Bến Tre đi vào lịch sử dân tộc bằng thắng lợi của phong trào "Đồng khởi" năm 1960, đã chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, nó thể hiện sự sáng tạo, nhạy bén của Đảng bộ tỉnh trong lãnh đạo cách mạng. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bến Tre đã tiếp nối tinh thần cách mạng tiến công của Đồng khởi năm 1960, bằng cuộc “Đồng khởi mới” nhằm tạo ra xung lực tinh thần mới trong toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xóa bỏ nghèo nàn lạc hậu, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ngày 5-12-1997, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bến Tre khóa VI ra Nghị quyết số 07-NQ/TU về “Phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy lùi, xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu”.
Nghị quyết xác định “từ năm 1998 đến năm 2000 phát động toàn Đảng, quân, dân trong tỉnh dấy lên phong trào thi đua với một sinh khí mới thực hiện hoàn thành xuất sắc các mục tiêu kinh tế - xã hội Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng bộ tỉnh; đẩy mạnh tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, tạo một bước chuyển biến mới về cơ sở hạ tầng; ổn định và nâng cao đời sống nhân dân về mọi mặt, xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh chăm lo các đối tượng chính sách. Trật tự xã hội ổn định mang đậm nét truyền thống văn hóa của đất nước, con người Bến Tre”. [1]
Mục tiêu cụ thể như : Nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm trong 3 năm 1998-2000 đạt 9%, giá trị sản xuất nông - lâm – ngư tăng 6%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,5%, giá trị dịch vụ tăng 15,5%; Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 20%/năm; Cơ cấu GDP theo giá thực tế năm 2000: Nông- lâm- ngư 57,64%, công nghiệp-xây dựng là 13,72%, dịch vụ là 28,64%; Tốc độ phát triển dân số đạt 1,7% vào năm 2000; Số lao động chưa có việc làm giảm 8%, số hộ nghèo không quá 5% vào năm 2000; 100% số xã có lưới điện quốc gia, 80% số hộ dân được dùng điện. [2]
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU của Tỉnh ủy (1998-2000), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, phong trào “Đồng khởi mới” đã đạt kết quả bước đầu đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI tạo điều kiện đưa Bến Tre bước vào thời kỳ phát triển mới. Trong Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa VI) và một số nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện từ nay đến 2005 có xác định “một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU (khóa VI) từ nay đến 2005 nhằm tiếp tục đẩy mạnh cuộc “Đồng khởi mới” đi vào chiều sâu” trong đó khẳng định “ Tiếp tục đẩy mạnh cuộc “Đồng khởi mới” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế vào những năm đầu thế kỷ; chú trọng cơ cấu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VII Đảng bộ tỉnh”. [3] .
Vì vậy, trên tinh thần đó, tiếp theo các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, thứ VIII, thứ IX, thứ X, Tỉnh ủy Bến Tre tiếp tục duy trì phong trào thi đua “Đồng khởi mới” như:
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII (2000), xác định “Tiếp tục phát huy cao độ truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân, nêu cao ý chí tự lực tự cường, tư tưởng cách mạng tiến công, năng nổ, sáng tạo, quyết tâm vượt khó đi lên” [4] . Đảng bộ tỉnh cũng đề ra phương hướng nhiệm vụ từ 2001-2005 là “đẩy mạnh tốc độ phát triển nền kinh tế của tỉnh nhanh và bền vững hơn; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trước nhất là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn gắn với đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng; nâng cao hiệu quả xóa đói giảm nghèo, …” [5] .
Đại hội lần thứ VIII (2005) Đảng bộ tỉnh đề ra chủ trương: Tiếp tục phát huy mạnh mẽ phong trào “Đồng khởi”, khơi dậy liên tục, sâu rộng các phong trào thi đua thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, gắn kết hài hoà với phát triển văn hoá - xã hội và chăm lo đời sống nhân dân; nắm vững các mục tiêu, nhiệm vụ đột phá; giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, khai thác tối đa các nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn; coi trọng việc xây dựng mô hình và nhân rộng mô hình trong các lĩnh vực; nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, ý thức tự lực, tự cường, tư tưởng cách mạng tiến công, nỗ lực vượt khó ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi tổ chức và cá nhân, thúc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà. [6]
Ngày 03 tháng 6 năm 2008, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, với nội dung: “Phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới” trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nhằm dấy lên phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực, ra sức thi đua đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng đô thị và nông thôn không ngừng đổi mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.
Đại hội lần thứ IX (2010) Đảng bộ tỉnh đề ra chủ trương “phát huy tinh thần Đồng khởi, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, tích cực huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhanh, bền vững”. Đặc biệt giải pháp: “Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, đa dạng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường; gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân” [7] đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn.
Ngày 07 tháng 01 năm 2015, Tỉnh ủy Bến Tre ra Chỉ thị số 16-CT/TU về phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới” nhằm “biến tinh thần Đồng khởi trong đấu tranh giải phóng dân tộc thành phong trào “Đồng khởi” trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo ra xung lực chính trị mới, quyết tâm đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Chỉ thị xác định phải huy động tổng lực kể cả nguồn lực vật chất lẫn tinh thần từ sự hưởng ứng nhiệt tình của mọi người, mọi nhà, mọi cơ quan, đơn vị, mọi cấp, mọi ngành làm sức mạnh tổng hợp... Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt gắn với xây dựng văn hoá tạo nền tảng tinh thần và là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững; trong đó, tập trung vào 3 khâu đột phá đó là xây dựng đô thị, xây dựng nông thôn mới và xây dựng đảng. [8]
Ngày 28 tháng 01 năm 2016, Tỉnh ủy Bến Tre phát động phong trào “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp” với ba nội dung như “Đồng khởi khởi nghiệp”; “Phát triển doanh nghiệp”; “Đồng khởi thoát nghèo”.
Để đưa Nghị quyết của Đảng bộ vào cuộc sống, Ủy ban nhân dân tỉnh ra Chỉ thị số 02/CT-UB về việc phát động phong trào thi đua 3 năm (1998-2000); Chỉ thị 18-CT/TU về việc phát động học tập Bức thư của đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Thông tri số 3-TT/TU về việc tổ chức kỷ niệm lần thứ 55 ngày cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 12 tháng 4 năm 2006, về “Phát triển và nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2006 - 2010”; Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy, ngày 02/8/2011 về “Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”; Hướng dẫn số 61-HD/BTGTU, ngày 12/1/2015 tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 16-CT/TU; Ban Dân vận Tỉnh ủy có Kế hoạch số 93-KH/BDVTU, ngày 19/01/2015 về triển khai quán triệt Chỉ thị 16-CT/TU và Kế hoạch số 107-KH/BDVTU, ngày 06/4/2015 về tổ chức thực hiện Chỉ thị; Ủy ban nhân dân tỉnh có Kế hoạch số 758/KH-UBND ngày 14/2/2015 về phát động thi đua “Đồng khởi mới”; Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 05/8/2016 của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể, các sở, ngành có liên quan có xây dựng kế hoạch phát động và thực hiện phong trào “Đồng khởi mới”.
Từ khi có Nghị quyết 07/NQ-TU của Tỉnh ủy về “Phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy lùi, xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu”, Tỉnh ủy đã tổ chức học tập quán triệt Nghị quyết và các nội dung chương trình bồi dưỡng giáo dục, đồng thời chỉ đạo: “Các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị xây dựng chương trình hành động cụ thể, thiết thực” để “dấy lên phong trào hành động cách mạng sôi nổi đều khắp trong toàn xã hội..” [9] như thi đua giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo; thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hiệu quả.; thi đua đẩy mạnh xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, xây dựng khu dân cư tiên tiến, ấp văn hóa, bảo vệ môi sinh, môi trường, xóa cầu khỉ, phát triển giao thông nông thôn; phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống các tệ nạn xã hội; thi đua xây dựng nông thôn mới... Để đẩy mạnh cuộc “Đồng khởi mới” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế vào những năm đầu thế kỷ, Đảng bộ đã “chú trọng các mũi đột phá, tập trung tăng tốc, tạo sự chuyển dịch cơ cấu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VII Đảng bộ tỉnh” và “Phát huy nội lực kết hợp thu hút vốn đầu tư ngoài tỉnh; đẩy mạnh phong trào Nhà nước và nhân dân cùng làm trong xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; phát huy tích cực hiệu quả cơ sở hạ tầng hiện có, quan tâm huy động sức dân hợp lý theo từng địa phương, từng hộ. Trước hết cần tập trung xây dựng các công trình, dự án trực tiếp phục vụ sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế nhanh.” [10] . Trong thời kỳ mới, nhằm thực hiện thắng lợi phương châm của phong trào “Đồng khởi mới” là “đẩy mạnh phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt gắn với phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội” [11] Đảng bộ đã chỉ đạo ra sức “Xây dựng thành phố Bến Tre đạt tiêu chí loại II, Thị trấn Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày trở thành đô thị loại IV, 20 trung tâm xã đạt chuẩn đô thị loại V theo quy hoạch; tập trung thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình Xây dựng nông thôn mới; tập trung xây dựng hệ thống chính trị [12] .
Thực hiện phong trào thi đua “Đồng khởi mới” Bến Tre đã đạt nhiều kết quả quan trọng như:
Về cụ thể hóa, tổ chức thực hiện Chỉ thị: Các ban, ngành, đoàn thể các cấp đều xây dựng kế hoạch, đăng ký thực hiện phong trào thi đua “Đồng khởi mới” tạo chuyển biến khá tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, yếu tố tinh thần “Đồng khởi” được vận dụng, có lan tỏa đối với cán bộ, đảng viên trong thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh và các phong trào khác... [13]
Về kết quả thực hiện:
Một là, thực hiện phương châm của phong trào thi đua “Đồng khởi mới”: Các cấp, các ngành chủ động xây dựng kế hoạch tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phần công việc đăng ký cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội cấp mình và Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh với tinh thần thi đua “Đồng khởi mới” một cách toàn diện; Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội cấp mình, gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về xây dựng Đảng và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, kiện toàn sắp xếp tổ chức cán bộ...; Lãnh đạo triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 11-CT/TU, chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được quan tâm củng cố.
Hai là, kết quả thực hiện các khâu đột phá
Xây dựng thành phố Bến Tre - đô thị loại II đạt 46/59 tiêu chí. Xây dựng 03 thị trấn – đô thị loại IV: Thị trấn Ba Tri và Bình Đại đã được công nhận đô thị loại IV; thị trấn Mỏ Cày (huyện Mỏ Cày Nam) đạt 36/59 tiêu chí. Đã công nhận 6/20 đơn vị đạt tiêu chí đô thị loại V. Các trung tâm xã An Thạnh - Mỏ Cày Nam, Lộc Thuận – Bình Đại đã lập đề án, hoàn thành các bước đang đề nghị công nhận đô thị loại V trong năm 2017.
Phong trào xây dựng nông thôn mới được duy trì thường xuyên. Hiện nay có 130/147 xã đạt tiêu chí quy hoạch; 21 xã đạt 19 tiêu chí, 9 xã đăng ký xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017.
Cấp ủy các cấp quan tâm công tác lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị
Bên cạnh những thành tựu đạt được trong thực hiện phong trào thi đua “Đồng khởi mới” còn một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền, cổ vũ tổ chức phong trào thi đua “Đồng khởi mới” chưa thường xuyên, liên tục, thiếu kiểm tra, đôn đốc, tinh thần “Đồng khởi” chưa được phát huy mạnh mẽ, đồng bộ, liên tục; xây dựng Đảng có chuyển biến nhưng chưa đồng đều, còn nhiều cơ sở yếu kém, nội bộ mất đoàn kết, người đứng đầu chưa thể hiện vai trò gương mẫu; thực hiện đột phá về xây dựng đô thị, nông thôn mới còn chậm, kết quả các tiêu chí không đều giữa các địa phương; công tác phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội chưa đồng bộ...
Để phong trào thi đua “Đồng khởi mới” đi vào thực chất, cần tập trung một số giải pháp sau:
Một là, các cấp, các ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang tiếp tục quán triệt sâu tinh thần, nội dung của phong trào thi đua “Đồng khởi mới”.
Hai là, tập trung lãnh đạo thực hiện tốt ba khâu đột phá, trước hết phải tạo được xung lực và quyết tâm chính trị, sự lan tỏa trong từng hành động, từng phong trào phát triển chung của tỉnh.
Ba là, tập trung lãnh đạo triển khai tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, trọng tâm là thực Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh; Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy.
Bốn là, tập trung lãnh đạo thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chú trọng đổi mới cách nghĩ, cách làm trên tinh thần chủ động, tiến công, sáng tạo, linh hoạt,..
Năm là, triển khai tốt công tác tuyên truyền trong hệ thống chính trị và trong nhân dân. Trên cơ sở xác định những nhiệm vụ cụ thể của phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, ngành tuyên giáo, dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia....
Tóm lại, từ năm 1997 đến năm 2017, Đảng bộ và nhân tỉnh Bến Tre đã “đồng lòng, đồng sức, đồng loạt” cùng thực hiện phong trào “Đồng khởi mới”, phát triển kinh tế - xã hội, làm phong phú đời sống văn hóa, vật chất, tinh thần nhân dân, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ trong hoàn cảnh mới. Với những thành tựu, cũng như hạn chế mà Đảng bộ tỉnh Bến Tre rút kết trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua “Đồng khởi mới” có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề, động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ở giai đoạn tiếp theo, góp phần xây dựng Bến Tre ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Chú thích:
[1] [9] Tỉnh ủy Tỉnh Bến Tre: Nghị quyết 07-NQ/TU, ngày 5 tháng 12 năm 1997, Về việc phát động phong trào Đồng khởi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đẩy lùi nghèo nàn và lạc hậu, tr3; tr4
[2] Ủy ban nhân dân Tỉnh Bến Tre: Kế hoạch số 159/KH-UB, ngày 12 tháng 2 năm 1998, thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU của Tỉnh ủy .
[3] , [10] Theo Tỉnh ủy Bến Tre: Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa VI) và một số nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện từ nay đến 2005, tr 12; tr13
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần VII, 2000, tr50.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần VII, 2000. tr47
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ VIII, tháng 11năm 2005, tr44.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ IX, tháng 11 năm 2010, tr 42
[8], [11] Tỉnh ủy Tỉnh Bến Tre: Chỉ thị số 16-CT/TU, ngày 7 tháng 1 năm 2015, về việc phát động phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Bến Tre Đồng Khởi, tr1;tr2.
[12] Theo Ủy ban nhân dân Tỉnh Bến Tre: Kế hoạch số 758/KH-UBND, ngày 14 tháng 2 năm 2015, Về phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới” , tr2,3.
[13] [14] Tỉnh ủy Tỉnh Bến Tre: Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát động phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”, tr1; tr2-5 .
Nguyễn Thị Thùy Giao
Khoa Xây dựng Đảng