Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về gia đình

Gia đình là một thiết chế xã hội, dựa trên cơ sở kết hợp những thành viên khác giới, thông qua hôn nhân, để thực hiện các chức năng sinh sản, tái sản xuất con người; chức năng nuôi dưỡng, giáo dục hình thành nhân cách; chức năng thỏa mãn nhu cầu tinh thần, tâm lý - tình cảm; chức năng kinh tế,...là “cái nôi thân yêu” che chở và nuôi dưỡng để hình thành nhân cách con người. Ở bất kỳ giai đoạn nào, gia đình đều giữ vai trò là tế bào của xã hội, là một trong những nhân tố quyết định sự hưng thịnh của quốc gia.

Gia đình là cơ sở của một xã hội, do đó cần nhìn nhận gia đình như một thiết chế hội xã đặc thù, nó vừa là sản phẩm chịu sự tác động của các chuyển biến mạnh mẽ, vừa liên tục của xã hội, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ thảo luận dự thảo luật hôn nhân và gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng, và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt. Tục ngữ ta có câu “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Muốn thuận vợ thuận chồng thì lấy nhau phải thật sự yêu đương nhau” (1).

Thế nào là một gia đình tốt? Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh gia đình tốt là một gia đình trên thuận, dưới hòa, không thiên vị “Về tinh thần, thì phải trên thuận, dưới hòa không thiên tư, thiên ái. Bỏ thói mẹ chồng hành hạ nàng dâu, dì ghẻ ghét bỏ con chồng. Về vật chất, từ ăn mặc đến việc làm phải ăn đều, tiêu song, có kế hoạch, có ngăn nắp” (2).

Gia đình là nơi nuôi dưỡng, giáo dục để hình thành nhân cách con người, nhân cách con người tốt hay xấu điều do sự giáo dục trong gia đình. Tuy nhiên, trong giáo dục cần có sự kết hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, trong giáo dục nếu thiếu sự giáo dục trong gia đình hoặc giáo dục trong gia đình không phù hợp với yêu cầu xã hội sẽ hạn chế việc giáo dục, vì vậy cần kết hợp gia đình với nhà trường và xã hội trong giáo dục. “Tôi cũng mong các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường giúp nhà trường giáo dục và khuyến khích con em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân” (3). Trong gia đình cha mẹ là người có ảnh hưởng lớn đối với trẻ, vì vậy Người dạy “Tôi mong cha mẹ học trò hết sức giúp đỡ nhà trường trong việc giáo dục con em chúng ta cho có kết quả tốt đẹp” (4).

Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ Đảng ngành Giáo dục tháng 6 năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ Đảng trong ngành Giáo dục “Phải mật thiết liên hệ với gia đình học trò. Bởi vì giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn” (5).

Giáo dục trong gia đình, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh mỗi người nên nhắc nhở, dạy bảo nhau “Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo” (6).

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 4 - 5 - 2001 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ/TTg lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam nhằm đề cao trách nhiệm của các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể nhân dân thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ và hạnh phúc.

Trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vấn đề xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ và hạnh phúc được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Ngày 21 - 2 - 2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 49/CT - TW về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Trong Cương lĩnh năm 2011, Đảng ta đã chỉ rõ “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách” (7).

Ngày 29 - 5 - 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 629/QĐ - TTg về “Phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam Đảng và Nhà nước ta đã chỉ rõ “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc là một trong các mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, đồng thời cũng lá trách nhiệm của mọi gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, tuy nhiên trong thực tế hiện nay tình trạng ly hôn trong xã hội ngày càng gia tăng, gây bất ổn trong cuộc sống gia đình và kéo theo sự bất ổn trong xã hội. Tình trạng bạo lực gia đình và ngược đãi trẻ em ngày càng gia tăng, nhiều gia đình vô trách nhiệm trong chăm sóc con cái, tình trạng con cái ngược đãi cha mẹ ngày càng phổ biến.

Trên địa bàn tỉnh Bến Tre, trong những năm gần đây tình trạng bạo lực gia đình có chiều hướng ngày càng gia tăng. Trong năm 2013, phát hiện 465 vụ bạo lực gia đình, trong đó bạo lực tinh thần 222 vụ, bạo lực thân thể 174 vụ, bạo lực kinh tế 58 vụ, bạo lực tình dục 11 vụ.

Gần đây trên địa bàn tỉnh Bến Tre xảy ra tình trạng con ruột thuê người chém cha ở xã Hưng Nhượng - huyện Giồng Trôm (do mâu thuẫn trong gia đình - cha mẹ ly hôn), con ruột dùng xăng đốt cha ruột ở xã Bình Thành - huyện Giồng Trôm (do tranh giành đất đai).

Bạo lực gia đình, ngược đãi cha mẹ, ly hôn,…dẫn đến cuộc sống gia đình bất ổn, xã hội bất ổn. Vì vậy, mỗi gia đình cần phải xây dựng gia đình thật hạnh phúc, có như vậy xã hội sẽ ổn định.

Để hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, ngược đãi trẻ em và người cha mẹ, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã thành lập Ban chỉ đạo công tác gia đình và ban hành Quyết định số 104/QĐ-UBND ngày 16/1/2014 về “Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo công tác gia đình”.

Tóm lại, gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội tốt, để gia đình tốt thì phải xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ và hạnh phúc. Xây dựng gia đình là trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình, đồng thời cũng là trách nhiệm của toàn xã hội. Gia đình phát triển bền vững là nhân tố quan trọng góp phần ổn định xã hội, đồng thời cũng thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

_____________________________________________

(1): Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2000, trang 531 – 532(2): Sđd, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội – 2000, trang 337
(3), (4), (5): Sđd, tập 8, trang 81, 251, 395
(6): Sđd, tập 4, trang 45
(7): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, trang 77

Thạc sĩ Võ Thị Thúy Liễu
                                                         Phòng NCKH - TT - TL

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh