủy quyết định thành lập Trường Cán bộ Việt Minh Bến Tre và khai giảng lớp học đầu tiên tại xóm Bần Mít, xã Thạnh Phong do đồng chí Trần Trường Sinh làm Giám đốc, giảng viên chính thức có đồng chí Lê Hoài Đôn, Dương Xuân Trọng và một số đồng chí trong Tỉnh ủy.
Đồng chí Trần Trường Sinh - Thầy Trần Trường Sinh người con ưu tú của đất Bắc, sinh năm 1914, tại xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Thầy Trần Trường Sinh, bí danh Việt Hùng, bút hiệu Lê Khanh, xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, rồi trở thành người lao động tha hương, đi kiếm sống ở Hải Phòng, Hà Nội, được giác ngộ và hoạt động cách mạng ở đây, được kết nạp Đảng năm 1941 tại Hà Nội. Mặc dù không phải xuất thân từ thành phần trí thức, được học hành khoa cử, nhưng thực tiễn đấu tranh cách mạng, trường “Đại học” lao tù, vốn tư chất thông minh, có tài hùng biện và ý chí phấn đấu kiên cường của người cộng sản đã biến thầy Trần Trường Sinh trở thành một tài năng xuất sắc về chính trị, lý luận, kể cả sự am tường và sắc sảo về văn hóa, nghệ thuật, báo chí...
Người tù Côn Đảo trở thành người dạy lý luận Mác-Lênin. Chứng kiến cảnh địa ngục trần gian, bút danh Lê Khanh viết: Đây Côn Lôn chồng chất bao hận thù; Nơi vùi chôn ngàn vạn kiếp tù nhân. Đó là bút hiệu của thầy Trần Trường Sinh khi bị địch bắt đày ra Côn Đảo và hai câu thơ này được Thầy viết trong bài thơ có tên là “Hận Côn Lôn” đăng trên tờ báo Hy sinh của tỉnh nhà, số xuân Mậu Tý 1948. Ngoài việc Thầy là chủ bút của báo Sự thật sau đổi thành báo Hy sinh, còn là Hội trưởng Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác.
Trong những ngày tháng lao dịch, khổ sai ở nhà tù Côn Đảo, Thầy không hề bị nao núng mà còn tỏ ra đầy khí tiết, là một đảng viên của chi bộ đặc biệt đã tổ chức đấu tranh chống khủng bố, vận động tù nhân thành lập Ban cứu tế ở các Ban để tương trợ giúp đỡ nhau khi đói khát, bệnh hoạn...
Lớp học lý luận chính trị rồi cũng được mở bằng nhiều hình thức khác nhau. Có lớp chuyên nghiên cứu lý luận về giai cấp, giai cấp vô sản, đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, vấn đề dân tộc, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Có lớp chuyên học tập và nghiên cứu về cách mạng dân tộc dân chủ. Ngoài ra, còn có nhiều lớp dạy các môn văn hóa, dạy ngoại ngữ và các tác phẩm ưu tú của văn học Việt Nam. Các lớp lý luận chính trị thường được mở vào buổi sáng, lớp văn hóa học buổi chiều. Mỗi buổi tối thì các đồng chí sinh hoạt văn nghệ bằng diễn kịch miệng, ngâm thơ, bình luận các tác phẩm văn học, kể chuyện đông tây kim cổ, tiểu thuyết, tuồng hát,... Chủ trương giáo dục đào tạo là “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng” của tổ chức Đảng trong nhà tù. Nội dung chủ yếu trong huấn luyện lúc bấy giờ là tập trung vào các lĩnh vực cụ thể của phong trào cách mạng nhằm vào phục vụ cho yêu cầu giành chính quyền, chuyển biến cách mạng sang giai đoạn mới.
Thầy Trần Trường Sinh của chúng ta, một người tù cộng sản từ Côn Đảo về đã trưởng thành về chính trị, lý luận và giỏi nghiệp vụ tuyên truyền, huấn luyện, báo chí nhờ xuất thân trong Trường Đại học đặc biệt là như thế đó.
Trích theo lời của đồng chí Nguyễn Hữu Minh trong bài viết nhớ nguồn, tập 2, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, năm 1993 rằng: “Trần Trường Sinh học Pháp không nhiều. Anh có nói: Tôi không có bằng cấp nào cả. Nhưng trường đời và trường đại học lao tù đã đào tạo anh thành một tài năng xuất sắc về chính trị, lý luận kể cả sự hiểu biết về văn hóa, nghệ thuật báo chí. Kiến thức và năng khiếu diễn giảng của anh thật tuyệt vời. Hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở tỉnh nhà anh là một ngôi sao. Bài vở anh ngồi nói miệng cho anh An và anh Cường đánh máy không phải viết sẵn, nói một mạch đánh máy một mạch là xong. Trên diễn đàn hay bục giảng anh có để xấp tài liệu cả dàn bài nữa, nhưng không bao giờ anh bị câu thúc phải dòm hoặc đọc lại tài liệu. Anh nói một mạch, mạch lạc, lưu loát, không thừa chữ, không thiếu câu, rất ít vấp văn phạm, trọng âm rất rõ ràng dễ hiểu và buộc người nghe phải chú ý, phải nhớ lấy”[1].
Điều đáng nói ở Thầy là từ bài giảng đến phương pháp giảng rất hay, rất thu hút người nghe, nội dung bài rất logic; quan trọng hơn là học viên của Thầy trình độ không đồng đều (có đồng chí học cỡ thành chung-Diplôm, có đồng chí sơ học-Cepci), nhưng khi đọc các đề cương bài giảng của thầy đều thán phục vì tính lôgic của vấn đề và tính hợp lý của bài giảng mà thầy đã nêu lên trong quá trình giảng dạy. Chính vì vậy, mọi người lúc bấy giờ gọi thầy là “ông thầy giáo đỏ”.
Công tác huấn luyện lúc bấy giờ do yêu cầu của cuộc kháng chiến nên thời gian đào tạo ngắn, số lượng người học ít, vã lại việc đào tạo các lớp học lưu động. Chính vì vậy, đòi hỏi các lớp phải gọn nhẹ.
Khi thầy Trần Trường Sinh về phụ trách tuyên huấn của Tỉnh ủy Bến Tre, đã mở các lớp khảo huấn cho cán bộ ở các huyện, các ngành. Sau đó, tiếp tục mở các lớp ở xã Định Thủy, rồi di chuyển xuống xã Ngãi Đăng (Mỏ Cày). Năm 1947-1948, Tỉnh ủy chủ trương mở Trường Cán bộ Việt Minh, do Thầy Trần Trường Sinh làm Giám đốc. Tất cả học viên trong tỉnh về đây học. Cán bộ giảng dạy có các đồng chí Lê Hoài Đôn, Dương Xuân Trọng và một số đồng chí trong Tỉnh ủy được thỉnh giảng. Đồng chí An và Cường giúp việc văn thư, đánh máy, in ấn tài liệu. Trường được xây cất tại Bần Mít, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Đến cuối năm 1947, trường mở được 3 lớp, đào tạo gần 200 cán bộ cho cấp tỉnh và chủ chốt cho cấp huyện. Trường Cán bộ Việt Minh thực chất là Trường Đảng, trực thuộc Tỉnh ủy, chính là tiền thân của Trường Đảng tỉnh, nay là Trường Chính trị tỉnh.
Thầy Trần Trường Sinh là một trong những người có công rất lớn trong việc đào tạo cho Đảng bộ Bến Tre một thế hệ cán bộ ưu tú. Chính các đồng chí được đào tạo sau này là những con chim đầu đàn của các ngành trong tỉnh. Một người con của Đảng với bầu nhiệt huyết cùng với tài năng, đức độ đã mãi để lại tên tuổi cho thế hệ hôm nay ở Bến Tre một sự cảm phục; một con người chỉ biết hiến thân cho cách mạng, vào tù ra tội, sinh Bắc tử Nam, trọn vẹn một tấm gương hy sinh, xả thân vì giai cấp và nhân dân của người cộng sản. Một người thầy dạy lý luận Mác-Lênin xuất sắc mà thế hệ sau cần phải học tập và noi theo...
Nhớ công lao to lớn của thầy Trần Trường Sinh, sau Đồng Khởi 1960, Tỉnh ủy đặt tên cho Trường Đảng tỉnh là Trường Đảng Trần Trường Sinh, cho đến năm 1985 mới đổi tên là Trường Đảng Trần Phú, nay là Trường Chính trị tỉnh. Trước sau Trường Đảng Trần Trường Sinh Bến Tre đã tồn tại hơn 20 năm. Điều đó cho thấy ảnh hưởng, vai trò và công lao to lớn của Thầy Trần Trường Sinh trong sự nghiệp giáo dục lý luận, sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng bộ Bến Tre.
[1] Lịch sử Trường Chính trị Bến Tre 1946-2017, lưu hành nội bộ, Bến Tre 2017, tr. 137.
ThS. Trần Văn Hòa
Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở